Tây Vực Ký (Pháp sư Huyền Trang)
Giới thiệu sách Tây Vực Ký – Tác giả Pháp sư Huyền Trang
Tây Vực Ký
Sách Tây Vực Ký. Pháp sư Huyền Trang soạn, Hòa Thượng Thích Như Điển và Nguyễn Minh Tiến dịch Việt ngữ. Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản và phát hành toàn cầu. NXB Đà Nẵng xuất bản tại Việt Nam quý II/2022.
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Tây Vực Ký
- Tác giả Pháp sư Huyền Trang
- Người Dịch: Thích Như Điển và Nguyễn Minh Tiến
- NXB Đà Nẵng
- Kích thước 16 x 24
- Số trang 552
- Hình thức Bìa Mềm
- Xem thêm: Top sách nên đọc
2. Đánh giá Sách Tây Vực Ký
1 Sản phẩm giống mô tả, đóng gói cẩn thận,chắc chắn, giao hàng nhanh.
2 Đặt mua cho anh mình, nên nội dung thế nào không biết nhưng thấy anh mình không nói gì chắc là đúng ý ổng. Đóng gói chắc chắn. Giao hàng cực nhanh luôn.
3 Ấn tượng và bất ngờ, bìa sách đẹp hơn hơn sách văn học vn lẫn nước ngoài ở nhà tôi 🙂 thêm lời giới thiệu căn cơ của T.Tuệ Sỹ, bản đồ 138 nước thánh giáo, các học giả gìn giữ tấm y áo của HuyềnTrang cẩn mật như cổ vật cần người đốt đèn canh phòng, nhà hành giả đã đốt tâm trí thay cho ánh mặt trời..
4 Hàng giao đến rất nhanh, mình đặt trưa hôm qua mà trưa hôm nay đã có rồi. Sách được bọc một lớp seal, không móp gáy và góc bìa, mình rất thích. Về nội dung sách thì mình chưa đọc nên không thể đưa ra đánh giá, ai muốn mua thì hãy xem review trên mạng trước nhé.
Review sách Tây Vực Ký
I.
Pháp sư họ Trần 陳, tục danh Y hoặc Huy 禕. Từ Hán 禕, theo Từ điển Khang Hy, phát âm theo Đường vận, đọc là Huy 【 唐 韻 】 許 歸 切; phát âm theo Tập vận, đọc là Y 【集韻】【韻會】吁韋切. Tập vận, từ điển phát âm được biên soạn dưới thời Tống Nhân Tông niên hiệu Cảnh hựu thứ 4 (1039). Đường vận được biên soạn thời nhà Đường, khoảng sau năm 733 hay 751 TL. Pháp sư sinh vào thời nhà Đường, vậy tục danh của Pháp sư đọc là Trần Huy.
Sau khi xuất gia, Pháp danh của ngài là Huyền Trang, hay Huyền Tráng 玄 奘. Ta quen đọc là Huyền Trang, nhưng theo phiên âm Bắc kinh hiện tại, đọc là Xuán Zàng (âm trắc), phát âm đúng là Huyền Tráng.
Cho đến triều Thanh, do kỵ húy vua Khang Hy, 玄奘được viết thay bằng 元奘. Như Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh sự quán giải được viết bởi Sa-môn Tục Pháp 沙門續法dưới triều Khang Hy. Nhiều tên khác như Vương Huyền Sách 王玄策 được viết thay bằng Vương Nguyên Sách 王元策, Phòng Huyền Linh 房玄齡 bằng Phòng Nguyên Linh 房元齡.
Các học giả phương Tây đầu tiên nghiên cứu và phiên dịch Đại Đường Tây vực ký (Thomas Watters, On Yuan Chwang, 1904) cho rằng hai từ 玄 hay 元 có thể phát âm như nhau vào thời nhà Đường. Ý kiến này khả dĩ có lý, nếu theo cách phát âm của người Nhật, như 玄 奘 Huyền Tráng phát âm là げんじょう(genjō), 玄昉 Huyền Phưởng phát âm là げんぼう(genbō), 道元 Đạo Nguyên đọc là どうげん(dōgen), 隱元Ẩn Nguyên đọc là いんげん(ingen).
W. F. Mayers (Chinese Readers’ Manual, 1910) cho rằng 玄奘 nguyên viết là 元奘 nhưng vì kỵ húy mà đổi thành; do đó trong mục từ 962 ông phiên âm Yüan Chwang, đọc theo âm Hán Việt là Nguyên Tráng thay vì Huyền Tráng.
T. W. Rhys Davis, người sáng lập Pāḷi Text Society và cũng là dịch giả nhiều Thánh điển Pāli sang tiếng Anh, cùng với S. W. Bushell biên tập và cho ấn hành tác phẩm On Yuan Chwang (1904) của Thomas Watters (1840-1901), đã dẫn ra ít nhất có 6 phiên âm La-tinh khác nhau về từ 玄奘 của những nhà nghiên cứu phương Tây đầu tiên:
1. M. Stanislas Julien Hiouen Tshang.
2. Mr. Mayers Huan Chwang.
3. Mr. Wylie Yuén Chwàng.
4. Mr. Beal
5. Prof. Legge
6. Prof. Bunyiu Nanjio Hiuen Tsiang.
Hsüan Chwang.
Hhüen Kwân.
Chúng ta chỉ biết những phiên âm La-tinh này trên giấy nên không rõ thực tế phát âm như thế nào.
Để giải thích rõ những phiên âm khác nhau này, Rhys Davids dẫn lời của Thomas Francis Wade (1818-1895), nhà ngoại giáo và Hán học. T. F. Wade cùng với Herbert Giles biên soạn hệ thống La-tinh hóa cho phát âm quan thoại gọi là hệ thống phiên âm la-tinh Wade-Giles được Giles hoàn thành với quyển từ điển Chinese-English Dictionary (1892).
