Đường Tống Truyền Kỳ

Giới thiệu sách Đường Tống Truyền Kỳ – Tác giả Lỗ Tấn

Đường Tống Truyền Kỳ

Xuất hiện trên văn đàn ngay từ buổi Sơ Đường, thể loại truyền kỳ đã nhanh chóng phát triển và trở thành một tượng đài sừng sững trong lịch sử văn học Trung Quốc, hơn nữa còn để lại nguồn cảm hứng bất tận cho vô số tao nhân mặc khách đời sau.

Thật vậy!

Thời Đường Tống vừa chấm dứt, khi Nguyên khúc mới nổi lên, các tác gia tạp kịch đã đua nhau chọn truyền kỳ làm lam bản, cải biên thành những vở kịch “Tây sương ký”, “Ngô đồng vũ”, “Thiến nữ ly hồn”,… làm say đắm trái tim của bao thế hệ người xem.

Bốn thể loại lịch sử, hiệp nghĩa, thần ma và ái tình của truyền kỳ chẳng phải chính là bốn chủ đề mà “tứ đại danh tác” thời Minh Thanh khai thác ư?

Những câu chuyện ma quái trong “Liêu Trai” mà bao nhiêu độc giả vẫn say mê, thử hỏi có truyện nào không thấm đẫm chất “truyền kỳ”?

Trong văn học Việt Nam, hình ảnh “liễu Chương Đài”, “mộng hoàng lương”, “giấc Nam Kha”,… đã in sâu vào lời thơ của biết bao đời thi sĩ, chẳng phải đó đều là những điển tích do truyền kỳ viết nên ư?

Rồi dưới ánh bình minh của thế kỷ XX, khi Nhật Bản cách tân nền văn học, các nhà văn nổi tiếng như Akutagawa Ryūnosuke, Nakajima Atsushi,… lại cho ra mắt nhiều áng văn xuất chúng dựa trên những tác phẩm truyền kỳ đã xuất hiện ngàn năm trước.

Có thể nói: Truyền kỳ là cột mốc không thể nào bỏ sót, là thể loại độc đáo không thể nào bỏ quên!

Tấm lòng mà Lỗ Tấn dành riêng cho truyền kỳ chính là một minh chứng!

Lỗ Tấn (1881 – 1936) là người đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, với tinh thần “phê phán quốc dân tính” nghiêm khắc và kiên định với chủ trương “bỏ cổ văn”.

Đối với các độc giả yêu thích ông, khi nhìn thấy tác phẩm này chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng.

Khác với những gì chúng ta luôn tưởng tượng, Lỗ Tấn chưa bao giờ quay lưng với văn hóa truyền thống. “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” và “Hán văn học sử cương yếu” chính là hai công trình nghiên cứu đầy tâm huyết của Lỗ Tấn, hơn nữa còn được viết bằng thứ cổ văn hết sức điêu luyện, không hề thua kém giới trí thức Nho học xưa.

Đến năm 1927, khi đối mặt với hiện thực đen tối, văn hóa truyền thống Trung Hoa lại là mảnh đất mà Lỗ Tấn tìm đến để nguôi ngoai nỗi lòng.

Sưu tầm và hiệu đính truyền kỳ, Lỗ Tấn thấy đau xót cho những tuyệt tác lâu nay bị người đời xem nhẹ, mà ngay cả bản thân nhà làm sách ngày trước cũng chẳng mấy để tâm.

Bỏ quên gốc rễ thì lá cành sao tươi tốt?

Không chịu “ôn cố” thì sao có thể “tri tân”?

Vả chăng, nếu không biết rõ về văn hóa dân tộc thì làm sao nhận thức được cái hay, cái dở của chính mình để phát huy và sửa đổi?

Tấm lòng của Lỗ Tấn chính là đây!

Thấu hiểu cho tấm lòng của ông, chúng ta sẽ càng thêm kính phục tinh thần “phê phán quốc dân tính” mà ông theo đuổi suốt đời mình.

Tinh thần vĩ đại ấy đã đưa Lỗ Tấn trở thành “tác gia mà mọi nhà văn Trung Quốc ở thế kỷ XX không thể nào sánh ngang” (Wolfgang Kubin).

Đường Tống Truyền Kỳ
Đường Tống Truyền Kỳ

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Đường Tống Truyền Kỳ
  • Mã hàng 8935092553641
  • Nhà Cung Cấp Cty Văn Hóa Khang Việt
  • Tác giả: Lỗ Tấn
  • Người Dịch: Ngô Trần, Trung Nghĩa
  • NXB: NXB Văn Học
  • Kích Thước Bao Bì: 16 x 24 cm
  • Số trang: 435
  • Xem thêm: Top sách nên đọc

2. Đánh giá Sách Đường Tống Truyền Kỳ

Đánh giá Sách Đường Tống Truyền Kỳ
Đánh giá Sách Đường Tống Truyền Kỳ

1 Tác phẩm hay của Lỗ Tấn, bìa cứng, những câu chuyện liêu trai khá lạ, tập trung 8 quyển, mỗi quyển có những truyện lạ khác nhau, rất hay để sưu tập.

2 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.

3 Nhà sách giao nhanh Bọc cẩn thận Nội dung cụ thể, đọc cũng được. Mua sale thì đc chứ mua đúng giá thì ko đáng ngần đấy tiền.

4 Sách đẹp, sạch, shop gói kỹ, giao hàng khá nhanh. Rất thích. Thanks!

5 Đóng gói rất cẩn thận sách rất mới và tem chính hãng rất yên tâm và hài lòng!

Review sách Đường Tống Truyền Kỳ

Review sách Đường Tống Truyền Kỳ
Review sách Đường Tống Truyền Kỳ

Cái tình của Lỗ Tấn dành cho tiểu thuyết cổ điển, có thể nói là khắc cốt ghi tâm; sự ưu ái ông dành cho truyền kỳ lại càng đặc biệt.
“Phong trần tam hiệp cũng có chính phẩm và phó phẩm. Nếu là chính phẩm, trong ba đóa thì đóa màu tía phải to nhất, đó là Cầu Nhiêm Khách; đóa màu trắng nhỏ hơn, đó là Lý Tĩnh; đóa màu hồng nhỏ nhất nhưng cũng kiều diễm nhất, đó là Hồng Phất Nữ.”

Người mê kiếm hiệp hẳn sẽ dễ dàng nhận ra xuất xứ của câu này: Đoàn Dự luận hoa trà cùng Vương phu nhân tại Mạn Đà sơn trang. Lần đầu tiên đọc Thiên long bát bộ, cũng là lần đầu tiên tôi biết đến “Phong trần tam hiệp”. Mười lăm năm sau, tôi lại có dịp tái ngộ với ba nhân vật lừng danh ấy, qua Đường Tống truyền kỳ do Tao Đàn xuất bản.

Phong trần. Hiệp khách. Cái tên nghe sao mà rạo rực. Phong trần và hiệp khách, cũng như mây với rồng, như tài tử với giai nhân, như học trò với hồ tiên, mỗi lần tao ngộ, nhất định sẽ sản sinh ra truyền kỳ. Hồng phấn rồi cũng hóa khô lâu, công hầu rồi sẽ thành bạch cốt, nhưng truyền kỳ về họ, dưới ngòi bút của những Bạch Lạc Thiên và Nguyên Vi Chi, đã thành bất tử.

Quả vậy. Thái Chân ngọc nát hương tiêu đã một ngàn hai trăm năm, nhưng mỗi lần thấy da thịt mịn màng của trái lệ chi, khách đa tình vẫn bồi hồi thương xót. Đến giờ vẫn không ai dám nói Thôi Trương có thật hay chăng, nhưng hai chữ Tây sương vẫn khiến hậu nhân ngậm ngùi than tiếc một cuộc tình hữu duyên vô phận. Nàng kỳ nữ cầm phất trần đỏ khuê danh là gì chẳng ai hay, nhưng đôi mắt xanh soi thấu kẻ anh hùng giữa thời loạn thế của nàng thì sớm đã thành huyền thoại.

Hẳn là có người sẽ hỏi: thời buổi này, nói chuyện truyền kỳ Đường-Tống, phỏng có nên chăng?

Nên chứ! Rất nên là đằng khác!

Bởi lẽ chính những đoản thiên rời rạc này đã bồi đắp nên những vở kịch thành danh thời Nguyên, từ tích Liễu Nghị truyền thư được xem như chất liệu hình thành truyền thuyết về đức Thánh mẫu Đệ tam trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, cho đến Tây sương ký vẫn quen thuộc với chúng ta qua bản dịch tài hoa Mái Tây của Nhượng Tống. Và trên hết, đây là nền tảng giúp văn xuôi Trung Hoa đạt đến đỉnh cao với thể loại tiểu thuyết trường thiên thời Minh – Thanh, vốn rất được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu thích.

Đọc Đông Dương dạ quái lục, ta không khỏi mỉm cười mà đoán rằng cuộc tao ngộ của Thành Tự Hư hẳn là cảm hứng cho Ngô Thừa Ân tả cảnh Đường Tăng ngâm thơ vịnh nguyệt cùng đám tinh cây tại Mộc Tiên am. Đọc Lý Sư Sư ngoại truyện, ta chẳng khỏi ngỡ ngàng khi biết nàng danh kỹ lẫy lừng chỉ thoáng xuất hiện vài lần trong Thủy Hử hóa ra lại là bậc hào kiệt giữa đám quần thoa. Và những anh thư như Hồng Tuyến, Nhiếp Ẩn Nương, họ há chẳng phải là tiền thân của những Hoàng Dung, Triệu Mẫn, Doanh Doanh đấy sao?

doc Duong Tong truyen ky anh 2
Những câu chuyện truyền kỳ Đường – Tống chính là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm vĩ đại của văn chương Trung Quốc như Thủy Hử, Tây Du Ký…
Bởi lẽ, những câu chuyện này, dù tuổi đời chí ít đã nghìn năm, kỳ thực lại gần gũi với chúng ta hơn là ta tưởng. Suốt chặng đường hơn năm trăm trang sách, thỉnh thoảng ta lại phải gật đầu chào một người quen cũ. Đó là Liễu thị mà Nguyễn Du từng xót xa “Khi về hỏi liễu Chương Đài, cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay?” Đó là Thuần Vu Phần mà cơn kỳ mộng từng thấp thoáng trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều: “Giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình tay không.” Và đó, tất nhiên, là lời ước đêm Thất tịch của Ngọc Hoàn với Tam Lang, mà ngàn năm sau vẫn còn vang vọng trong thơ của Hồng Hà nữ sĩ: “Thiếp xin về kiếp sau này, như chim liền cánh như cây liền cành.”

Và bởi lẽ, chuyện tuy đã cũ, người tuy đã xưa, nhưng tình và ý thì vẫn vô cùng tươi mới. Giữa cõi đời say mê tranh danh đoạt lợi này, câu chuyện của Lư sinh mà vua Tự Đức năm xưa từng cảm thán “Khôn dại cùng chung ba thước đất, giàu sang chưa chín một nồi kê” dường như vẫn còn nguyên giá trị. Giữa cõi người tưởng như đã bão hòa mọi cảm xúc này, lời từ của Liễu Phú: “Nhân gian tối khổ, tối khổ thị phân ly,” dường như vẫn là chân lý.

Và giữa thời ngả nghiêng mạt pháp này, cái chí đơn thân vạn dặm tầm cừu của Tạ Tiểu Nga càng đáng để người ta nghiêng mình kính phục. Không phải ngẫu nhiên mà Lỗ Tấn, cây đại thụ của văn học hiện đại Trung Hoa, dù đã trải qua 16 năm dưới thời Dân quốc, vẫn nâng niu và trân trọng những dư quang của một thuở long Tống thịnh Đường.

Việc Lỗ Tấn, “nhà văn vĩ đại nhất châu Á thế kỷ 20” như lời của Kenzaburō Ōe (chủ nhân giải Nobel Văn học 1994) từng nhận định, biên soạn cuốn sách này, quả thực là một bất ngờ.

Chu Thụ Nhân là một trí thức Tây học tiên phong giữa buổi giao thời – ông du học bác sĩ ở Nhật, mê Gogol, đọc Nietzsche và dịch Jules Verne. Những truyện ngắn của ông như AQ chính truyện, Thuốc, Nhật ký người điên thảy đều nồng nàn hơi thở hiện đại.

Nhưng tìm hiểu kỹ hơn, ta chợt nhận ra Lỗ Tấn chưa bao giờ đoạn tuyệt với cội nguồn và với Trung Hoa cổ điển. Không chỉ là nhà văn, ông còn là một học giả. Ông trước tác bằng văn ngôn, mê văn chương Ngụy Tấn, bỏ ra hàng chục năm để sưu tầm và biên soạn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược[1], khái quát lịch sử tiểu thuyết Trung Hoa từ đời Hán đến đời Thanh.

doc Duong Tong truyen ky anh 3
Lỗ Tấn biên soạn Đường Tống truyền kỳ bằng tấm lòng “khắc cốt ghi tâm” với tiểu thuyết cổ điển.
Trong cuốn sách này, Lỗ Tấn để riêng sáu chương bàn về truyền kỳ Đường-Tống. Ông dành cho nó những lời đầy trân trọng: đến đời Đường “mới bắt đầu có ý thức làm tiểu thuyết,” phong cách “tự thuật uyển chuyển, lời văn hoa mỹ diễm lệ,” thành tựu đặc biệt lạ kỳ, chứa chan tình ý, có thể coi là thể loại “có một không hai” của giai đoạn này.

Di sản lớn nhất nó lưu lại cho hậu thế, chính là xác lập “vô kỳ bất truyền” như một tiêu chí đặc thù và xuyên suốt của tiểu thuyết Trung Hoa. Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh chính là sự phục hưng tuyệt xảo của truyền kỳ. Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử biến cái thường thành cái kỳ.

Danh tác võ hiệp của Lương Vũ Sinh, Cổ Long, Kim Dung, không gì không kỳ – khá nhiều nhân vật của Đại Đường du hiệp ký hay Long phụng Bảo thoa duyên lấy từ truyền kỳ, hai hệ liệt Sở Lưu Hương và Lục Tiểu Phụng đều lấy chữ truyền kỳ làm tên, còn truyện của Kim Dung càng chẳng cần phải nói. Bản thân tác phẩm của Lỗ Tấn, dù mới mẻ như AQ chính truyện hay cổ kính như Luyện kiếm, xét cho cùng, cũng là một thứ truyền kỳ thời hiện đại.

Cái tình của Lỗ Tấn dành cho tiểu thuyết cổ điển, có thể nói là khắc cốt ghi tâm; sự ưu ái ông dành cho truyền kỳ lại càng đặc biệt. Lời tựa của Đường Tống truyền kỳ là lời than tiếc ông dành thể loại thường bị “chính đạo” coi như bùn đất, song trong mắt ông chính là gốc rễ của tiểu thuyết Trung Hoa, không nên quên, và không được phép quên.

Hiểu đời xưa, xót đời nay, và nghĩ đến đời sau, đấy chính là lý do khiến Lỗ Tấn soạn cuốn sách này. Đọc và hân thưởng nó, chính là cách ta đền đáp cái dụng tâm tân khổ của ông vậy.

Mua sách Đường Tống Truyền Kỳ ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Đường Tống Truyền Kỳ” khoảng 104.000đ đến 135.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Đường Tống Truyền Kỳ Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Đường Tống Truyền Kỳ Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Đường Tống Truyền Kỳ Fahasa” tại đây

Đọc sách Đường Tống Truyền Kỳ ebook pdf

Để download “sách Đường Tống Truyền Kỳ pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 20/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *