Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Giới thiệu sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ – Tác giả Svetlana Alexievich

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Một tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel Văn chương 2015 Svetlana Alexievich – là bản dịch đầy đủ nhất từ trước tới nay, không cắt gọt, không kiểm duyệt của chính tác giả do dịch giả Nguyên Ngọc dịch mới hoàn toàn. Có một cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai mà bạn chưa từng nghe nói tới, những câu chuyện chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, những số phận gắn liền với chiến tranh, đã được tác giả tái hiện lại một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất trong Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.

“Chúng ta đã bị tước mất đi cả một thế giới. Lục địa riêng biệt của những người phụ nữ. Nhưng điều gì ngăn ta đi vào đó? Ghé vào và lắng nghe? Một mặt là một bức tường vô hình, bức tường chống đối của đàn ông, mà tôi thậm chí sẵn sàng cho là một âm mưu bí mật tính toán của đàn ông, mặt khác là sự thiếu vắng ham muốn và tò mò của chúng ta có thể giải thích là do không ai chờ đợi ở cuộc thám hiểm đó chút khám phá nào. Bởi vì đàn ông, như người ta vẫn nói, sinh ra là để tham gia chiến tranh và nói về chiến tranh. Chúng ta tưởng đã biết tất cả về chiến tranh.

Nhưng tôi là người đã nghe những người phụ nữ nói – những phụ nữ thành phố và những người ở nông thôn, những phụ nữ bình thường và những nữ trí thức, những người cứu chữa thương binh và những người cầm một khẩu súng, tôi có thể khẳng định rằng tưởng thế là sai. Thậm chí một sai lầm lớn. Còn có một cuộc chiến tranh khác mà chúng ta không biết. (Svetlana Alexievich)

“Cùng chúng tôi có một nữ điện báo viên. Cô vừa sinh dậy, đứa bé còn rất nhỏ, phải cho bú. Nhưng người mẹ không đủ ăn, thiếu sữa, và đứa bé khóc. Bọn SS ở rất gần… Với cả chó. Nếu chúng nghe được, thì chúng tôi chết hết. Cả đội. Ba chục người… Cô hiểu không?

Chúng tôi có một quyết định…

Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy, nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu… Đứa bé không còn rống lên nữa. Nó đã chết. Và chúng tôi không ai dám ngước mắt lên nữa. Về phía người mẹ, và về bất cứ người nào trong chúng tôi…” (trích đoạn tác phẩm)

Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ
Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ
  • Mã hàng 9786045529171
  • Nhà Cung Cấp Cty Sách Tao Đàn
  • Tác giả: Svetlana Alexievich
  • Người Dịch: Nguyên Ngọc
  • NXB: NXB Hà Nội
  • Trọng lượng: (gr) 500
  • Kích Thước Bao Bì: 20.5 x 14.5 cm
  • Số trang: 464
  • Hình thức: Bìa Mềm

Đôi nét về tác giả

Svetlana Alexievich sinh ngày 31 tháng 5 năm 1948 là một nhà báo điều tra và nhà văn thể loại văn xuôi hiện thực. Bà là người Belarus nhưng viết văn và báo bằng tiếng Nga. Bà được trao giải Nobel Văn học năm 2015 “vì lối viết phức điệu, một tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại chúng ta”. Bà là nhà văn đầu tiên của Belarus nhận giải thưởng này.

2. Đánh giá Sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Đánh giá Sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ
Đánh giá Sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

1 Mình cực kì hài lòng luôn. Sách được bọc kĩ càng, vận chuyển cũng nhanh, không thể không hài lòng hơn ấy.

2 Mình mua tặng mẹ nhân dịp 1/6 cuốn này cùng cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm . Từ đầu đến cuối tác phẩm, những câu chuyện của họ dù khác nhau, như những đường thẳng tưởng chừng song song lại bất ngờ hồi quy về một điểm, chính những người phụ nữ này bị ép buộc phải trở nên mạnh mẽ. Trong cuộc chiến sinh tồn này, người phụ nữ phải rũ bỏ đi cái thiên chức tự nhiên của mình để trở thành một người gan góc và nam tính. Sự rũ bỏ này, trần trụi đến mức làm người đọc sợ hãi. Thực sự là một tác phẩm rất hay.

3 Sách hay, bìa mềm mà cầm thích lắm i như cầm bìa cứng hihi. Đáng mua về đọc ạ!

4 Mình rất bị cuốn bởi những câu chuyện chiến tranh. Ngay sau khi đọc giới thiệu cuốn sách là mình hốt liền.

5 Sách thiết kế đẹp, giấy chất lượng. Nội dung khá hay. Giao hàng nhanh, thân thiện. Khá hài lòng với sản phẩm.

Review sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

Review sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ
Review sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ

1. Vì sao “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”?

Nếu đã đọc phần giới thiệu ở trên, hẳn là người đọc cũng phần nào hiểu được vì sao cuốn hồi ký chiến tranh này lại có nhan đề lạ lùng như vậy.

Thế chiến mà chúng ta thường thấy trong những tài liệu lịch sử, trong sách giáo khoa, trong tâm thức của mọi công dân yêu nước, được kể lại chỉ bằng cảm nhận của những người đàn ông. Chiến tranh của nam giới chỉ đơn thuần là những sự kiện, ngày tháng, số liệu về những chiến thắng khải hoàn, tiểu sử những người xuất chúng, và những dữ liệu tương tự. Và phụ nữ thì thường không nhớ nhiều về những chi tiết này. Thậm chí trong một lần Alexievich đến nhà phỏng vấn, dù cả hai vợ chồng chủ nhà đều từng phục vụ trong quân ngũ, người vợ vẫn dè dặt nói rằng nếu tác giả muốn hỏi về chiến thắng hay tên các anh hùng chiến tranh thì hãy hỏi chồng bà, vì ông ấy nhớ rõ những điều ấy hơn cả.

Phụ nữ hầu như chưa bao giờ nói về chiến tranh của mình. Những gì họ kể trên báo chí là một phiên bản khác, phiên bản với những từ ngữ của đàn ông. Dù đã tham gia chiến đấu và có vị thế ngang với các nam đồng đội, phụ nữ, như tác giả nhận xét, vẫn chưa đủ lòng tin vào câu chuyện của mình. Họ nghĩ những trải nghiệm bình thường mà họ có không phải là chiến tranh. Và chỉ khi nói chuyện với những nữ đồng đội cũ, hay những người mà họ coi là cô cháu gái nhỏ như Alexievich, những câu chuyện như thế lần đầu mới được nghe đến. Một lịch sử vô cùng khác lạ và đầy “tính nữ”. Trong lịch sử ấy, không có những điều mà ta đã quen thuộc năm này qua tháng khác. Không có ai “đã giết chết một cách anh hùng một số người nào đó và giành chiến thắng”. Chiến tranh của phụ nữ chỉ đơn giản là “sự chiêm nghiệm về con người”, là một mảng đời, một tuổi trẻ. Nó có ngôn từ riêng, và những sự kiện chưa bao giờ được nhắc tới trong cuộc chiến của đàn ông.

Đó những kỳ kinh nguyệt trong cuộc hành quân giữa cái nóng gay gắt. Không có quần áo để thay, nhiều nữ chiến sĩ nhảy xuống sông ngâm mình ngay dưới làn bom đạn. Nỗi e thẹn đã lấn át nỗi sợ cái chết.

Đó là khi một cô gái trở lại quân ngũ sau kỳ nghỉ phép. Những cô gái khác trong đoàn lần lượt vây xung quanh để “ngửi mùi của nhà” trên người cô.

Đó là khi một con ngựa non xinh đẹp bị bắn hạ để cung cấp lương thực cho binh đoàn đang rệu rã. Nữ xạ thủ bắn tỉa – người đã lập công cứu đói – trốn vào một góc phòng hết cả tối và không hề đụng vào suất ăn có thịt ngựa của mình.

Và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện tương tự như thế. Những mái tóc dài bị cắt khi nhập ngũ. Nhầm lẫn về cách xưng hô cấp bậc. Tình yêu. Những nhu cầu của cơ thể. Tất cả những vấn đề nhỏ nhặt của một cô con gái.

