Thiện, Ác Và Smartphone

Giới thiệu sách Thiện, Ác Và Smartphone – Tác giả Đặng Hoàng Giang

Thiện, Ác Và Smartphone

Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng, khi trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế! Những câu chuyện thời sự nóng bỏng trong THIỆN, ÁC VÀ SMARTPHONE của Đặng Hoàng Giang đã phác họa sắc nét bức chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, với toàn bộ sự xấu xí và sức phá hủy của nó. Cùng những phân tích thấu đáo buộc chúng ta phải đối diện chính bản thân mình, và giật mình nhận ra đôi khi bản thân cũng đang góp phần tạo ra bức tranh chung đó…

Không dừng lại ở đó, tác giả tìm ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh, vững vàng và trắc ẩn. Để ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật, rằng mỗi nút like có thể là một ngọn roi góp vào cuộc hành hình tập thể. Để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục. Để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người. Để thấu cảm, khoan dung và tha thứ. Để hướng tới một xã hội của công lý, phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc.

Giàu chất thời sự nhưng mang ý nghĩa vững bền, chạm tới từng góc khuất trong tâm can mỗi người nhưng đồng thời bao quát cả xã hội, cuốn sách mang tính xây dựng và tinh thần nhân văn sâu sắc.

Thiện, Ác Và Smartphone
Thiện, Ác Và Smartphone

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Thiện, Ác Và Smartphone
  • Công ty phát hành: Nhã Nam
  • Tác giả: Đặng Hoàng Giang
  • Kích thước: 14 x 20.5 cm
  • Loại bìa: Bìa mềm
  • Số trang: 307
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn

2. Đánh giá Sách Thiện, Ác Và Smartphone

Đánh giá Sách Thiện, Ác Và Smartphone
Đánh giá Sách Thiện, Ác Và Smartphone

1. Sách Hay Nên Đọc

Đây là cuốn sách thứ hai của tác giả Đặng Hoàng Giang mà mình đọc. Mình thích các viết, cách kể, cách dẫn chuyện của tác giả. Ở cả hai cuốn sách mình đọc thì đều dẫn người đọc đi từ việc nhận biết sự tồn tại của vấn đề; đẩy người đọc vào vấn đề, trải nghiệm vấn đề, đặc biệt là cách cư xử, cảm xúc giống như những gì đang xảy ra trong hiện thực; sau đó, lại gỡ từng nút thắt cảm xúc, suy nghĩ của độc giả.

Nội dung cuốn sách thì mình thấy có hai phần của một tảng băng trôi, vấn đề cuốn sách nói nhiều chỉ là bề nổi thôi, còn phần chìm giống như phê phán một ai đó về việc để xảy ra phần nổi vậy. Để viết được cuốn sách, mình thấy tác giả nghiên cứu nhiều, dẫn chứng nhiều. So với cuốn sách lần trước, những dẫn chứng quá thô tục đã được lược bớt đi để không còn phải che chữ, giấu chữ nữa mà để nguyên văn dẫn chứng thô nhưng thật. Có phần thì tác giả nói về lòng trắc ẩn, sự tha thứ dành cho những con người từng làm việc chưa đúng, nhưng đối với mình cảm nhận thì chỉ cần tha thứ cho bản thân mình là tốt rồi. Vì để tha thứ được cho bản thân, thì phải nhìn nhận ra được bản thân mình đã làm sai.

Đọc xong cuốn sách, buông ra thì lại thấy nhẹ lòng, xem như giải quyết được một vấn đề gì đó trong bản thân con người mình.

2. Một Cuốn Sách Dạy Ta Cách Tha Thứ

Tha thứ không có nghĩa là chạy trốn, tha thứ là sự giải thoát. Giải thoát cho ta khỏi những vết thương của quá khứ, giúp người gây tội ác có thể trở về hoà nhập với cộng đồng, giúp người bị hại có thể đứng lên sống tiếp quãng đời còn lại. Tất nhiên không thể đọc cuốn sách này và ta có thể tha thứ ngay lập tức mọi nỗi đau mà người khác gây ra cho ta, nhưng dần dần, từng bước một, ngày qua ngày, mặt hồ dậy sóng rồi sẽ đến lúc phẳng lặng, lúc đó ta biết là ta đã có thể tha thứ. Không nhất thiết là tha thứ tất cả, quá bán đã là rất tuyệt rồi. Hãy mở sách ra và bắt đầu bước đầu tiên trên hành trình của sự tha thứ….

3. Đối Với Mình Đây Là Cuốn Sách Phải Đọc Trong Thời Đại MXH Hiện Nay

Mình biết đến tác giả Đặng Hoàng GIang từ chương trình Làm từ thiện vì ai. Trái với các ý kiến ném đá, mình thấy ở bác có một cái nhìn xa hơn, có chiều sâu. Từ đó mình có lên mạng tìm hiểu thì có biết đến cuốn Bức xúc không làm ta vô can. Đọc 2 cuốn này mình cảm thấy rất hay. Có nhưng điều mình làm từng cho là việc bình thường nhưng nó lại mang hậu quả hết sức nặng nề với người khác. Cuốn sách này cần được phổ biến trong thời đại Fb đang làm chủ cuộc sống, đừng hùa vào miệt thị, ném đá người khác.

4. Dạo này bạn còn hay tạo nghiệp nữa không ta?

Một cuốn sách rất hay về mặt lợi – hại của công nghệ (cụ thể là mạng xã hội qua chiếc smart phone) của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Gần đây vụ cô ca sĩ trẻ Sulli của Hàn Quốc tự sát, phần lớn áp lực đến từ dư luận, mà dư luận lại đến từ mạng xã hội thông qua chiếc điện thoại. Trong sách không đề cập đến, nhưng lại bàn luận về rất nhiều câu chuyện nổi tiếng 1 thời trên mạng xã hội ở Việt Nam, từ người bình thường tới người nổi tiếng.

Bằng những lập luận rất chặt chẽ và xác đáng, tác giả khiến tôi nể phục. Cùng với đó là nhiều trích dẫn nổi tiếng: Đặc tính tệ nhất của con người là vui trên nỗi đau của kẻ khác, nó là họ hàng của sự độc ác, thậm chí chỉ khác độc ác như là lý thuyết khác với thực hành. Con người sinh ra là để vui, nếu họ không vui được về vẻ đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác.

Sau khi bàn luận về nguồn gốc của các hình thức làm nhục danh dự người khác từ lịch sử xa xôi, đến sự hình thành và 7 bước đi của sự căm ghét. Tác giả đề cập một số phương pháp, dự án lòng trắc ẩn để chúng ta học được sự thành được sự tha thứ.

Một cuốn sách hay đáng đọc! 

5. Thiện, Ác Và Mạng Xã Hội

Đọc mà phải liên tục thốt lên “ồ!” Thật không ngờ mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống và sinh mệnh của con người lại lớn đến như vậy. Tích cực lẫn tiêu cực. Thông qua những bài báo thời sự nóng hổi, tác giả đã phân tích rõ ràng thiện và ác của mxh…

Review sách Thiện, Ác Và Smartphone

Review sách Thiện, Ác Và Smartphone
Review sách Thiện, Ác Và Smartphone

Khác với “Bức xúc không làm ta vô can”, là các bài tiểu luận phản biện xã hội ngắn, “Thiện ác và Smart phone” mang tầm vóc của một tác phẩm khoa học thường thức với khối lượng kiến thức đồ sộ. Cũng vì lý do này nên khi viết review tôi sẽ chỉ đề cập, bình luận những chi tiết ảnh hưởng và khiến tôi ghi nhớ sâu sắc, chứ chưa (không) thể đưa ra một tóm lược toàn diện và đầy đủ. Nhưng quả thật, cuốn sách này là một kho tàng, rất nhân văn và thực sự nên đọc dù bạn là ai.

Trong 3 phần đầu của cuốn sách, tác giả dẫn ta đi từ lịch sử nghìn năm của văn hóa làm nhục, phân tích những bước đi của căm ghét, cách người ta phi nhân hóa kẻ khác, hậu quả và sự độc ác ấy đang hiện diện thế nào trong cuộc sống hiện đại với sự hỗ trợ của internet hay cụ thể hơn là mạng xã hội. “Nhân danh công lý, hãy làm nhục chúng”; “Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây”; “Bảy bước đi của căm ghét” là một tấm gương phản chiếu lớn, nó vừa khiến tôi căm phẫn, run rẩy nhưng cũng không kém phần xấu hổ, vì bản thân cũng đã từng là nạn nhân và cũng là thủ phạm một cách vô tình hay hữu ý. Chưa bao giờ người ta có thể dễ dàng bắt gặp những lời thóa mạ, ác ý nhiều và dễ dàng như trên mạng xã hội. Nó gợi tôi nhớ tới trường hợp của Dưa leo, khi có những video bày tỏ quan điểm chính trị đối lập, bên cạnh rất ít những comment tranh luận về “ý kiến” là những lời nhục mạ cá nhân như “ thằng khuyết tật tay khuyết tật cả não”. Đặng Hoàng Giang đã rất chính xác cô đọng những hành vi ấy trong từ “làm nhục” và bàn về sự làm nhục:

“ Trong tiếng Anh, chữ làm nhục, humilitate, có gốc La tinh là humus, tức là đất. Bị làm nhục là bị biến thành đất bụi. Nhà tâm lý học Evelin Lindner định nghĩa làm nhục là hành vi hạ thấp đối tượng, khuất phục họ, tước đi tự hào danh dự của họ. Giẫm đạp lên họ, ấn họ xuống đất, dồn họ vào tường.”

“Khác với cảm giác mắc lỗi, cảm giác nhục nhã tấn công vào toàn bộ con người. Thay vì lên án một hành vi “Anh đã làm một việc xấu”, lăng nhục lên án cá nhân đó “anh là một người xấu”, đánh đồng hành vi đó với bản chất con người đó, bỏ qua tất cả các khía cạnh khác. Người thấy mình có lỗi nói “Tôi đã làm một điều tồi tệ”. Người có cảm giác nhục nhã nói: “Tôi là một kẻ tồi tệ”. Cảm giác có lỗi làm người ta muốn sửa sai, muốn chứng tỏ mình làm được điều tốt đẹp hơn. Cảm giác nhục nhã làm người ta tê liệt, muốn ấn náu, bỏ trốn. Đó là lý do lăng nhục chỉ phá hủy mà không đem lại thay đổi. “

Vậy đâu là động cơ của sự làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây kia. Thứ nhất là sự “thủ dâm nhân cách”, vì khi hạ thấp kẻ khác đem lại cho họ cảm giác hơn người và ưu việt về mặt đạo đức. Một nguyên nhân khác là sự ghen tị, đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti “Thành công của chúng ta không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ” Quan trọng hơn, những người có “khát vọng” muốn chà đạp kẻ khác đa số là những người từng chịu đớn đau, bị tổn thương và chối bỏ.

ĐHG cho ta thấy sự làm nhục không chỉ dừng lại ở những tranh luận cá nhân mà ở cả trong bộ máy pháp luật khi phân tích hình thức xét xử lưu động là “show diễn của công lý”, khi mang những người phạm lỗi, xé bỏ nhân phẩm và dán nhán ác quỷ để giáo dục pháp luật.

“Giáo dục pháp luật phải là một quá trình lâu dài học ứng xử và xây dựng hệ giá trị thông qua gia đình, nhà trường và xã hội. Nó không thể xảy ra ở một nơi mà tính nhân văn bị lép vế trước sự hả hê, lòng hiếu kỳ và sự đắc thắng của số đông. Thượng tôn pháp luật và niềm tin vào công lý không được bồi đắp khi người ta tước đi nhân phẩm và khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội”

Đọc đến đây tôi lại nhớ đến bộ phim “Nhà tù Shawshank”, chi tiết khiến tôi day dứt mãi là một tù nhân lớn tuổi – ông già đưa sách Brooks, với tôi ông như một thủ thư hiền từ và đáng kính…Ông đã từng bất ngờ kề dao vào cổ một tù nhân khác đến “chia tay” khi biết ông được lệnh ân xá, để được tiếp tục ở tù. Ông sợ hãi thế giới bên ngoài nhà tù. Sau khi trở lại với cuộc sống, làm một công việc đóng gói hàng hóa trong siêu thị và chịu sự kì thị dè bỉu, ông đã viết một lá thư cho các bạn ở Shawshank trước khi khắc dòng chữ “Brooks was here” trên xà nhà rồi treo cổ tự vẫn.

Một buổi xét xử lưu động công khai, ầm ỹ tuyên bố tội ác của một cá thể, nhưng khi họ hoàn lương, mãn án thì xã hội lại đón họ trong sự im lặng và chối bỏ.

Cuốn sách cũng giải thích lý do sâu xa của những cuộc diệt chủng, vì sao người có thể giết người một cách tàn bạo đến như vậy, chỉ bằng việc “phi nhân hóa” và “biến kẻ khác thành quỷ dữ” (demonization), khi không còn nhìn nhận một bản thể là con người, coi họ như súc vật, ta có thể dễ dàng dẫm đạp, bôi nhọ, kết án biến nhóm người khác và quốc gia thành quỷ dữ – chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trong phần 3, tác giả phân tích “Bảy sắc thái của căm ghét”:

  • Bước 1: Tụ tập lại.
  • Bước 2: Tạo lập một bản sắc.
  • Bước 3: Giễu cợt, phỉ báng đối tượng đồng thời củng cố hình ảnh của bản thân.
  • Bước 4: Lăng nhục và thóa mạ đối tượng.
  • Bước 5: Tấn công nhưng không dùng vũ khí.
  • Bước 6: Tấn công sử dụng vũ khí.
  • Bước 7: Phá hủy đối tượng.

Căm ghét có thể dẫn tới bạo lực ngôn ngữ nhưng nó cũng là tiền đề của bạo lực vật lý, trên hết, tận cùng của căm ghét là sự phá hủy, nó không chỉ phá hủy người bị căm ghét mà cả kẻ căm ghét.

Có lẽ với tôi, giá trị nhân văn lớn nhất của cuốn sách nằm ở 3 chương cuối, khi tác giả chỉ cho ta con đường của sự giải thoát: “Giã từ văn hóa làm nhục” “Ta nói gì khi ta nói về tha thứ” và “Dự án trắc ẩn”. Khi ta đã hiểu về bản chất sự căm ghét và làm nhục, ta hiểu sự tàn khốc và phá hủy mà nó có thể mang tới, ta có thể làm gì? Đó là sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của tử tế và lòng trắc ẩn.

Tử tế là gì? Tử tế không phải là lòng tốt – kindness mà phải là civility, rộng lớn hơn tốt bụng, nghĩa xa xưa của civility là training in humanities, rèn luyện trong nhân văn. Nó có liên quan đến “citizen” trong công dân và “civilization” trong văn minh. Nó không chỉ là lịch sự, nhã nhặn, ứng xử có văn hóa, ở một nghĩa rộng nó là hành xử có trách nhiệm công dân. Trong một khía cạnh cụ thể, nó là khả năng vẫn tôn trọng người khác mặc dù bất đồng quan điểm.

Xem thế thì biết, không có lòng trắc ẩn thì không phải là người; không có lòng tu ố (biết xấu hổ) thì không phải là người; không có lòng từ nhượng (biết nhường nhịn) thì không phải là người; không có lòng thị phi (biết phân biệt đúng sai) thì không phải là người. Lòng trắc ẩn là đầu mối của Nhân. Lòng tu ố là đầu mối của Nghĩa. Lòng từ thượng là đầu mối của Lễ. Lòng thị phi là đầu mối của Trí. Người ta ai cũng có bốn đầu mối (tứ đoan) ấy, cũng (hiển nhiên) như có tứ chi vậy. – Thuyết Tính Thiện.

Sự tử tế, lòng trắc ẩn không dễ dàng kích hoạt sau khi ta đọc đôi ba cuốn sách hay nghe vài lời răn giảng, nó là một dự án cả đời và cần sự rèn luyện hàng ngày. Dự án tử tế rất đơn giản, hãy “tích điểm” mỗi ngày bằng 3 hành động nhỏ: làm một cử chỉ tử tế, dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận. Hay như chị Phương Mai, nói trong lời nói đầu “Đó là những cố gắng ứng xử tử tế khi đối diện với giận dữ, đó là việc dừng lại và chờ cho đến khi tiếng nói cất lên không phải tiếng nói của nỗi căm ghét mà là của lòng từ tâm”

Có lẽ phải dành thêm 1 ông sao sáng cho phần lời nói đầu của cuốn sách. Tôi mua cuốn sách ngay khi nhìn thấy nó trên kệ của Nhã Nam, bởi với tôi ĐHG như một người cơi nới cái giếng tư duy chật hẹp và định kiến của mình. Khi đọc lời nói đầu, tồi đã cố gắng kiềm chế không nhìn xuống tên người viết, cố gắng giữ cho mình cái nhìn khách quan nhất vì tôi…quá thích nó. Không chỉ tóm lược đầy đủ nội dung của cuốn sách, thậm chí còn phân tích và đào sâu thêm những khía cạnh tác giả có vẻ bỏ sót. Và khi đọc đến tên thì đó là Ts.Nguyễn Phương Mai, người mà tôi luôn dành sự ngưỡng mộ sâu sắc. hihi

Một chút về trải nghiệm cá nhân

Tôi đã từng rơi vào những cuộc chiến trên mạng, cảm giác giống hệt những gì tác giả đã mô tả khi ở tâm bão, vừa nóng giận vừa lo sợ, tim đập nhanh, mặt nóng rực và không thể suy nghĩ gì ngoài việc tấn công. Hai lần để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi, một là hồi cấp 3, một là hồi đại học, cả hai người “tấn công” tôi đều là con trai, gọi là làm nhục và thóa mạ thì không tới, nhưng là công khai chửi bới và chỉ trích trên mạng xã hội. Đều là hai việc cá nhân (hoặc hoàn toàn có thể giải quyết cá nhân) nhưng khi được công khai trên mạng thì vấn đề vừa bị đẩy đến cực đoan vừa bị đẩy vào bế tắc. Cực đoan hơn khi có nhiều người vào hùa theo ủng hộ, nhưng những người bênh vực tôi mà thóa mạ người kia cũng góp phần đẩy tình huống vào bế tắc. Sự việc diễn ra rất ngắn, chỉ vài tiếng cho đến khi tôi nhận ra sự hiện diện của bài viết và gọi điện nói chuyện/pm trực tiếp, đã được xóa bỏ. Nhưng bản thân tôi không cảm thấy vấn đề được giải quyết, chỉ là sự miễn cưỡng cho qua, chưa thể gọi là hòa giải và tha thứ.

Điều này dẫn tôi đến câu chuyện thứ hai, khi lần đầu tiên tôi lăng nhục người khác trên mạng. Cảm giác quyền lực, ưu việt hơn người và hả hê khi có đồng mình và những người hùa vào tung hô. Tôi biết rằng người bị tôi lăng nhục, chính xác, sẽ cảm thấy như tôi từng trải qua, hoang mang choáng váng, nhục nhã và co sợ. Nhìn lại mới thấy, thiện ác là một sợi dây rất mong manh, chỉ có rất ít người là thiện/ác tuyệt đối – bậc thánh nhân, còn lại chúng ta – âu cũng chỉ là phàm nhân – đều dễ dàng qua lại giữa 2 ranh rới này, chỉ cần một chút sơ sẩy, vô minh ta đã có thể biến mình thành ác quỷ như thế nào. Đấy là người đầu tiên và hy vọng là người cuối cùng tôi làm tổn thương, sau đó tôi đã chính thức xin lỗi và liệu rằng đã được tha thứ?

Về căm ghét, tôi cũng đã căm ghét không ít, may thay chưa bao giờ thù hận. Sự căm ghét của tôi thường dừng ở bước 3, khi những buổi gossip hỉ hả nói xấu và giêu cợt sau lưng đối tượng. Và nó thường chấm dứt khi hoặc tôi quên mất sự hiện diện của người kia, vì thực chất tôi quên khá nhanh, chỉ cần một thời gian đủ dài không gặp mặt tôi sẽ quên, quên sự thù ghét và quên luôn cả lý do vì sao mình từng căm ghét. Còn với trường hợp người tôi ghét nhưng lại phải thường xuyên đối mặt, thường cái ghét sẽ hết khi tôi phát hoảng khi nhìn bản thân xấu xí khi ghét gỏng người khác. Ai chẳng khao khát hướng thiện và sợ hãi khi mình xấu xa. Nhưng khi kết thúc cuốn sách tôi đã có một cách tốt hơn, nhìn thằng vào sự căm ghét, nhìn nhận lý do sâu xa khiến bản thân có những cảm xúc tiêu cực như vậy? Là sự ghen tị, sợ hãi, tự ti hay là sự phòng ngự bản năng. Tôi không bắt mình yêu quý người mình không ưa nhưng, vì bản thân, hãy tôn trọng họ.

Mua sách Thiện, Ác Và Smartphone ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Thiện, Ác Và Smartphone” khoảng 50.000đ đến 68.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Tiki, Fahasa, Shopee,…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Thiện, Ác Và Smartphone Shopee” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Thiện, Ác Và Smartphone Tiki” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Thiện, Ác Và Smartphone Fahasa” tại đây

Đọc sách Thiện, Ác Và Smartphone ebook pdf

Để download “sách Thiện, Ác Và Smartphone pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

[Cong1]

Xem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *