Biển Bắt Đầu Từ Sóng
Giới thiệu sách Biển Bắt Đầu Từ Sóng – Tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh
Biển Bắt Đầu Từ Sóng
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Trên tay tôi là tập sách dày dặn trên 500 trang in, một tuyển thơ gồm 108 tác giả của nhiều vùng miền, nhiều thế hệ trong cả nước mang tên Biển bắt đầu từ sóng do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tuyển chọn. Tập thơ này là kết quả của sự mời gọi, nâng niu, chọn lọc thi ca bền bỉ, tâm huyết của những người yêu thơ đang sống ở thành phố biển xinh đẹp này. Tên tuyển thơ mang nội hàm khác nữa, cái này mới quan trọng – những con sóng thi ca đã làm nên biển thơ Việt trong thời kỹ trị, khi tưởng chừng thơ đã đuối sức. Thực ra, không phải như thế, thơ vẫn tồn tại như sự tồn tại của ngôn ngữ, thơ tự biết lo liệu cho mình, thơ vẫn là thơ như cách nghĩ về nó của những người sáng tác trong tập sách này. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Thơ là dòng nước chảy giữa hai bờ: hiện thực đời sống và trí tưởng tượng”. Nhà thơ Mai Văn Phấn suy nghĩ về công việc làm thơ: “Viết là để khai sáng chính mình, được thấy mình khác những người khác”. Nhà thơ Vương Trọng nghĩ về thơ bằng chính thơ mình: “Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu/ Dòng suối cạn muốn dọa người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục/ Nông, sâu là ý tứ/ Trong, đục ấy ngôn từ”. Nhà thơ nữ Hoàn Nguyễn thì cho rằng: “Với tôi, thơ đến như một món quà của đời ban tặng. Thơ đã cho tôi tìm lại sự ấm áp, hạnh phúc nhỏ nhoi của chính mình”. Còn nhiều lắm những lối nghĩ về thơ thú vị và bổ ích cho người viết, người đọc mà tôi chưa dẫn trích vào đây. Với tôi, thì công việc làm thơ là sự sáng tạo đơn độc của thi sĩ. Mỗi bài thơ đích thực đều xuất phát từ cảm xúc và đương nhiên nó cũng sẽ kết thúc bằng cảm xúc. Cái cảm xúc này không dừng lại ở chữ cuối cùng của một thi phẩm mà nó sẽ có cơ hội đi tiếp hay nói cách khác sẽ lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn bạn đọc. Bài thơ càng hay thì sự truyền cảm càng rộng rãi và sâu sắc. Tuy nhiên, để có một tác phẩm thơ hay là chuyện rất khó. Cái hay của thơ bao giờ cũng không nhiều. Thực tiễn đã chứng tỏ điều đó, trong hàng trăm tập thơ, hàng nghìn bài thơ được công bố của nhiều tác giả mấy năm gần đây thì cũng không nhiều những thi phẩm xuất sắc, lắng đọng lại với công chúng. Công việc làm thơ là hành trình sáng tạo nghệ thuật tinh tế, cực kỳ tinh tế. Nó không chấp nhận sự cẩu thả, ăn non, quả chưa chín đã hái. Điều cần khẳng định là thơ phải luôn được đổi mới. Truyền thống hay cách tân đều phải đổi mới. Đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Khi hiện thực cuộc sống đổi thay, cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ, thì thơ mang dấu ấn của người sáng tác rất rõ. Chính dấu ấn sáng tạo riêng biệt của nhà thơ đã tạo nên tính đa thanh, đa điệu, đa sắc của thi đàn. Đó cũng là cái để phân biệt nhà thơ này với nhà thơ khác.
108 tác giả có mặt trong tập tuyển này cùng những thi phẩm của họ đã góp phần minh chứng sự tồn tại và chuyển động của thơ Việt hiện thời. Nói về đội ngũ, thì Biển bắt đầu từ sóng tập hợp được khá nhiều nhà thơ tên tuổi trên đất nước Việt Nam. Xin được điểm danh sơ bộ: Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thái Dương, Phan Hoàng, Văn Công Hùng, Nguyễn Thụy Kha, Thái Thăng Long, Đoàn Văn Mật, Ngô Minh, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Đông Nhật, Mai Văn Phấn, Nguyễn Ngọc Phú, Đoàn Mạnh Phương, Thanh Quế, Lê Minh Quốc, Trần Quang Quý, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy Trần Tuấn, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Vương Trọng, Trương Anh Tú, Nguyễn Hàn Chung, Mai Thìn, Đặng Bá Tiến, Đỗ Thượng Thế, Ngân Vịnh, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Giúp, Nguyễn Hải Triều, Trần Mai Hường, Nguyễn Phong Việt và còn nhiều nữa…
Cái xôn xao của biển là muôn đời. Thơ cũng vậy, xôn xao bởi những con sóng thi ca. Cũ và mới, bé hay lớn, hiền lành hoặc dữ dội hình như đều được bảo lưu trong thơ. Thơ không cung cấp nhiều cho ta diện mạo cuộc sống mà cho ta những lắng sâu của đời. Mỗi thi phẩm trong Tuyển thơ này là một rung ngân, chẳng mấy giống nhau nhưng đều chung cái đẹp, khi bình dị, lúc sang trọng. Nhiều giọng điệu là điều tôi cảm nhận rõ từ tuyển thơ này. Ghi nhận công lao, tâm huyết, khả năng thẩm thấu của người biên soạn với tình yêu thơ là sợi chỉ xanh xuyên suốt. Rất khó để đưa hết những dẫn dụ vào trong bài viết không dài này, tôi đành chọn lựa ít con sóng làm minh chứng cho điều mình vừa nói. Nghe từ Người chơi đàn bầu của làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều những âm thanh đắng đót thân phận: “Mang thân trôi dạt dặm trường/ Soi gương thì khóc, đập gương lại cười/ Đêm đêm ngồi tựa bóng người/ Gẩy lên một khúc vọng mười kiếp sau”. Nhiều con sóng đổ về miền quê, như sự trở lại của lòng tri ân dung dị. Thanh Thảo dung dị và sâu lắng đến rưng rưng: “Má ơi cây chuối trổ buồng/ mang sức nặng mà con không rõ/ bây giờ từ khoảng trống xa xăm/ má nhìn về bằng đôi mắt ngọn gió… (Thư gửi má). Còn đây Vương Trọng Khóc giữa chiêm bao đầy thấm thía: “Con lang thang vất vưởng giữa đời thường/ Đâu cũng sống, không đâu thành quê mẹ”. Đây Trần Quang Quý chiêm trải trên Cánh đồng như cuộc hồi hướng cội nguồn, quá khứ: “Tôi đã mở cuộc đời ra/ Trên lưỡi cày cha lầm lũi/ Và sâu thẳm trong tôi một cánh đồng thiêng không mùa vụ/ Mẹ tôi/ Gieo gặt lòng nhân từ/ Màu mỡ cất từ trái tim khổ hạnh”. Phan Huyền Thư cứ ẩn trú trong ngôi nhà vĩnh cửu mang tên tình yêu: “Nhà của em/ là nơi bàn tay anh mở từng nút áo/ cho bóng hoàng hôn vỡ òa ngực đêm” (Đường về nhà). Cái sự chia trong thơ Nguyễn Trọng Tạo đầy ám ảnh giữa muôn vàn khúc nhôi đời thường, buồn và thương: “Chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm” (Chia). Nhà thơ nữ Hoàn Nguyễn thành thật đằm thắm bao nhiêu thì da diết khát khao bấy nhiêu: “Nhà không có đàn ông/ không nhớ ngày nhớ tháng/ mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân/ chông chênh lạc lõng dòng đời/ nhà không có đàn ông/ gương soi chẳng thấy mặt người (Nhà không có đàn ông). Có lẽ thơ gần với nỗi buồn, sự cô đơn hơn cả. Còn nhiều câu thơ nữa neo vào lòng biển mà tôi chưa kịp dẫn ra đây của 108 tác giả trong tuyển tập này. Đã có những con sóng thi ca vỗ vào lòng biển, tạo ra những nhấp nhô mang những sắc âm của mênh mang. Có lẽ, cũng không nên trích dẫn nhiều, diễn luận nhiều bởi khi cầm trong tay tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng bạn đọc sẽ biết cách cảm nhận cho riêng mình, của riêng mình. Thơ sẽ nói lên tất cả, như sóng đã nói về biển ồn ào và dịu êm, phẳng lặng và tố giông.
Điều cuối cùng tôi muốn nói đôi chút về một nhà thơ, người có công lớn cho tuyển thơ này ra đời – nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh hiện là Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TP Đà Nẵng với tình yêu thi ca của anh luôn đầy đặn, đắm say, sống chết cùng thơ. Thơ anh bám rễ vào đời; những cung bậc quê nhà xưa – nay đầy hoài niệm, ân tình, mang mang sương khói gió mưa xứ sở. Từ con ngõ hẹp đường làng, Nguyễn Ngọc Hạnh đã về nơi biển rộng. Biển thi ca. Biển đời. Tuyển tập thơ này là một minh chứng cho tình yêu đẹp đẽ đó. Nguyễn Ngọc Hạnh biết yêu thơ một cách hữu ích. Và chúng ta không thể không nhắc đến anh, người rất có công trong tập hợp chọn lọc Tuyển thơ này từ bạn bè làm thơ ở nhiều vùng miền trên đất nước. Tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Hạnh là một con sóng chiều, từ sông Hàn chảy ra biển Việt bao la…
Hà Nội, Tháng 5-2020
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Biển Bắt Đầu Từ Sóng
- Mã hàng 9786048449612
- Tên Nhà Cung Cấp NGUYỄN NGỌC HẠNH
- Tác giả: Nguyễn Ngọc Hạnh
- NXB: NXB Đà Nẵng
- Trọng lượng: (gr) 520
- Kích Thước Bao Bì: 24 x 16 cm
- Số trang: 508
- Hình thức: Bìa Mềm
2. Đánh giá Sách Biển Bắt Đầu Từ Sóng
1 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.
2 Sách hay
Review sách Biển Bắt Đầu Từ Sóng
“Những năm gần đây, bạn đọc và các nhà phê bình thường cho rằng thơ ca hiện nay đang lạm phát, in ấn phát hành nhiều nhưng lại rất hiếm thơ hay. Thực ra nếu nhìn nhận, đánh giá một cách thận trọng và công tâm vẫn có không ít tác phẩm có chất lượng văn học xứng đáng với sự mong đợi của người đọc…”.
Và, tôi đã dành thời gian mấy tháng để đọc tác phẩm này và đồng tình với nhận định trên và đặc biệt là cách thức tuyển chọn của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, người chủ biên cuốn sách. Chúng ta bắt gặp nhiều tác giả trong “Biển bắt đầu từ sóng”, một đội ngũ làm thơ được chọn lọc, họ là những cộng tác viên thân thiết của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong nhiều năm qua trên trang thơ báo Đà Nẵng cuối tuần.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu không say đắm và có một trình độ thẩm thấu thì khó mà làm nên tập sách quý giá này. Cho dù mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều chung vẻ đẹp chân thành từ cảm xúc của thi ca. Nhiều giọng điệu riêng là điều đáng quan tâm. Thơ đương đại có mối quan hệ và kế thừa làm mới thơ truyền thống, đa sắc, đa thanh. Một tập thơ nặng ký, đáng đọc.
Mở đầu là một người trẻ, nhà thơ Hoàng Thụy Anh: “Mọi thứ đều là khởi nguyên/ Nguồn cội/ Võng bầu trời ru lời cố hương” (Cát và Mưa). Thơ đấy chứ các bạn. Một nhà thơ không còn trẻ nữa, nhà thơ Bùi Kim Anh với những câu thơ đầy chiêm nghiệm: “Tôi là một kẻ ngẩn ngơ/ Bỏ nhà, bỏ của, lên chờ vầng trăng/ Một năm có mấy đêm rằm/ Một đời có được mảnh trăng riêng mình (Nhặt trăng).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều theo tôi là người có công làm mới thơ ở thời điểm sau năm 1975 qua tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, ông đã tạo ra một “cú hích” cho nhiều nhà thơ trẻ sau này. Ông có 5 bài trong tập thơ này. Chủ yếu Nguyễn Quang Thiều làm mới thơ qua những bài thơ tự do về vần điệu. Nhưng, tôi vẫn thích thơ lục bát của ông hơn:
Cài khuy
Xõa tóc
Cúi đầu
Ngập tràn trời đất nỗi sầu thế gian
Phận người hay phận cây đàn
Một dây cô độc dậy ngàn tiếng đau…
(Người chơi đàn bầu của làng Chùa)
Hay “Tôi đi qua khóc, qua cười/ Mang theo cả một tháng Mười mẹ tôi” (Mưa thu). Tôi đã đọc mấy tập thơ và trường ca của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú và hình ảnh người mẹ ở một vùng quê biển mặn làm tôi xao lòng: “Chợ trời họp ở cuối thôn/ Hoàng hôn mẹ, gặp hoàng hôn của người/ Bán mua bỏ chín làm mời/ Đồng xu thì bạc, chợ trời thì xanh” (Mẹ đi chợ chiều). Viết lục bát như vậy không dễ.
Có những bạn thơ trẻ như Trần Ngọc Mỹ ở Hải Phòng, thực lòng tôi chưa nghe tên, chưa đọc bao giờ, nay mới biết nhờ đọc tập thơ này: “Khi ốm người ta dễ vẩn vơ/ Nghĩ những điều bình thường không nghĩ/ Mây bay tan tác phía trời vần vũ/ Gió chạm khẽ/ Đã vở òa thành mưa” (Khi ốm). Nguyễn Thánh Ngã là một người thơ ở vùng đất cao nguyên Lâm Đồng với bài thơ “Sâu đo” có nhiều câu rất thích: “Loài sâu đo hiền lành/ Vẫn đo hoài trong nắng/… Nhưng sâu đo/ không đo nổi chiếc bóng của mình in trên vùng kiệt sức của rừng cây”.
Tôi đã đọc mấy tập thơ của Trần Tuấn, đã viết về sự làm mới thơ với nhiều tìm tòi, trăn trở của một nhà thơ, một nhà báo gắn bó với vùng quê Đà Nẵng khá nhiều năm, nay tôi bắt gặp một Trần Tuấn vẫn trung thành với cách viết không khoan nhượng với cả chính bản thân mình: “Đừng ai gọi cho tôi nữa/ Làm ơn…/ Một mai chết/ Hãy trồng tôi như cái cây/ Để tôi mọc sâu xuống một cái bóng/ Che cọng cỏ buồn mắt đất phía bên kia… (Đừng gọi cho tôi nữa).
Nhà thơ Phan Huyền Thư trong “Biển bắt đầu từ sóng” với những câu thơ nhiều chiêm nghiệm:
…
Hãy cứ đau
Để biết mình đang sống.
Đợi một ngày
Độc ác cũng sẽ già yếu và run rẩy…
Sự a dua bầy đàn
Qua tuổi dậy thì sẽ nhận ra cạm bẫy.
Tự trưởng thành
Ngộ nhận sẽ tìm thấy bản gốc chân dung.
(Hãy cứ để nỗi đau biết mình đang sống)
Tôi thích khá nhiều câu thơ của những nhà thơ có mặt trong tập sách này: “Thế giới xa ngoài tầm mắt/ Bấm bàn chân thấy hữu hạn đời mình/ Bông hoa gạo cũ trên nền gach ướt/ Có một chiều thăm thẳm chẳng gọi tên” (Có một chiều thăm thẳm – Văn Công Hùng). Hay “Không e thấp không quản cao/ Xanh cùng trời biếc ấm vào thịt da/ Ông bà ta, cha mẹ ta/ Cầm sen đi suốt đường xa nẻo gần” (Khúc sen – Phùng Văn Khai). Đặc biệt, bài “Không đề” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chỉ có bốn câu mà ý tứ tưởng như vô cùng:
Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Rơi cơn mưa ban trưa
Chợt thấy mình tách làm hai nửa
Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa
Và nhà thơ Phan Hoàng với Hoang mang: “Nhiều đêm gối đầu lên hàng đống sách/ Nghe lòng trống rỗng/ Hoang mang” (Chữ nghĩa thị trường). Đúng là hoang mang thật! Ấy vậy mà “chữ nghĩa thị trường” vẫn tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực thời nay! Còn nhà thơ Hải Đường bất chợt: “Lâu rồi không ngắm những đám mây qua đầu/ Tóc bạc tự bao giờ không để ý/ Tiếng chim ngủ quên trong rừng/ Sớm nay bỗng thức dậy” (Mây vẫn bay). Tiếng chim thức dậy, con người tỉnh thức, ô hay! Mây vẫn bay trên đầu và thi nhân bạc tóc!
Với nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Anh Đào lại mang nỗi buồn cố hữu của thi nhân: “Thác nhớ/ Lội ngược đời con gái/ Soi hư vô trong dáng hạ huyền/ Có ai đợi nỗi cô đơn đầu ngõ…” (Thác nhớ). Còn trong Vở diễn, Nguyễn Việt Chiến lại phát hiện ra một tấn trò đời:
Nhưng chỉ sau đêm diễn
Cánh màn nhung khép rồi
Là giáo gươm, vương miện
Lại xếp vào kho thôi…
(Vở diễn)
Và nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ quê Quảng Nam Đà Nẵng, đang sống ở Sài Gòn với “Chiều mưa uống rượu” đã buồn, rượu ngấm càng buồn hơn, cửi áo xưa cho gió bay… nhưng nỗi buồn vẫn là nỗi lòng thi nhân muôn thuở!
Mưa rụng thêm hồn tôi nữa đây
Chiều tàn. Rượu hết. Sầu chưa say
Mai về tay níu vai cầu cũ
Cửi áo xưa buồn cho gió bay
Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa, đi về cõi vĩnh hằng vẫn để lại nhiều câu thơ hay cho người đọc: “Bao nhiêu chờ đợi trên đời/ Bỗng dưng anh hiểu khi ngồi đợi em” (Đợi) hoặc “Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi” (Đồng dao cho người lớn).
Vẫn là mưa, nhưng mưa của Hồ Đăng Thanh Ngọc: “Có người nghe tiếng chuông chiều trong buổi chiều mưa/ Để tiếng chuông bây giờ vẫn ướt” (Tiếng chuông ngân trong mây).
Chị Vạn Lộc (Vũ Thị Hội) cũng là một người thơ tôi mới nghe tên lần đầu, nhưng bốn câu thơ trong bài “Trăng và bóng” làm tôi như đã quen biết lâu rồi: “Dăm ba sợi tóc bạc/ Trên mái tóc đen huyền/ Em soi gương nhổ tóc/ Nhổ cả thời hoa niên”.
Và Phùng Hiệu (Phùng Văn Hiệu) được giới thiệu là chủ biên Văn Chương Phương Nam có bốn bài in trong tập này, tôi thích những câu thơ gây ấn tượng mạnh trong bài “Quét rác”: “Chị quét cả đời, rác chẩy về đâu/ Khi dấu chân giẫm mòn tuổi tác/ Và tháng năm rót dần khô cạn/ Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn…”.
Nhiều, còn nhiều bài thơ, câu thơ hay mà tôi thích của nhiều tác giả trong tập sách này, nhưng do bài báo có hạn tôi không thể đưa hết, mong bạn đọc và các tác giả lượng thứ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên “Biển bắt đầu từ sóng”, tôi nghĩ là một người hết lòng vì thơ, cũng hết sức khiêm tốn trong tập thơ này, vẫn là người thơ “mang thơ từ làng ra phố” với tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” ra mắt bạn đọc ở Thủ đô Hà Nội hồi năm 2018. “Nhan sắc” là một trong những bài thơ của anh mà tôi tâm đắc: “Nhan sắc em chín lịm vào trong/ Như quả ngọt đồng làng/ Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa/ Mơ hồ một cõi mênh mang”. Hay mấy câu trong bài thơ “Câu thơ mắc cạn”, về sắc, không giữa cuộc đời này:
Vừa như có lại như không
Ô hay cái sự đeo bòng cỏ cây
Như là sấp ngửa bàn tay
Như là sấp ngửa ai bày…
Trần gian…
Mua sách Biển Bắt Đầu Từ Sóng ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Biển Bắt Đầu Từ Sóng” khoảng 160.000đ đến 195.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Biển Bắt Đầu Từ Sóng Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Biển Bắt Đầu Từ Sóng Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Biển Bắt Đầu Từ Sóng Fahasa” tại đây
Đọc sách Biển Bắt Đầu Từ Sóng ebook pdf
Để download “sách Biển Bắt Đầu Từ Sóng pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 27/11/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- Sống Chung Với Ung Thư
- Hành Trình Người Bất Tử
- Những Câu Chuyện Về Khu Phố Nhỏ Ven Sông
- Sống Như Một Nàng Mèo
- Thời Gian Để Sống Và Thời Gian Để Chết
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free