Theo giải thích của Thomas Wade, danh hiệu của Huyền Tráng được viết dưới hai dạng (1) 玄奘 và (2) 元奘. Phát âm theo giọng Bắc kinh đương thời, ông phiên âm (1) hsüan chuang và (2) yüan chuang, và phiên âm này cũng được Dr. Legge chấp nhận. James Legge (k. 1815-1897) được xem là nhà Hán học lớn và nổi tiếng với sự phiên dịch chú giải văn học cổ điển Trung hoa, do rất có thẩm quyền về lãnh vực này nên được dẫn chứng ở đây. Hai dạng nêu trên người Pháp phiên âm (1) hiouen thsang, (2) youan thsang, theo hệ phiên âm của đoàn Truyền giáo La-mã (Romish Missionaries). Rhys Davids có vẻ tán thành lối phiên âm của Stanislas Julien vì bản dịch tiếng Pháp Đại Đường Tây vực ký của ông (Mesmoires sur Les Contrées Occidentales, par Hiouen-Thsang, 1857) rất nổi tiếng và có uy tín. Âm H trong phiên âm của Julien trong tiếng Pháp thực tiễn là âm câm, do đó Hiouen đọc như là Iouen, và có thể được viết là Yuan theo hệ phiên âm khoa học được chấp nhận trong tất cả các hệ ngôn ngữ phương Đông.
Thêm nữa, Watters (On Yuan Chwang, p.6, n.2) nói rằng trong các bản văn Tạng ngữ 玄奘 được phiên âm là T’ang Ssen-tsang hay T’ang Sin (hay Sang). Đây có lẽ là phiên âm la-tinh từ ཐང་ཟན་ཙང་ (Wylie: thang zan tsang), từ được tìm thấy trong 蔵漢大辭典 (bod rgya tshig mdzod chen mo, 1978). Ông cho rằng Ssen-ts’ang là lối phát âm hay phiên âm Tạng ngữ tương đương phiên âm la-tinh Hsüan-ts’ang.
Mặc dù các học giả phương Tây theo phát âm bản địa của mình mà có những phiên âm khác nhau, nhưng ngày nay theo tiêu chuẩn phiên âm Bắc kinh, danh hiệu của Pháp sư được ghi là Xuan Zang. Âm Hán Việt của người Việt từ trước vẫn đọc là Huyền Trang, có khi đọc là Huyền Tráng.
Tiểu truyện Pháp sư được ghi chép đầy đủ, được ấn hành trong Đại chánh tạng với tiêu đề 大唐大慈恩寺三藏法師傳 – 沙門慧立本釋彥悰箋 Đại Đường Đại Từ ân tự Tam tạng Pháp sư truyện, bản gốc bởi Huệ Lập, bổ sung bởi Ngạn Tông.
Chi tiết về cuộc đời của Ngạn Tông được ghi chép trong Tống Cao tăng truyện, quyển 4, rất vắn tắt: Không rõ quê quán, cuối niên hiệu Trinh quán, khoảng những năm trước 649, lên Kinh, cầu Pháp làm môn nhân của Tam tạng Pháp sư, tài không bằng Phổ Quang, Bảo Thái, nhưng kiến thức rộng rãi, thông suốt Huyền học, Nho học. Phần tiếp theo, chỉ phỏng theo bài tựa của chính Ngạn Tông viết cho Đại Đường Đại Từ ân tự Tam tạng Pháp sư truyện, mà bản gốc viết bởi Huệ Lập, và Ngạn Tông là người bổ sung.
Ngạn Tông sinh vào cuối thời Trinh quán, trong khoảng 627- 649, nhưng ít tuổi hơn Huệ Lập (sinh khoảng 615). Tống Cao tăng truyện, quyển 4, chép: Thích Ngạn Tông, không rõ quê quán, sinh khoảng cuối thời Trinh quán (trước 649). Có lẽ đây là khoảng thời gian mà, vào năm Trinh Quán 19 (645) Huệ Lập được vua chọn trong số 9 người hỗ trợ Huyền Trang bắt đầu sự nghiệp phiên dịch từ chùa Hoằng phước. Tống Cao tăng truyện, quyển 17, chép khá đầy đủ về Huệ Lập, nhân cách cũng như tài năng. Nguyên tên 子立 Tử Lập, vua Cao Tông đổi lại là Huệ Lập, chữ Hán viết là 慧, cũng viết là 惠. Cả hai từ này, Khang hy phát âm giống nhau: 【唐韻】【集韻】【正韻】胡桂切,音 惠 , phiên âm chuẩn Bắc kinh là hui. Bẩm tính thông minh, năm 15 tuổi (Trinh quán thứ 3, 629) xuất gia tại chùa Chiêu nhân, Bân châu 豳州昭仁寺. Học thông cả Nho lẫn Thích. Vua sắc phong “Đại Từ ân tự phiên kinh Đại đức”. Cao Tông nhiều lần triệu vào Đại nội, cùng đối luận với các đạo sĩ, rất hợp ý chỉ của vua. Lúc bấy giờ, Thượng y phụng ngự Lữ Tài, quan chức tối cao trong Thượng dược cục, tức Thái y lệnh, chức trách trị bệnh cho các quan, viết Nhân minh đồ chú, 3 quyển, giải thích sai quấy về nhân minh, tức luận lý học Phật giáo do Huyền Trang truyền, bài xích chính nghĩa của các sư, Huệ Lập bèn viết sách chỉ trích khiến Lữ Tài câm nín.
Huệ Lập ngưỡng mộ hành nghi của Tam tạng Huyền Trang do đó viết truyện, tức Đại Từ ân tự Tam tạng truyện, 5 quyển. Chi tiết về biên tập và lưu hành bản truyện này được Ngạn Tông tường thuật trong bài tựa. Năm Trinh quán 19 (645), Pháp sư về đến Kinh đô Trường An, đạo tục đều nghinh đón thật là một thời náo nức. Sau đó, yết kiến Thiên tử, vua ân cần hỏi han, rồi chiếu lệnh các quan chọn người tài năng hỗ trợ Pháp sư phiên dịch. Trăm người đều thờ kính, thật khó nói hết lời. Cho đến như hàng thị tộc trâm anh cũng từ giã gia thân mà nhập đạo, bước theo con đường diệu vợi, trong ngoài đều tán dương, biểu thị ngưng nghỉ Hóa thân mà trở về với Chân thân, cũng như hết củi thì lửa tắt; những chuyện như vậy có đầy đủ trong truyện này.
Truyện gốc có 5 quyển, soạn thuật bởi Sa-môn Huệ Lập, Ngụy quốc Tây tự. Chùa này trước kia vốn có tên là 長安太原寺 Trường An Thái Nguyên tự. Huệ Lập được Ngạn Tông mô tả là con người cứng cỏi, không sợ uy nghiêm, xuống nước, vào lửa, không gì làm cho nhụt chí. Ngưỡng mộ sở học và sở hành cũng như hình nghi của Tam tạng, vẻ như càng dùi mài càng cứng rắn, càng trông lên càng cao xa, nhân đó mà soạn sự tích để làm gương lâu đời. Sau khi soạn xong cảo bản, dè chừng còn thiếu sót những điều hay do đó chôn giấu kỹ dưới đất, người đời không ai nghe đến. Cho đến khi bệnh nặng biết chừng không qua khỏi mới khiến môn đồ đào lên mà công bố rồi mới chết. Môn nhân buồn thương kêu khóc nghẹn ngào, mà truyện này lại lưu ly phân tán nhiều nơi, qua nhiều năm tìm tòi, gần đây mới trọn đủ.
Bài tựa của Ngạn Tông được viết vào niên hiệu Thùy Củng thứ tư (688), không nói rõ năm Huệ Lập mất. Trong thư danh soạn giả, nói rằng 沙門慧立本釋彥悰箋 – Sa-môn Huệ Lập bản, Thích Ngạn Tông tiên, có thể được hiểu theo hai trường hợp. Hoặc 5 quyển đầu do Huệ Lập viết và 5 quyển sau do Ngạn Tông diễn giải thêm chi tiết. Nhưng cũng có thể hiểu từ bản gốc 5 quyển viết do Huệ Lập soạn, sau đó Ngạn Tông diễn giải thêm chi tiết thành 10 quyển, nghĩa là không phân biệt 5 quyển đầu và 5 quyển cuối là hai người viết riêng biệt. Thế nhưng, cuối quyển 10 ghi một đoản văn Nghị Luận của Huệ Lập 釋慧立論曰 và một bài Kệ Tán 贊 曰, luận về con người, công hạnh và sự nghiệp của Pháp sư, và tán dương sở hành, sở học của Pháp sư. Luận và Tán này ở cuối cuối quyển 10 có thể chứng minh rằng, thoạt tiên bản truyện Huệ Lập viết thủy chung 5 quyển, nhưng sau đó theo yêu cầu Ngạn Tông bổ sung chi tiết thành 10 quyển. Nghĩa là, không phải Huệ Lập chỉ soạn 5 quyển đầu, và Ngạn Tông tiếp nối thêm 5 quyển sau.
Trong 10 quyển, quyển 1 ghi chép tiểu sử Pháp sư từ xuất sinh, xuất gia, thọ giới, tham học cho đến năm Trinh Quán thứ 3 (629) xuất phát từ Trường An, qua Ngọc Môn quan, vượt sa-mạc Mạc-hạ-diên, đi về phía tây cho đến nước Cao Xương. Quyển 2 cho đến quyển 5, chép cuộc hành trình từ nước A-kì-ni (Agni) cho đến cuối cùng trở về bản quốc. Đây cũng chỉ là bản tóm tắt cuộc hành trình nhập Trúc cầu pháp được ghi chép chi tiết trong Đại Đường Tây vực ký.
Quyển 6 trở đi, bắt đầu từ năm Trinh Quán 19 (645), Pháp sư về đến Trường An. Cho đến quyển 10, chép từ năm Hiển Khánh thứ 3 (658) rời Lạc Dương về Trường An, trú tại chùa Tây Minh. Năm sau dời vào cung Ngọc Hoa.
Giáo nghĩa mà Trung hoa tiếp nhận đầu tiên là Không Tính luận (śūnyavāda) vốn là yếu nghĩa hàm chứa trong các kinh Bát-nhã như Đại phẩm và Tiểu phẩm mà trước đó Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) đã dịch. Đây chỉ là một phần của toàn bộ kinh điển Đại Bát-nhã, tương đương với Pañcaviṃśatisāhasrikā (Nhị vạn ngũ thiên tụng) và Aṣṭasāhasrikā (Bát thiên tụng) trong khi Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra (Bách vạn tụng) và nhiều Kinh thuộc hệ Kinh Bát-nhã chưa hề được biết đến. Do đó, khi được biết số lượng đồ sộ của Đại Bát-nhã, đại chúng yêu cầu Pháp sư phiên dịch. Pháp sư cho rằng dịch trường trong chùa Từ ân là chốn kinh thành ồn ào mà mệnh người lại vô thường khó có thể hoàn tất bộ Kinh lớn này, tỏ ý được dời vào cung Ngọc Hoa. Vua Cao Tông tức thì chấp thuận.
Cung Ngọc Hoa vốn là nơi nghỉ mát, tĩnh dưỡng được xây dựng vào năm Trinh Quán thứ 2 (628). Đến năm Vĩnh Huy thứ 2 (651) Đường Cao Tông Lý Trị đổi thành chùa Ngọc Hoa. Năm Hiển Khánh thứ 4 (659), Pháp sư dời vào cung Ngọc Hoa, bấy giờ đổi thành chùa Ngọc Hoa, và đến năm sau (660) khởi sự phiên dịch. Cho đến niên hiệu Long Sóc thứ 3 (663) thì hoàn tất toàn bộ Đại Bát-nhã ba-la- mật-đa kinh, gồm 600 quyển, 16 hội.
Pháp sư khởi hành năm Trinh Quán thứ 3 (629), bất chấp lệnh cấm xuất quan, mạo hiểm Tây Trúc cầu pháp, trải qua 17 năm, kinh lịch 138 nước, Tây Vực và Ấn Độ. Năm Trinh Quán 19 (645), Pháp sư trở về nước, mang theo 657 Phạn bản; trong đó:
Đại thừa kinh: 224 bộ
Đại thừa luận: 192 –
Thượng tọa bộ (Sthavira): 14 –
Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika): 15 –
Hóa địa bộ (Mahīśāśka, Di-sa-tắc): 22 –
Chính lượng bộ (Sammitiya, Tam-di-để): 15 –
Ẩm quang bộ (Kāapiya, Ca-diếp-tí-da): 17 –
Pháp tạng bộ (Dharmagupta, Pháp mật bộ): 42 –
Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda): 67 –
Nhân luận (Hetuśāstra): 36 –
Thanh luận (Śabdika-śāstra): 13 bộ.
Cũng năm đó, Trinh Quán 19 (645), ngày 6 tháng 6, vâng sắc chỉ Hoàng đế, tại chùa Hoằng Pháp, Pháp sư khởi sự phiên dịch các Phạn bản đã mang về, cho đến năm Long Sóc 3 (663), sự nghiệp phiên dịch hoàn tất với bộ Đại Bát-nhã 600 quyển.
Năm sau, Lân Đức thứ nhất (664), tháng Giêng, Pháp sư khiến Gia Thượng Pháp sư tổng kết Kinh Luận đã được phiên dịch, tính được 74 bộ (合七十四部, Julien hiểu là 740 bộ), 1338 quyển.
