Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz
Giới thiệu sách Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz – Tác giả Henryk Sienkiewicz
Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz
Henrky Sienkievich (Henrky Sienkiewiez) là một trong những văn hào lớn nhất của nhân dân Ba Lan. Sáng tác của ông có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Ba Lan, đồng thời được đánh giá rất cao trên văn đàn thế giới. Với tiểu thuyết Quo vadis ông được tặng giải thưởng Nôben về văn học năm 1905.
Tác phẩm nổi tiếng Quo vadis(1) được viết trong thời kỳ sung sức nhất của H. ienkievich. Quo Vadis trong tiếng Latinh có nghĩa là “Ngài đi đâu?”. Câu hỏi này liên hệ quan đến một truyền thuyết Kitô giáo: Đang khi Phêrô chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu, ông hỏi Chúa: “Quo vadis, Domine?” (“Lạy Chúa, Ngài đang đi đâu?”), Chúa Giêsu trả lời: “Eo Romam crucifigi iterum” (“Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”) – ngụ ý nhắc nhở Phêrô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng, ông đã quay trở thành Rôma để chịu kết án.
Quo Vadis thuật lại chuyện tình giữa một thiếu nữ Cơ-đốc, tên là Ligia (hoặc Lygia), và Marcus Vinicius, một quý tộc La mã. Chuyện xảy ra tại thành Roma dưới thời hoàng đế Nero.
Quo vadis được chính thức bắt đầu viết từ mùa xuân năm 1895 tại Vacsava và được hoàn thành ngày 18-2-1896 tại Nixe.
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz
- Mã hàng 8935236416122
- Tên Nhà Cung Cấp Nhà Sách Minh Thắng
- Tác giả: Henryk Sienkiewicz
- Người Dịch: Nguyễn Hữu Dũng
- NXB: NXB Văn Học
- Trọng lượng: (gr) 1060
- Kích thước: 16 × 24 cm
- Số trang: 710
- Hình thức: Bìa Cứng
2. Đánh giá Sách Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz
1 Nội dung tác phẩm xoay quanh các cuộc bách hại mà Kitô giáo phải chịu trong buổi đầu của tôn giáo này. Một tôn giáo mới lạ và độc đáo trong đế quốc, một tôn giáo tôn thờ một Con Người trên thập giá, một tôn giáo mới từ chối thờ hoàng đế và các phong tục dâm loạn và hoang dã của đế quốc, một tôn giáo coi tất cả mọi người là anh em.
2 Sản phẩm lần này mình rất hài lòng so với lần trước, lần này bên ngoài có bọc giao thì k bị hư góc hay trầy, tuyệt vời hy vọng những lần sau mua sách sẽ như vầy
3 Sách đẹp và giao hàng nhanh chóng và bảo đảm an toàn chất lượng
4 Sách có bọc cẩn thận nhưng các góc hơi méo mó
5 Giao hàng bị méo phần bìa Nên cho 4 sao
Review sách Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz
Quo Vadis là cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Ba Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1916). Tôi tình cờ biết đến tiểu thuyết này khi đọc tiểu thuyết – tự truyện của nhà văn nữ Hàn Quốc Park Wan-suh (1931-2011), Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy? Trong đó Park Wan-suh kể rằng hồi còn thiếu nữ đã được đọc sách của người anh trai mang về, và bà rất ấn tượng với Quo Vadis và Chiến tranh và Hòa bình. Chiến tranh và Hòa bình thì tôi đã được biết đến vì một trích đoạn của tác phẩm này đã được đưa vào chương trình văn học nước ngoài học ở phổ thông. Mặc dù nổi tiếng toàn thế giới và được đưa vào rất nhiều bảng xếp hạng “best books” lẫn “must read”, thậm chí có người còn nói rằng nó là cuốn sách hay nhất viết về chiến tranh, nhưng tôi thì lại không mấy ấn tượng với nó. Từ hồi cấp ba đã không hề để ý rồi, giờ cũng thế. Nhưng có lẽ một ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ thử đọc nó chăm chú xem sao. Ai mà biết được, biết đâu tôi lại thích thì sao? Chẳng phải đã từng có thời gian tôi không ưa gì các tác phẩm của Italo Calvino rồi sau này lại coi ông như là một trong những tác gia hay nhất tôi từng đọc và thật tiếc là ông đã không được trao Nobel (về Nobel thì cũng có nhiều cái để mà lạm bàn, có thể là dành riêng một post nào đó?). Trở lại với Quo Vadis, cái tên ấy đã gây ấn tượng lên tôi, khiến tôi tò mò ngay từ giây đầu tiên nhìn thấy. Nó thật ra tên là gì? Sao lại không dịch? Nó nói về cái gì?
