Đúng Việc

Giới thiệu sách Đúng Việc – Tác giả Giản Tư Trung

Đúng Việc

Đúng Việc là con đường cho mọi đổi thay có tính cách mạng. Đúng Việc đề cập đến những vấn đề căn cơ và nền tảng nhất của con người, đó là: làm người (đạo nhân), làm mình (đạo sống), làm dân (đạo dân) và làm nghề (đạo nghề) bằng văn phong dí dỏm, súc tích và có tính hệ thống cao. Từ đó, sách đưa ra phương pháp luận để mỗi người tự thấu hiểu bản thân, tự tìm ra đường đời của mình, hình thành đạo nhân, đạo sống và đạo nghề của riêng mình. Hay nói cách khác, “Đúng Việc” là một phương pháp luận để góp sức cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở trên hành trình tự tìm ra “đích đến” và “con đường” cho sự đổi thay có tính cách mạng của riêng mình.

Trích đoạn:

“Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm nghề. Lựa chọn của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây, con người tự do thì khác với con người nô lệ, công dân thì khác với thần dân, ca sĩ thì khác với thợ hát, trí thức thì khác với trí nô, nhà báo thì khác với bồi bút, nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị, doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…

Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa những lựa chọn đó? Làm sao có thể làm đúng việc khi chưa biết đâu là cái đúng? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”… Hành trình “tôi đi tìm tôi” đó cũng là câu chuyện khai minh của mỗi con người, mỗi nhà và mỗi xứ sở… 

Đúng Việc
Đúng Việc

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Đúng Việc
  • Công ty phát hành: Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục Ired
  • Tác giả: Giản Tư Trung
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Tri Thức
  • Loại bìa: Bìa cứng
  • Số trang: 328

2. Đánh giá Sách Đúng Việc

Đánh giá Sách Đúng Việc
Đánh giá Sách Đúng Việc

1 Cảm ơn thầy Giản Tư Trung đã viết cuốn sách này vì cộng đồng. Từ cách thiết kế bìa sách, chất liệu và màu sắc “bên ngoài” cũng đủ thấy thầy đã chăm chút cho cuốn sách này như thế nào. Mình không nghĩ là ở Việt Nam có 1 cuốn sách nào về chủ đề này vì nó đề cập đến nhiều vấn đề của dân tộc mình, và “rất thẳng thắn”. Điều mà cuốn sách này mang lại nhiều rất cho bản thân mình đó chính là cách làm người, làm sao để cho sống đúng, trọn vẹn trong từng phút giây. Làm sao để kiếm tìm 1 thứ cực kì xa xỉ ở cuộc sống này – hạnh phúc?

Đối với cuốn sách này, mình nghĩ rằng nên đọc lại nhiều lần. Sau 1 quá trình thực nghiệm, hãy đọc lại nó để rút ra bài học.

Một lần nữa em xin cảm ơn đến thầy Giản Tư Trung bằng tất cả lòng kính trọng và trân quý.

2 Phân tích sắc sảo, lời văn mạch lạc nhằm nêu bật ý tưởng: làm người, làm dân, làm việc. Song song với việc nêu lên quan điểm của bản thân về 3 cái làm, tác giả còn dày công thu thập các dẫn chứng hết sức thời sự nhằm giải thích rõ ràng cụ thể vấn đề đó. Các dẫn chứng được chọn lọc cực kỹ, sát với vấn đề, và việc phân tích dẫn chứng cũng không quá sa đà, vẫn giữ mạch văn và ý tưởng chính. Trong Đúng việc cũng có khá nhiều trích dẫn của các nhà triết học, khoa học và nhiều bài báo tác phẩm nổi tiếng. Các vấn đề, tác giả luôn phân tích hai mặt, chân lý không là tuyệt đối, mục đích cuối cùng là gợi mở chứ không đưa ra kết luận. Độc giả có thể tự tìm ra lời giải đáp cho riêng mình vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng vẫn đảm bảo một cơ sở nhận thức giúp độc giả không giải quyết “lạc hướng”. Mình cực thích một câu chuyện trong phần làm người của tác giả: Khả năng của bạn đáng giá 10tr, bạn chỉ được trả lương 5tr, thái độ làm việc của bạn sẽ là kiểu nào: 1,5tr; 2,5tr; 5tr; 10tr hay 15tr? Tất nhiên tác giả cũng gợi mở: “Bạn được gì và mất gì với thái độ bạn chọn ở trên?”. Mỗi người sẽ tự lựa chọn cho mình một thái độ. Sau khi đọc quyển này, mình đã tự tin vào lựa chọn của mình. Còn bạn thì sao?!

3 Sách giúp mình nhận thức rõ hơn về khai minh và khai tâm, về năng lực cần có của con người, về con người văn hóa và con người chuyên môn, về thế nào là một con người tự do, (không chỉ là tự do theo nghĩa bình thường mà còn phải vượt lên sự ràng buộc của vật chất, danh tiếng, quyền lực…), về hệ quy chiếu để xác định rõ ràng cái gì là đúng là sai, về quyền của nhân dân và quyển của nhà nước, cũng như gợi mở về những thứ mà mình rất mù mờ trước đây như lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tác giả cũng đề cập một cách rất khéo léo giúp độc giả nhận thức được tình hình của đất nước và những điều đang diễn ra trong xã hội này. Thực sự là một quyển nên đọc cho người trẻ. Không liên quan nhưng mà mình ngạc nhiên vì sách với chủ đề này (tưởng chừng không phải là sự quan tâm của phần đông độc giả quần chúng) mà được tái bản, lại còn tái bản với số lượng đến 50 nghìn bản. Không biết đã bán hết hay chưa nhưng dù sao cũng thật là một điều đáng mừng và đáng ngưỡng mộ

4 Tôi sẽ để bạn tự cảm nhận cuốn sách này một cách trọn vẹn nhất. Lời khuyên tôi dành cho bạn là hãy mua ngay nếu có thể. Cuốn sách này sẽ thay đổi tầm nhìn, cách suy nghĩ, khai minh tâm trí bạn.

5 Mình không biết thầy Giản Tư Trung cũng như chưa đi nghe thầy nói chuyện bao giờ nhưng đọc cuốn sách này xong mình yêu quý và ngưỡng mộ thầy khôn tả. Nội dung sâu sắc và tinh tế khỏi bản, bìa sách màu trắng tinh khôi rất đẹp, mà lại còn là bìa cứng, vậy nên cầm cuốn ách lên là ưng lắm. Đọc “Đúng việc” làm cho người ta suy ngẫm rất nhiều về cuộc đời, về nhân sinh và nhất là về chính bản thân mình, ta là ai, ta đang làm gì, những điều ta làm liệu đã “đúng việc” hay chưa?. Sau đó đem đến cho người đọc những câu trả lời dạng mở mà chính bản thân họ phải tự khám phá và tìm lấy. Tóm lại đây là cuốn sách rất đáng đọc, không dạy đời như Đặng Hoàng Giang trong “Bức xúc không làm ta vô can” mà chỉ đơn gỉn là những chia sẻ của thầy.

Review sách Đúng Việc

Review sách Đúng Việc
Review sách Đúng Việc

Dành Cho Những Ai Muốn Sắp Xếp Lại Cuộc Sống

Ai ai trong chúng ta, dù mới sinh ra hay khi đã về già, đều sống để làm việc. Công việc đầu tiên kể từ khi cất tiếng khóc chào đời của mỗi chúng ta là làm người, sau đó là làm dân và cuối cùng là làm việc. Lựa chọn của mỗi người đối với từng công việc đó, sẽ vẽ nên bức tranh của cuộc đời họ, quyết định cuộc đời của họ có viên mãn hay không. Nếu bạn đang mông lung trên hành trình tự lực khai hoá (theo cách nói của nhà văn hoá Phan Châu Trinh) – hành trình tự hoàn thiện chân – thiện – mĩ, thì Đúng việc của Giản Tư Trung chính là chiếc chìa khoá cho bạn.

Đúng việc phân biệt đúng hay sai dựa vào cách tiếp cận định nghĩa lại mọi thứ và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề. Với Đúng việc, bạn sẽ được cung cấp vô vàn định nghĩa với các góc nhìn khác nhau cũng như các ví dụ rất thực tế và gần gũi với cuộc sống thường ngày.

Con người là một sinh vật luôn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, của mọi thứ (Plato)

Con người luôn trăn trở, khao khát tìm ra câu trả lời cho mục đích sống của mình. Sống để làm gì? là câu hỏi mà ngày ngày mỗi người đều kiếm tìm. Vì thế, điều khác biệt cơ bản nhất giữa con người và các loài vật khác là “lẽ sống” – là thứ mà anh ta luôn hướng tới. Như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, thiếu lẽ sống, anh ta chỉ sống một cuộc đời trong hình hài của một con người nhưng vô hồn, không khác gì vật vô tri vô giác. Ngoài ra, con người vẫn luôn sống và đấu tranh cho lẽ phải.

Biết bao người dân Mĩ đã ngày ngày diễu hành phản đối chiến tranh tại Việt Nam, vì họ thấy được sự vô lý của cuộc chiến này cũng như sự tàn bạo của chiến tranh nói chung.

Hai phẩm giá mà con người đúng nghĩa, hay “con người tự do” có là tự trọng và tôn trọng.

Thật vậy, những người tự trọng sẽ luôn giày vò bản thân khi đi ngược lại lẽ sống, với những gì họ cho là đúng hơn là đối diện với luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài. Ví dụ, “Tôi không nhận phong bì vì tôi cảm thấy đó là điều sai trái, dù rằng tôi đang cần tiền và dù tôi có nhận thì hoàn toàn không sao, vì ai cũng nhận phong bì trong phòng của tôi.” Vì vậy, người tự trọng, tự trị khó có thể làm điều xấu, dù cho không có ai biết việc họ làm. Đồng thời, họ vẫn sẵn sàng làm điều tốt dù không được công nhận, không có ai biết đến. Còn “tôn trọng” ở đây là tự do được làm mọi thứ mà mình muốn. Tuy nhiên, nếu sự tự do ấy xâm phạm quyền lợi của người khác, thì sự tự do ấy cần phải hạn chế. Ví dụ, bạn có thể hút thuốc, nhưng nếu đó là nơi công cộng, có rất nhiều người sẽ phải hút thuốc bị động theo bạn, và có nguy cơ bị các bệnh về phổi, thì bạn không nên hút thuốc. Tự do của một người không thể bị hạn chế với lý do nó sẽ khiến người đó hạnh phúc hơn. Bởi mỗi người có quan điểm về hạnh phúc khác nhau. Có người quan niệm thế này là hạnh phúc, nhưng với người khác thì không phải. Tôi thấy lên giường đi ngủ mỗi tối là một loại hạnh phúc, nhưng với cú đêm thì lại khác. Vì thế, không ai có quyền ngăn cấm người khác làm gì vì hạnh phúc của bản thân người đó.

Để làm người tự do, chúng ta cần rèn luyện năng lực khai phóng và năng lực khai tâm. Năng lực khai phóng, nôm na là để cho ánh sáng của sự đúng đắn, của lương tri quét sạch sự tăm tối của con người giáo điều, ấu trĩ bấy lâu nay. Chúng ta cần phải giữ một cái đầu sáng, có tư tưởng đúng đắn, bởi người ta từng nói “Tư tưởng quyết định số phận”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải gạt bỏ ước muốn sang một bên để thực hiện những điều đúng đắn, mà cần khai thông quan niệm của chính mình. Nếu ta có những quan niệm đúng đắn về những vấn đề hệ trọng, và cả đời bám lấy quan niệm đó thì chúng ta sẽ có một cuộc đời như ước nguyện, còn nếu ngược lại, chúng ta mang trong mình những quan niệm sai lầm, lệch lại, thì cuộc đời không biết sẽ ra sao? Còn khai tâm, đơn giản là một trái tim “có hồn”, biết rung rinh trước cái đẹp, biết phẫn nộ trước cái xấu, biết thổn thức trước những oan khuất, nỗi đau. Có lẽ chưa bao giờ mà sự vô cảm lại tràn lan một cách đáng sợ trong giới trẻ hiện nay. Ngày ngày chúng ta vẫn bắt gặp các vụ tai nạn xe nhưng phần đông người đi đường nán lại chỉ đứng nhìn, chứ rất ít người thực sự bước xuống giúp đỡ người bị nạn. Hay trên xe buýt, thật buồn khi thấy không có ai nhường chỗ cho phụ nữ có thai, người già và trẻ em. Albert Einstein đã từng nói: Thế giới trở nên nguy hiểm không phải bởi những kẻ gây ra tội ác, mà là vì những người chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả. Vì vậy, nếu bạn quan niệm sống cuộc đời không làm gì xấu xa nhưng lại giữ thái độ vô tâm thì cũng không thực sự là vô hại, vì nó rất gần với vô cảm, thậm chí là vô minh.

Tác giả đưa ra mô hình Ta là sản phẩm của chính mình, động viên người đọc chọn một hệ quy chiếu đúng đắn (gần với tự do, chân lý) để nhìn nhận cuộc đời. Mô hình gồm 5 phần: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Sống với chính mình và cuối cùng là Giữ được chính mình.

Ai cũng mang trong mình quốc tịch của riêng mình, nên công việc tiếp sau làm người là làm dân.

Theo Giản Tư Trung, Quyền Hiến định là những quyền do Hiến pháp quy định, quyền Luật định là những quyền do Luật pháp quy định. Còn quyền Mặc định tức là những quyền tự nhiên, hiển nhiên, do tạo hoá ban cho con người khi sinh ra. Khác với nhân dân, Nhà nước không có quyền mặc định, vì “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân và chính từ nhân dân mà ra. Và nhân dân tạo ra mỗi Nhà nước là để Nhà nước đó phục vụ mình, bảo vệ các quyền của mình, nhất là quyền mặc định của mình. Tổng thống Mĩ Obama đã từng nói: Là Tổng thống của Hoa Kỳ và Tổng Tư lệnh của quân đội, tôi chấp nhận rằng mọi người sẽ réo tên tôi như những thứ xấu xa mỗi ngày – và tôi sẽ luôn luôn bảo vệ quyền để họ làm vậy. Như vậy, ta có thể thấy, nếu một chính quyền sợ tư do ngôn luận và tự do học thuật tức là chính quyền đó sợ chân lý, sợ sự thật. Và chỉ có những chính quyền dối trá, xấu xa thì mới sợ “giấu đầu lòi đuôi” như vậy.

“Nô dân”, “thần dân” và “công dân”

Một công dân đúng nghĩa sẽ có hiểu biết về phẩm chất của một con người tự do, tự trị, về hiện trạng xã hội cũng như chính trị của đất nước, và biết cách làm thế nào để quản trị xã hội mình đang sống một cách đúng đắn. Khác với công dân, thần dân và nô dân không hề quan tâm đến vấn đề nà. Anh ta xem đó dường như là việc của người khác chứ không phải của mình, chỉ chờ đợi để nghe theo lệnh.

“Dân trí”, “dân quyền” và “dân sinh”

“Dân trí” là con đường bắt buộc phải cải thiện nếu muốn có “dân quyền” và “dân sinh”. Tất cả phải bắt đầu từ “dân trí”, mà dân trí của mỗi người thì bắt đầu từ năng lực khai phóng của chính bản thân họ.

Chương ba của sách bàn luận về “Làm việc”. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có một (hoặc một số) nghề nghiệp và dành một nửa cuộc đời sống với nghề nghiệp đó. Tuy nhiên, những người hạnh phúc thường không phải là những người không kiếm tìm được niềm vui trong công việc. Hay nói cách khác, “đạo sống” và “đạo nghề” của một người nếu không hoà quyện thì khó để người đó có một cuộc đời trọn vẹn. “Đạo sống” (làm người) là những giá trị ta lựa chọn theo đuổi trong cuộc đời, còn “đạo nghề” là lý tưởng nghề nghiệp.

Nghề nghiệp mình chọn phản ánh con người của chính mình. Ta chọn nghề ca sĩ vì muốn được ca hát cho mọi người theo đúng đam mê cháy bỏng hay bị sự nổi tiếng cám dỗ? Ta chọn nghề giáo viên vì muốn được truyền tải kiến thức đến mọi người hay muốn được thị uy với học sinh?…

“Đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc. Làm việc không có lý tưởng nghề nghiệp cũng giống như sống không có mục đích. Đáng buồn thay trong xã hội ngày nay, ta bắt gặp được vô vàn trường hợp mà người làm nghề lại chệch khỏi rất xa khỏi “đạo nghề”. Chẳng hạn như cảnh sát giao thông thay vì điều khiển giao thông lại chỉ “núp lùm” vòi tiền phạt của dân. Hay bác sĩ cũng vòi tiền người bệnh thay vì nhiệm vụ chính là chữa bệnh cứu người,…

Bạn có thể bắt đầu bằng hai câu hỏi:

– Mình có đang hiểu đúng và làm tốt sứ mệnh của nghề / việc đó không?

– Việc mà mình chọn có phù hợp với con người của mình không?

Chương này sẽ nêu ra chân dung một số nghề dưới hình thức cặp đối ngẫu để người đọc có thêm góc nhìn, những đối sách cần thiết, cũng như tự mình chiêm nghiệm ra đâu là cái “đạo” của nghề đó.

Cuối cùng, tác giả đưa thêm một công việc, coi như là quà tặng thêm cho độc giả là “làm giáo dục”, bàn luận về năm chủ thể trong hệ thống giáo dục: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. “Công cuộc đổi mới giáo dục chỉ có thể thực sự diễn ra khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền vốn có của mình và trả lại quyền cho các chủ thể khác.

LỜI KẾT

Dù cho làm người, làm dân hay làm việc thì mục tiêu cuối cùng của đời người cũng là sống một cuộc sống hạnh phúc. Với những phân tích và đề xuất tưởng chừng như đơn giản mà lại rất khó, nếu bạn hướng tới tự hoàn thiện mình thành một “con người tự trị” và đảm bảo thực hiện được điều đó, thì Đúng việc hoàn toàn là một cuốn sách dành cho bạn. Hãy thử đọc và thử làm theo các đề xuất của Giản Tư Trung, rất nhanh thôi bạn sẽ đạt được hạnh phúc trong cuộc đời của mình!

Mua sách Đúng Việc ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Đúng Việc” khoảng 69.000đ đến 76.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Tiki, Fahasa, Shopee,…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Đúng Việc Shopee” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Đúng Việc Tiki” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Đúng Việc Fahasa” tại đây

Đọc sách Đúng Việc ebook pdf

Để download “sách Đúng Việc pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời Like Page để ủng hộ Sach86 và comment Email phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

[Cong1]

Xem thêm

One Reply to “Đúng Việc”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *