Soi Gương Bằng Người
Giới thiệu sách Soi Gương Bằng Người – Tác giả Việt Linh
Soi Gương Bằng Người
Bạn thân mến,
Cuốn sách bạn cầm trên tay, lần này là tuyển hợp những bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí Đẹp, Tuổi Trẻ, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Phụ nữ, Thế giới tiếp thị… từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2019. Một vài tính thời sự trong đây có thể thay đổi nhưng ý nghĩa nhân văn, thế sự vẫn nguyên vẹn. Vẫn là cách xếp đặt ngẫu nhiên theo thứ tự chữ cái như các cuốn in trước, chỉ khác bên dưới mỗi bài viết lần này, tác giả không ghi tên báo, ngày tháng đã đăng; như một tiết chế tính thông tấn cho những câu chuyện, câu chữ, xét cho cùng chỉ để đeo mang chút nhân tình…
VIỆT LINH
SOI GƯƠNG BẰNG CHỊ
Tôi đọc bản thảo Soi gương bằng người của chị Việt Linh trong những ngày sương mùa xuân còn chưa tan ở Hà Nội. Tôi nghĩ rằng, bạn đọc chỉ cần đọc tên cuốn sách thôi, cũng có thể hình dung ra phần nào tinh thần của nó. Soi gương bằng người, nhìn người để soi mình, lặng yên nhìn cuộc đời để nhận ra những chân giá trị giản dị mà nhân văn nhất. Tôi rất thích cái tinh thần ấy. Có lẽ là, đến một thời điểm nhất định, sau những năm tháng quẫy đạp để trồi lên khỏi cái bề mặt cuộc sống, nhằm đạt tới những cái đích nào đó, nhằm ghi danh mình vào đâu đó, người ta sẽ muốn dừng lại.
Dừng lại và điềm tĩnh nhìn cái cuộc sống đang diễn ra, đang trôi đi ngay bên cạnh mình. Nếu không dừng lại mà cứ lao đi với tốc độ không thể kìm hãm thì có lẽ cho đến tận lúc nhìn thấy cái chết, cũng không kịp nhận ra mình đã đi qua cuộc đời như thế nào, không thể nào phác họa nổi chân dung cuộc đời. Và khi đọc cuốn sách này, có lẽ, rất nhiều người sẽ muốn dừng lại để nhìn, để lắng nghe, để cảm nhận những gì đang lay động xung quanh. Nhưng để có thể điềm tĩnh như thế, có thể nhìn mọi điều diễn ra xung quanh bằng con mắt bao dung, độ lượng; nghĩ thong thả và sâu sắc, thì phải có không ít những năm tháng sống hết mình, thậm chí có lúc đày đọa mình trong khổ ải của lao động, của tư duy, thậm chí cũng phải đau đớn nhìn những mất mát. Tôi tin vậy.Chị Việt Linh, tôi thích gọi chị là chị Linh, một cách ấm áp, luôn có cách đặt vấn đề bất ngờ và thú vị. Một điều mà chị thường làm, là nghĩ ra tên bài viết trước khi viết. Tôi thấy khá là thú vị. Có những bài viết chị nghĩ ra cái tên từ… ba năm trước khi thực sự viết vào nội dung. Tôi thường viết xong mới nghĩ cái tên, chị thì ngược lại. Nó cho thấy một lối tư duy chủ động. Tôi cứ nghĩ rằng lối tư duy ấy sẽ bó buộc cảm xúc của chị, nhưng hóa ra không phải. Chỉ trong vài trăm chữ, vẫn thấy nó phóng khoáng vô cùng. Nó có thể mở ra từ rất nhiều hướng. Nó đủ gây bất ngờ đối với người đọc. Tôi gọi đây là bản lĩnh tư duy. Bản lĩnh này khó có thể đến từ những người trẻ tuổi.
Chị Linh, trong cuốn này, vẫn cái giọng điềm tĩnh, thư thả, có cảm giác như chị rủ rỉ tự nói cho mình nghe trước khi viết cho bạn đọc thấy – như là khi chị viết những bài trong cuốn 5 phút với ga xép, in cách đây chưa lâu. Tôi đặc biệt mê cái cách quan sát và chiêm nghiệm của chị. Bất kể chuyện gì, dù lặt vặt nhỏ bé đến đâu, qua sự quan sát của chị, đều mang tới một đúc kết, một triết lý vừa giản dị, vừa sâu sắc. Chị kể chuyện con gái thích ăn món thận, nhưng ở Pháp không có ai lọc phần hạch hôi bên trong giúp chị như các chợ ở Việt Nam, vì vậy, chị rất khó chịu khi phải làm việc đó. Và có lần chị nghĩ ra “Cứ lọc cắt phần thịt tốt xung quanh, cho tới khi đụng nang giữa thì ngưng lại, bỏ qua! Từ khi thực hiện phương pháp “bỏ qua” đó chị không ngán làm thận nữa, hơn vậy, còn nhận ra một suy ngẫm lý thú. Rằng nếu ta chỉ nâng niu những điều tốt đẹp, không để tâm cái xấu thì mọi thứ sẽ trở nên trôi chảy, nhẹ nhàng”. Vâng, bớt để tâm đến cái xấu thì mọi thứ sẽ trở nên trôi chảy, nhẹ nhàng. Lối tư duy này khiến cho mỗi ngày trôi qua của con người ta giữa cộng đồng, với đầy những nhếch nhác nhem nhuốc sẽ trở nên nhẹ nhõm bao nhiêu. Và nó như một quan điểm uyển chuyển nhưng bất biến trong mọi vấn đề mà chị gặp phải trong đời sống. Chị có nhiều năm sống ở nước ngoài, nhưng như chị viết, chị luôn nhớ Sài Gòn, luôn dành dụm tiền để liên tục trở về. Một Sài Gòn thân thương vô cùng trong cảm xúc của chị. Tôi thấy rõ sự yêu mến quê hương của chị. Quê hương còn nghèo khó, lạc hậu, thói hư tật xấu thì vô vàn trong cuộc sống thường nhật, nhưng cho dù là từ nước Pháp nhìn về hay khi đang ở quê nhà, cái nhìn của chị luôn thấm đẫm thương mến, tha thiết, độ lượng. Chấp nhận cả hay lẫn dở, như là một lẽ tất nhiên. Càng đi xa càng thấy mình bé nhỏ, đi xa để biết mình là ai, để ngẫm nghĩ về nơi đã sinh ra, dung dưỡng mình và luôn đón đợi mình quay về. Điều này khiến tôi xúc động vô cùng. Và tôi nghĩ, phải là người có tầm vóc về trí tuệ, văn hoá thì mới có thể yêu thương tận đáy lòng cái nghèo khó, thiếu thốn, thiếu sót, hạn hẹp mà càng ngẫm càng thấy rõ ấy. Tôi thích sự duy mỹ trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống của chị. Đôi khi, tôi cảm nhận được sự lấn bấn giữa việc đòi hỏi mọi thứ phải “đẹp” thì sẽ chấp nhận bằng cách nào những thứ chưa “đẹp”? Chị đi ăn cỗ cưới, đám cưới ở khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, kết thúc bữa cỗ khá là hoàn hảo ấy, lại là món tráng miệng thạch rau câu để trong hộp nhựa với những cái thìa tí xíu, thường thấy ở các hàng ăn vặt, giá rẻ. Việc kết thúc bữa tiệc bằng món thạch rau câu trong hộp nhựa đã gần như “xoá sổ” bao nhiêu công phu trước đó của những người tổ chức. Hay là bàn đến chiếc áo dài. Áo dài muốn đẹp thì phải được mặc trên người đẹp, vậy những người mà vóc dáng không đẹp nhưng vẫn muốn mặc áo dài thì phải làm sao? Bảo họ đừng mặc áo dài vì làm xấu áo dài đi hay sao?
Chị đã cứ thong thả đi giữa ồn ào này bằng cái tâm thế lặng yên quan sát, ngẫm nghĩ. Để có thể lặng yên, điềm tĩnh và khiêm nhường khi nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng như thế, tôi vẫn cho rằng phải là người đã đi qua được hết chính những ồn ào ấy. Sự khiêm nhường trong từng câu chữ khiến tôi kính trọng chị. Trong đời sống này, dễ thấy càng biết ít càng nói nhiều, và càng biết nhiều thì càng nói ít. Nói ít, nhưng từng câu từng chữ đều nặng trĩu, đầy ẩn ý, nhiều tầng nghĩa. “Mỗi sáng, đứng bâng khuâng giữa các mảng xanh, chị lại lan man ý nghĩ đời cây rốt cuộc cũng mang máng đời người: Cứ chịu khó “ngắt” bớt ưu phiền, “tỉa” bớt quan hệ héo úa thì cuộc sống sẽ bớt u xám, nhàu nhĩ – nếu ta vốn tin nó u xám, nhàu nhĩ” – Tôi sẽ rất nhớ đoạn trích này trong cuốn sách của chị. Tôi vốn không tin cuộc sống u xám, nhàu nhĩ, nhưng quả thực đôi khi tôi thấy mệt mỏi, kiệt sức, đôi khi thấy sao mà ông trời lại thử thách mình quá thế? Đấy là những lúc yếu đuối, và bất lực. Có lẽ là ai cũng sẽ có ít nhiều lần phải đối diện với những khoảnh khắc như vậy. Vậy thì, hãy tỉa bỏ nó đi, như là khi chị Linh tỉa bỏ những cái lá úa vàng trên sân thượng, để những cái cây – đời trở lại xanh tươi.
Tôi viết những dòng này, không biết rồi chị sẽ đặt vào đâu trong cuốn sách. Nhưng tôi muốn nói với chị rằng, chưa khi nào viết về một cuốn sách mà tôi lại viết trong tâm thế này. Tôi thấy ấm áp khi đọc hơn sáu mươi hai nghìn chữ, tôi thấy chị gần gũi và thân thiết, tôi thấy chị chạm hơi thở của chị vào trái tim và tâm hồn mình, thấy chị chạm những ngón tay gầy vào vài sợi tóc mai đã lác đác ngả màu của mình.
Cảm ơn chị vì đã cho em soi gương bằng chị, khi đọc Soi gương bằng người.
Đỗ Bích Thúy
MÃI MÃI KHÔNG HIỂU ĐƯỢC
Khi những tờ báo giấy dần thưa vắng trên các sạp báo; khi những trang tạp văn, dù vẫn được post lên trang báo mạng, nhưng đã nhường chỗ cho những tin tức “hot trend”, thì một người viết tạp văn như Việt Linh chắc phải có đủ sự nhẫn nại, hay phải mang một thứ tình yêu gần như “bất chấp”, thì mới có thể tỉa trồng tiếp tục những trang văn. Nói như vậy, không có nghĩa Việt Linh “một người một ngựa”, mà so với những cây bút tạp văn từng “tưng bừng” một thời, như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Trương Quý…; thì Việt Linh vẫn giữ sự sôi nổi và nét duyên ngầm.
Tôi nghĩ, sở dĩ Việt Linh giữ được sức bền của đường trường ấy, vì chị ít bị tác động bởi ngoại cảnh, kiểu “lời ong tiếng ve”. Việt Linh, một mặt chăm chú vào nội tâm mình, mặc khác là người xê dịch và lắng nghe bao chuyện đời chuyện người, mà lúc nào cũng có cảm giác biết ơn. Lấy cái tôi làm một chỗ dựa vừa đủ để vân du qua cõi người. Chính vì cái lẽ cận nhân tình như vậy, mà những câu chuyện nhân gian của Việt Linh chưa bao giờ cạn, mặc dù đôi khi căn thể hao hụt và chênh vênh, như một điều không tránh khỏi của nghề nghiệp lẫn tuổi tác. Cho nên, đọc tạp văn của Việt Linh cũng là để biết những câu chuyện đời. Vui có. Buồn có. Thú vị có. Phẫn nộ có. Chính trường có. Ái tình có. Như đủ hết các loại món ăn, từ Đông sang Tây; với đủ hết các kiểu gia vị. Tạp bút của Việt Linh, vô tình là chất liệu sống hay là nguyên liệu viết cho những nhà văn, nhà làm phim; nếu chẳng may… bí đề tài.
Đọc tạp văn của Việt Linh, tôi thích cái cách chị nhận ra những người bình thường tử tế giữa mênh mông biển người. Cũng như cái cách chị đọc trong cả rừng tin tức Đông Tây, vẫn lẩy ra những câu chuyện nhỏ, nhưng đầy ấm áp tình người. Và, như vậy, đó không phải là cách viết mà chính là cách sống, cách chơi. Không biết do “quy hoạch” trang báo, hay do chủ ý cách viết, mà càng về sau này, những bài tạp văn của Việt Linh trở nên ngắn gọn, súc tích hơn. Tính tâm lý chủ quan cũng ít hơn, thay vào đó là “tính chủ quan ngoại cuộc” (subjectivité hors situation) được sử dụng nhiều. Có nghĩa là tác giả vẫn để cái tôi dự phần vào, nhưng ít phán xét, thậm chí không bình luận. Như tạp văn Cao hứng bên sông, Chỉ biết mình yêu thôi; là hai tạp văn ngắn gọn, hai phong cách khác nhau, nhưng đều cung cấp những dữ liệu thú vị để người đọc tham gia vào, dĩ nhiên là theo cái cách của từng người. Như cái cách của mình thì tôi thích tạp văn Chỉ biết mình yêu thôi, hơn là Cao hứng bên sông. Tôi thích nghe một câu chuyện nhân gian hơn là sự giáo huấn về lịch sử, hay bài học về văn hóa ứng xử.
Tôi cũng thích tạp văn Chuột và người hơn là Cảm ơn tai nạn. Câu chuyện bà già bán trái cây, mỗi khi thấy cô gái bán bánh cuốn bưng nồi nước sôi trút xuống miệng cống thì giật mình, bai bải kêu lên: “Nước sôi… nước sôi”, thật ấn tượng. Cái ấn tượng, kỳ thực không phải từ câu chuyện, mà từ chính nhân vật: bà già bán trái cây. Thế mới biết, trên đời này, có những người mang Phật tính dù không là phật tử hay siêng năng cúng dường chùa chiền. Mặc dù không cần biết chuột có hiểu tiếng người không, nhưng vẫn cứ la lên để đánh động, để không còn thấy cảnh những con chuột bị nước sôi dội xuống lột da trắng hếu.
Nhưng, câu chuyện này sẽ trở thành một câu chuyện khác, khi bà già bán trái cây không còn ở đó nữa. Cho nên, xét cho cùng, chẳng có bài học nào là tồn tại, nếu chúng ta không chịu “soi gương bằng người”. Người đấy. Cứ lấy người ra mà soi gương. Mỗi người là một tấm gương. Chúng ta soi vào nhau để sống cho tử tế hơn, thanh thản hơn. Cuộc sống có những điều mãi mãi chúng ta không hiểu được. Nhưng khi ngộ ra được điều này thì chúng ta hiểu cuộc sống thật sự thú vị. Như trong tạp văn Cuộc sống luôn bất ngờ của Việt Linh, đám thanh niên người Pháp mãi mãi không hiểu được vì sao một “bà già” Việt Nam lại có thể chụp những bức hình “đỉnh” đến như vậy. Anh chàng đi cái xe đạp xẹp lốp cũng mãi mãi không hiểu được, vì sao “ông già” kia lại thành thạo cái máy bơm hơi đến thế. Và, thật hài hước khi “con ma châu Á” le lưỡi “nhát ma” cô đầm Tây, mà cô đầm chắc mãi mãi cũng không hiểu được.
Chúng ta làm sao hiểu hết cuộc đời này? Vẻ bề ngoài. Những lớp vỏ ngôn từ. Đều là những giới hạn. Kể cả những câu chuyện cũng không bao giờ được kể hết. Cũng chính câu chuyện đó nhưng lại có những phiên bản kết thúc khác nhau. Mãi mãi chúng ta không hiểu được, nhưng đó mới chính là cuộc sống.
Cuộc sống thì luôn bất ngờ. Tạp văn của Việt Linh cũng vậy.
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Soi Gương Bằng Người
- Mã hàng 9786046854838
- Tên Nhà Cung Cấp NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM
- Tác giả: Việt Linh
- NXB: NXB Văn hóa Văn nghệ
- Trọng lượng: (gr) 300
- Kích Thước Bao B:ì 14 x 20
- Số trang: 268
- Hình thức: Bìa Mềm
2. Đánh giá Sách Soi Gương Bằng Người
1 Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận.
2 Nội dung okeee, hình thức đẹp.
3 Sách hay nên đọc.
Review sách Soi Gương Bằng Người
Soi gương bằng người là tạp bút tập hợp những bài viết của đạo diễn Việt Linh đã được đăng trên các báo, tạp chí… và những câu chuyện bất bình trong cuộc sống được chị “lên tiếng” bằng quyển sách của mình.
Chương trình có sự tham dự của bà Đinh Thị Phương Thảo – Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Trần Nhã Thụy, nghệ sĩ Hạnh Thúy, ca sĩ Tấn Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, ca sĩ Đồng Lan,… cùng rất nhiều bạn đọc yêu mến Việt Linh.
Soi gương bằng người là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Việt Linh, tác phẩm ra đời với một dấu ấn đặc biệt khi chị vượt qua căn bệnh tai biến từng khiến chị bị liệt nửa người.
Tại buổi giao lưu, đạo diễn Việt Linh có những chia sẻ thú vị xoay quanh quyển tạp bút của mình. Điều đặc biệt là quyển tạp bút lần này được chị đặt tên trước rồi sau đó mới góp nhặt những câu chuyện cùng chủ đề để viết thành tạp bút Soi gương bằng người.
“Soi gương bằng người là như soi lại chính chúng ta và mỗi người trong cuộc đời này đều là một tấm gương để soi lẫn nhau. Mỗi người trong chúng ta đều có những thú vị, những cái hay riêng… và chúng ta đều có thể học hỏi lẫn nhau. Có đôi khi chính Việt Linh lại nhìn vào những đứa con để soi lại chính mình.” – đạo diễn Việt Linh chia sẻ.
Có mặt tại buổi giới thiệu sách mới, nhà văn Dạ Ngân cho rằng đạo diễn Việt Linh như một “chiến binh” vì suốt thời gian qua chị luôn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Khi chị bị tai biến thì không thể tham gia làm phim nhưng sau khi khỏi bệnh, chị tiếp tục cống hiến cho sân khấu và dành thời gian để viết sách. Nhà văn Dạ Ngân cũng kỳ vọng sẽ được đón nhận những quyển tiểu thuyết do đạo diễn Việt Linh viết.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng đạo diễn Việt Linh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hào hứng chia sẻ về việc được đạo diễn Việt Linh viết về mình trong quyển tạp bút Soi gương bằng người.
Tạp văn Soi gương bằng người với hơn 80 câu chuyện được sắp xếp đề tựa tự nhiên theo thứ tự chữ cái, qua đó những lát cắt cuộc sống hiện dần ra, gợi mở và phong phú như Búp bê và cánh cam; Gối đẹp biến mất; Người đàn bà nhẫn nhịn,… mang đến cho đọc giả những cảm xúc vui – buồn – thú vị – phẫn nộ… để đọc giả hiểu hơn về chính mình, sống nhẹ nhàng và an yên hơn.
Mua sách Soi Gương Bằng Người ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Soi Gương Bằng Người” khoảng 71.000đ đến 80.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Soi Gương Bằng Người Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Soi Gương Bằng Người Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Soi Gương Bằng Người Fahasa” tại đây
Đọc sách Soi Gương Bằng Người ebook pdf
Để download “sách Soi Gương Bằng Người pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 20/11/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- Gửi Bạn, Người Đã Trưởng Thành Mà Chưa Tìm Thấy Tài Năng
- Hai Người Đàn Bà
- Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen
- Số Phận Con Người
- Là Người Phụ Nữ Như Tôi Mong Muốn
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free