“Quo vadis, Domine?” trong tiếng Latinh nghĩa là “Người đi đâu, thưa thầy?” Người ta kể rằng khi Peter chạy khỏi Rome trong những ngày kinh khủng nhất của cuộc càn quét, khủng bố những người theo Kito giáo, Người đã gặp Chúa Jesus, khi ấy Thánh Peter hỏi Jesus: “Quo Vadis, Domine?” (Người đi đâu, thưa thầy?”). Jesus đáp rằng: “Vì ngươi đã bỏ người của ta, nên ta phải quay lại Rome để chịu đóng đinh câu rút lần nữa.” Nghe xong câu nói đó, thánh Peter đã quay lại Rome để tiếp tục giảng đạo và cùng các tín đồ Kito đấu tranh cho tín ngưỡng của mình và cuối cùng bị xử tử (cũng bằng cách đóng đinh).
Quo Vadis là tiểu thuyết lịch sử, lấy bối cảnh La Mã khoảng những năm 60 sau Công nguyên, dưới thời trị vì của hoàng đế Nero. Tựa đề của cuốn sách có thể gợi cho người ta cảm giác ban đầu rằng đây là cuốn sách về tôn giáo. Đúng, nó là tiểu thuyết về sự đấu tranh cho đức tin Kito giáo thời kì đầu. Nhưng xuyên suốt cuốn sách còn là tình yêu và công lý và cuộc sống, mà tôi nghĩ chủ đề này có khi lớn hơn cả chủ đề tôn giáo. Quo Vadis kể câu chuyện tình giữa nàng Ligia, công chúa xứ Ligi (Ba Lan ngày nay), một Kito hữu, con tin của La Mã, con nuôi bà Pomponia Graecina và ông Aulus Plautius với chàng Marcus Vinicius, một hộ dân quan, thuộc dòng dõi các quan chấp chính, một chàng trai có vẻ đẹp như thần Hercules làm nao lòng biết bao cô gái.
Ngay từ giây phút đầu tiên chạm mặt Ligia, Vinicius đã mê đắm vẻ đẹp của nàng. Chàng đã cầu xin người cậu của mình, Gaius Petronius, cận thần của hoàng đế, giúp đỡ. Petronius xin Nero hạ lệnh đưa Ligia vào cung (vì nàng là con tin và số phận nàng do hoàng đế toàn quyền quyết định) và tặng Ligia như một món quà cho chàng Vinicius. Nhưng Ligia đã chạy trốn khỏi hoàng cung để tránh khỏi bị làm nhục. Vinicius đã thuê một tên lừa đảo, nhà triết học giả danh Chilon Chilonides và từ đó mà biết được chỗ ở của nàng Ligia. Vinicius đã lên kế hoạch bắt cóc nàng nhưng bất thành, thậm chí còn bị cận vệ của nàng Ligia, bác Ursus đánh bị thương. Trong thời gian chăm sóc cho chàng Vinicius, tình yêu giữa hai con người đẹp như các vị thần Hi Lạp ấy lớn dần lên và được khẳng định. Vinicius ban đầu còn băn khoăn, day rứt vì tín ngưỡng mà nàng Ligia, đôi khi còn ghen tuông với cả Jesus, nhưng sau này chính tình yêu của nàng, cùng với sự độ lượng và lời rao giảng thuyết phục của Sứ đồ Peter (trong truyện được ghi là Piotr, theo phiên âm tiếng Ba Lan) và Paul (Paven xứ Tarxu) đã biến đổi chàng. Vinicius tự nguyện chịu lễ rửa tội và trở thành tín đồ Kito. Đó cũng là lúc chàng có được niềm hạnh phúc vô bờ khi Ligia nhận lời cầu hôn của chàng.
Nhưng tai họa ập đến khi Nero bạo chúa, kẻ vẫn ảo tưởng về tài năng thơ ca của mình, ra lệnh đốt thành Rome để lấy cảm hứng cho bài thơ của y, tác phẩm mà y tin là sẽ vượt qua cả Iliad và Odysess của Homer. Sau khi đốt thành, để thoát tội, y đã đổ vấy lên những tín đồ Kito, và khủng bố họ theo những cách tàn bạo nhất. Tình yêu của đôi trẻ tưởng đã có thể đơm hoa kết trái thì giờ đây lại đứng trước thách thức của sự chia lìa sống – chết.
Rốt cục, sức mạnh của tình yêu và niềm tin đã giúp đôi bạn trẻ Ligia – Vinicius vượt qua những thử thách cam go tưởng chừng chết đi sống lại và họ sống hạnh phúc trọn vẹn bên nhau, y như kết cục trong các câu chuyện cổ tích. Và Nero, kẻ điên cuồng chà đạp lên cuộc sống của bao người để phục vụ cho cái ảo tưởng vô lý của mình rồi cũng bị giết. Thánh Peter và Paul bước chân theo Jesus, thu phục trái tim hàng triệu con người hàng thiên niên kỉ sau. Đồi Vatican trở thành trung tâm của thứ tôn giáo có số tín đồ lớn nhất thế giới. Họ, và tín ngưỡng của họ đã biến đổi thế giới.
Truyện được viết với một thứ ngôn ngữ ngọt ngào, kết cấu chặt chẽ xuất sắc tài tình cùng cách so sánh ước lệ vô cùng đẹp. Các nhân vật, công trình, sự kiện được mô tả hết sức tỉ mỉ, công phu cho ta mường tượng đầy đủ về những con người đẹp như thiên thần cùng sự rực rỡ, tráng lệ của nền văn minh Hi – La, đỉnh cao phát triển của nhân loại mà con người nhiều thế kỉ sau vẫn trầm trồ thán phục. Thật khó có thể tóm hết vẻ đẹp và sự tinh tế của văn chương Sienkiewicz trong một vài dòng tóm tắt. Ấy là chưa kể lời kể của tôi thật là thô lậu và tủn mủn.
Tôi bị cuốn theo các tình tiết gay cấn mà tài tình và tự nhiên cũng như ngôn từ ngọt ngào của cuốn tiểu thuyết, cũng ngưỡng mộ tình yêu của Ligia và Vinicius, lại mơ màng về vẻ ngoài của các nhân vật, hay tưởng tượng sự hoành tráng của nền văn minh mà lâu nay tôi vẫn hâm mộ, cũng ngạc nhiên và sợ hãi trước sự đàn áp tàn bạo của Nero với các tín đồ thiên chúa, mà dưới ngòi bút thiên tài của Sienkiewicz thì chúng cũng như cảnh tượng được bày ra ngay trước mắt vậy. Đúng là “losing oneself in fiction,” một nguy cơ luôn hiện hữu khi quá nhập tâm vào các tác phẩm hư cấu nói chung (phim ảnh và văn học). Nhưng tôi vẫn không thể nào bị cuốn hút bởi thuyết giáo của đạo Kito. Quan điểm của tôi là:
Thứ nhất, tại sao người ta lại gọi Đức mẹ Maria là đồng trinh? Các câu chuyện vẫn cứ kể việc bà sinh ra Jesus nhưng vẫn trinh tiết, như kiểu chuyện Thánh Gióng ở Việt Nam ấy, giẫm chân lên vết chân ở ngoài ruộng thì về có chửa. Thật là hoang đường. Chỉ đơn giản là để sinh ra một con người thì cần có sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, không thể có ngoại lệ. Tất nhiên là thần thánh thì vẫn có những câu chuyện hoang đường. Nhưng một khi người ta đã một mực cho rằng Jesus là thật, thì cũng nên hiện thực hóa cho đúng. Hay là việc một con người sinh ra do kết quả của việc quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn bà là không thể thần thánh? Bản thân hành vi tự nhiên ấy là bẩn thỉu và tội lỗi? Có phải vì thế mà Eva và Adam bị cho là có tội khi ăn trái cấm? Chẳng phải họ vẫn cho Jesus là con của Đức Chúa Cha Jehova đấy thôi? Đức Jesus sống được hơn 30 tuổi, nên tôi luôn nghĩ rằng ông sẽ trải qua tất cả những gì một chàng trai sẽ trải qua, dù có là gì. Nghĩa là sẽ lớn lên, mọc lông ở vài chỗ trên cơ thể, thủ dâm và có ham muốn tình dục, yêu ít nhất là một người, hoặc có thể hơn, đàn bà, hoặc đàn ông, hoặc cả hai. Và trong quá trình ấy thì vẫn luôn ăn-uống-ỉa-đái như tất cả mọi sinh vật trên Trái Đất. Những điều ấy là hoàn toàn tự nhiên. Tất nhiên là tưởng tượng như tôi thì sẽ làm giảm hình ảnh thánh thần đi chút ít. Ai sẽ nghĩ đến cảnh các thần đi toilet?
Thứ hai, khi bị bọn lính bắt đi, Jesus hoàn toàn có thể chạy trốn. Tôi không nghĩ chỉ đơn thuần bằng việc để cho người khác bắt đi một cách dễ dàng và đóng đinh câu rút thì đó là hành động chuộc tội cho nhân loại, là cứu thế và là salvation gì gì đó. Người ta có thể giúp được ai nếu không tự giúp mình? Và cứ cho rằng có thể giúp đỡ con người về mặt tinh thần bằng cách rao giảng thuyết giáo của mình đi chăng nữa thì điều kiện tiên quyết vẫn phải là SỐNG. Nếu không sống thì làm sao nói được? Chẳng việc gì phải đâm đầu vào rọ trong khi có thể sống, và riêng cái việc sống ấy đã có thể đóng góp cho nhân loại vô vàn. Trong truyện, nhiều tín đồ coi Jesus hơn cả cha mẹ, và có người (cả Ligia nữa) đã mong đến cái chết như là một sự giải thoát, một bước lên trời để gần hơn với Chúa, với một cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng và hơi một tí là cầu Chúa giúp, và cái gì thành công cũng bảo là nhờ có Chúa. Trên thực tế, cha mẹ sinh ra ta chứ không phải Chúa. Chúng ta không phải con Chúa, vì Chúa không quan hệ tình dục. Và cũng không ai cho chúng ta ăn uống, mặc, học hành và quan tâm đến chúng ta từng li từng tí như cha mẹ. Chúa ở đâu khi chúng ta đói và cần tiền nộp học phí? Chúa ở đâu khi chúng ta khóc và cần người nói chuyện? Trong con mắt của tôi, cha mẹ mới chính là thánh thần, và cao hơn tất thảy. Không ai cao hơn họ cả. Còn về cái chết, đơn giản là nó chẳng hay ho gì cả. Ai biết được sau khi chết sẽ là cái gì? Là thiên đàng hay là quá trình phân hủy trong quan tài? Cứ cho là có đời sống sau khi chết đi, thì ai đã từng thấy nó để mà thuật lại nào? Tôi không thích quan điểm sống khổ hạnh, gò bó gì gì đó để được sung sướng trong thế giới bên kia. Bên này còn không sống hết mình cho ra sống, sống đúng với bản chất và tình cảm của mình thì mong gì chết sẽ tốt hơn? Lại cái suy nghĩ chết thì đẹp hơn sống nữa, thật không hiểu nổi. Mà có thế, sống ở thiên đàng có cha mẹ anh chị em bạn bè thân thuộc, người yêu, vợ chồng con cái lại chẳng hay hơn sống cùng một người đàn ông chết trẻ cách đây gần 2000 năm?
Thứ ba, là lý tưởng phải yêu thương tất cả mọi người như nhau và phải yêu thương, tha thứ cho kẻ thù. Tất nhiên là trả thù liên miên thì không mang lại hòa bình, nhưng yêu tất cả như nhau và yêu cả kẻ thù thì chính là không công minh và giả tạo. Đối xử với người tốt cũng như người xấu thì công bằng ở đâu? Và người ta còn tốt để làm gì khi mà xấu cũng sẽ được đối xử y nguyên? Thật ra chẳng ở đâu và chẳng cái gì là cân bằng cả, và chính cái không công bằng (một cách tương đối) lại chính là công bằng. Đơn giản là khi ai cũng là thánh thì chẳng ai là thánh cả. Và khi một ai đó làm hại mình thì cảm giác tự nhiên là ghét, mà nếu cứ cố phải yêu thương thì là giả tạo rồi. Nếu bác Ursus giết Chilon Chilonides ngay lúc hắn đến khi Vinicius bị thương thì hắn sẽ không thể tố tín đồ Kito với Nero, và vì thế có thể sẽ không xảy ra các vụ khủng bố, hoặc ít nhất thì Ligia có thể chạy thoát. Trong lúc Ligia sắp bị đưa ra đấu trường, Vinicius đã từng có ý nghĩ giết Nero nhưng lại thấy hối hận vì giáo thuyết Kito không cho phép làm thế. Hình như là chàng nghĩ phải yêu thương cả kẻ sắp giết người yêu mình? Thật ra nếu chàng làm thế ngay thì câu chuyện sẽ tiến theo một hướng khác, dã man hơn, ít ngọt ngào đi, có thể chàng sẽ bị xử tử cùng với Ligia, cũng có thể không, chàng nổi dậy giết Nero và trở thành hoàng đế La Mã (như có lúc chàng nghĩ đến). Dù gì thì cũng chỉ là nếu mà thôi, và tất nhiên, đều là suy nghĩ của cá nhân tôi. Tôi thích quan điểm của John Stuart Mill rằng không làm gì chống lại cái ác cũng là tội ác.
