Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ
Giới thiệu sách Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ – Tác giả Mai Đức Anh
Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ
Đi Mỹ thôi đã là mơ ước của nhiều người rồi. Du học Mỹ thì hẳn là oách khỏi nói.Nhưng, rất đột ngột khôn lường và không khỏi làm bạn chán chường, bạn khó mà tưởng được sẽ gặp một thằng bạn Mỹ cùng phòng thích xịt nước hoa nhưng cả tuần không tắm, một thằng bạn cao thủ giải toán cao cấp bằng… google, những buổi tiệc tùng tới bến với chất có cồn trong ký túc xá, hay vài chuyện yêu đương nhảm nhí trai gái này nọ này nọ của đám sinh viên Mỹ. Nhưng, lại nhưng, bạn đồng thời thấy mình trưởng thành hơn sau quãng thời gian sống tự lập nơi xứ người, thấy mình đứng đắn hơn sau những năm học tập, nghiên cứu chỉn chu, thấy mình “giàu có” hơn sau những hành trình khám phá dọc ngang nước Mỹ rộng lớn, và thấy mình sẵn sàng thực hiện những ước mơ to táthơn trong tương lai.
Những câu chuyện hào nhoáng và nhếch nhác, bi phẫn lẫn hài hước hay cười ra nước mắt đó sẽ được kể lại trong hành trình du học Mỹ mang tên “Đẹp trai không ngại đi Mỹ” của chàng trai Mai Đức Anh.“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, bạn ngại gì mà chẳng nhấp chuột tìm kiếm cơ hội đi 14 ngàn cây số để học khôn như chàng?
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ
- Mã hàng 8935235219052
- Tên Nhà Cung Cấp Nhã Nam
- Tác giả: Mai Đức Anh
- NXB: NXB Hội Nhà Văn
- Trọng lượng (gr): 250
- Kích Thước Bao Bì: 14 x 20.5
- Số trang: 224
- Hình thức: Bìa Mềm
2. Đánh giá Sách Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ
1 Sách không bị bóp méo chỗ nào • Nội dung khá hay, có trang kèm theo ảnh nhìn thích lắm ạ.
2 Sách hay nên tham khảo.
3 Xuất sắc ạ.
4 Tầm mắt em nhìn không thể vươn ra tận biển rộng, bầu trời cao không đáy và triệu triệu đất bạc ngàn ngoài kia. Nhưng có thể nói ngày nào em cũng đi du (lịch – học), chỉ hiềm một nỗi là em đi du trong “tâm tưởng”.
5 Sách okeeeeeeeee.
Review sách Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ
1. Trải Nghiệm Của Một Du Học Sinh Trên Đất Mỹ
Nếu việc du học trước giờ chỉ là một điều xa vời đối với bạn, hay thậm chí chỉ là một mơ ước viển vông, thì cũng đừng lo lắng. Vì nếu như bạn không thể du học nhưng vẫn luôn tò mò về cuộc sống của một du học sinh, thì ít ra bạn vẫn có thể ngồi ở nhà và đọc Đẹp trai không ngại đi Mỹ – một cuốn tự truyện đầy màu sắc, hài hước và cũng vô cùng bổ ích của Mai Đức Anh.
Tôi khá chắc thời đi học ai cũng ít nhiều vài lần nghĩ về việc đi du học. Đi du học có gì vui? Hít thở oxy ở một khung trời mới, tiếp nhận học hỏi trong nền văn hoá mới, giao lưu tiếp xúc bằng một ngôn ngữ mới,… biết bao điều mới mẻ lý thú đều đang đón chờ những du học sinh đến cảm nhận. Và Mai Đức Anh – chàng trai đóng vai nhân vật chính ở cuốn sách này cũng là một du học sinh như thế. Chân ướt chân ráo vác 45kg hành lý cùng chuyến bay dài đằng đẵng hơn 14,000km đến phía bên kia của Trái Đất, cuộc đời của một du học sinh Mỹ tưởng chừng như một thiên đường màu hồng đương vẫy gọi, ấy vậy mà có biết bao tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra, những câu chuyện kì cục xuất hiện đan xen cả những phen hú hồn luôn rình rập ở phía trước. Vừa hài hước nhưng cũng vừa ý nghĩa, cuốn sách khái quát lại toàn bộ quãng thời gian 4 năm đi du học của chàng trai Mai Đức Anh với những kinh nghiệm, những kiến thức và cả những câu chuyện thú vị xoay quanh cuộc sống thường ngày.
Cuốn sách được thiết kế đơn giản và “mộc mạc” với hình ảnh của chính Mai Đức Anh trên tấm bìa sách – điều mà có lẽ đã phần nào cho thấy sự tự tin của chàng trai với vẻ bề ngoài bảnh bao mà chàng luôn tự nhận về mình. Ở phần cuối cuốn sách là danh mục những thời điểm, khoảnh khắc mà tác giả đã chia ra trong suốt quãng thời gian ở bên Mỹ của mình, bao gồm các phần như: Ngày, giảng đường; Tối, ăn ngủ; Nghỉ, khám phá; Đêm, suy tư và Hậu tốt nghiệp. Trong mỗi phần lại bao gồm nhiều câu chuyện lẻ tẻ về đời sống xung quanh cũng như những cảm nhận rất đỗi chân thật của tác giả. Đó cũng là lý do mà khi đọc cuốn sách, bạn sẽ không bao giờ thấy nó nhàm chán hay nhạt nhẽo, bởi lẽ từng câu chuyện là từng sự khám phá mới mẻ, thú vị và lôi cuốn tất cả người đọc.
2. Nước Mỹ – choáng ngợp trước những sự khác biệt
Để mà nói về sự khác biệt giữa hai quốc gia, cụ thể là Mỹ và Việt Nam; giữa hai châu lục, cụ thể là châu Á và châu Mỹ; giữa hai nền văn hoá, cụ thể là phương Đông và phương Tây, quả là một điều vừa đơn giản mà cũng vừa phức tạp. Và dưới con mắt của một du học sinh, điều đó còn khó khăn gấp bội phần.
Mai Đức Anh đến với Mỹ trong một tâm thế tràn đầy tự tin và hy vọng, chàng trai trẻ hy vọng sẽ được giao lưu học hỏi với những người “chuẩn” Mỹ, nào là những con người thân thiện, nào là phóng khoáng, dễ gần. Ở Mỹ bạn đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt chuyện với bất kì ai, ở bất kì đâu, vào bất kì thời điểm nào. Chỉ cần bạn mở lời “Hi, how are you?” hay đơn giản hơn là “What’s up?” thì ngay lập tức sẽ có người đáp lại bạn “I’m good”. Điều đó tạo nên sự khác biệt, và khiến cho chàng trai Việt Nam cảm thấy hết sức hạnh phúc.
Sau con người phải nói thêm về phong cảnh đất trời nơi xứ bạn. Riêng ngôi trường mà chàng trai theo học cũng là cả một sự cách biệt lớn so với hệ thống trường đại học tại Việt Nam, khiến lần đầu chứng kiến chàng trai đã phải thốt lên “Wow” đầy ngạc nhiên và kinh ngạc. Dù không nằm trong trung tâm thành phố nhưng nơi đây vẫn sở hữu những vẻ đẹp riêng tách biệt, đó là một vùng đất hẻo lánh với số dân cư ít ỏi, không có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, cũng chả có nổi những cửa tiệm quần áo nổi tiếng, mọi thứ chỉ ở mức bình dân nhưng vẫn toát lên sự đặc biệt. Ở Mỹ người ta đi ô tô nhiều vô kể, giống như việc xe máy rất thịnh hành tại Việt Nam vậy. Còn những du học sinh, hay sinh viên bản địa không có điều kiện như chàng trai, thì đành phải còn cách đạp xe đạp hay đi bộ mà thôi.
Tản mạn về những điểm khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam thì có lẽ nhiều vô kể, nhưng cái khác nhất chắc có lẽ là sinh viên Mỹ và sinh viên Việt Nam. Ở Mỹ, sinh viên không mấy ai nể nang thầy cô, người ta thậm chí còn khá thờ ơ với nội dung bài giảng trên lớp. Còn giảng viên đại học cũng hết sức kì cục, lên bục giảng mà vẫn ăn mặc xuề xoà, rồi vô tư ăn fast food giữa giờ giải lao, “chém gió” thoải mái với tất cả mọi người.
Đã bao giờ bạn chứng kiến việc giáo sư lên lớp mà sinh viên ngồi im không thèm chào, ăn uống nhồm nhoàm rồi co chân lên bàn nghe giảng? Liệu ở đâu có cảnh tượng sinh viên mặc quần đùi, lê dép tông đến lớp, đầu nhuộm xanh đỏ tím vàng, mỗi chỗ một màu nhưng chẳng ai ngăn cấm? Chào mừng bạn đến với nước Mỹ.
Và còn vô vàn những điều kỳ cục nữa như văn hoá “yêu” của Mỹ, party kiểu “Mỹ” hay lối sống sinh hoạt của sinh viên Mỹ:
Đôi lúc cuối tuần náo nhiệt, người ta bắt gặp đôi da đen loã thể ân ái hết mình ngay giữa phòng giặt. Dưới màn đêm tĩnh mịch, hai hàm răng bỗng nhiên sáng lấp lánh trong đêm, ôi sao tuôn trào cảm xúc.
Chỉ đến đây thôi chắc bạn cũng hiểu, sự cách biệt văn hoá lớn đến mức kinh khủng như thế nào, bảo sao mà người ta có hẳn một định nghĩa riêng về “shock văn hoá” dành cho các bạn du học sinh. Nhưng dẫu sao hào nhoáng và mới mẻ đến vậy, nhưng hùa theo và đua đòi những điều vô bổ vẫn không hề là điều mà tác giả khuyến khích trong cuốc sách của mình.
Và cũng còn vô vàn những điểm mới mẻ mà nước Mỹ sở hữu được tác giả đề cập tới trong cuổn sách của mình. Tôi tin rằng nếu đọc cuốn sách này, bạn sẽ được mở mang rất nhiều về kiến thức địa lý cũng như có một hình dung rõ ràng cụ thể hơn về nước Mỹ hoa lệ xa xôi.
3. Nước Mỹ – những con người đẹp, những trải nghiệm đẹp
Một trong những phần chính của cuốn sách này đó là về những người bạn và những trải nghiệm lý thú của chàng trai trên chuyến hành trình làm du học sinh của mình. Tại đây, ở ngôi trường đại học Truman, mặc dù khởi đầu bị hơi “lỗi” (chàng trai đăng ký chuyên ngành Tài chính nhưng không hiểu sao lại bị xếp vào lớp chuyên đề Toán) nhưng mọi thứ vẫn đem tới cho chính chàng trai nhiều trải nghiệm thú vị. Nói đến đây phải kể tới danh sách những người bạn gắn bó (và cả thoáng xuất hiện) trong suốt 4 năm học đại học của tác giả, thậm chí cả về sau khi đã tốt nghiệp đại học. Đó là những người bạn được đặt với những biệt danh hết sức dí dỏm như anh Bán Bóng Đèn, Đại Gia Dầu Khí, chị Truyền Thông, anh Bờ,… Mỗi một nhân vật lại có những đặc điểm hết sức thú vị riêng, đặc biệt như chính cái tên mà họ được đặt vậy.
Nếu đã cất công đi nửa vòng Trái Đất để du học mà lại không dành thời gian đi du lịch, đi phượt, đi dạo phố thăm thú những địa danh thú vị thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Tác giả đã cùng với những người bạn trong nhóm chơi thân với mình tổ chức những chuyến đi hết sức thú vị và đáng nhớ. Lần lượt các địa danh như Washington D.C, New York, Miami, Mexico,… đều được chàng trai đặt chân tới. Trên chuyến hành trình ấy, đã có những khoảnh khắc nguy hiểm, những thời điểm khắc nghiệt khó khăn, nhưng vì là tuổi trẻ nên mọi thứ vẫn đọng lại như những kỉ niệm đẹp khó có thể nào lãng quên. Đã có những lúc cả lũ sinh viên tự lái xe đi trên đường đêm ngày tuyết đổ, để rồi suýt chút nữa tai nạn đã xảy ra vì bất thình lình trên đường đi, một chú hươu từ trong rừng lao ra đột ngột. Rồi lại đến những đêm phải cắm trại giữa rừng rồi co quắp vào trong những giấc ngủ chập chờn giá buốt, sáng hôm sau dù mệt nhưng vẫn hào hứng tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo. Để rồi qua mỗi một cuộc hành trình, đi qua một mảnh đất mới, tiếp xúc với nhiều người nước ngoài đáng mến thân thiện, chàng trai mới cảm thấy cuộc sống và tình người thật ấm áp biết bao.
Tuổi trẻ là những chuyến đi dài. Du học Mỹ tưởng như là chuyến hành trình dài nhất mà tác giả phải trải qua trong quãng đời thanh xuân. Nhưng thực ra, cuộc hành trình của cảm xúc và nhận thức mới là chuyến đi không bao giờ có hồi kết. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, dõi theo những bước đi đến những chân trời mới của tác giả, tôi có cảm giác như chính mình cũng được học thêm rất nhiều điều ý nghĩa.
4. Nước Mỹ – những cảm xúc riêng, những bài học sâu sắc
Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ như cái cách ta chạy bon bon trên con đường nhựa mới cứng. Tác giả đã tự gọi cuộc sống du học của mình là con đường màu hồng trải toàn… gai.
Tiếp nhận nhiều cái mới, nhưng cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ ngộ ra nhiều điều đáng suy ngẫm.
Tiêu biểu như việc hồi mới chập chững đến với Mỹ, chàng trai cảm thấy hứng khởi biết bao trước sự hiếu khách và thoải mái của người Mỹ. Đi đâu cũng có thể chào nhau, hỏi thăm nhau, cảm giác như thể ta có bạn bè ở khắp mọi nơi vậy. Nhưng chẳng bao lâu chàng trai nhận ra rằng anh đã nhầm. Ai rồi cũng sẽ trả lời bạn theo đúng một kiểu đầy xã giao và rập khuôn rằng “I’m good”. Họ thậm chí còn chẳng thèm nghe bạn trả lời mà cứ thế bước đi tiếp, dường như chẳng ai muốn lãng phí thời gian của mình cho những màn chào hỏi ngẫu hứng trên đường. Mọi thứ bỗng chốc trở nên thật lạnh lùng và giả tạo. Từ đó trở đi, chàng trai nhận ra rằng mọi thứ đều không thật sự bóng bẩy và hào nhoáng như vẻ ngoài mà nó vốn có, dù là bất cứ điều gì cũng vậy.
Du học sinh Mỹ giúp sinh viên mở rộng cánh cửa khám phá thế giới, mang lại cơ hội tuyệt vời để tiếp thu tri thức cùng cách suy nghĩ mới mẻ tại một nền văn hoá đa dạng, nhưng cánh cửa ấy rất có thể sẽ dẫn đến tai hoạ chứ không phải thiên đường màu hồng như vô số người vẫn nghĩ.
Trong tâm thế là một du học sinh đến từ một đất nước xa xôi, chàng trai thật sự bị choáng ngợp trước nhiều điều, một trong số ấy chính là phương pháp và hệ thống giáo dục của người Mỹ. Tại nước bạn, lối sống cá nhân từ lâu đã thành nếp, trong giáo dục, những điểm số, bài kiểm tra, bảng điểm hay tất cả những gì liên quan thể hiện học lực cá nhân của học sinh đều sẽ được giữ kín. Học sinh chỉ chia sẻ điểm số của mình nếu họ tự nguyện, do vậy sự dòm ngó của những nhân vật mang tên “hàng xóm” đến bài vở của con em mình là chuyện không bao giờ xảy ra. Từ những sự khác biệt như vậy, Mai Đức Anh đã liên hệ ngược lại với hệ thống giáo dục đầy khuôn mẫu, rập khuôn tại Việt Nam, chỉ ra những quan điểm và suy nghĩ của mình về việc giáo dục nước nhà đang làm thui chột đi khả năng định hướng tương lai và chặn đứng đam mê của mỗi cá nhân học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Xã hội hay lớn tiếng dạy rằng thế hệ trẻ hãy sống theo đam mê, nhưng ngay từ trên ghế nhà trường, họ đâu chịu tạo thời gian và điều kiện để học sinh thoả nguyện mong muốn tự nghiên cứu khám phá? Chúng ta buồn vì định hướng cá nhân chưa tốt, nhưng ai cho phép học sinh tự quyền tự định hướng tương lai chính bản thân mình?
Hết nói về chuyện giáo dục, tác giả còn đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong văn hoá người Việt như ý thức tham gia giao thông, ý thức xếp hàng nơi công cộng, thói khôn vặt của người Việt,… Tất cả đều được thể hiện dưới góc nhìn và quan điểm của một du học sinh đã có nhiều trải nghiệm trên đất nước xa xôi với những nền văn hoá, phong cách sống hiện đại, mới mẻ.
Bên cạnh chuyện nêu lên quan điểm, ý kiến cá nhân, cuốn sách còn chứa đựng cả những dòng tâm sự, những suy ngẫm của chàng trai về nhiều điều trong cuộc sống: về gia đình, người thân, bạn bè, về thời gian, về quá khứ,… Những người đi du học nơi đất khách quê người ắt hẳn thấm thía nhiều hơn ai hết sự tàn nhẫn của thời gian, bởi lẽ sau nhiều tháng ngày trở về, ai ai cũng đều ngỡ ngàng trước bao nhiêu đều đổi khác.
Thời gian, thứ duy nhất xoá nhoà mọi vết thương, nhưng cũng là thứ có thể rạch thêm những vết thương mới.
Mai Đức Anh đã bày tỏ bộc bạch những suy nghĩ của mình về nỗi nhớ gia đình, về người bà đã mất, về Hà Nội trong những ngày thu đông hay dịp lễ Tết,… Tất cả đều thấm đượm những cảm xúc xao xuyến, hoài niệm của đứa con Hà Nội xa nhà đã lâu.
5. Lời kết
Sau cùng, tất cả những niềm vui, sự ngạc nhiên, niềm thích thú xen lẫn cả nỗi nhớ và những cảm xúc chân thật nhất đều được Mai Đức Anh gửi gắm trọn vẹn vào trong cuốn sách của mình. Đẹp trai không ngại đi Mỹ thoạt tiên nghe có vẻ là một cuổn sách mang đậm tính chất dí dỏm hài hước, nhưng thực ra đan xen trong những câu chữ gây tiếng cười của tác giả là rất nhiều những cảm xúc khác. Bạn sẽ cảm thấy tò mò hay trầm trồ trước những kiến thức về nước Mỹ, những địa danh và vùng đất mà chàng trai ghé thăm. Hay bạn sẽ bật cười trước những câu chuyện ngộ nghĩnh mà chàng trai kể lại. Hoặc cũng có thể, một loạt những tâm sự của chàng trai liên quan đến việc phản ánh đời sống xã hội sẽ làm bạn phải ngẫm nghĩ thật lâu…
Không chỉ có vậy, trong cuốn sách còn có những trang dành riêng cho những bức ảnh mà chính tác giả chụp lại trên chuyến hành trình đi du lịch cùng bạn bè mình, những địa danh nổi tiếng hay những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp,… tất cả đều có ở trong cuốn sách.
Đẹp trai không ngại đi Mỹ thực sự là một cuốn cẩm nang hữu ích dành cho những ai đã và đang có ý định đặt chân tới nước Mỹ xa xôi để học tập. Nó cũng sẽ là một cuốn sách thú vị cho những ai đang tò mò về cuộc sống của một du học sinh. Vừa mở mang được kiến thức cũng như sự hiểu biết, nhưng cũng vô cùng giải trí và nhẹ nhàng, đó chính là quyển sách của Mai Đức Anh.
Mua sách Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ” khoảng 51.000đ đến 56.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ Fahasa” tại đây
Đọc sách Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ ebook pdf
Để download “sách Đẹp Trai Không Ngại Đi Mỹ pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 28/11/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- Trái Tim Trên Những Con Đường
- Bầu Trời Không Chỉ Có Màu Xanh
- Vắng Cha, Con Trai Lạc Lối
- Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi
- Mẹ Sẽ Không Để Con Ở Lại
- Điểm Hẹn Đen
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free