Ngày 7 tháng 12 (âm lịch) năm đó (664), sau khi hoàn tất phiên dịch Đại Bát-nhã, Pháp sư cảm thấy thân thể suy kiệt, bảo môn nhân: “Ta dời vào Ngọc Hoa vốn do nhân duyên Bát-nhã, nay phiên dịch đã hoàn tất, mệnh sống của ta cũng đến lúc cạn hết. Sau khi vô thường đến với ta, các người phải nghe di chúc của ta mà giản đơn kiệm ước, hãy dùng chiếu lác bó thây, chọn nơi khe núi vắng vẻ mà chôn, chớ để gần chùa cung (chùa Ngọc Hoa). Thân bất tịnh cần phải chôn nơi xa cách.”
Niên hiệu Lân Đức thứ nhất (664), tháng hai, ngày 5, nửa đêm, các đệ tử hỏi: “Hòa thượng có nhất định được sinh lên nội viện của Đức Di-lặc không?” Pháp sư đáp: “Được.” Rồi hơi thở yếu dần, và phút chốc thâu thần, nhưng người hầu không biết, chỉ khi chạm đến y phục mới hay.
Huệ Lập 慧立 (hay Tuệ Lập 慧立), sinh năm 615, xuất gia năm 15 tuổi (Trinh Quán 3, 629), không rõ năm mất.
Sau khi viết Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam tạng Pháp sư truyện cảm thấy còn thiếu sót nên chôn giấu, trước khi chết khiến môn nhân tìm kiếm, nhưng cốt truyện lưu lạc trong nhân gian, qua một thời gian dài mới tìm thấy 5 quyển, năm 688 Ngạn Tông bổ sung thêm chi tiết thành 10 quyển. Huyền Trang mất năm Lân Đức thứ nhất (664), như vậy truyện nguyên cảo Huệ Lập viết và Ngạn Tông tiên thích và lưu hành sau khi Pháp sư tịch trên 20 năm.
Huệ Lập và Ngạn Tông đều là nhân vật đồng thời Pháp sư nên truyện ký tất nhiên được nghe chính Pháp sư kể. Thực tế, Pháp sư truyện 10 quyển do Huệ Lập và Ngạn Tông được thấy rõ là bản tóm tắt của Tây vực ký được chính Pháp sư thuật và Biện Cơ biên tập, 12 quyển, hoàn tất năm Trinh Quán 20 (646).
Huệ Lập, Ngạn Tông, Biện Cơ, Phổ Quang, Đạo Tuyên, v.v… là những vị trong số chín Đại đức được tuyển chọn làm Chuyết văn (chuốt văn) Đại đức hỗ trợ Huyền Trang phiên dịch. Đạo Tuyên mất năm 687, trước khi Ngạn Tông tiếp tục biên tập Pháp sư truyện và lưu hành.
Niên hiệu Lân Đức thứ nhất (664), dưới triều Đường Cao Tông Lý Trị, Đạo Tuyên hoàn thành Đại Đường Nội điển lục, sao lục sự nghiệp dịch kinh từ Đông Hán (25-220) với 220 dịch giả, kinh điển 2487 bộ, 8476 quyển, trong đó ghi chép số lượng kinh điển do Pháp sư dịch và soạn tính đến năm Lân Đức 1 (644) có hơn 60 bộ trên 1344 quyển. Ước tính này có sai khác với kiểm lục mà Huyền Trang đích thân khiến Gia Thượng Pháp sư như đã thấy trên.
Đạo Tuyên cũng viết Tục Cao tăng truyện, sao lục các Cao tăng phiên dịch kinh điển từ buổi đầu nhà Lương cho đến niên hiệu Trinh Quán 19 (645), đó là năm Pháp sư khởi sự phiên dịch tại chùa Hoằng Phước. Bài tựa của chính Đạo Tuyên viết cho Tục Cao tăng truyện nói: “Bắt đầu từ sơ vận của đời Lương (502-557), kết thúc Đường Trinh Quán 19 (645), trải qua 140 năm, bao quát Nhạc Độc (sông núi Trung Nguyên) cho đến khắp Hoa Hạ, Man Di, chính truyện 340 người, phụ lục 160 người.” Trong đó, quyển 4, chép Từ Ân tự Huyền Trang truyện, từ sơ sinh, thân thế, dòng họ, xuất gia, thọ giới, nghiên tập Thánh điển, Câu- xá, Thành thật, Nhiếp luận, v.v… đại để cũng như được ký tải trong Pháp sư truyện bởi Huệ Lập và Ngạn Tông.
Truyện tiếp theo sau đó, trên đường Tây hành, lướt qua đoạn đường từ sự cố Qua Châu, sự cố Hồ Tăng Thạch- bàn-đà, vượt qua sa-mạc Mạc-hạ-diên, cuối cùng đến Cao Xương, như được kể trong truyện bởi Huệ Lập.
Những ngày Pháp sư lưu trú tại Cao Xương, mối quan hệ giữa Pháp sư với Cúc Văn Thái 麴文泰 truyện kể sơ lược. Rời Cao Xương đến Thiết môn quan, trong quốc cảnh Cao Xương. Từ đây, đoạn lữ hành cho đến A-kì-ni (Agni) không được Đạo Tuyên ký tả theo thứ tự các nước. Như từ Thiết môn quan phía Tây Hán thổ đi thẳng đến nước 貨羅覩Đổ-hóa-la (Tukhāra), nơi phát nguyên con sông lớn 縛芻Phược-sô (Vakṣu/Oxsus) chảy qua 27 nước, Pháp sư lần lượt đến 縛喝Phược-hát (Balkh) trong Tây vực ký quyển 1). Từ Phược-hát lại kể thẳng đến Ca-tất-thí (Kapitha) trong Tây vực ký quyển 4, bỏ qua 13 nước. Những địa danh thuộc các nước Tây vực đọc theo phiên âm cũ cho đến Ô-kì hay A-kì- ni. Từ đó các phiên âm đều theo Tây vực ký. Năm Trinh quán 20, Huyền Trang vâng sắc lệnh vua soạn Tây Vực ký 12 quyển tại chùa Hoằng Phước, Sa-môn Biện Cơ vâng chỉ chuyết văn, tháng 7 năm đó thì dứt, như được thấy trong Đại Đường nội điển lục (Đạo Tuyên soạn, 644) mà Khai Nguyên lục và Trinh Nguyên lục đều dẫn. Như đã thấy trên, chính Đạo Tuyên nói Tục Cao tăng truyện được viết đến năm Trinh Quán 19 thì ngưng. Như vậy, nó được ngưng trước khi Tây Vực ký được viết. Thế nhưng, trong bản truyện hiện hành trong Đại chánh, truyện Huyền Tráng được chép đến năm Lân Đức 1 (664), năm Pháp sư tịch. Từ đây có thể biết, tiểu truyện Pháp sư nguyên cảo được kể từ sơ sinh cho đến thời Tây hành vượt qua nhiều nước Tây trước khi đến nước đầu tiên trong số 138 nước Pháp sư sẽ kinh lịch mà Tục Cao tăng truyện vẫn còn kể theo âm cũ Ô-kì, thay vì A-kì-ni như trong Tây Vực ký.
Trong Pháp sư truyện bởi Huệ Lập và Ngạn Tông, cũng như trong Tây vực ký, A-kì-ni còn một số bản dịch khác từ Hán 138 nước mà Pháp sư trải qua và ký tả chi tiết.
Từ địa danh 阿耆尼A-kì-ni không xuất hiện trong Cao tăng truyện bởi Đạo Tuyên, thay vào đó là Ô-kì. Pháp sư truyện và Tây vực ký đều có phụ chú 阿耆尼國(舊曰烏耆) “Nước A-kì-ni, xưa gọi là Ô-kì.” Không chỉ A-kì-ni, mà còn nhiều địa danh khác không xuất hiện như phiên âm Hán trong Pháp sư truyện và Tây vực ký như 屈支國界(舊云龜茲,訛也) Khuất-chi (Kucha), Cao tăng truyện âm theo xưa gọi là Quy tư, (斫句迦國(舊曰沮渠); Chước-cú-ca (địa danh chưa được xác định. Julien âm là Tchakouka; Beal và Watters cho là thuộc địa phương Yarkiang; A. Stein cho là Kargilik hay Karghalik) Cao tăng truyện theo âm cũ là Trở-cừ, 佉沙國 (舊謂疏勒者) Nước Khư-sa (Kashgar) theo âm cũ là Sơ-lặc.
Từ những ký tải địa danh này, có thể nói, phần này Cao tăng truyện viết trước khi Tây vực ký được biên soạn.
Đại Đường nội điển lục, Đạo Tuyên soạn (Lân Đức 1, 664), cho biết nguyên cảo Tục cao tăng truyện, 1 bộ 30 quyển, sau đó viết tiếp phần sau gọi là Hậu tập Tục cao tăng truyện, 1 bộ 10 quyển. Nhưng đến Khai Nguyên Thích giáo lục (Trí Thăng soạn, Khai Nguyên 18, 730), chỉ ghi Tục cao tăng truyện 30 quyển, không nhắc đến Hậu tập Cao tăng truyện 10 quyển. Do đây có thể nói rằng, sau khi Huyền Tráng về nước, bắt đầu sự nghiệp phiên dịch mà Đạo Tuyên tham gia. Sau đó Tây vực ký được biên soạn, Đạo Tuyên có đầy đủ thông tin về những nước mà Huyền Trang đã kinh lịch, và bản thân cũng gần với Huyền Tráng cho đến ngày Pháp sư tịch, trải qua trên 30 năm, nên ghi chép những điều bản thân chứng kiến, cho đến năm Lân Đức 1 (664) tập thành 10 quyển phần sau của Tục cao tăng truyện. Về cuối đời, ba năm sau, Đạo Tuyên có thể sáp nhập hai bộ trước sau thành một bộ 30 quyển như Khai Nguyên lục ghi.
Đạo Tuyên tịch năm Càn Phong 2 (667, thọ 71 tuổi), trên 20 năm trước khi Pháp sư truyện bởi Huệ Lập và Ngạn Tông được lưu truyền, cho nên những thông tin trong truyện Huyền Trang trước khi Tây hành và sau khi về nước là những sự kiện mà bản thân Đạo Tuyên chứng kiến, mắt thấy tai nghe; đó là những sử liệu trung thực đầu tiên được biết đến.
Một tác phẩm khác, có tiêu đề 大唐故三藏玄奘師行狀 Đại Đường Cố Tam tạng Huyền Tráng sư hành trạng, 1 quyển, ấn hành trong Đại chánh No. 2052, không đề danh tác giả. Cuối truyện có ghi xuất xứ: “Minh Đức năm thứ 2, tháng tám, ngày (không rõ), sau khi cảm nhận bản ký tải này do 冥 詳 撰 Minh Tường soạn (v.v.). Đại Sư Phú Pháp truyện, văn hành trạng được dẫn dụng, đây và kia phù hợp, thật rất đáng trân trọng. Bên đây là lời ghi của Pháp ấn quyền Đại Tăng đô Hiền Bảo…”
Đại Tăng đô Hiền Bảo được nói đến đây có thể là Viện chủ đời thứ hai Viện Quán Trí chùa Đông Đại tự Todaiji (Mật tông Nhật bản), sinh hoạt trong khoảng hậu bán thế kỷ 14 dưới thời Nam Bắc Triều (Nhật Bản).
Xuất xứ bản truyện được thấy lưu hành trong niên hiệu Minh Đức 2, như dẫn trên. Có hai niên hiệu Minh Đức.
Thứ nhất, đó là niên hiệu của Cao tổ Hậu Thục Mạnh Tri Tường, và con là Hậu Thục Hậu chủ Mạnh Xưởng (934- 937). Thứ hai, Minh Đức (952), niên hiệu của Đoàn Tư Thông, Hoàng đế thứ tư của nước Đại Lý. Sự lưu truyền của Hành trạng trong vùng đất Tứ Xuyên, Vân Nam này chưa được biết rõ, nhưng có thể phỏng đoán, bản Hành trạng được một ai đó trong vùng đất này trong khoảng 934-952. Hiền Bảo Đại Tăng đô, sinh hoạt trong khoảng 1333-1338, dưới thời Nam Bắc triều Nhật Bản, hàng thứ hai trong chế độ Tăng quan, sau Đại tăng chánh (tương đương Tăng Thống Việt nam), tăng lữ Chân Ngôn tông, hệ Đông tự, tác giả nhiều tác phẩm về Mật giáo. Không rõ mối quan hệ giữa Hiền Bảo với sự lưu truyền Hành trạng mà sư có được và phát biểu là cảm kích với những ký sự trong đó.
Tuy được ấn hành trong Đại Chánh, nhưng không thấy được nhắc đến ở đâu trong các Kinh lục, hay các thư tịch Phật giáo Hán. Tác giả và niên đại được biết qua tư liệu về Pháp sư trong Huyền Tráng Tam tạng sư tư truyền tòng thư 玄奘三藏師資傳叢書 , biên soạn bởi Tá Bá Định Dận 佐伯定胤 (Saeki Jōin, 1867-1952) và Trung Dã Đạt Huệ 中野達慧 (Nakano Tatsue, 1871-1934), nêu rõ là (唐)冥详撰 – Đường Minh Tường soạn.
Hành trạng chỉ chép truyện đến sau ngày Pháp sư tịch, ngày đưa tang, tất cả tăng ni trong kinh thành dựng tràng phan đưa đến mộ phần. Và kết thúc nói: “Những điềm thần dị báo hiệu sự kiện này, thật không cần thiết liệt kê hết ra đây.”
Có khá nhiều điểm tương đồng trong ba bản truyện với một ít xuất nhập. Điều đáng lưu ý, trong phần thân thế, ba bản truyện có một chi tiết khác nhau, cho phép suy đoán cả ba được viết độc lập không tham khảo lẫn nhau.
Ba bản truyện xem như được viết cùng thời, nhưng sự lưu truyền nhân gian khó rõ trước sau. Trong đó, bản truyện trong Tục Cao tăng truyện có thể chỉ giới hạn trong giới Phật giáo. Trong hai bản kia, Hành trạng thấy được lưu truyền đâu đó trong khoảng Vân Nam, đất Hậu Thục hay Đại Lý, và có vẻ được biết đến ở Nhật Bản nhiều hơn là Pháp sư truyện.
Dù sao, ba bản truyện này đều được viết bằng Hán văn, và bản người Nhật sưu tập cũng bằng Hán văn. Trong khi đó, có một bản dịch bằng Hồi-hột văn 回鹘文, tức văn tự của người Uighur mà ngày nay phiên âm chính thức là 维吾尔đọc theo Hán âm là Duy-ngô-nhĩ, được phát hiện tại Tân Cương năm 1930. Đây là bản dịch Hồi-hột văn dịch bởi 胜光法师 Pháp sư Thắng Quang từ Đại Đường Đại Từ Ân tự Pháp sư Huyền Trang truyện bởi Huệ Lập và Ngạn Tông.
Pháp sư Thắng Quang thuộc tộc Duy-ngô-nhĩ, sinh hoạt trong khoảng thế kỷ 10-11. Được biết Sư tinh thông Hán văn và Hồi-hột văn. Ngoài bản dịch Pháp Sư truyện, Sư còn một số bản dịch khác từ Hán văn sang Hồi-hột văn, Như Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh, từ bản Hán dịch của Nghĩa Tịnh. Có lẽ đây là bản dịch duy nhất, ngoài nguyên bản Hán, được lưu truyền ở Tây vực, cho đến khi các thừa sai khám phá Tây vực ký và truyền vào Âu châu qua các bản dịch Pháp và Anh.
Việt Nam cho đến thế kỷ XX mới biết đến cuộc tây hành cầu pháp của Pháp sư tương đối đầy đủ tuy không chi tiết qua tác phẩm nghiên cứu của Bhikkhu Thích Minh Châu y cứ trên bản truyện bởi Huệ Lập: Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar, Nava Nalanda Mahavihara 1961, bản dịch Việt, Thích nữ Trí Hải, Huyền Trang, nhà Chiêm bái và Học giả, Đại học Vạn Hạnh, 1966. Sách viết bằng Anh ngữ trong thời mà Pháp văn là ngôn ngữ thông dụng ở miền Nam, do đó không được phổ biến. Được biết đến rộng rãi trong giới Phật tử là qua tác phẩm Huyền Trang, viết bởi Võ Đình Cường, Hương đạo xuất bản 1960.
Trong thế giới phương Tây, do mục đích truyền giáo, các thừa sai La-mã đã khám phá Tây vực ký với những thông tin quý giá về lịch sử, địa lý, kinh tế văn hóa, của các nước từ Tây vực cho đến nội cảnh Ấn-độ bấy giờ, kể từ nửa sau thế kỷ XIX.
II.
Năm 643, sau Pháp hội Thành Khúc nữ (Kannauj), cuộc luận chiến do vua Giới Nhật (Śīlāditya) tổ chức (Pháp sư truyện quyển 5, Tây vực ký quyển 5), Pháp sư từ giã Ấn-độ, trở về bản quốc. Vượt Thông Lãnh, trải qua trên 30 nước; năm sau, 644, đến Vu-điền 于闐, tức là nước Cù-tát- đán-na trong Tây vực ký. Theo thỉnh cầu của Quốc vương Vu-điền, Pháp sư lưu lại đó một thời gian. Nhân đó, Pháp sư sai người tháp tùng đoàn thương nhân dâng sớ về triều, tạ tội vượt biên cảnh trái phép. Bấy giờ chư tăng nước Vu- điền thỉnh Pháp sư giảng luận Du-già, Đối pháp, Câu-xá, Nhiếp Đại thừa, thời gian trải qua 7, 8 tháng.
Trinh Quán năm thứ 19 (645), tháng Giêng, Pháp sư về đến kinh thành. Hôm sau, thiết đại hội ở phía nam Đường Châu tước, trưng bày các phẩm vật, kinh, tượng, mà Pháp sư mang từ Ấn-độ về.
Tháng hai năm ấy, Pháp sư yết kiến Đường Thái tông tại Kim Loan điện, Lạc Dương. Vua hỏi tình hình các nước trong biên cảnh Ấn-độ, Pháp sư tường thuật đầy đủ. Vua hứng thú, đề nghị Pháp sư ghi chép lại đầy đủ để lưu truyền hậu thế. Pháp sư phụng mệnh, tại Phiên kinh viện chùa Hoằng phước, biên soạn Tây vực ký, với sự chuyết văn bởi Biện Cơ, đến mùa thu năm sau (646) thì hoàn tất, dâng vua. (Nội điển lục).
Nguyên đề Tây vực ký được ấn hành trong Đại Chánh hiện tại dưới tiêu đề Đại Đường Tây vực ký, 12 quyển, Tam tạng Pháp sư Huyền Tráng phụng chiếu dịch, Đại Tổng trì tự Sa-môn Biện Cơ soạn. 大唐西域記三藏法師玄奘奉詔譯大總持寺沙門辯機撰.
Dịch, biên soạn, hay chuyết văn, đây thuộc vấn đề tác quyền, được phân tích chi tiết trong phần Dẫn nhập, đây không nhất thiết nói thêm.
Vấn đề tiếp theo, đáng lý nên nói trước: “phụng chiếu dịch”. Tất nhiên đây không thể hiểu là phiên dịch từ một nguyên bản Phạn nào đó. Nếu vậy, nó có nghĩa gì?
Một số học giả Trung quốc đề nghị giải thích như sau.
Trong niên hiệu Hiển Khánh dưới triều vua Đường Cao tông, nhân các đại thần Tiết Nguyên Siêu và Lý Nghĩa Phủ hỏi Pháp sư về sự nghiệp phiên dịch trong các đời do đâu mà được rực rỡ; Pháp sư đáp: “…Nội bộ gìn giữ xiển dương thì do Thích tử; ngoại hộ thiết lập thì thuộc về Đế Vương…” Và tường thuật các đời Phù Kiên, Dao Hưng, cho đến thời Trung quán, thảy đều do quân vương hỗ trợ. “Nay một mình tôi thì không thể được như vậy…”
Nhân đó, Cao Tông sắc cho các đại thần như Vu Chí Ninh, Lai Tế, Hứa Kỉnh Tông, Tiết Nguyên Siêu… thỉnh thoảng hãy đến hỗ trợ, nếu có chỗ nào chưa ổn thỏa thì nhuận sắc liền… Do sự nhuận sắc này, các bản văn từ dịch trường đều được ghi “phụng chiếu dịch”. Giải thích này khả dĩ chấp nhận được một phần, vì hầu hết các bản kinh luận từ Pháp sư đều ghi “phụng chiếu dịch”. Đây cũng là thông lệ cho một số trường hợp. Như Phóng quang Bát- nhã của Bồ-đề-lưu-chi, hay Đại trí độ luận của Cưu-ma- la-thập, đều ghi “phụng chiếu dịch”.
Tất nhiên cũng có ý kiến (Watters, On Xuan Chwang) cho rằng chính Pháp sư tự minh ghi lại mà không cần đến sự giúp đỡ của ai khác. Ý kiến này cũng đồng với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu Trung hoa.
III.
Một số mục lục kinh điển, khởi đầu từ Nội điển lục, như được trích dẫn trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục, đã ghi như sau: 大唐西域記十二卷(見內典錄貞觀二十年奉勅於弘福寺翻經院撰沙門辯機承旨綴緝秋七月絕筆), Đại Đường Tây vực ký, 12 quyển (xem Nội điển lục – năm Trinh Quán 20, vâng sắc chỉ vua soạn tại Phiên kinh viện chùa Hoằng Phước, Sa-môn Biện Cơ thừa chỉ chuyết tập, mùa thu, tháng 7 thì hoàn tất).
Nội điển lục tức Đại Đường Nội điển lục, là bản mục lục kinh điển soạn bởi Đạo Tuyên, hoàn tất năm 664. Trong đó nói 辯機承旨綴緝-Biện Cơ thừa chỉ chuyết tập, có thể được hiểu là chuyết (chuốt) văn và xâu kết lại, tức biên tập lại. Cũng có thể hiểu đây chỉ là chuyết văn đơn thuần.
Biện Cơ là một trong số chín vị Đại đức được vua Đường Thái Tông truyền chọn là những vị chuyết văn cho các bản dịch của Pháp sư. Thế nhưng, Biện Cơ lại sa vào một thảm án, dẫn đến họa diệt thân. Thảm kịch này có thể vì gây tai tiếng cho tông thất không ít nên không thấy được ghi chép trong Cựu Đường Thư. Nhưng nó được ghi chép trong Tân Đường Thư.
Tân Đường thư (quyển 83, Liệt truyện 8) ký tải câu chuyện tai tiếng này đến hai lần. Một, truyện Hợp Phố Công chúa 合浦公主, sau được phong là 高陽 Cao Dương, con gái thứ 17 của Đường Thái Tông. Thứ hai, chép phụ trong truyện 房玄齡 Phòng Huyền Linh (TĐT quyển 96, Liệt truyện 21), về người con trai thứ của ông là 遺愛 Di Ái.
Hai truyện này đều tường thuật khá chi tiết về chuyện tư thông của công chúa Cao Dương với tăng Biện Cơ. Chuyện xảy ra lúc nào không thấy ghi rõ. Chỉ có thể suy, năm Trinh Quán 22 (648) Công chúa được gả cho Phòng Di Ái. Năm đó cũng là năm được ghi nhận Biện Cơ chấp bút cho Pháp sư phiên dịch Thiên thỉnh vấn kinh 天請問經 (Khai nguyên lục, quyển 8). Sự nghiệp phiên dịch kinh điển của Pháp sư Huyền Tráng vẫn còn tiếp tục cho đến 16 năm sau mới tịch. Thế nhưng, sau năm vừa kể, không thấy nhắc đến Biện Cơ trong Phiên kinh viện; vậy sự việc xảy ra sau đó không lâu?
Truyện kể rằng, nhân khi Công chúa cùng với Di Ái đi săn, gặp Biện Cơ tại một thảo lư, trong phong ấp của công chúa, bèn vây màn trong thảo lư ấy 具帳其廬,與之亂 rồi cùng tư thông. Nói “vây màn trong thảo lư”, không thấy nói rõ thảo lư này của ai.
Thái Tông hay biết, nổi giận, giết Biện Cơ, giết luôn 10 nô tì đi theo Công chúa. Công chúa oán hận; sau khi vua băng, công chúa không tỏ một chút buồn.
Các nhà nghiên cứu sử Trung Hoa không thấy bác bỏ câu chuyện này, nhưng vẫn nêu một số hoài nghi.
Trong thời Đường, có hai vị danh tăng Huyền Tráng và Nhất Hành mà tiểu truyện đều được ghi trong Cựu Đường thư. Nhất Hành (683-727), truyền thừa Mật giáo trực tiếp từ Kim Cang Trí, được kể là một trong số các nhà thiên văn học lỗi lạc trong lịch sử thiên văn học Trung quốc. Tân Đường thư lược bỏ tiểu truyện hai vị danh tăng thời Đường này. Vả lại, Âu Dương Tu sinh sau cớ sự đó trên 300 năm, sự đồn đãi thị phi trong dân gian trung thực đến mức nào cũng khó đánh giá, vì ngoài câu chuyện được kể bởi Tân Đường thư, chưa thấy có tư liệu hay thư tịch nào nhắc đến.
Dù sao, bi kịch, hay chuyện ô danh, của Biện Cơ cũng đáng tin. Bởi vì, sau lần chấp bút cho ngài Huyền Trang dịch Thiên thỉnh vấn kinh, không còn thấy Biện Cơ chấp bút hay chuyết văn cho bản dịch nào thêm nữa, trong khi các vị khác, trong số chín Đại đức được tuyển chọn chuyết văn hay chấp bút, vẫn còn tiếp tục trong sự nghiệp phiên dịch. Các truyện ký về các Cao tăng trong thư tịch sử ký Phật giáo tuy vẫn nhắc đến những đóng góp đáng kể của Biện Cơ, nhưng không nơi nào ghi thành một bản tiểu sử riêng biệt như các vị Cao tăng khác.
IV.
Sự nghiệp mà Pháp sư để lại cho hậu thế, không chỉ các cộng đồng Phật giáo Á đông, mà cả những nước trải dài nối liền hai nền văn minh tối cổ của nhân loại, và cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc Ấn-độ chưa từng được ghi chép. Những nước Tây vực, mặc dù ngày nay không tồn tại như một thực thể dân tộc độc lập; nhưng những ký tả trên các đoạn đường mà Pháp sư đã đi qua cho họ biết lịch sử dân tộc của mình với một quá khứ đáng tôn trọng. Sự nghiệp ấy không chỉ vĩ đại như thế, mà di sản văn hóa do Pháp sư lưu lại cho đến ngày nay không chỉ giới hạn trong các cộng đồng Phật giáo, mà còn phổ biến trong các giới học thuật, tư duy triết học, tín ngưỡng tôn giáo.
Kể từ khi đại học Nālandā, nơi mà trước đó bốn thế kỷ Pháp sư đã từng là một tăng lữ lưu trú tham cứu kinh điển, hoàn toàn bị thiêu hủy, kho tàng Thánh điển Phạn văn hầu như biến mất; cho đến thế kỷ 19, một số ít được phát hiện từ những di tích đổ nát bởi các nhà du khảo và khảo cổ. Số tìm lại được thật quá ít so với những gì đã mất mát. Thật là phước đức cho những người học Phật ngày nay, một số kinh điển trong số bị mất chưa tìm lại được nhưng đã được Pháp sư chuyển dịch Phạn Hán. Những bản dịch Phạn Hán này bao gồm các Kinh, các Luận điển và các Luận thư của các bộ phái, các hệ A-tì-đàm và Đại thừa, với các luận thuyết tâm lý học, siêu hình học hay hình nhi thượng, các hệ luận lý học từ luận lý hình thức cho đến luận lý biện chứng và siêu nghiệm. Đặc biệt khi mà tâm lý học tách rời với triết học, bằng các phương pháp luận, từ nội quan, thực nghiệm, cho đến phân tâm học, khoa học não, đã góp phần thực tiễn cho các khảo cứu tâm lý ứng dụng trong nhiều ngành học thuật, thăm dò những tầng sâu thẳm, uẩn áo trong các hoạt động của tâm thức, tìm ra những phương pháp tâm lý trị liệu, cùng với các trị liệu khác hầu mong chữa trị những căn bệnh thời đại, thời đại của những phát kiến khoa học ngoạn mục nhưng cũng chứa đầy những ưu tư, những bất an xã hội. Trong bối cảnh xã hội ấy, những bản dịch Phạn Hán của Pháp sư, đặc biệt là các nguồn Phạn bản từ A-tì-đàm cho đến Du-già hành hay Duy thức, là những nguồn tư liệu phong phú cho phép mô tả các hoạt động cũng như các hiện tượng tâm lý từ quá trình nhận thức khi tâm thức tiếp nhận kích thích ngoại giới dẫn đến nhận thức đúng hay sai, chánh kiến hay tà kiến, kéo theo hậu quả tư duy giáo điều, cố chấp, đa phần có kết quả đáng buồn, gây tổn hại cho chính mình, cho nhiều người, cho cộng đồng mà ta sống trong đó.
Dân tộc Việt Nam học và hành theo giáo lý Phật thuyết trên dưới hai nghìn năm trước khi Pháp sư Huyền Tráng quy Phật cũng trên sáu thế kỷ, tuy vậy cho đến nay chúng đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, biết đến công hạnh của Ngài rất ít, và cũng biết rất ít di sản Kinh Luận của Ngài cho Phật tử Việt nam học và hiểu giáo pháp của Đức Thế Tôn một cách chân chính để hành trì chân chính. Bản dịch Đại Đường Tây vực ký của Hòa Thượng Như Điển với sự đóng góp của Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến bổ túc cho sự thiếu sót này. Từ những hiểu biết để thán phục, kính ngưỡng một Con Người vĩ đại, hãn hữu, trong lịch sử văn minh tiến bộ của nhân loại, một vị Cao Tăng thạc đức, với nghị lực phi thường, tín tâm bất hoại nơi giáo lý giải thoát, một thân đơn độc quyết vượt qua sa mạc nóng cháy mênh mông để tìm đến tận nguồn suối Thánh ngôn rồi thỉnh về cho dân tộc mình cùng thừa hưởng nguồn pháp lạc. Không chỉ cho dân tộc mình mà cho tất cả những ai mong cầu giải thoát chân chính.
Đây là điều mà những vị đã góp công đức cho bản dịch được hoàn thành như mong ước. Mong ước rằng, những vị đọc bản dịch này cũng sẽ tìm thấy trong đây nguồn cảm hứng để từ đó tự mình tìm thấy con đường đi chân chính, vì an lạc cho chính mình, cho nhiều người, trong đời này và trong nhiều đời sau.
Mua sách Tây Vực Ký ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Tây Vực Ký” khoảng 142.000đ đến 180.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Tây Vực Ký Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Tây Vực Ký Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Tây Vực Ký Fahasa” tại đây
Đọc sách Tây Vực Ký ebook pdf
Để download “sách Tây Vực Ký pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 23/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- Sổ Tay Hình Cảnh (Trọn Bộ 2 Tập)
- Kỷ Luật Bản Thân Nền Tảng Cho Thành Công
- Càng Kỷ Luật, Càng Tự Do
- Trên Thiên Đường Ký Ức
- Sinh Trắc Vân Tay – Giải Mã Mục Đích Cuộc Sống Từ Dấu Vân Tay Của Bạn
- Tây Tạng Huyền Bí – Nghệ Thuật Sinh Tử
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free