Khu Vườn Mùa Hạ
Giới thiệu sách Khu Vườn Mùa Hạ – Tác giả Kazumi Yumoto
Khu Vườn Mùa Hạ
Khu Vườn Mùa Hạ xoay quanh tình bạn kì lạ giữa bộ ba học trò và cụ già cuối phố. Wakabe, sống chung với mẹ trong chung cư và luôn khao khát một người bố, là một cậu bé khá kích động và hơi kì dị. Yamashita mập mạp nhưng tốt bụng, hiền lành, là con của một ông chủ tiệm cá và luôn mong muốn lớn lên như cha mình – trở thành một người chủ tiệm cá, dù mẹ cậu chẳng mấy ủng hộ.
Nhân vật tôi, Kiyama, lại sống trong một gia đình khá phức tạp, bố cậu cứ mãi đi làm và mẹ cậu bé thì suốt ngày chìm ngập trong thuốc lá, rượu chè nhằm trốn tránh thực tại. Và một ông cụ không tên, gầy đét, đầu hói, thường mặc áo sơ mi màu nâu, đeo thắt lưng to để có thể mặc được cái quần rộng lùng thùng màu xám tro, đi giày thể thao giống học sinh tiểu học. Cụ sống tách biệt với mọi người, chẳng nói chuyện với ai và dường như cũng chẳng ai buồn nói chuyện với cụ.
Câu chuyện được kể một cách rõ ràng, yên tĩnh. Từ trò chơi thám tử, bọn nhóc vô tình bước vào cuộc sống của ông cụ lúc nào không hay. Và ông cụ cũng chính là người giúp bọn trẻ hiểu được những thắc mắc của mình. Các cậu bé giúp ông cụ đổ rác, sửa nhà, trồng hoa, giặt và phơi quần áo… Bù lại chúng được ông cụ dạy gọt lê, viết chữ Hán, và trên hết chúng hiểu được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang nhiều ý nghĩa.
Bọn nhóc đã trưởng thành từng ngày. Kiyama, từ một đứa lúc nào cũng nghĩ mình hơi yếu thật nay đã dám đương đầu đánh nhau với một đứa trẻ khác để bảo vệ bạn mình, ngăn cản mẹ không uống rượu và tự tay gọt những trái lê ngọt ngào nhất cho mẹ. Yamashita đã không còn cảm thấy mặc cảm về thân hình quá khổ của mình, không còn cảm thấy tự ti về ước mơ trở thành ông chủ cửa hàng bán cá nữa. Wakabe đã có thể nói thật với mọi người về cha mình, không phải là một người lính cứu hỏa hay một thám tử như cậu hay kể… mà là ông ấy đã có một gia đình và những đứa con khác.
Mỗi cậu bé có một tính cách, hoàn cảnh khác nhau nhưng qua mùa hè ấy, bọn nhóc đã thay đổi và có những bài học cho bản thân mình. Đó có thể là việc chấp nhận một người khác, một sở thích trái ý mình, đó có thể là sự dũng cảm vùng dậy hay định đoạt một ước mơ, hay chí ít là cũng có thể là đi tiểu một mình trong đêm.
Ông cụ cũng đã thay đổi. Từ chỗ chỉ ngồi nhà xem tivi, ăn những thức ăn nhanh, ông đã cùng bọn trẻ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, đi chợ mua thực phẩm tươi bổ sung. Thời gian ông cụ, nhân vật đi suốt chiều dài câu chuyện không hề được nêu tên ấy, thực – sự – sống cũng chỉ ngắn ngủi như thời khắc bông pháo hoa bung xòe trên bầu trời mùa hạ, nhưng nó đủ sức làm bừng sáng cả câu chuyện. Ông cụ giống như những bông cúc cánh bướm nở trái mùa, dù thân cây có ngắn hơn, mảnh dẻ hơn nhưng vẫn vượt qua gió bão để trổ cành đâm lá.