John Stuart Mill
Giáo hoàng Benedict XVI
Cũng về Kito giáo, sau này nó đã phát triển thành tôn giáo đông tín đồ nhất thế giới. Nó chi phối các chính phủ và chương trình nghị sự chính trị. Sau này nhà thờ hủ bại lại làm khổ bao nhiêu người dân, những con chiên của họ và góp phần đưa châu Âu và đêm trường Trung cổ. Và một điều bất công là, thiên đường không dành cho tất cả những người tin, và làm theo điều tốt như được răn dạy, mà dành cho những kẻ có tiền. Chẳng phải thế mà các đức giám mục tôn kính đi bán cả bùa giải tội để linh hồn lên ngay thiên đàng không cần qua ngục luyện tội như dưới thời Giáo hoàng Leo X thế kỉ 16 sao? Và trong suốt thời gian dài ấy cũng như bây giờ, Kito giáo không dung thứ, mà thậm chí còn đối xử thậm tệ với những người đồng tính (đây chỉ là một ví dụ nhỏ). Giáo hoàng Benedict XVI gọi đó là “sin” và khắp các giáo sứ ở Mỹ người ta kêu gọi kí vào petition để tẩy chay same-sex marriage. Những người đó đã làm gì để bị gọi là “sin”? Hay chỉ đơn giản là họ đi tìm hạnh phúc cho mình? Tạm gác lại các vấn đề mọi người vẫn tranh cãi, trên hết họ là con người. Nếu như Chúa dạy phải yêu thương tất cả mọi người như nhau, thậm chí cả kẻ thù, thì sao lại đi căm ghét những người vốn là con người và lại không phải là kẻ thù? Thật mâu thuẫn. Trong khi đó thì lại nổi lên hàng loạt tố giác về các vụ lạm dụng tình dục trẻ em nam của các chức sắc nhà thờ, và gần đây là vụ lùm xùm về tham nhũng và rửa tiền. Những chức sắc ấy sẽ đi đâu? Thiên đàng hay địa ngục?
Mary Magdalene
Tất nhiên, tôi không cố ý denounce Jesus Christ. Bởi vì tôi không muốn bị kết án tử như V. S. Naipaul và trong mắt tôi ông vẫn là một người đáng kính, chỉ có chăng là không có vầng sáng trưng bao quanh mà thôi. Hơn hết, người ta phải sống vì mình và những người thân thuộc. Sống cho hết mình trong phạm vi tự do không xâm phạm đến người khác trước khi nghĩ đến các kiểu hành xác hay gì gì đó với niềm tin sẽ thấy Chúa. Ai đã từng thấy Chúa? Hay là chỉ tưởng tượng ra theo hình ảnh trên cây thánh giá và các bức bích họa tôn giáo? Jesus có thực sự trông như thế hay không là việc không thể chắc chắn. Và việc yêu thương mọi người như nhau là bất khả và ảo tưởng. Jesus, Thích ca Mâu ni làm thế nên họ là Chúa và Đức Phật, còn chúng ta, người bình thường và sống trong thời đại cách rất xa họ, nên trung thực với bản thân và tình cảm của mình. Công bằng với chính mình và bản thân thấy thoải mái cái đã. Thật mệt mỏi khi cứ phải cố yêu người mình không yêu, chứ đừng nói là người đã làm hại mình. Không sống được thoải mái ngay lúc này thì sao nghĩ đến chuyện sẽ sung sướng ở cái kiếp mà chẳng ai biết nó như thế nào? “Sẽ” là ở thì tương lai. Mà tôi tin rằng Jesus cũng không hẳn là phân phát tình thương như nhau, vì nếu là “công bằng” thì sao người ta biết được Mary Magdalene và John tông đồ Thánh sử là những người được yêu quý hơn cả? Cào bằng cho tất cả là không công bằng với bất cứ ai.
Có một đoạn trong cuốn tiểu thuyết, khi Vinicius đã được sống hạnh phúc cùng nàng Ligia ở đảo Sicily, chàng đã viết thư cho ông Petronius, trong đó có đoạn nói rằng thuyết giáo của Jesus là tất cả, còn triết lý của các triết gia xưa nay chỉ là chiếc bình rỗng không. Tôi vốn có cảm tình với Vinicius, nhưng riêng điểm đó thì không chấp nhận được. Việc phủ nhận hoàn hoàn như thế là hết sức tư biện, cảm tính và bất công. Không thể gạt bỏ Aristotle, Socrates, Plato, v.v… trên con đường vinh danh Chúa như thế.
Cuốn tiểu thuyết có chủ đề tôn giáo, và trong đó người ta bày tỏ rất nhiều ý kiến tôn giáo nên khiến tôi suy nghĩ nhiều và không thể không nói ra quan điểm của mình bấy lâu nay. Trên hết, tôi vẫn kính trọng Jesus, dù ông ta có thật hay không, nhưng ông ta vẫn là người đứng đầu một tôn giáo và được nhiều người sùng kính. Hơn nữa những điều mà Jesus răn dạy cũng phần nào đó giúp ai đó không làm việc xấu và nhiều hội nhóm từ thiện được mở ra bởi những người tin vào lời răn đó. Tôi chỉ nghĩ về ông ấy như thế vì hơn hết tôi là người vô thần. Và tôi cũng chẳng lo ngại sau khi chết sẽ ra sao, việc ấy không quan trọng, mà cũng không nên lo lắng vì chả được tích sự gì rốt ráo. Tôi lại nghĩ rằng nếu có cuộc sống sau khi chết, thì ở đó cũng có nhiều thế giới, nhiều đất nước, ai ràng buộc mình với tôn giáo và vị thần nào thì sẽ sống dưới thế giới của vị thần đó. Tôi không phải tín đồ Kito nên sẽ không chịu sự ràng buộc của Jesus.
Cá nhân tôi thích các vị thần Hi Lạp và La Mã hơn. Họ là thần, có những sức mạnh siêu việt, nhưng đồng thời cũng có những khiếm khuyết, yêu đương, ham muốn dục tình, phản bội, ghen tuông, đố kỵ, trả thù, v.v… Họ có tất cả những gì con người có, vì thế họ thực hơn, và gần gũi hơn. Không có cái gì là hoàn hảo cả. Và tất cả các vị thần đều là fictional characters.
Gaius Petronius Abiter (27-66 AD)
Nhân vật tôi ngưỡng mộ nhất xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, cũng là một nhân vật lịch sử, tên là Gaius Petronius. Ông được mệnh danh là abiter eligantarium, nghĩa là “người đánh giá khách quan các chuyện hào hoa phong nhã.” Ông là hiện thân của những gì đẹp đẽ, cao quý, tinh túy nhất của nền văn minh Hi – La. Ông là con người uyên bác, có tấm lòng nhân hậu, dũng cảm, óc phán đoán sâu sắc, tinh tế và sự hài hước nhẹ nhàng. Tôi đặc biệt thích quan điểm triết học của ông về sự sống và cái đẹp. Khi tranh luận với chàng Vinicius về thuyết giáo của đạo Kito, ông cho rằng: “Anh đã lầm khi cho rằng đó là một thứ giáo thuyết tốt lành, bởi vì tốt lành là những gì có thể khiến cho con người ta sung sướng, là cái đẹp, tình yêu và sức mạnh, vậy mà bọn chúng lại gọi những cái đó là chuyện phù vân. Anh nhầm lẫn khi xem chúng là công bằng, bởi vì nếu chúng ta dùng điều tốt để đáp lại cái xấu thì chúng ta biết lấy gì để đáp lại cái tốt kia chứ? Còn nếu trả giá cho hai thứ ngang nhau, thì con người cần phải tốt để làm gì?” Ông còn nói: “Chúng ta biết cách chết, nhưng giờ đây chúng ta chưa muốn chịu đựng cuộc sống để được phụng sự cái chết trước khi nó bắt ta đi. Sự sống chỉ tồn tại cho riêng bản thân nó chứ không phải cho cái chết.” Trong bức thư cuối cùng gửi Vinicius trước khi chết, Petronius viết: “Không có vị thần nào hứa ban cho cậu được bất tử, vậy nên cậu chẳng gặp phải một chuyện bất ngờ. Hơn nữa, anh đã nhầm, Vinicius ơi, khi bảo rằng chỉ có đức Chúa của anh dạy phải chết bình thản. Không! Trước các anh, thế giới của chúng tôi đã từng biết rằng, khi chiếc cốc cuối cùng được dốc cạn, thì đến lúc ra đi và nghỉ ngơi, và còn biết cách làm điều ấy một cách hoàn toàn dễ chịu. Plato nói rằng, phẩm hạnh chính là âm nhạc, còn cuộc đời nhà hiền triết là một khúc hòa âm. Nếu đúng thế thì cậu sẽ chết như cậu đã sống, đầy phẩm hạnh.” Y như trong tuyên bố trước đó của ông: “Cậu đã sống như ý cậu muốn và sẽ chết theo cách thức khiến cậu vừa lòng.” Và đúng vậy, cuối cùng ông, cũng với nàng Eunice xinh đẹp tuyệt trần của mình đã chết trong sự thanh thản, trong vẻ đẹp và trước sự ngưỡng mộ của mọi người.
Quo Vadis còn là bức tranh toàn cảnh về xã hội La Mã thập niên 60 Sau Công nguyên, đất nước của sự phồn vinh, xa hoa, tráng lệ nhưng cũng báo trước những xung đột trong lòng nó cần được giải quyết. Mặc dù đã qua thời Cộng hòa La Mã gần 100 năm, nhưng tôi thấy ngay cả dưới thời một bạo chúa như Nero thì Rome vẫn là một xã hội “tương đối” dân chủ. Hoàng đế vẫn sợ dư luận quần chúng, và người dân thậm chí dám thóa mạ hoàng đế trên đường phố. Còn tại hý trường thì quyết định và ý chí của người dân là cao nhất, ngay cả Nero cũng không thể làm gì được. Cũng một phần nhờ sự xúc động của dân chúng trước hành động mạnh mẽ xuất phát từ tình yêu vô bờ của Ursus (và Vinicius nữa) đối với Ligia mà chàng Vinicius đã cứu được nàng khỏi cửa thần Chết.
Tiểu thuyết này thực sự là một thiên sử thi, kiệt tác văn học nhân loại. Người ta chỉ có thể đơn giản mở bất kì một trang nào trong cuốn sách vào bất kỳ thời điểm nào và rồi sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp mê hoặc của câu chuyện và của ngôn từ Henryk Sienkiewicz. Tiểu thuyết này đã góp phần mang lại cho Sienkiewicz giải Nobel Văn chương, và từ khi ra đời năm 1895 đến nay nó đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng.
Những cái gì kinh điển thì sẽ sống mãi với thời gian, và tôi tin rằng sau nhiều năm nữa người ta vẫn sẽ tìm đọc Quo Vadis. Tôi muốn bắt chước lời praise cho “Anh chàng Hobbit” của J. R. R. Tolkien trên tờ Sunday Times rằng: “Cộng đồng Anh ngữ được phân làm hai: những người đã đọc Anh chàng Hobbit cùng Chúa nhẫn và những người sẽ đọc.” còn với tôi là: “Cộng đồng thế giới được chia làm hai: những người đã đọc Quo Vadis và những người sẽ đọc Quo Vadis.” Đây là cuốn tiểu thuyết cho mọi người, thuộc mọi dân tộc, không kể màu da, ngôn ngữ, giới tính, xuất thân. Đây chính xác là cuốn tiểu thuyết phải đọc trước khi chết.
Mua sách Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz” khoảng 120.000đ đến 140.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz Fahasa” tại đây
Đọc sách Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz ebook pdf
Để download “sách Quo Vadis – Henryk Sienkiewicz pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 20/11/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- Đế Quốc An Nam Và Người Dân An Nam
- Tam Quốc Diễn Nghĩa (6 tập)
- Sự Trỗi Dậy Của Một Cường Quốc: Cái Nhìn Từ Bên Trong
- Bí Quyết Dưỡng Da Kiểu Hàn Quốc
- Marketing Quốc Tế
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free