Nhưng nếu không bao gồm những điều nhỏ nhặt ấy, lịch sử sẽ không bao giờ toàn vẹn. Thật ngây thơ khi chỉ học thuộc lòng tiểu sử, những số liệu, những trận đánh và nghĩ rằng đó là cả một cuộc chiến. Chúng ta biết lịch sử, nhưng rất hiếm khi thực sự thấu hiểu những người đã làm nên nó. Chúng ta biết ai đó đã trở thành một anh hùng như thế nào, nhưng không hề biết họ đã sống như một người bình thường như thế nào. Chúng ta, giống như tác giả đã nói, bị “tước mất một nửa thế giới”.

Vậy nên, những hồi ký được kể trong quyển sách này quả là vô giá. Những câu chuyện bình thường của những người phụ nữ phi thường ấy xứng đáng được kể cho hàng triệu độc giả trên thế giới, để một nửa chiến tranh – một nửa lịch sử đã bị quên lãng này – được đưa ra ánh sáng, đúng với vị thế của nó.

2. Khi chiến tranh tước đoạt đi cái tính nữ…

Một nữ sinh 18 tuổi có thể làm gì?

Học xong trung học. Cắm trại qua đêm, tổ chức dạ hội, chia tay đời học sinh. Thi tốt nghiệp. Bước vào đại học. Tương lai xán lạn mở ra trước mắt.

18 tuổi, những cô gái Liên Xô khi ấy cũng từng có cuộc sống ngập tràn màu hồng như thế. Họ vừa được nghỉ hè. Họ lên kế hoạch cho những chuyến hành trình. Họ yêu đời và tràn đầy sức sống.

Nhưng rồi Thế chiến bùng nổ. Không hề báo trước, cũng không có đủ thời gian để thích nghi với nó. Những cô gái, lần đầu nghe loa phát thanh báo hiệu Thế chiến, đã ngây thơ nghĩ rằng nếu họ xung phong ra trận và giết hết kẻ thù trong vòng vài tuần thì nhanh thôi, chiến tranh nhất định sẽ kết thúc (!).

Dĩ nhiên rồi, họ chẳng biết gì về chiến tranh cả. Thật khó tưởng tượng một cô nàng tuổi đôi mươi với bím tóc dài xinh đẹp, thích ca hát, yêu những con vật nhỏ bé, chưa bao giờ sống xa nhà, được sinh ra với bản năng nhạy cảm, chu đáo của một người vợ, người mẹ lại có thể cầm súng xông pha giết giặc ở cái chốn chiến trường khốc liệt chỉ dành cho đàn ông ấy.

Nhưng các cô bé chẳng cần nghĩ nhiều như vậy. Khi Tổ quốc lâm nguy, trai hay gái đều phải làm tròn nghĩa vụ đánh giặc giữ nước. Những cô gái chỉ mới mười mấy tuổi, nhiều người thậm chí còn chưa học xong trung học, đã gác lại tất cả ước mơ của mình, hăng hái đến phòng tuyển quân đăng ký nhập ngũ. Ngay cả khi người ta từ chối vì tuổi đời và kinh nghiệm non nớt, các cô vẫn ngồi lì ở đó, nhất quyết phải ra tiền tuyến cho bằng được. Khi có một binh đoàn hành quân ngang qua làng mình, nhiều cô đã trốn vào xe lính, mong được đưa ra chiến trận.

Chiến trường không phải là nơi dành cho phụ nữ, chí ít là ở thời đó người ta nghĩ thế. Quân phục được may theo kiểu đàn ông, số đo cũng theo kích thước của đàn ông. Những cô gái phải cắt phăng mái tóc dài, mặc áo va-rơi, quần kaki, đi giày lính; tất cả đều quá khổ, đến mức nhiều cô không thể so hàng ngay ngắn được vì đôi giày cứ khiến cô bị “tụt lại phía sau”. Từ những cô nàng dịu dàng, nữ tính, họ bây giờ trông chẳng khác gì đàn ông. Khi những nữ chiến sĩ đi vào một phòng tắm công cộng dành cho nữ, những người ở đó thậm chí đã gọi cảnh sát!

Tệ nhất là, quần áo lót chỉ được hai bộ, không hơn. Người ta không tính đến chuyện có quá nhiều phụ nữ tham gia chiến đấu, nên chẳng có đồ dư để thay khi gặp phải chuyện “tế nhị”. Các cô gái phải nghĩ ra mọi cách để có thêm đồ lót, từ việc cắt lại những đôi vớ được cấp phát, đến việc “lấy trộm” cả những chiếc áo may ô của đồng đội nam!

Trong khi quần áo chỉ lấy đi cái vẻ ngoài, thì những công việc và trải nghiệm nơi chiến trường mới là thứ lấy đi tâm hồn của một người phụ nữ. Những cô gái làm tất cả những việc mà đàn ông có thể làm. Khiêng súng máy, vận hành pháo, vác thương binh, lái máy bay, dò mìn. Đó là chưa kể những nữ công nhân lò bánh mì nhào bột ngày đêm không ngừng nghỉ như máy móc, những cô thợ giặt phải giặt tay hàng núi quần áo thương binh cao ngất, bộ nào cũng dính đầy máu, và cả những nữ bác sĩ, y tá phải phẫu thuật, phục vụ cho hàng nghìn thương binh đang chết dần chết mòn trong cùng một thời điểm. Họ chẳng còn đặc quyền nào của phái yếu. Trong chiến tranh, hầu như chẳng có công việc nào dành riêng cho đàn ông hay đàn bà cả. Họ phải làm tất cả những công việc nặng nhọc nhất, như bất kỳ người đàn ông nào, để được ở lại chiến trường và chiến đấu. Họ không muốn bị trả về nhà.

Và còn chuyện này nữa. Một cô gái, nhất là ở tiền tuyến, sẽ sống thế nào khi xung quanh chỉ toàn là đàn ông? Ăn chung, ngủ chung với họ? Một nữ chiến sĩ đã nhớ lại khi ấy, lều của cô phải chứa đến 4 người, trong đó đã có 3 người là nam giới. Dù họ dành cho cô một góc riêng, nhưng một không gian chỉ 6 m2 thì có chỗ nào gọi là riêng?

Trải nghiệm hằng ngày thôi đã khó khăn như vậy. Nhưng tất cả những điều kể trên đều chẳng là gì khi so sánh với xác chết, máu và bom đạn.

Những cô gái Liên Xô khi ấy, vì căm ghét bọn Đức quốc xã, phần lớn đều ghi danh để trở thành xạ thủ bắn tỉa, pháo binh, hay bất kỳ vai trò nào mà nhiệm vụ là chiến đấu ở tiền tuyến. Họ muốn chiến đấu, muốn tự tay tiêu diệt kẻ thù đã giày xéo quê hương mình, và rất ít người chịu làm những công việc chăm sóc như y tá hay thợ bánh. Những nữ sinh, từ bé đến lớn chỉ biết đến sách vở và công việc đồng áng, sẵn sàng nằm đất, học bắn súng, vận hành pháo, lái máy bay và thành thạo tất cả những kỹ năng ấy trong vòng hơn 1 năm, thậm chí là chỉ vài tháng. Với sức trẻ, tinh thần xung phong và lòng căm thù đến tận xương tủy quân xâm lược, không còn nghi ngờ gì nữa, người ta tin rằng các cô sẽ trở thành những nữ chiến binh quả cảm nhất, giết được nhiều kẻ địch hơn bất kỳ ai hết.

Nhưng phải đến khi thực sự bước vào cuộc chiến, ta mới thấy rằng mọi việc không dễ dàng như vậy. Thật đáng ngạc nhiên, chính những cô gái vừa tuyên bố sẽ xông pha giết giặc lại trở nên vô cùng do dự, không tài nào bóp cò bắn vào một tên lính Đức. Người ta bỗng nhận ra rằng những chiến sĩ ấy, sau tất cả, cũng chỉ là những cô bé, chưa bao giờ chứng kiến sự tàn bạo, chưa bao giờ giết hại một con vật nhỏ bé nào, chứ đừng nói đến con người bằng xương bằng thịt. Dù có là kẻ thù thì đó cũng là mạng người, và mặc cho những lời thề chiến đấu hùng hồn đanh thép, rất ít cô gái có thể bắn hạ kẻ địch mà không phải trải qua nỗi kinh hãi nào trong lần đầu tiên ra trận.

Khi chiến tranh kết thúc, những nữ anh hùng ấy được tuyên dương, khen ngợi, những đứa trẻ trong lớp lịch sử thì thuộc làu làu việc họ đã giết được bao nhiêu tên giặc, bắn hạ bao nhiêu máy bay chiến đấu. Nhưng chúng ta hầu như chưa bao giờ biết được những người phụ nữ ấy đã đấu tranh với bản thân mình thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi, để có thể cầm vũ khí ra tiền tuyến, và rồi sau mỗi trận đánh lại trở về một góc nhà kho, thu mình lại, hãi hùng và ám ảnh bởi những hình ảnh đáng sợ vừa nhìn thấy. Ít ai biết rằng, đằng sau những huy hoàng mà họ khoác lên lại là những cảm xúc cá nhân mãnh liệt như vậy.

Và không chỉ là phải giết. Ngay cả việc chứng kiến cảnh chết chóc cũng đã là một ám ảnh kinh hoàng. Lần đầu ra trận đã phải bất lực nhìn đồng đội của mình, từng người, từng người một ngã xuống, những cô gái trẻ không thể thích nghi được. Họ sợ hãi, khóc lóc, gần như không còn ý chí chiến đấu. Nhưng rồi chỉ cần mệnh lệnh vang lên, như một bản năng, họ ngay lập tức vùng dậy tấn công, cứu thương binh, làm tất cả nhiệm vụ, hoàn toàn không còn nhớ mình đang cảm thấy gì nữa.

3. … nhưng chiến tranh không thể ngăn người ta vẫn là một phụ nữ…

Quả là như vậy, chiến tranh, dù khốc liệt và đáng kinh tởm, chỉ có thể vùi dập chứ không bao giờ giết chết được tâm hồn của những cô gái.

Mười mấy tuổi thì ra trận. Những nữ chiến binh anh hùng khi ấy vẫn là những cô bé con. Ở cái độ tuổi thanh xuân ấy, con gái nào mà chẳng muốn mình phải đẹp. Dù có ở chiến trường thì cũng phải đẹp. Vậy nên mới có những câu chuyện dở khóc dở cười thế này.

Đó là khi vừa bắt đầu chiến tranh. Một nữ chiến sĩ vừa gội đầu xong ngay lúc máy bay thả bom đến. Mọi người hốt hoảng chạy xuống hầm trú ẩn. Cô gái cũng chạy, nhưng nhất định phải với tay lấy chiếc khăn đỏ mà cô mang theo để đội lên đầu. Đồng đội của cô hét lên: “Bỏ cái khăn đỏ xuống, cô đang làm lộ mục tiêu của chúng ta đấy”. Nhưng cô chẳng thèm nghe, vì “Mẹ tôi đã nói không bao giờ được để đầu ướt ra đường” (!).

Đó là một cô gái, đối mặt với bom đạn, không hề sợ hãi một cái chết đau đớn. Cô chỉ không muốn chân của mình bị xé thành từng mảnh. Cô có một đôi chân rất đẹp. Cô không muốn mình chết trong bộ dạng xấu xí.

Đó cũng là một cô gái, vì quá gầy, đã được bà chủ nhà cô đang đóng quân cho hai quả trứng gà để tẩm bổ. Nhưng thay vì ăn, cô dùng nó để đánh bóng giày. “Dĩ nhiên là tôi thích ăn hơn chứ, nhưng phụ nữ chúng tôi đều muốn mình phải thanh lịch”.

Và một nhóm những cô bé khác, khi đóng quân gần một tiệm làm đẹp, đã chạy ngay vào làm tóc, làm mi. Chỉ huy biết được. Các cô vừa khóc vừa xát tay lên mặt để tẩy trang. Nhưng họ đã được đẹp rồi, và họ chưa bao giờ hối hận vì điều đó.

Và không chỉ chuyện điệu đà mới là đặc trưng của con gái. Trong những lúc không phải kháng chiến, một số nữ chiến sĩ đã lén thêu thùa may vá trong doanh trại của mình. Điều này là trái với quy định trên chiến trường, nhưng các cô không thể làm khác được. Bởi vì họ là những phụ nữ trẻ. Bản năng của họ không chịu được khi không có gia đình để chăm sóc, không được làm việc bếp núc đồng áng, không được ăn vận trang điểm, và suốt ngày chỉ làm những thứ như đàn ông. Họ khao khát được làm những việc nữ tính, được trở lại là một cô con gái đảm đang, thùy mị như cuộc sống trước đây. Họ muốn làm bất cứ việc gì cũng được, để nhắc nhở bản thân rằng dù có phải cầm súng, có phải bắn giết, dù bản tính dịu dàng đã chai sạn sau những ngày tháng chiến đấu gian khổ, thì họ vẫn là một người phụ nữ, và mãi mãi là một người phụ nữ chân chính.

Những hành động như vậy, nhất là mong muốn làm đẹp của các cô gái, có thể bị cho là không phù hợp với tư cách một chiến binh. Nhưng suy cho cùng, những cô gái ấy đều còn quá trẻ. Vừa tròn thanh xuân thì chiến tranh đến, họ đã không tiếc tuổi xuân của mình, hy sinh quyền được làm một phụ nữ bình thường để tham gia kháng chiến. Vì vậy, họ thực sự không đáng bị phán xét bởi ai cả. Họ chính là những anh hùng!

4. Sau ngày Chiến thắng, các cô gái còn lại gì…

Những huân chương, bằng khen và lời khen ngợi, đúng không?

Đúng, nhưng không phải là toàn bộ sự thật.

Là chiến sĩ, những người phụ nữ dĩ nhiên là được vinh danh bởi lòng quả cảm và những chiến công hiển hách. Nhưng rồi tất cả những vinh quang đó cũng qua đi. Họ không thể mãi sống với nó. Họ vẫn phải tiếp tục cuộc sống trong thời bình như bao người phụ nữ khác: làm việc, lấy chồng, sinh con.

Hẳn nhiều độc giả sẽ nghĩ rằng, cuộc sống bình yên như vậy chính là ước mơ, là sự bù đắp tốt nhất cho bao năm tháng gian khổ. Nhưng không phải! Ít nhất là không phải đối với một cô gái đã từng ra chiến trường.

Bởi vì những người hàng xóm sẽ dè bỉu cô. Và một số phụ nữ ở hậu phương có chồng ra trận sẽ miệt thị cô, cho rằng cô chắc chắn đã ngủ với chồng họ ở ngoài ấy.

Bởi vì khi cô lấy chồng, dù chồng cô cũng từng chiến đấu và từng vô cùng trân trọng những cô gái phục vụ trong kháng chiến, trong nhiều trường hợp, anh ta vẫn bỏ cô để đi theo người khác, chỉ vì người đó “lúc nào cũng thơm mùi nước hoa”, còn cô chỉ có mùi ủng và vớ. Đàn ông trong và sau chiến tranh, đôi khi không phải là cùng một người!

Bởi vì những cơn ác mộng dai dẳng khiến cô không tài nào ngủ được. Cô khóc thét. Cô bật dậy lúc nửa đêm, sẵn sàng cầm súng như những ngày còn kháng chiến.

Bởi vì hồi ức về sự giết chóc có thể hủy hoại cuộc đời một con người. Giết kẻ địch, giết một con vật vô tội để cứu đói cho cả binh đoàn, thậm chí giết cả con ruột của mình. Một nữ chiến sĩ đã phải dìm chết đứa con mới sinh khi đội của cô bị bao vây bởi lính Đức, vì tiếng khóc của đứa bé chắc chắn sẽ khiến mấy chục đội viên rơi vào cảnh bị tàn sát. Ký ức ấy chắc chắn sẽ theo cô đến suốt đời.

Và cũng bởi vì áp lực chiến tranh đã làm cho nhiều người trong số các cô không còn kinh nguyệt. Chu kỳ sinh lý bị hỏng. Không còn là phụ nữ. Không bao giờ có con được nữa.

Vậy những cô gái ấy có hối hận không?

Tất nhiên là không rồi! Vì trên tất cả, chính họ đã góp phần cứu sống nhân dân của mình. Chính họ đã bảo vệ Tổ quốc!

Mua sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ” khoảng 118.000đ đến 121.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ Fahasa” tại đây

Đọc sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ ebook pdf

Để download “sách Chiến Tranh Không Có Một Khuôn Mặt Phụ Nữ pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 24/01/2025 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *