Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

Giới thiệu sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng – Tác giả Trần Thuỳ Mai

Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

Từ Dụ thái hậu là một trường thiên tiểu thuyết gồm 69 chương, có thể xem là tiểu thuyết lịch sử dạng “cung đấu” hiếm hoi của văn học đương đại, viết về thời nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tác phẩm là cuốn tiểu thuyết tâm huyết của nữ nhà văn nổi tiếng xứ Huế Trần Thùy Mai, với văn phong thuần Việt và cốt truyện đậm chất điện ảnh, sinh động cuốn hút từ đầu đến cuối.

Tác giả chọn hậu cung làm nền để kể câu chuyện dài về cuộc đời một trong những bà hoàng lừng danh trong sử Việt, đó là bà Phạm Thị Hằng, chánh thất của hoàng đế Thiệu Trị, sau trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ nổi tiếng hiền đức. Thời gian của tác phẩm trải dài 30 năm, qua 3 triều vua Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; từ lúc cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn. Cô tiểu thư họ Phạm xinh đẹp, thông minh và nhân hậu đã chứng kiến rất nhiều phận đời sau bức tường thành cung cấm, những bi kịch chốn cung đình, và rồi bản thân nàng cũng trở thành một thân phận điển hình. Những mưu mô thủ đoạn tàn độc đầy rẫy ở hậu cung đôi lúc làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết tức tưởi, những án oan dậy trời tiếng nhơ khó rửa, đến mức hậu thế phải tốn nhiều bút mực tranh luận.

Giữa nơi cung cấm xa hoa đầy bí hiểm đó, mối tình của Phạm tiểu thư và hoàng trưởng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị sau này), nổi lên trong trẻo, lãng mạn và chung thủy, dẫu gặp không ít trắc trở éo le. Bên cạnh đó còn có bóng dáng thầm lặng mà trung thành trước sau như nhất của Trương Đăng Quế, đệ nhất công thần nhà Nguyễn, người mang mối ẩn tình với nàng bao năm (mối tình này đã trở thành một “đại nghi án” gây tranh cãi của triều Nguyễn). Cuộc chiến cam go bảo vệ tình yêu, danh phận; bênh vực giúp đỡ người ngay và lẽ phải ở nơi quyền quý thực sự gay cấn và đầy hiểm nguy, nhất là khi tranh tối tranh sáng thiện ác khôn lường.

Ngoài trục chính với các nhân vật trung tâm kể trên, tác phẩm còn là xoay quanh các mối quan hệ quân thần, huynh đệ, cả những phức tạp trong hoàng thất, khi quyền lực luôn luôn bị nhòm ngó tranh giành và không từ thủ đoạn nào để thoán đoạt. Chính trường nhà Nguyễn, từ thời Gia Long khởi lập đến lúc vua Tự Đức lên ngôi, được tái hiện sinh động và hấp dẫn, với các nhân vật lịch sử được khắc họa rất sắc nét, và các sự kiện lịch sử hiện ra chân thực dù vẫn nằm trong dụng ý sáng tạo của nhà văn. Nhẹ nhàng, tinh tế, không lên gân, tác giả lồng ghép mọi ý tưởng, suy nghĩ, lý giải của mình bằng cách kể chuyện, mạch lạc và cuốn hút, đầy sức thuyết phục. Bạn đọc có thể bị “thu phục” bởi cách nhà văn Trần Thùy Mai “chiêu tuyết” cho Đức Từ Dụ trong mối tình oan trái với Trương Đăng Quế; thú vị với các tình huống vua tôi đấu khẩu; cùng bức xúc với tiếng xấu khó xóa của Minh Mạng trong việc xử vụ án Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột; cũng như không thể phủ nhận sự tinh tế của nữ nhà văn xứ Huế trong miêu tả tâm lý nhân vật hợp tình hợp lý, thấu suốt lẽ đời. Các nhân vật hấp dẫn và gây ấn tượng trong tiểu thuyết này có rất nhiều: Gia Long thâm trầm khôn khéo, Minh Mạng thông minh quyết đoán và nam tính, Thiệu Trị giàu tình cảm, cả nể, Tam phi Ngọc Bình “con vua mà lại hai lần vợ vua”, Nhị phi Trần Thị Đang cơ mưu xảo quyệt, Trương Đăng Quế điềm đạm nhu cương chu toàn, và Phạm Thị Hằng dịu dàng thông minh, luôn lấy lòng nhân đối đầu cường bạo…

Có thể nói, “Chỉ thông qua các chuyện trong hậu cung, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua hiện lên một cách sinh động dưới ngòi bút sắc sảo của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Mặt khác, văn hóa phong tục được gói trong các lễ nghi giao tiếp, trong các sinh hoạt cung đình và dân dã được mô tả rất tinh tế, rất Huế. Từ Dụ thái hậu là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lùng.” (Hoàng Quốc Hải)

Nhà xuất bản Phụ nữ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Từ Dụ Thái Hậu - Quyển Thượng

Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng
  • Mã hàng 9786045662335
  • Tên Nhà Cung Cấp Phụ Nữ
  • Tác giả: Trần Thuỳ Mai
  • NXB: NXB Phụ Nữ
  • Trọng lượng: (gr) 450
  • Kích Thước: Bao Bì 15.5 x 23.5
  • Số trang: 443
  • Hình thức: Bìa Mềm

Tác giả: Trần Thùy Mai

  • Quê ở Huế
  • Sinh ở Hội An
  • Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

2. Đánh giá Sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

Đánh giá Sách Từ Dụ Thái Hậu - Quyển Thượng

Đánh giá Sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

1 Quyển sách rất tuyệt vời ạ. Tác giả Trần Thùy Mai là người con xứ Huế nên trong rất nhiều những tác phẩm của mình, bà đã khéo léo sử dụng chất liệu phật giáo cũng như lịch sử. Quyển thượng "Từ Dụ thái hậu" kể về 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Lúc này Phạm Thì Hằng vẫn là một cô gái ngây thơ non trẻ, gặp nhiều biến cố gia đình và bắt đầu những ngày chập chững vào cung làm phủ thiếp của hoàng trưởng tử Miên Tông. Tác giả đã kể lại những sự kiện lịch sử quan trọng đời nhà Nguyễn nhưng lại dùng ngòi bút đầy sáng tạo của mình nhào nặn lại một cách tự nhiên và ly kỳ. Đọc hết một chương ta lại cảm thấy hồi hộp muốn giở ngay qua chương tiếp theo để xem chuyện gì đã và đang xảy ra. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những cuốn tiểu thuyết lịch sử giá trị như thế này ra đời để thế hệ trẻ quan tâm và tìm hiểu thêm về lịch sử nước nhà.

2 Đây thực sự là mọit quyển sách hay. Cuốn sách dày hơn 400 trang mà mình đọc xong chỉ trong vòng hai ngày, đây có lẽ là kỉ luật cao nhất từ trước đến giờ của mình bởi cuốn sách thật sự lôi cuốn và hấp dẫn. Không biết có phải vì cô Trần Thuỳ Mai là con người xứ Huế nên văn phong của cô cũng trở nên dịu dàng và sâu sắc như con người nơi đây hay không. Bức tranh hoàng cung nhà Nguyễn thời vua Gia Long, Minh Mạng hiện lên một cách rất chân thực và sống động dưới ngòi bút sắc sảo của cô. Ở đó có tình cảm vua tôi, tình cảm gia đình, tình anh em,…Nhưng đan xen vào đó là những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm nơi hậu cung hay chốn quan trường mà chúng ta vẫn thường thấy ở các phim cung đấu, tất cả làm nên một bức tranh đầy màu sắc rực rỡ. Ngoài ra ta cũng hiểu thêm về những góc khuất lịch sử khi đọc cuốn sách này. Ví dụ như vụ thông dâm chấn động lịch sử giữa hoàng tôn Mỹ Đường và mẹ ruột của mình,…

3 Từ Dụ thái hậu là tiểu thuyết lịch sử khắc họa chân dung của Nghi Thiên Chương hoàng hậu – tức Từ Dụ thái hậu từ khi là một cung nữ vào cung khi mới 13 tuổi trở hành hoàng quý phi rồi thành thái hậu. Một câu chuyện dài với rất nhiều khổ đau, hạnh phúc, thị phi và tai tiếng nhưng hình ảnh còn đọng lại sau khi đọc quyển sách này là hình ảnh về một người phụ nữ quyền quý nhưng rất bình dị, nhân hậu và dũng cảm. Các nhân vật lịch sử khác cũng được khắc họa: thượng thư Phạm Đăng Hưng – một con người cương trực, liêm chính, Trương Đăng Quế – một thanh niên nghĩa hiệp ra tay cứu giúp gia đình Phạm Đăng Hưng gặp nạn trên đường vào kinh đô và sau này trở thành một người tài giúp vua, giúp nước hay về vụ an Lê Văn Duyệt. Quyển sách hay đến mức đọc không muốn buông xuống.

4 Lần đầu tiên mình đọc sách lịch sử mà thấy dễ hiểu như vậy, có thể đọc 1 lèo mà không chán, giọng văn cực kì hay và tinh tế, cách đối đáp rất Huế và hay như phim cổ trang, hết quyển Thượng ròi mà rất nóng lòng coi tiếp quyển Hạ.

5 Tiểu thuyết cung đấu lịch sử đầu tiên, đọc khá cuốn hút. Lịch sử trở nên dễ dàng đi vào tâm trí hơn bao giờ hết, tuy nhiên có nhiều chỗ cảm thấy hành văn hay cách xưng hô của nhân vật hơi giống thời hiện đại. Qua ngòi bút của tác giả, hình ảnh cung đình với những luật lệ, tranh đấu hiện lên chân thực hơn bao giờ hết.

Review sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

Review sách Từ Dụ Thái Hậu - Quyển Thượng

Review sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng

1. Tóm tắt nội dung

Từ Dụ thái hậu là cuốn tiểu thuyết lịch sử kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của vương phi Phạm Thị Hằng từ khi mới bước chân vào hoàng cung cho đến khi nắm đến ngôi vị cao nhất. Câu chuyện kể về những tranh chấp đấu đá trong vương triều nhà Nguyễn.

Mở đầu là câu chuyện xoay quanh ngôi nhà của Phạm Đăng Hưng khi ông được triệu vào cung làm việc, sau đó là chuyện con gái ông là Phạm Thị Hằng được kết duyên cũng thái tử Miên Tông sau khi trải qua nhiều thăng trầm biến cố.

Cuốn tiểu thuyết được viết tạo nên một nơi nhiều đấu đá, tranh đoạt quyền lực không dứt, mà người đứng đầu âm mưu toan tính là Nhị phi Trần Thị Đang. Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt là hai vị trọng thần tài giỏi trong cung vua nắm giữ nhiều trọng trách, nhưng từ lâu hai ông này đã trở thành cái gai trong mắt nhị phi khi bà ta muốn thâu tóm quyền lực vào tay mình. Chính vì vậy Nhị Phi đã lập ra rất nhiều mưu đồ để chia rẽ Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt.

Nhị phi còn lập mưu hại Lê Văn Duyệt khi đang còn giữ chức quan tại miền Nam. Trong đợt bão lũ vừa qua đi, dân tình đói khổ rất nhiều, thủ kho tại nơi ở của Phạm Đăng Hưng ăn chặn thóc của dân bị phát hiện, Đăng Hưng biết chuyện trị tội tên thủ kho, nhưng không may tên này chạy thoát, dân chúng bắt được đánh tên thủ kho thừa sống thiếu chết. Kết quả thủ kho bị dân đánh chết, không may cho Phạm Đăng Hưng tên thù kho này là con cháu thân thích trong hoàng tộc. Chính vì vậy ông bị giải về kinh thành và mang án chém.

Đức vua khi đó hoàng tử Đảm đã lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng, là người biết rõ Phạm Đăng Hưng là một người cương trực thẳng thắn trung nghĩa, hơn nữa đây là một con người làm việc gì cũng nhìn trước nhìn sau và rất trung thành đã cho bí mật điều tra sự tình và phát hiện ra Thái hậu tức nhị phi là người đúng sau dàn xếp câu chuyện này, chính vì thế trong ngày Phạm Đăng Hưng chịu tội chết nhà vua đã đích thân đến nơi xử án và cho gọi tất cả nhân chứng đến minh oan cho Phạm Đăng Hưng. Sau đó ông này thoát tội và được phong làm quan chép sử trong triều. Đây là một chức quan phù hợp với tính cách địa vị và học vấn của Phạm Đăng Hưng.

Con gái của Phạm gia là Phạm Thị Hằng đã đến tuổi cập kê, lọt vào mắt xanh của hoàng tử Miên Hoằng, hoàng tử đã xin mẹ là tam phi cho được kết duyên cùng với nàng. Nhưng Miên Hoằng đâu có biết từ khi vào cung coi sóc cho công việc học hành của các vị hoàng tử, Phạm Thị Hằng đã có cảm tình với hoàng tử Miên Tông và hai người này rất hợp ý nhau. Miên Tông biết chuyện Miên Hoằng có ý muốn dạm hỏi Phạm Thị Hằng đã xin đức vua cho thi tài cùng với Miên Hoằng để giành lấy Phạm Thị Hằng. Đức vua đồng ý, cho hai hoàng từ cùng bắn cùng để thi tài. Trong tất cả các lĩnh vực thì bắn cung là việc mà hoàng tử Miên Tông yếu nhất, hoàng tử luôn nghĩ ràng mình sẽ không bao giờ thắng được Miên Hoằng vì Miên Hoằng thường xuyên theo vua cha đi săn bắn nên rất rành về lĩnh vực này, còn Miên Tông chỉ giỏi thi ca, chữ nghĩa.

Chính vì biết được điểm yếu của Miên Tông mà Phạm Thị Hằng đã cầu xin Phạm Đan Quế, người đỗ thi khoa trong kì thi tuyển chọn nhân tài của triều đình, được giao cho chức vụ dạy dỗ các hoàng tử. Phạm Đan Quế đồng ý giúp đỡ Phạm Thị Hằng bằng cách dạy Miên Tông những tuyệt chiêu bắn cung để giật giải cùng với Miên Hoằng. Ngày thi thố đã đến gần sau những ngày luyện tập vất vả, cùng nhiều mưu mẹo học được từ Phạm Đan Quế, Miên Tông đã có đầy đủ kiến thức và kĩ năng để thi tài với Miên Hoằng, dù được đánh giá là thấp hơn đối thủ những Miên Tông đã rất cố gắng tập trung sức lực của mình để bắn trúng hồng tâm của tâm bia mũi tên, kết quả Miên Tông giành thắng lợi và cưới được Phạm Thị Hằng.

Từ đây cuộc đời của Phạm Thị Hằng bắt đầu trải qua sóng gió khi được làm vợ của hoàng tử. Thái hậu tức nhị phi Trần Thị Đang là một người đàn bà thông minh, quyền lực luôn nung nấu tham vọng nắm quyền bính ở trong tay. Khi biết tin Phạm Thị Hằng là vợ hoàng tử Miên Tông, bà đã không vui, vì vốn dĩ bà không hề ưa gì Phạm Đăng Hưng và luôn tìm mọi cách để hại ông. Từng nhất cử nhất động của Phạm Thị Hằng bà đều theo dõi kĩ càng và bắt bẻ từng chút một.

Người đàn bà quyền lực này cũng là người đã ban hành những luật lệ rất lạ trong hoàng cung đó là ra lệnh ban hành trong triều đình không nên có tể tướng. Sau đó cùng nhà vua ban hành Đế hệ thi và Phiên hệ thi. Đây là một trong những chính sách rất lạ của thái hậu nhằm kìm hãm sự bành trướng của thế lực Lê Văn Duyệt, vì xét cả quá trình trong tất cả những vị quan lại trong triều đình thì Lê Văn Duyệt là người xứng đáng đứng đầu các quan lại. Kế hoạch của Thái hậu thành công, không chỉ vậy, Thái hậu còn đích thân chọn vợ thứ hai cho hoàng tử Miên Tông sau khi biết chuyện Phạm Thị Hằng sinh con gái. Cô gái được thái hậu tuyển chọn là con gái của một gia đình gia thế, danh gia vọng tộc được đặt cho tên hiệu là Cam Lộ, mong muốn được hầu hạ hoàng tử và sinh hạ con trai để có thể củng cố quyền lực của thái hậu. Dù đã tìm mọi cách để có thể quyến rũ được hoàng tử Miên Tông nhưng Cam Lộ vẫn không có được sự ân sủng của hoàng tử, chính vì vậy khi thực hiện kế cuối cùng là giả vờ đau khổ để nhảy sông tự vẫn, thì Cam Lộ đã lấy được lòng hoàng tử và trở thành vợ thứ hai của người.

Qua câu chuyện Từ Dụ thái hậu người đọc thấy được sự nham hiểm và tàn ác của bà nhị phi Trần Thị Đang. Bà tìm mọi cách để có thể thực hiện được mưu đồ của mình, thậm chí hãm hại triều thần để đạt được mục đích. Trong câu chuyện còn có sự xuất hiện của Hạnh Thảo là cung nữ hầu hạ hoàng hậu thuở trước chứng kiến được nhiều âm mưu sự việc xảy ra trong cung, cuối cùng khi hoàng hậu qua đời, Hạnh Thảo bơ vơ không nơi nương tựa đã đến cầu xin ở nhờ nhà Phạm Đăng Hưng và trở thành một trong những người thân cận của nhà họ Phạm.

Sau một thời gian dài gắn bó, nhà họ Phạm xảy ra nhiều biến cố, Hạnh Thảo bị Phạm phu nhân hiểu lầm nên xin ra khỏi nhà và được công chúa đương triều thu nạp làm nô tì ngày đêm lo tụng kinh niệm phật. Hạnh Thảo đi khá lâu thì trong nhà Phạm Đăng hưng xảy ra biến cố, Phạm phu nhân mất, Đăng Hưng bị khép tội chết, chính vì vậy Hạnh Thảo đã cầu xin công chúa cho trở về Phạm phủ để có thế gặp Phạm Đăng Hưng hỏi cho rõ sự tình. Hạnh Thảo vẫn nhứ lời hứa của mình với nhà họ Phạm nên chăm sóc Phạm Đăng Hưng chu đáo, sau này khi được minh oan, Đăng Hưng kết duyên cùng Hạnh Thảo và chung sống hạnh phúc. Câu chuyện trong cung cấm vẫn còn nhiều bí mật và nhiều sự việc cần phải phơi bày làm sang tỏ. Người đọc sau khi khép lại trang tiểu thuyết vẫn bồi hồi ngẩn ngơ trước số phận của những nhân vật mạt vận trong câu chuyện, và đặc biệt ấn tượng bởi bà thái hậu Trần Thị Đang túc trí đa mưu nhưng cũng không kém phần nham hiểm và tàn độc.

Đọc câu chuyện về Từ Dụ thái hậu người đọc thấy sợ hơn là thích bởi những âm mưu đen tối, mưu đồ do các thế lực đấu đấu đá nhau sắp đặt sẵn, sợ bởi những mánh khóe của các cung tần mỹ nữ sử dụng để lấy lòng nhà vua, sợ bởi sự câu kết đấu đá lẫn nhau của các quan lại. Hơn thế nữa người ta cảm thấy cung vua như ngục thất như tù đày mà người nào tốt số thì có thể vươn lên một vị trí nhất định, có địa vị xã hội, có tiền tài, có phúc phận còn xấu số thì bị đầy vào lãnh cung mãi mãi không được ra ngoài cung để ngắm nhìn ánh mặt trời tươi đẹp, rực rỡ biết nhường nào. Người ta bỗng thấy sợ cung điện nguy nga, bóng bẩy bởi ẩn chứa trong đó là muôn ngàn cám dỗ, muôn vạn mưu kế hiểm độc mà con người giăng ra sẵn sàng bủa vây lấy nhau khi cần thiết. Tuy nhiên ẩn bên trong những mưu sâu kế hiểm đó người ta còn cảm nhận được một tình yêu rất đẹp rất chân thành và trong sáng của Phạm Thị Hằng và Miên Tông, hai con người này yêu và cảm mến nhau thật sự nhưng cuối cũng cũng không thoát khỏi bàn tay mưu đồ hiểm độc của thái hậu.

2. Cảm nhận và đánh giá về tác phẩm Từ Dụ thái hậu

Có thể nói viết tiểu thuyết lịch sự thực sự khó đối với nhiều nhà văn, vì cần phải dốc sức nhiều, cần tìm hiểu thấu đáo và cặn kẽ. Với Trần Thùy Mai nhà văn không ngại khó ngại khổ để tìm hiểu về nhân vật Từ Dụ thái hậu để viết về người phụ nữ giản dị mà sâu sắc này. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng được đông đảo bạn đọc đón nhận. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực cuộc sống gò bó, luật lệ trong cung cấm cũng như những cuộc tranh giành đấu đá ngầm khiến nhiều người phải bỏ mạng. Câu chuyện còn hấp dẫn bởi cách dẫn chuyện li kì, cuốn hút, nhiều khúc cua, khúc ngoặt khiến người đọc phải dốc sức đoán ra tình tiết tiếp theo sẽ diễn ra trong câu chuyện, có nhiều đoạn trong truyện khiến người đọc phải nín thở không dám phán bừa như đoạn Phạm Đăng Hưng bị đưa ra xét xử cầm chắc cái chết, hay đoạn hoàng tử Miên Tông bắn mũi tên cuối cùng để quyết định Phạm Thị Hằng sẽ thuộc về ai. Tất cả đều được tạo tác tài hoa dưới khả năng kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn của Trần Thùy Mai.

Sau khi đọc xong tác phẩm này người đọc sẽ có một cái nhìn khá trọn vẹn về hậu cung, vương triều nhà Nguyễn và tăng thêm vốn hiểu biết về lịch sử để có thể trau dồi thêm kiến thức cho bản thân, và cũng được nghe thêm nhiều chuyện lạ từ ngàn xưa còn truyền lại.

Một số trích đoạn hay

1. Gia Long và Tam phi Ngọc Bình:

“Nhà vua nâng mặt Tam phi lên nhìn.

– Sao chẳng bao giờ trẫm thấy nàng cười vậy? Đến bây giờ vẫn còn oán trách trẫm sao?

Tam phi cúi đầu:

– Thần thiếp là phận sâu kiến, đâu dám oán bệ hạ!

Vua Gia Long gằn giọng:

– Nàng không oán ta là đúng. Cả triều đình Tây Sơn bị tận diệt, cả nữ tướng Bùi Thị Xuân một thời lừng lẫy cũng đã bị xéo nát dưới chân voi. Nàng có nhớ không?

Tam phi rùng mình:

– Thiếp làm sao quên được.

Vua Gia Long nhếch cười:

– Địa vị nàng trong triều Tây Sơn còn lớn hơn Bùi Thị Xuân. Nếu ta muốn thì nàng cũng có thể bị xéo nát dưới chân voi! Nhưng ta đã tha cho nàng, lại còn đưa nàng lên địa vị cao quý. Nàng có biết vì sao như vậy không?

Tam phi lặng lẽ giây lâu rồi bỗng bật ra:

– Thần thiếp biết. Vì… Vì bị voi giày chỉ đau đớn có một lần. Còn sống để chịu giày xéo mỗi ngày mới thật là đau đớn vạn lần!

Vua Gia Long nhổm dậy:

– Á à… Nàng dám nói vậy sao?

Không nén được tức giận, ngài xô Tam phi ngã sóng soài dưới chân giường.

– Ngọc Bình, nàng thật ngu dại. Ta đã giải thoát cho dân chúng khỏi ách của Tây Sơn, giải thoát cả cho nàng! Thế mà nàng dám nói là đang chịu giày xéo! Ta cho đuổi cổ cả hai mẹ con bây giờ!

Tam phi sợ hãi, lết tới níu lấy áo nhà vua:

– Hoàng thượng, xin tha tội thần thiếp lỡ lời. Có lúc thiếp không biết mình đang nói gì nữa.

Vua Gia Long dịu lại:

– Ngọc Bình, nàng bị giặc Tây Sơn cưỡng ép kết hôn. Nay trẫm đã giải thoát cho nàng, nàng hãy xóa sạch ra khỏi tâm trí cái khoảng thời gian theo giặc. Nghe chưa?

Tam phi ôm mặt khóc.

Vua Gia Long quát:

– Nín!

Tam phi sợ hãi im bặt, lấy tay áo lau nước mắt.

Thấy bộ dạng Ngọc Bình thảm hại như vậy, không hiểu sao trong lòng nhà vua dâng lên một cảm giác hứng thú vô bờ bến. Vua ôm nàng vào lòng, âu yếm vuốt ve:

– Trẫm thương nàng lắm. Thấy nàng khóc lóc trẫm cứ tưởng như cái ngày chiến thắng ấy mới xảy ra hôm qua đây thôi…

Tam phi đang run rẩy chợt mở to mắt.

– Vậy là thấy thần thiếp đau khổ thì bệ hạ mới thỏa lòng, phải không?

Vua Gia Long không đáp, kéo Tam phi nằm xuống.

Áo khoác mỏng của Tam phi rơi xuống bên giường.

Từ dưới nhà ngang, cách mấy lớp cửa son, Hạnh Thảo đang dỗ Ngọc Ngôn bỗng nghe Tam phi rú lên một tiếng.

Đứng trực ngay dưới thềm, Trung Tín nghe tiếng nhà vua ôn tồn vọng ra từ trong màn gấm:

– Trẫm có làm nàng đau đâu?

Trên nệm phỉ thúy, Tam phi oằn mình thở hổn hển, mắt mở to đầy vẻ hãi hùng. Không, nàng kinh sợ không phải vì đau: nhà vua là một người đàn ông trầm tĩnh, nhẹ nhàng và lịch lãm.

Nhưng nàng thét lên vì trong lúc ấy nàng vừa thấy vua Tây Sơn Quang Toản hiện ra, người đầm đìa máu.”

2. Gia Long chọn người kế vị:

“- Ta biết mình sẽ ra đi trong lúc triều đình đang chia thành hai nhóm, kẻ phò Đảm, người phò Đán. Đảm hay Đán đều là máu thịt của ta, truyền ngôi cho Đảm hay Đán đều có chỗ được và chưa được. Đán làm cho người ta yêu mà giúp, Đảm làm cho người ta nể sợ mà phục tùng. Đán mềm mại quá, Đảm thì cứng rắn quá. Đán cởi mở quá, Đảm kiên quyết quá.

Vua dừng lại nghỉ một lúc rồi tiếp:

– Thuở ta còn khó khăn, Tây Sơn thì mạnh, ta thì yếu, đành phải dựa vào Tây dương để giành lại đất nước. Văn minh Tây dương nhiều điều không hợp với phong hóa nước ta. Nhưng họ mạnh hơn ta nhiều lắm, nếu ta không khéo sẽ không yên với họ được. Đán bây giờ cũng như Cảnh trước kia, thường quá thiên về Tây; Đảm thì ngược lại, quá khắt khe bài xích họ; hai cái đều có chỗ rất dở. Mình dễ quá thì họ tham mà lấn; mình khó quá thì họ lấy sức mà đè, đằng nào cũng thiệt cho mình. Bao năm nay ta vẫn giữ cách xử sự mềm dẻo, linh động với họ, khiến họ làm lợi cho ta mà không xâm phạm đến ta được. Sau này các khanh hiểu ý đó của ta mà giúp tân vương giữ gìn đất nước. Hãy thận trọng, chuyện này không phải dễ đâu.

Lê Văn Duyệt cúi đầu:

– Hoàng thượng thật sáng suốt. Những lời hoàng thượng vừa phán, cũng chính là tâm huyết của thần. Nhưng, tâu hoàng thượng, thế ai sẽ là tân vương?

Vua Gia Long khẽ nhếch cười, cái cười thoáng qua ấy như muốn giễu cợt Lê Văn Duyệt: “Ta biết mà, ông sốt ruột lắm đây!” Vẻ mặt ngài trở lại nghiêm nghị:

– Từ từ, từ từ rồi ta sẽ nói:

Nay tình thế bắt phải chọn, thì ta chọn Đảm, vì Đảm lớn hơn, vì vua càng trưởng thành thì đất nước càng vững mạnh. Đảm thông minh, quyết đoán, cương trực, sau này có thể là vị vua tốt. Hai khanh là đại thần cố mệnh, hãy cố hết lòng phò vua mới để khỏi phụ lòng ủy thác của ta.

Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng quỳ xuống, vẻ mặt vẫn còn hoang mang.

Vua run run chìa hai tay, nắm chặt lấy tay hai người.

Cử chỉ ấy của hoàng đế, trong giờ phút trọng đại này, làm Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng đều xúc động. Cả hai đổi nét mặt, rập đầu:

– Chúng thần xin tuân theo thánh ý!”

3. Trương Đăng Quế – Phạm Thị Hằng – Miên Tông:

“Trên bờ, Đăng Quế đi lẫn trong đám thiện nam tín nữ, dáo dác nhìn quanh, tìm kiếm. Đông quá, chàng nhìn quanh, tìm mãi, tìm mãi không thấy…

Lúc ấy Hằng đang ở ngoài xa, trên một con thuyền bồng bềnh trước Phu Văn Lâu. Từ trên mui thuyền cúi mình xuống, Hằng thả từng chiếc đèn hoa, khuôn mặt thiếu nữ ửng hồng trong ánh sáng lung linh.

Một thuyền khác chèo phía sau, trên thuyền là hoàng tử Tông và Giám Lê, cả hai đều mặc đồ thường dân.

Hoàng tử Tông bảo Giám Lê:

– Mau lên, chèo mau thêm một chút.

Giám Lê cười hinh hích:

– Dạ, cho kịp thuyền cái cô xinh xinh kia phải không?

Tông cười, chụp lấy mái chèo, tự tay chèo thuyền lên ngang thuyền của Hằng.

Thấy có thuyền áp sát thuyền mình, Hằng ngửng lên. Cô đưa cho Tông và Giám Lê mỗi người một chiếc đèn giấy.

Tông làm quen:

– Cô ơi cô, người ta thả đèn thế này để làm gì vậy cô?

Hằng vẫn chăm chú thả từng chiếc đèn xuống mặt nước:

– Không biết, thích thì thả chơi thôi. Nhưng có nghe sư ông nói, những linh hồn ngụp lặn trong dòng sông vô minh, nên mỗi chiếc đèn thả xuống là để soi cho một linh hồn hướng về cõi sáng đó.

Tông bỗng nhiên chạnh lòng:

– Vậy hả, vậy tôi thả chiếc đèn này cho mẹ tôi mới được.

Hằng ái ngại:

– Mẹ anh mất rồi à?

Tông gật đầu, lặng lẽ. Giám Lê hỏi:

– Cô tên gì, nhà ở đâu, cho tụi tôi làm quen được không?

Hằng nhớ lời Hạnh Thảo dặn, khi ra ngoài đừng để lộ thân phận của mình.

– Tôi là thị nữ nhà Phạm thượng thư, quan lớn tôi sai lên đây giúp đàn chay cho công chúa. Còn các anh là ai, nhà ở đâu?

Hoàng tử Tông huých tay Giám Lê. Giám Lê nói dối ngon lành:

– Hai đứa tôi là con nhà buôn bán ở ngoài cửa Đông Hoa.

Hằng hồn nhiên:

– Nhà các anh buôn gì?

Hoàng tử Tông tủm tỉm cười:

– Cha tôi mới được thừa kế một cửa hàng bán ghế, nhờ trời đang đắt khách lắm.

Hằng thấy cung cách của Tông, ngờ ngợ ngước mắt nhìn. Giám Lê nhanh nhẩu chen vào:

– Hôm nay ngày tốt anh em tôi đi chùa cầu phúc cầu duyên, mong cho sớm lấy được vợ tốt.

Hằng nghe giọng đùa cợt thì mỉm cười, quay lưng đi. Thuyền đổi hướng ngược dòng lên Thiên Mụ. Tông nhìn theo, thoáng chút ngẩn ngơ. “Con nhà ai mà dễ thương quá ta?”

Trên bờ, trong đám đông, Đăng Quế vẫn đi tìm. Quế đi cho đến khi đêm hội tan, chỉ còn một dải sông Hương êm như nhung dưới trăng rằm, và những hoa đèn đủ màu càng lúc càng bập bềnh trôi xa về phía biển.”

4. Thái hậu Trần Thị Đang và hoàng đế Minh Mạng:

“Vua Minh Mạng giật mình, thoạt đầu ngạc nhiên, rồi một nụ cười thích thú hiện ra trên gương mặt:

– Mẹ! Con thực sự thán phục mẹ. Con chưa nghĩ được điều này. Mẹ đúng là người sinh ra vua!

Thái hậu cũng tươi nét mặt:

– Ta chưa nói hết. Nếu nay hoàng thượng chỉ ban hành một cái lệ mới là không lập tể tướng, tất sẽ lộ rõ cái ý nghi ngờ Lê Văn Duyệt, làm cho y và phe cánh y bất mãn đề phòng. Để cho kín kẽ, hoàng thượng hãy đặt ra cái lệ Tứ bất lập, sẽ không ai nói gì được.

Vua Minh Mạng tỏ vẻ dè dặt:

– Tứ bất lập là sao ạ?

Thái hậu tươi cười:

– Ta vừa nghĩ ra cái tên ấy, tạm gọi như thế cho dễ nhớ. Tứ bất lập là không lập bốn tước vị lớn, trong cung cũng như ngoài triều. Trong triều không lập tể tướng, không tuyển trạng nguyên; trong cung không lập toàng hậu, không phong thái tử. Ta làm có trên có dưới, có trong có ngoài như thế thì không ai ca thán gì được.

Vua Minh Mạng cau mày.

– Không lập hoàng hậu? Không phong thái tử?

Thái hậu vẫn điềm nhiên:

– Tại sao không? Trước đây ta có là hoàng hậu đâu? Vậy mà mọi việc cuối cùng vẫn tốt đẹp đó thôi!

Vua Minh Mạng lặng thinh, không nói. Lúc vua cáo từ về rồi, thái hậu quay lui, khẽ vỗ tay làm hiệu. Tổng quản thái giám Trần từ sau màn bước ra.

– Ngươi thấy chưa? Ta không nói sớm thì có người sẽ nói trước ta đó.

Thái giám Trần đắc ý:

– Thái hậu quả là tài trí hơn người. Xưa nay người ta vẫn nói “Tiên hạ thủ vi cường”, ai ra tay trước, người ấy mạnh hơn. Thần chỉ e…

– Nhà ngươi e cái gì?

– Thần chỉ e thói thường, đàn ông lúc nào cũng nghe lời vợ hơn nghe mẹ. Hoàng thượng lặng im không nói gì, chưa biết ngài sẽ tính sao đây?”

5. Hoàng trưởng tử Miên Tông và hoàng đế Minh Mạng:

“Cố kiên nhẫn chờ cho vua cha dùng gần xong bữa, Miên Tông lấy hết can đảm nói một hơi:

– Tâu phụ hoàng, Ngô Hiền tần nói là sắp kén con gái nhà quan để làm cung tần cho con. Con thấy con gái Tổng tài Phạm Đăng Hưng nết na xinh đẹp, con rất muốn có người ấy, xin phụ hoàng chuẩn y cho phép!

Vua Minh Mạng hơi bất ngờ, nhíu mày nhìn Miên Tông, một lúc sau mới hỏi:

– Nội trong kinh thành biết bao nhiêu tiểu thư khuê các, sao ngươi không chọn? Lẽ nào trên đời chỉ có một người con gái sao?

Miên Tông vẫn chăm chăm:

– Tâu phụ hoàng, lòng con đã quyết, suốt đời chỉ chọn một mình Phạm tiểu thư thôi ạ!”

6. Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng:

“Khi ấy trời chiều, lớp học vừa xong. Trương Đăng Quế một mình bước trên lối đi. Trên vẻ mặt anh phảng phất một nỗi buồn âm thầm.

– Anh Quế!

Đăng Quế giật mình đứng lại. “Hằng đấy à?”

Hằng lại gần:

– Em đây. Em có chút việc này muốn nhờ anh!

– Nghe nói Hằng sắp làm dâu hoàng thất rồi, còn gì phải nhờ anh nữa.

Hằng nhăn mặt:

– Anh cũng trêu em như mọi người sao. Ai gặp em cũng chúc mừng, mà chẳng ai biết là em khổ tâm lắm !

Đăng Quế giọng nửa đùa cợt, nửa mát mẻ:

– Vào cung hầu hoàng tử, danh giá vẻ vang như thế, còn khổ tâm cái gì.

Hằng bực mình:

– Anh Quế, anh tệ lắm. Trước đây anh đã nói thương em như là em gái của anh, em cũng coi anh như người anh cả. Vậy mà nay anh không hỏi han gì đến tâm sự của đứa em gái này, chỉ nói những lời chia vui hời hợt cũng như người lạ. Anh làm em tủi lắm!

Đăng Quế vội vàng dịu giọng.

– Em có tâm sự gì, hãy nói cho anh nghe đi!

Hằng thở dài thậm thượt:

– Anh Quế ơi, nay hoàng thượng truyền thi bắn cung…

Cô kể lể hết tất cả sự tình. Đăng Quế nghĩ thầm trong bụng: Miên Tông và Miên Hoằng đều là học trò của ta, sức học của cả hai, nếu đem văn tài mà thi thì Miên Tông hơn chắc. Còn đem võ nghệ thì Hoằng nhất định là hơn. Chọn thi bắn cung, chắc chắn là do Hiền tần xui hoàng thượng, để giành phần thắng cho con mình rồi, nhưng cũng do tính cách hoàng thượng mạnh mẽ, chuộng võ. Bây giờ ý trên đã quyết, xoay chuyển rất khó. Mà đằng nào, ai thắng ai thua thì Hằng cũng sẽ phải vào trong hậu cung, mình không gặp Hằng nữa rồi. Dẫu mình có vào cung dạy học, cũng vẫn mãi mãi kẻ bên ngoài, người bên trong Tử Cấm Thành, suốt đời cách biệt.

Nghĩ đến đó Đăng Quế cảm thấy đau lòng. Hằng nói mấy lần, anh mới sực nghe:

– Hằng sợ lắm anh Quế à! Anh Quế cố gắng giúp Hằng đi?

Đăng Quế bồi hồi:

– Em muốn anh giúp như thế nào đây?

– Anh bắn cung còn giỏi gấp mấy Miên Hoằng, bây giờ anh dạy liền cho Miên Tông, họa chăng Miên Tông giành được phần thắng!

Đăng Quế nhìn chăm vào mặt Hằng:

– Vậy nghĩa là… em muốn Miên Tông thắng cuộc? Nghĩa là trong lòng em đã chọn Miên Tông?

Hằng lúng ta lúng túng:

– Thì em thấy… Miên Tông hiền lành hơn, sâu sắc hơn, lại có hoàn cảnh rất đáng thương…

Đăng Quế như bị một đòn ngầm vào tim:

– Thôi, em không cần nói nữa, anh đã hiểu rồi!”

Mua sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng” khoảng 144.000đ đến 145.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng Fahasa” tại đây

Đọc sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng ebook pdf

Để download “sách Từ Dụ Thái Hậu – Quyển Thượng pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 02/04/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

1 Comment

Leave a reply

Siêu thị sách 86