Kết thúc câu chuyện, khi mùa hạ đi qua nhường chỗ cho mùa thu, khi khu vườn ngập tràn những cánh hoa, ông cụ đi xa mãi mãi thì bọn trẻ cũng không gặp nhau nữa. Nhưng cả bốn đều không tiếc nuối, vì ai cũng tìm thấy một nơi để neo đậu trong cuộc đời mình. Bọn trẻ đã hiểu thế nào là cái chết, điều mà chúng đã cố tìm hiểu trước đây, đồng thời lần đầu tiên cả đám thấm thía nỗi buồn khi mất đi người thân. Bọn trẻ đã không còn thấy sợ hãi về thế giới bên kia nữa vì trong thế giới đó có người quen của bọn trẻ ở đó, và điều đó chẳng phải là động viên tụi nó hay sao?
Cuộc sống này còn nhiều niềm vui đang chờ đón ta từng ngày, đơn giản chỉ như việc chờ đợi một bông hoa nở, xem pháo hoa nở giữa bầu trời mùa hạ, kể hàng tá câu chuyện không đầu không đuôi với một người sẵn lòng lắng nghe mình. Cuộc sống dù ngắn ngủi nhưng nếu ta biết tận dụng nó thì nhất định ta sẽ hạnh phúc
Cuốn sách có vẻ như là dành cho con nít khi viết về những cậu học sinh, thế nhưng cuốn sách cũng có những suy nghĩ rất người lớn. Đây không phải là cuốn sách dành cho trẻ con, cũng không phải là dành cho người lớn, mà nó là cuốn sách dành cho mùa hè. Truyện không ủy mị, gai góc, nội dung đơn giản những lại không hề dễ đọc, có lẽ là do cách diễn đạt của người Nhật. Những trang viết luôn bừng lên những cảm xúc đẹp đẽ, lạ lẫm của từng nhân vật, có những lập dị nhưng đáng yêu vô cùng, có những ngẫm nghĩ trẻ thơ nhưng chẳng hề ngây ngô.
Những tưởng mùa hè năm lớp Sáu sẽ trôi đi trong êm ả, Kiyama, Yamashita và Wakabe đều không ngờ chúng đang đứng trước ngưỡng của cuộc đời. Cuộc gặp gỡ với “ông cụ”, người suốt câu chuyện không hề được nêu tên, đã đem đến cho ba đứa trẻ một tình bạn kỳ lạ. Có lẽ, đó là lần đầu tiên chúng kết bạn với người lớn, và đó là một mối quan hệ bình đẳng theo đúng nghĩa. Ba đứa giúp ông sửa nhà, chăm sóc vườn hoa, giặt và phơi quần áo… bù lại chúng được ông dạy gọt lê, dạy học chữ Hán, và trên hết, chúng học được rằng việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang ý nghĩa. Ba đứa trẻ dần phải tự đối mặt với những thắc mắc của chính bản thân chúng về cuộc sống, những điều mà, có khi sống gần trọn cuộc đời người ta vẫn chưa hiểu nổi.
Kazumi Yumoto sinh năm 1959 tại Tokyo và theo học khoa sáng tác tại Đại học Âm nhạc Tokyo. Trong khoảng thời gian đó, cô từng viết lời cho các vở opera, kịch nói trên sóng phát thanh và truyền hình. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của của Kazumi – Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Năm 1996, Khu vườn mùa hạ được đề cử giải thưởng văn học thiếu nhi Đức (German Juvenile’s Literature Prize), và năm 1997 giành giải văn học thiếu niên danh giá hàng đầu của Mỹ là Boston Globe Horn Award. Cuốn tiểu thuyết từng được dựng thành phim năm 1996. Kazumi Yumoto hiện đang sống và sáng tác tại Tokyo.
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Khu Vườn Mùa Hạ
- Công ty phát hành: Nhã Nam
- Tác giả: Kazumi Yumoto
- Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Văn Học
- Loại bìa: Bìa mềm
- Số trang: 230
2. Đánh giá Sách Khu Vườn Mùa Hạ
1 Đây là cuốn sách đạt Boston Globe horn award 1997 nên mình rất kỳ vọng khi đọc. Và thực sự, nó làm mình rất thích thú. Là một cuốn sách viết về những đứa trẻ, nhưng người lớn đọc lại vô cùng phù hợp. Vừa hồi niệm, vừa suy ngẫm.
Ba đứa trẻ, mỗi đứa có tính cách riêng, nhưng đều là những đứa bé đáng yêu. Ba đứa đã trải qua một mùa hè với thật nhiều trải nghiệm, cùng người bạn lớn tuổi của mình. Nhờ có ba thằng nhóc mà lão già và căn nhà nhỏ trở nên tràn trề sức sống, và lão cungz chỉ cho bọn nhỏ làm vườn, bổ dưa hấu, rồi xem cả pháo bông…
Một cuốn sách khiến người ta muốn đọc mãi
2 Nền văn học Nhật thật tuyệt làm sao. Đây là một trong những cuốn sách mình đọc đi đọc lại trên 3 lần, mùa hè đến mình lại nghĩ đến nó đầu tiên, câu chuyện nhẹ nhàng, cốt truyện hết sức giản dị thậm chí là không mấy cuốn hút: 3 thằng nhóc suốt ngày rình rập nhà một ông già sống neo đơn chỉ để xem ông ta chết thế nào. Giong như 2 cuốn còn lại “Organ mùa xuân”, “Mùa thu của cây dương” Kazumi yumoto vẫn cứ kể chuyện một cách chậm rãi, bình tĩnh nhưng lại có sức mê hoặc người đọc. Gấp cuốn sách lại thỉnh thoảng hình ảnh 3 cậu bé với ông lão cứ hiện ra với chút nắng, chút gió, chút nhiệt thành và hương vị của mùa hè tươi trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên với con đường và sự lựa chọn riêng nhưng hơn hết chúng biết chúng muốn gì, cần gì và sống như thế nào trong tương lại.
3 Câu chuyện bắt đầu bằng việc kể về ba cậu bé Kiyama, Yamashita và Wakabe với những tò mò và thắc mắc trẻ thơ về “cái chết” – cái thế giới khác hẳn nơi mà cả ba đang sinh sống. Một thế giới của bóng tối, những hồn ma vô cảm không hề “ để tâm xem chúng ta sợ điều gì, quan tâm đến điều gì” mà chỉ đơn giản là “ sấn tới mà thôi”. Và để làm thỏa mãn trí tò mò của mình cả ba quyết định sẽ theo dõi một ông cụ đã già gần đó để xem lúc chết ông sẽ chết như thế nào, ông sống cô độc nên nếu khi chết ông muốn nói lời trăn trối ai sẽ là người nghe ông. Một câu chuyện với nội dung thật lạ nếu chỉ nghĩ đó chỉ là câu chuyện dành cho trẻ em. Bởi nó đề cập đến những điều mà có lẽ “ có khi sống gần trọn cuộc đời ta vẫn chưa hiểu nổi”. Câu chuyện xoay quanh tình bạn kỳ lạ giữa ông cụ và ba cậu bé, lúc đầu là sự e dè và sau đó là với những sự chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Một câu chuyện với những nội dung thật giản dị, đời thường nhưng lại khiến ta có thể cảm nhận được nhiều điều thật sâu sắc.
4 Về nội dung, mình ít khi đọc văn học Nhật, vì không hợp gu cho lắm, nhưng riêng quyển này thì mình thật sự thích. Đọc cũng 2,3 năm trước rồi, còn nhớ lúc đó đọc xong thích quá nên lúc đề speaking yêu cần nói về một quyển sách, mình chọn quyển này luôn. Nội dung rất ý nghĩa, kể về mùa hạ với những trải nghiệm đặc biệt cùng ông lão xa lạ mà từ đó những cậu học trò trở nên trưởng thành hơn. Mình bị ấn tượng bởi mấy câu văn có đôi phần triết lí, đọc vào là cảm xúc dạt dào, khiến người ta phải suy ngẫm. Tình tiết không phải kiểu li kì lắm, nhẹ nhàng, êm ả nhưng cũng không kém phần cuốn hút. Đọc xong gấp sách lại cảm thấy lòng bình yên thế nào í. Về hình thức thì chỉnh chu, chất giấy vàng đọc không mỏi mắt, mình rất ưng loại giấy này.
5 Đây là một trong những cuốn sách mình đọc đi đọc lại trên 3 lần, mùa hè đến mình lại nghĩ đến nó đầu tiên, câu chuyện nhẹ nhàng, cốt truyện hết sức giản dị thậm chí là không mấy cuốn hút: 3 thằng nhóc suốt ngày rình rập nhà một ông già sống neo đơn chỉ để xem ông ta chết thế nào. Giong như 2 cuốn còn lại “Organ mùa xuân”, “Mùa thu của cây dương” Kazumi yumoto vẫn cứ kể chuyện một cách chậm rãi, bình tĩnh nhưng lai có sức mê hoặc người đọc. Gấp cuốn sách lại thỉnh thoảng hình ảnh 3 cậu bé với ông lão cứ hiện ra với chút nắng, chút gió, chút nhiệt thành và hương vị của mùa hè tươi trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên với con đường và sự lựa chọn riêng nhưng hơn hết chúng biết chúng muốn gì, cần gì và sống như thế nào trong tương lại.
Review sách Khu Vườn Mùa Hạ
“Khu vườn mùa hạ” – Cuốn sách đưa ta trở về tuổi thơ
Đọc sách vốn là niềm đam mê bất tận của tôi, được hòa mình vào từng con chữ, dõi theo từng bước chân nhân vật, được chìm đắm trong thế giới nội tâm, cuộc sống của họ một cách gần gũi, chân thật, tôi như thấy mình được sống thêm cuộc đời khác nữa.
Niềm cảm hứng và những điểm nổi bật liên quan đến văn hóa Nhật
Những tác phẩm văn học Nhật luôn mang lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc, giọng văn nhẹ nhàng lại sắc sảo, thấm sâu vào từng xúc cảm người đọc. Đọc mà thấy thấm thía,đọc mà thấy cảm động, đọc mà thấy cái cảm xúc xao xuyến kỳ lạ khó tả, khó miêu tả thành lời. “Khu vườn mùa hạ” chính là bằng chứng tiêu biểu nhất cho những quyển sách mang một ý nghĩa tinh thần trong trẻo, sâu lắng và để lại những cảm xúc thật sự khó tả đối với bản thân tôi. Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi thực sự muốn ghi lại hết những cảm xúc và suy nghĩ, những rung động của mình về cuốn sách đặc biệt này – một cuốn sách kể về tuổi thơ và bài học cuộc sống không thể nào hay hơn!
Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa) là một câu chuyện cảm động, giàu chất nhân văn. Tham gia vào một trò chơi thám tử, các cậu bé dần dần khám phá ra cuộc đời không chỉ của người khác mà còn của chính mình.
Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Kazumi Yumoto (Nhật Bản). Năm 1922, khi vừa mới ra đời, Khu vườn mùa hạ đã nhanh chóng giành được thành công ở trong và ngoài nước. Năm 1996, được đề cử Giải thưởng văn học thiếu nhi Đức và năm 1997, giành giải văn học thiếu niên danh giá hàng đầu của Mỹ là Boston Globe Horn Award. Tác phẩm cũng đã được dựng thành phim năm 1996.
Tuổi thơ tươi đẹp
Thực ra, nội dung cuốn sách “Khu rừng mùa hạ” cũng rất đơn giản, giản dị tới mức bình dị. Nó chỉ là câu chuyện kể về ba cậu bé – những cậu bé luôn thắc mắc về những thứ xung quanh mình, luôn trăn trở suy nghĩ về những khái niệm trừu tượng không thể có những lời giải thích rõ ràng như: Cái chết là như thế nào, nó có đáng sợ như người ta thường nói hay không; Ma quỷ là những sinh vật ra sao? Và vào một dịp khéo léo và tình cờ,ba cậu bé gặp một cụ già khá khó tính với một mục đích vô cùng “đặc biệt” … muốn xem người già khi chết sẽ như thế nào! Nhưng rồi dần dần, khi ba cậu đã thân thiết với ông cụ ấy hơn, mục đích kỳ dị của các cậu cũng biến mất theo, thay vào đó các cậu nhận được những bài học rất đặc biệt về cuộc sống. Ba cậu bé giúp ông cụ sửa nhà, chăm sóc vườn hoa, giặt và phơi quần áo… Được ông cụ dạy cho gọt lê, học chữ Hán và học được nhiều điều lạ: ” Việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang nhiều ý nghĩa” . Với tiết tấu nhẹ nhàng, nhịp truyện bình thản, chậm rãi và cốt truyện đơn giản bình dị, tác giả dẫn dắt người đọc tới một thế giới kỳ bí nhưng cũng thật quen thuộc, đối với tất cả chúng ta – những con người đều có tuổi thơ dù tốt đẹp dù không, một tuổi thơ thật đẹp đẽ, trong sáng dù ít dù nhiều.
Bài học cuộc sống kỳ lạ và đầy ý nghĩa
“Khu vườn mùa hạ không chỉ mang ý nghĩa tường thuật, kể lại câu chuyện tuổi thơ thật kỳ lạ và khác biệt của các cậu bé, mà nó còn để lại ấn tượng sâu đậm với người đọc bởi những bài học trong giai đoạn phát triển trong cuộc đời mỗi con người, từ trẻ con trở thành thiếu niên ( dậy thì ) với những bất ổn trong tâm lý và ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách con người. Bởi vì nó được xen lẫn với những câu chuyện của người lớn, những người từng trải đời với những ký ức xót xa, đau đớn, dằn vặt: Đó là câu chuyện ông cụ phải nhẫn tâm giết một người phụ nữ đang mang thai trong thời chiến để giữ sự an toàn cho chính bản thân. Một câu chuyện tàn nhẫn và đau lòng đến kinh người – một lúc giết hai sinh mạng, phải “diệt cỏ tận gốc” sinh vật cùng giống loài với mình. Qua đó ta thấy rõ ràng sự khắc nghiệt, sự nhẫn tâm, sự bất đắc dĩ làm trái lương tâm chiến tranh mang đến cho bao người. Hay đó là câu chuyện ông cụ phải chia tay người vợ thân yêu của mình vì không thể chịu đựng được hơn nữa sự dằn vặt trước tội ác một lúc giết hai mạng người của chính mình. Những nhớ nhung, mất mát khi chia tay vợ khiến ông cụ suy sụp nhưng cũng phải cố gắng sống tiếp… cho đến khi gặp ba cậu bé, những cậu bé ngây thơ, tinh nghịch nhưng cũng không kém phần tốt bụng và biết cảm thông, suy nghĩ vì người khác. Ông cụ cũng từ đó đã được an ủi phần nào, cũng phần nào vơi đi nỗi lòng của mình khi có sự sẻ chia và làm bạn của ba thiên thần nhỏ.
Cái chết – sự ám ảnh đậm sâu
Trong truyện, ngoài khía cạnh về kỉ niệm tuổi thơ, những bài học ý nghĩa trong cuộc sống của ông cụ với ba cậu bé, tác giả còn đề cập tới một khái niệm mơ hồ nhưng không kém phần bí ẩn, gợi sự quan tâm và tính tò mò của độc giả và thường mang theo những cảm xúc tiêu cực: Cái chết… Quan niệm cái chết ở mỗi người là khác nhau, có người cho rằng: chết là biến mất hoàn toàn nhưng người khác lại nghĩ: chết không phải là kết thúc, người tốt sẽ được sống trên thiên đường tươi đẹp, còn người xấu sẽ phải sống nơi địa ngục tăm tối. Nhưng gộp chung lại, cái chết sẽ khiến ta không thể nhìn thấy người đó nữa, cái chết mang theo những cảm xúc tiêu cực như: buồn đau, sợ hãi, chán chường, hết hi vọng… điều mà ai cũng phải lo rằng sẽ đến với mình. Người ta sợ cái chết không phải nó gắng liền với nơi đáng sợ như địa ngục, ma quỷ; không phải vì sự đau đớn cũng không phải là sự tiếc nuối nếu như được tồn tại thêm một chút nơi cõi trần, mà nó chính là sự mất mát. Nói đến sự mất mát của cái chết, một quyển sách tôi đọc nữa cũng có quan niệm tương tự: Chết chính là sự mất mát. Tưởng tượng rằng hình bóng người đó sẽ không còn nữa, giọng nói, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ của người đó tất cả đều tan biến vào hư không và ta sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy người ấy dù chỉ một lần, điều đó khiến chúng ta đau khổ và mất mát biết bao nhiêu, sự mất mát đó không gì trên đời có thể sánh nổi.
“Thế nào thì…Nếu chết cô độc thì…
Sẽ như thế nào nhỉ. Không bạn bè, cũng không gia đình, nếu muốn nói lời trăng trối cũng chẳng có ai nghe. Có lẽ những lời đó sẽ hòa vào trong không khí căn phòng và nhanh chóng tan biến. Giống như chẳng nói gì. Cả những lời như “Tôi không muốn chết”, “Khó chịu quá”, “Đau quá”, “Khổ quá” hay “Tôi đã rất hạnh phúc” cũng không được chia sẻ”.
Nhưng con người ai cũng có mệnh cả và cái chết chính là điều tất yếu sẽ đến với họ. Điều duy nhất ta có thể làm là: Chấp nhận thôi, chấp nhận một cách bình tĩnh và đừng dằn vặt gì cả. Người đó, tuy đã biến mất rồi nhưng những hình ảnh,cảm xúc của ta đối với họ sẽ là vĩnh cửu, không thể suy chuyển, xê dịch đi đâu được. Con người ta thường sợ rằng khi họ mất đi, họ sẽ vĩnh viễn biến mất và biến mất hoàn toàn. Trong số những người đó chắc chắn là có tôi, tôi sợ điều đó lắm, sợ điều đó thực sự xảy ra với mình, sợ mình bị những người thân yêu lãng quên và đánh mất những điều quý giá nhất! Nhưng dù sao, đó là những điều dù sớm dù muộn cũng sẽ đến, tôi có thể làm gì nhiều hơn ngoài việc chấp nhận? Và tôi cũng tự an ủi mình, thay đổi suy nghĩ: Hãy mạnh mẽ lên nào, chỉ cần mình sống hết mình vì mọi người, sống hết mình và dõi theo đam mê của bản thân thì không còn gì để nuối tiếc, không còn sợ bị lãng quên nữa! Đó là những mục tiêu và động lực để tôi được sống hết mình ngây bay giờ và cả trong tương lai.
Kết thúc mở để lại tâm trạng hoài niệm
Thực sự thì phần cuối truyện bao giờ cũng là phần gây ấn tượng mạnh nhất và là phần cảm động nhất. Kết truyện chính là ông cụ qua đời trong sự buồn đau tột cùng của ba cậu nhóc. Ông ra đi đột ngột, không nhắn gửi, không báo trước, lặng lẽ, nhẹ nhàng, thanh thản như chỉ là trải nghiệm một giấc ngủ vĩnh hằng. Tác giả không dùng từ ngữ của mình để miêu tả tâm trạng từng cậu bé nhưng qua hành động của các cậu, ta có thể cảm nhận nó ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi cậu như thế nào. Sự miêu tả nhẹ nhàng, thanh thản, tự nhiên của tác giả tuy có tác dụng an ủi đôi chút nhưng vẫn khiến tôi rưng rưng và cảm động nghẹn ngào: Cảm động trước sự nhân văn, những cái tốt đẹp nơi tình nghĩa giữa con người với con người dù cho họ cách nhau đến mấy thế hệ. Tôi bị ám ảnh bởi sự mất mát của cái chết, bị ấn tượng nơi tình cảm cao đẹp giữa con người có thể là vô cùng hiếm hoi trong cái xã hội xô bồ, bất ổn và lạnh lẽo như hiện nay, xã hội mà sự gắn kết giữa người với người ngày càng trở nên rời rạc!
School Library Journal nhận xét: “Cuốn sách kể về sự ra đi nhưng cùng lúc khơi gợi niềm khao khát nắm bắt cái đẹp thuần túy khi được sống”.
Cái thuần túy phải chăng là những điều giản đơn nhất, bình dị nhất và không kém phần sâu sắc, quý giá của một con người đã từng trải nghiệm hết sự đời và truyền lại những điều ấy cho những đứa trẻ đa cảm, ngây ngô nhưng luôn biết cách thấu hiểu những cái giản dị, bình thường – những đứa trẻ dám đối mặt với thắc mắc của bản thân chúng về cuộc sống, về những điều mà, có khi sống gần trọn cuộc đời người ta vẫn chưa hiểu nổi?
“Cuốn sách hay là cuốn sách mà khi bạn giở đến trang cuối cùng cũng chính là lúc bạn cảm thấy mình như sắp chia tay một người bạn tốt” hẳn là vậy, cuốn sách hay chính là cuốn sách có thể tìm được sự đồng điệu, sự rung cảm của người đọc trước những con chữ của người viết. Tác giả Yumoto đã thành công đem lại những cảm nhận đó trong tôi qua một “Khu vườn mùa hạ” hết sức ấn tượng và độc đáo! Nó tạo sự rung cảm trong tôi cho đến từng chi tiết nhỏ nhất, mà theo tôi đó chính là nét đẹp độc đáo không thể lẫn vào đâu được của những ngòi viết xuất sắc trong nền văn học Nhật.
Sẽ dễ đồng cảm với Khu vườn mùa hạ và ý tưởng của tác giả khi đọc phần cuối sách, nơi Kazumi Yumoto dành những trang đầy xúc động viết về kỷ niệm với ông ngoại. Hơn 20 năm cho một sự trưởng thành, cuối cùng, Kazumi cũng đã có thể gọi ông mình là “người quen ở thế giới bên kia” và với Khu vườn mùa hạ, cô tin rằng có thể gặp lại người ông mình đã suýt quên đi.
Không gai góc và ủy mị, những trang viết của Kazumi bừng lên nét trong trẻo hồn nhiên đẹp đẽ, từ xúc cảm đến tâm hồn mỗi nhân vật. Lối kể giản dị chân phương nhưng giàu tính biểu cảm của Kazumi khiến câu chuyện có sức lay động mạnh mẽ, bản thân mỗi chi tiết dường như là một gam màu tuyệt đẹp tạo nên bức tranh Khu vườn mùa hạ lung linh mà bất cứ ai đã một lần đọc sẽ khó thể nào quên…
Lời kết
Hẳn là ông cụ sẽ không sẽ không phải lo lắng nữa vì tôi và những cậu bé nhất định sẽ khắc sâu hình ảnh của ông vào tâm trí mình. Câu chuyện đồng thời cũng gợi nên trong tôi (và có thể là những người khác nữa) những câu hỏi thật khó trả lời: Tôi đã thực sự quan tâm đến mọi người hay những người thân quan trọng với tôi hay chưa? Chắc là chưa vì tôi có vẻ còn vô tâm và lãnh đạm với người thân của mình. Tôi không muốn phải hối tiếc vì những lựa chọn của mình nữa. Các bạn cũng vậy nhé, hãy mau quyết định con đường đúng đắn cho mình khi còn có thể và đừng quên hãy quan tâm hơn nữa đến những người thân của mình nhé!
Một cuốn sách giàu cảm xúc với văn phong trong trẻo, đầy nhạc tính, cuốn sách nói về tình bạn đẹp nảy sinh giữa những người thiếu niên đứng trước thời kỳ trưởng thành với một cụ già lặng lẽ. Là một sự trải nghiệm tinh tế và kinh điển, nếu có thời gian các bạn đừng bỏ qua tác phẩm đặc sắc này nhé!
Mua sách Khu Vườn Mùa Hạ ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Khu Vườn Mùa Hạ” khoảng 40.000đ đến 48.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Tiki, Fahasa, Shopee,…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Khu Vườn Mùa Hạ Shopee” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Khu Vườn Mùa Hạ Tiki” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Khu Vườn Mùa Hạ Fahasa” tại đây
Đọc sách Khu Vườn Mùa Hạ ebook pdf
Để download “sách Khu Vườn Mùa Hạ pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời Like Page để ủng hộ Sach86 và comment Email phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 28/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm