Lâu Đài Sói

Giới thiệu sách Lâu Đài Sói – Tác giả Hilary Mantel

Lâu Đài Sói

Nước Anh thế kỷ 16 đang đứng trên bờ vực một thảm họa. Nếu nhà vua chết mà không có người thừa kế nam, đất nước có thể sẽ bị hủy diệt bởi nội chiến. Chưa hết, Henry VIII còn muốn chấm dứt cuộc hôn nhân hai mươi năm với hoàng hậu để lấy Anne Boleyn, một mối tình chống lại cả Giáo hoàng lẫn châu Âu kính Chúa. Giữa bối cảnh ấy xuất hiện Thomas Cromwell, một nhân vật cơ trí và tham vọng, vừa tràn đầy lý tưởng vừa cơ hội chủ nghĩa, kẻ đã giúp nhà vua thực hiện được một việc vô tiền khoáng hậu: ly hôn với hoàng hậu, dần ly khai khỏi giáo hội La Mã, và sẵn sàng cho cái giá phải trả để làm được điều ấy.

Hư cấu dựa trên những sự kiện có thật trong lịch sử, cuốn tiểu thuyết từng giành giải Booker 2009 này có thể khiến người đọc rợn ngợp và chùn bước trước số lượng nhân vật, tước hiệu và sự kiện mà nó đưa ra hay ám chỉ tới. Nhưng cũng vì đồ sộ như thế, nhiều màu sắc như thế, và đậm chất lịch sử như thế, nó có một sức hút khó cưỡng. Với Lâu đài sói, Hilary Mantel đã không chỉ kể một câu chuyện. Bà đã làm sống lại cả một thời đại, một đất nước, một dân tộc, một vị vua, một giai đoạn lịch sử đầy biến động đã khuôn hình cho bộ mặt của nước Anh như nó có ngày nay. Không phải loại tiểu thuyết phù hợp để đọc mỗi lần vài trang giữa những lúc chờ đợi tàu xe, dĩ nhiên, nhưng xứng đáng với những buổi tối dài dành riêng cho nó.

Lâu Đài Sói
Lâu Đài Sói

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Lâu Đài Sói
  • Mã hàng 8935235209534
  • Tên Nhà Cung Cấp Nhã Nam
  • Tác giả: Hilary Mantel
  • Người Dịch: Nguyễn Chí Hoan
  • NXB: NXB Văn Học
  • Trọng lượng: (gr) 650
  • Kích Thước Bao Bì: 14 x 24
  • Số trang: 626
  • Hình thức: Bìa Mềm

2. Đánh giá Sách Lâu Đài Sói

Đánh giá Sách Lâu Đài Sói
Đánh giá Sách Lâu Đài Sói

1 Một cuốn tiểu thuyết cực lôi cuốn và hấp dẫn về lịch sử nước Anh.

2 Tiki giao nhanh. Sách sạch đẹp. Review các bạn xem trên goodreads cho chuẩn chứ trên Tiki toàn xạo không à.

3 Sách rất đẹp rất đẹp rất đẹp rất đẹp rất đẹp rất đẹp.

4 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.

5 Nhà sách giao nhanh Bọc cẩn thận Nội dung cụ thể, đọc cũng được. Mua sale thì đc chứ mua đúng giá thì ko đáng ngần đấy tiền.

Review sách Lâu Đài Sói

Review sách Lâu Đài Sói
Review sách Lâu Đài Sói

Nước Anh, năm 1527. Vua Henry VIII muốn kết thúc cuộc hôn nhân 20 năm với Hoàng hậu Katherine of Aragon để kết hôn với tiểu thư Anne Boleyn nhằm tìm kiếm cho mình một người thừa kế nam. Nhà vua buộc phải tiến hành ly hôn người vợ đầu, vụ ly hôn chống lại cả Giáo hoàng lẫn một châu u kính Chúa. Giữa tình thế đó, Thomas Cromwell – một người túc trí đa mưu – đã xuất hiện, trở thành bầy tôi trung thành và đắc lực của Vua Henry VIII trên con đường biến những gì vị quân vương mong muốn trở thành sự thật. Và “Lâu Đài Sói” (tựa gốc là “Wolf Hall”) chính là câu chuyện về một giai đoạn trong cuộc đời của Thomas Cromwell – người sau này đã trở thành quân sư thuộc hàng được trọng dụng nhiều nhất của Vua Henry VIII.

Tôi đã đọc và xem qua rất nhiều thông tin, tài liệu về giai đoạn đầy biến động này của lịch sử Anh, khi Vua Henry VIII của nhà Tudor nhất quyết ly hôn Hoàng hậu Katherine of Aragon để được kết hôn hợp pháp với Anne Boleyn. Thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc về giai đoạn này thông qua cái nhìn và cuộc đời của một người không phải thuộc hoàng gia, nhưng lại có sức ảnh hưởng đủ lớn để chi phối bộ mặt của nước Anh thời đó. Với xuất phát điểm khiêm tốn khi là con của một người thợ rèn, bị chính cha mình bạo hành không thương tiếc khi còn là một đứa trẻ, Thomas Cromwell đã vượt biển bôn ba khắp các quốc gia khác nhau, làm lính đánh thuê cho người Pháp, làm công cho người Ý, để rồi sau cùng, ông quay trở lại quê hương Anh quốc của mình, trở thành một luật sư, đồng thời là người bạn thân thiết, là “Cromwell vô vàn yêu quý” của đức hồng y Thomas Wolsey – tổng giám mục vùng York và đại pháp quan của Anh.

Chứng kiến sức mạnh tình ái của nhà vua dành cho Anne Boleyn đã đẩy đức hồng y Thomas Wolsey – người vừa muốn chống lại cuộc tình bị gọi là nhơ nhớp này, vừa muốn chiều lòng nhà vua – đến chỗ suy vong, Thomas Cromwell – cơ trí và tham vọng, vừa tràn đầy lý tưởng cao đẹp nhưng cũng vừa cơ hội chủ nghĩa – đã không thể làm gì khác hơn ngoài việc quy phục nhà vua, trở thành bầy tôi nguyện dâng hiến tâm trí của mình để phục vụ cho những mong muốn của ngài. Dần dần từng bước, Thomas Cromwell trở thành ủy viên hội đồng cố vấn (Privy Council) của Henry VIII, ý thức rõ trách nhiệm của một công dân với địa vị càng ngày càng được thăng tiến của ông là để dọn đường cho những ước vọng và khát khao của nhà vua được trở thành sự thật. Và quá trình ông dùng tài trí và mưu mẹo phục vụ đức vua của mình, để giúp Henry VIII có được cuộc hôn phối hợp pháp trước nhan Chúa với Anne Boleyn, để Anne Boleyn trở thành Hoàng hậu mới của nước Anh, đã được tái hiện lại một cách đầy hấp dẫn, đầy thâm trầm như thể cả một thời đại, một đất nước, một dân tộc, một vị vua đã được hồi sinh từ chính những trang sách của tác giả Hilary Mantel.

Chúng ta có một Katherine of Aragon bất khuất và không chịu phục tùng mong muốn ly hôn của nhà vua. Chúng ta có Rome, có giáo hội, có giới tăng lữ đang kịch liệt phản đối cái trò phản bội người vợ 20 năm của Vua Henry VIII. Chúng ta có Đức Giáo hoàng Clement, người tỏ rõ ý định từ chối tuyên bố hôn nhân của Henry VIII và Katherine là vô hiệu, đồng nghĩa với việc từ chối nhà vua một cuộc hôn nhân hợp pháp với người phụ nữ mà ngài muốn kết hôn – người mà theo ngài là mới là người đầu tiên mà ngài cưới làm vợ. Vì trong mắt Henry VIII, Katherine đã và sẽ luôn là người vợ của anh trai ngài – Thái tử Arthur, qua đời chỉ sau 4 tháng kết hôn với Katherine. Henry VIII vin vào Kinh thánh, vào những dòng chữ tuyên bố rằng hôn nhân với vợ góa của anh trai mình là trọng tội và khiến cặp vợ chồng đó không thể có con, để làm lý do bào chữa cho ý định ly hôn Hoàng hậu của mình. Đồng thời, ngài còn tuyên bố rằng Katherine đã không còn trong trắng khi kết hôn với ngài, vì trước đó bà đã là vợ của Arthur, và vì thế, bà không thể là Hoàng hậu của ngài được – một điều mà Katherine hoàn toàn chối bỏ. Chúng ta có Charles – Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh (The Holy Roman Empire) – cháu trai gọi Katherine là dì ruột, người được đồn đoán là sẽ dấy quân đến đánh chiếm nước Anh nếu Vua Henry VIII dám ly hôn bà Hoàng hậu có hàng loạt những vị luật sư tài năng cùng cả châu Âu và những người phụ nữ không có con trai đứng về phía bà.

Những chi tiết đầy hấp dẫn đó, những cuộc hội đàm, yết kiến, những cuộc tranh cãi, phiên tòa ly hôn của Henry VIII và Katherine, những phiên họp kín của hội đồng cơ mật… tất cả được trình bày bên cạnh những thăng trầm của cuộc đời Thomas Cromwell, những mất mát trong gia đình ông vì bệnh sốt đổ mồ hôi, và cả những câu chuyện truyền thuyết tự ngàn xưa của huyền đảo Anh, về thời đại từ trước đó nữa. Đó thời đại của Cuộc chiến Hoa Hồng (The War of Roses), hay còn gọi là cuộc nội chiến giữa các anh em họ (The Cousins’ War), khi Công tước York thách thức quyền tại vị của Vua Henry VI – vị vua có vấn đề về tâm thần, để rồi con trai ông là Edward, sau khi đánh thắng trận, đã tiến về London và tuyên bố mình là Vua Edward IV của nhà York – người sinh ra dưới chòm sao Bạch Dương, chòm sao mở đầu cho vòng tròn Hoàng đạo, ngụ ý một khởi đầu mới cho Anh quốc. Vua Edward IV trước đó đã nhìn thấy ba mặt trời cùng một lúc xuất hiện trên bầu trời, một dấu hiệu cho thấy số mệnh đã chọn ông và nhà York của ông để xưng vương nước Anh, để cuối cùng mang về cho quốc đảo này ba ngai vàng của ba vương quốc khác nhau. Truyền thuyết còn bện xoắn vào vương triều York bằng lời đồn thổi về việc Vua Edward IV đã kết hôn với một hậu duệ của nữ thần rắn Melusine là Hoàng hậu Elizabeth Woodville (cái này thì tác giả viết truyện lịch sử nổi tiếng của Anh là Phillipa Gregory cũng có đề cập tới). Huyền sử của đảo Anh kết hợp nhuần nhuyễn với sức cuốn hút của một thời đại đầy biến động, làm nên một “Lâu Đài Sói” đầy màu sắc và hấp dẫn như chính lịch sử phải thế.

Và trên hết, chúng ta có cuộc chiến ngầm giữa Henry VIII và giáo hội cùng giới tăng lữ, cuộc chiến tranh chấp quyền tài phán từ bao đời nay vốn đặt giáo hội lên trên đức vua, đặt quyền lực của Đức Chúa và tôn giáo lên trên phán quyết của quân vương, buộc nhà vua phải cung phụng tiền tài, vật chất cho giới tăng lữ. Nhưng Henry VIII đã chịu quá đủ cái hình thức mà theo ngài là bóc lột hoàng gia này, và cuộc hôn nhân với Anne Boleyn cuối cùng đã cho ngài phương tiện để thay đổi toàn bộ nước Anh, viết lại luật và tự mình công nhận quyền tài phán của nhà vua chứ không phải giáo hội. Giới tăng lữ cuối cùng cũng chỉ là thần dân của nhà vua, phải phục tùng ngài và ngai vàng của ngài. Đứng trước việc Đức Giáo hoàng trước sau như một, nhất quyết không chấp nhận nhượng bộ nhà vua và không tuyên bố hôn nhân của Henry VIII và Katherine of Aragon vô hiệu, nhà vua đã thành lập Giáo hội Anh do chính ngài đứng đầu, tách ra khỏi Giáo hội Công giáo La Mã, quay lưng lại với cả châu u sùng đạo, khởi đầu thời kỳ cải cách ở nước Anh (English Reformation). Tất cả bắt nguồn từ câu chuyện tình khôn cưỡng và những đòi hỏi của một vị vua quyết không nhân nhượng cho đến khi nào ngài có được thứ ngài muốn – Anne Boleyn trên ngai Hoàng hậu bên cạnh ngài.

Vua Henry VIII có lẽ đã không quá quyết liệt như thế trong việc ly hôn Hoàng hậu Katherine of Aragon nếu người phụ nữ ngài mê mẩn không phải là Anne Boleyn – quý cô nương tràn đầy tham vọng, biết mình muốn gì và quyết tâm làm tất cả mọi cách có thể để đạt được thứ mà nàng mong muốn. Học hỏi từ sai lầm của người chị Mary Boleyn – người đã từng là tình nhân của nhà vua và có một đứa con trai ngoài giá thú với ngài – Anne Boleyn không dễ dãi để cho nhà vua tùy nghi sử dụng thân thể mình và biến mình thành ngang hàng với hàng loạt những bà nhân tình khác trước đó – những ả điếm hoàng gia dâng hiến bản thân cho đức vua để mua lấy sự yêu chiều trong thời gian ngắn, rồi sau đó bị phủi tay một cách không thương tiếc khi nhà vua tìm ra đối tượng khác để đưa lên giường. Anne Boleyn thông minh hơn và hiểu chuyện hơn; cái nàng nhắm tới không phải là những cuộc tình vụng trộm và khoái lạc nhất thời, mà chính là ngôi Hoàng hậu Anh, là vị trí người vợ chính thức, hợp pháp của đức vua bên cạnh ngai vàng của ngài. Và nàng đã dành ra 7 năm để theo đuổi chính mục đích đó, để khiến Vua Henry VIII phải mụ mị vì nàng, đồng thời giữ mình đủ để nhà vua phải khát khao nàng, khát khao cái trinh tiết nàng tuyên bố là đang gìn giữ cho đến đêm tân hôn của hai người, khi nàng chính thức trở thành vợ nhà vua. Anne Boleyn nắm Vua Henry VIII trong lòng bàn tay, trong những lần nàng vén váy, độ cao của mép váy khi nàng vén lên, nhưng không bao giờ đồng ý chung đụng xác thịt.

Nếu Vua Henry VIII hằng ngày phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt của hội đoàn Cơ Đốc giáo cho cái quyết định ly hôn người vợ đầu của ngài, phải cùng Thomas Cromwell chơi trò chơi chính trị khốc liệt và tàn nhẫn, thì Anne Boleyn, trong hậu cung của nàng, cũng đang chơi trò chơi chính trị của riêng mình. Trò chơi ấy lôi kéo cả gia đình Boleyn của nàng, cùng người cậu ruột Thomas Howard – Công tước Norfolk – với màn dự phần của những lời nói xúc xiểm, những tin đồn cả có căn cứ và vô căn cứ, sự ganh ghét tị hiềm của Mary Boleyn trước tham vọng và địa vị hiện tại của em gái mình, cùng những tin tức được thu về từ hành động cài cắm gián điệp quá thông minh và xuất sắc của Thomas Cromwell. Nếu Anne Boleyn được sinh ra ở thời đại này, có lẽ nàng đã trở thành một nhà chính trị gia tài năng xuất chúng, bởi cái cách mà nàng tấn công những kẻ chống đối mình và hành xử để có được cái mà nàng muốn: vô cùng tinh vi, vô cùng ý nhị nhưng vô cùng quyết đoán. Đọc tới cảnh khi Vua Henry VIII soạn thảo dự luật thừa kế ngai vàng, với Anne Boleyn – lúc bấy giờ đã trở thành Hoàng hậu mới của nước Anh – đứng bên cạnh chỉ trỏ, chất vấn về quyền lợi của nàng và những đứa con nàng đã có và sẽ có với nhà vua, cũng đủ hiểu tính cách và bản chất con người của Anne Boleyn là như thế nào.

Khi Anne Boleyn áp cái bụng bầu 6 tháng lên mặt thềm thiêng trong lễ đường nơi nàng được tấn phong làm Hoàng hậu nước Anh, nhân vật Thomas Cromwell trong “Lâu Đài Sói” đã âm thầm cầu khẩn như thế này:

“[…] cầu cho đứa trẻ này, trái tim gần tựu hình của thằng bé giờ đây đang đập trên sàn đá, cầu cho nó được thánh hóa bởi khoảnh khắc này, cho nó được giống như người cha của cha nó, giống những ông bác nhà Tudor của nó; cho nó được cứng rắn, tỉnh táo sáng suốt, thận trọng trước cơ hội, nắm chắc lấy mỗi vận may đến dù nhỏ nhất. Nếu Henry sống được hai mươi năm, Henry mà Wolsey đã gây dựng, rồi để cho đứa bé này kế vị thì ta có thể tạo dựng nên bậc quân vương của riêng ta: để vinh danh Thiên Chúa và vì sự thịnh vượng của Anh.”

Tất cả những gì Thomas Cromwell khẩn cầu cho hài nhi trong bụng Anne Boleyn đều đúng cả, duy chỉ có một điều không đúng, đó là đứa bé không phải là thằng bé mà là một cô bé – công chúa Elizabeth, người sau này sẽ trở thành Nữ hoàng Elizabeth I – một trong những vị quân vương tài năng nhất và trị vì lâu nhất trong lịch sử vương quốc Anh. Quá trớ trêu là Vua Henry VIII dành cả đời mình để tìm kiếm con trai thông qua tổng cộng 6 bà vợ mà ông đã cưới (Anne Boleyn chỉ mới là người thứ hai thôi đó), ấy vậy mà người làm rạng danh nhà Tudor và biến nước Anh trở thành một cường quốc lại chính là con gái của ông. Anne Boleyn sau đó mang thai thêm hai lần nữa, cả hai lần đều là con trai, nhưng lần thứ nhất (vào năm 1535) thì nàng bị sảy thai (có đề cập đến trong tiểu thuyết này, mặc dù tác giả Hilary Mantel không xác định bào thai bị sảy là con trai hay con gái), lần thứ hai (vào năm 1536) thì nàng sinh non, bào thai đủ lớn để người ta nhìn ra được rằng Hoàng hậu đã sinh non một vị hoàng tử. Cũng theo bộ phim tài liệu mà tôi đã xem, nguồn cơn dẫn tới việc Anne Boleyn sinh non đứa bé lẽ ra đã là Thái tử của Anh bắt nguồn từ sự kiện Vua Henry VIII chơi cưỡi ngựa đấu thương để rồi bị té và bị thương nặng, khiến Anne Boleyn lo sợ, thần kinh bất ổn dẫn tới động thai. Mỉa mai là cái ngày Vua Henry VIII chơi đấu thương để rồi bị té ngã, dẫn tới sự kiện vợ ngài sinh non đứa con trai ngài hằng mong muốn có được, cũng chính là ngày cựu Hoàng hậu Katherine of Aragon qua đời ở lãnh cung nơi nhà vua đã đày bà vào. Quả báo hay là sự trả thù của số phận, có phải chăng?

Anne Boleyn tốn 7 năm để lên được ngôi Hoàng hậu, vậy mà nàng tại vị chỉ vỏn vẹn 3 năm. Nàng là nạn nhân của chính tham vọng bản thân, của một Henry VIII không thực sự yêu ai ngoài chính bản thân ngài và cái ý tưởng có con trai nối dõi của ngài, hay của chính thời đại mà nàng sống, cái thời đại mà vai trò của một hoàng hậu, hay một người phụ nữ quý tộc nói chung, rốt cuộc vẫn chỉ là một cỗ máy đẻ, một “nhà máy” để “sản xuất” ra người thừa kế ngôi vị cho hoàng gia? Và khi nàng không thể thực hiện được chức phận đó, không thể hoàn thành được vai trò, trọng trách mà hoàng gia đã đặt lên vai nàng, thì nàng bị trừ khử một cách tức tưởi và không thương tiếc. Anne Boleyn, dẫn có thông minh, tài trí, mưu lược đến cỡ nào, cuối cùng cũng không thắng nổi cái thời đại mà nàng đang sống, sự thay lòng đổi dạ của một vị vua, cùng sự trung thành xuất sắc của một Thomas Cromwell cơ hội chủ nghĩa và hiểu rõ trò chơi chính trị.

Nhìn chung “Lâu Đài Sói” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử vô cùng hấp dẫn, với tuyến nhân vật đồ sộ nhưng lại rất dễ theo dõi. Các nhân vật không ở một chỗ cố định mà di chuyển liên tục, đặc biệt là nhân vật Thomas Cromwell, mưu trí và thao lược. Cũng dễ hiểu vì sao mà Hilary Mantel thắng giải Man Booker năm 2009 với tác phẩm này. Tuy nhiên, theo lời ông thầy dạy tiếng Anh thời tôi học đại học cho hay, bà tác giả này nổi tiếng ở Anh không chỉ bởi vì 2 giải Man Booker bà thắng được, mà còn vì những phát ngôn gây tranh cãi về gia đình hoàng gia. Cụ thể là bà dám gọi Công nương Kate Middleton là ma-nơ-canh.

Suy nghĩ gây tranh cãi của Hilary Mantel theo tôi là được thể hiện vô cùng rõ trong cuốn tiểu thuyết này, ở cái cách bà xây dựng hình tượng tiên vương Henry VII (vị quân vương đầu tiên của nhà Tudor, đồng thời là cha của Vua Henry VIII). Bà dám gọi Vua Henry VII là kẻ tiếm ngôi của Richard III – vị vua của nhà York, cũng là vị vua cuối cùng mang họ Plantagenet. Nếu dám nói Henry VII là kẻ tiếm ngôi, quyền đòi ngôi vua Anh rất yếu vì ông có quan hệ họ hàng với Vua Henry VI ở đằng mẹ chứ không phải đằng cha, thì cũng phải có gan nói Richard III là kẻ tiếm ngôi tương tự. Richard III là kẻ đã bắt nhốt hai vị hoàng tử, con trai của tiên vương Edward IV và Thái hậu Elizabeth Woodville vào tháp London, viết cả luật tuyên bố cuộc hôn nhân của tiên vương và Thái hậu là bất hợp lệ, đồng nghĩa với việc những đứa con sinh ra từ cuộc hôn nhân này đều là con hoang. Richard III làm tất cả mọi thứ để lên ngôi vua, tiếm ngôi của cháu ruột mình là Vua Edward V (làm vua chỉ được 86 ngày). Sau đó hai hoàng tử trong Tháp đã biến mất không rõ tung tích, không biết còn sống hay đã chết, và nếu chết thì ai đã giết. Có thể Richard III không phải là con quái vật như cái cách nhà Tudor đã tuyên truyền để tăng cường tính đúng đắn cho vương triều của họ (kiểu như, Richard III là tên bạo chúa đã ra tay sát hại hai đứa cháu ruột của mình, chiếm ngôi vua, gieo rắc kinh hoàng lên Anh quốc. Nhà Tudor là những người lương thiện, tới đây để cứu thoát nước Anh khỏi tên vua quái vật đó). Thế nhưng, không thể phủ nhận Richard III xứng đáng bị gọi là kẻ tiếm ngôi hơn Henry VII – người đã đoạt lấy ngôi báu bằng chính sức mình cộng với sự trợ giúp của người mẹ, Margaret Beaufort, trong trận đánh lịch sử Bosworth, giết chết Richard III và kết thúc Cuộc chiến Hoa Hồng.

Chưa hết, Hilary Mantel còn xuyên tạc hình ảnh Vua Henry VII bằng việc miêu tả ông như là một vị vua dâm dật, mang khao khát dục tình với con dâu tương lai của mình là Katherine of Aragon, những ngày đầu khi nàng công chúa Tây Ban Nha đến Anh để chuẩn bị cho hôn lễ với Thái tử Arthur. Đọc tới đây tôi muốn lợm giọng, vì Vua Henry VII hoàn toàn là một một vị vua đúng mực, đàng hoàng, chung thủy với người vợ duy nhất của ông là Hoàng hậu Elizabeth of York. Dẫu cho ban đầu cuộc hôn nhân của họ có là sự kết hợp mang tính chính trị để hợp nhất hai nhà York và Lancaster (Elizabeth of York là con gái lớn của tiên vương Edward IV), nhưng cuối cùng họ đã yêu nhau, một tình yêu mà cả sử sách đều tôn vinh và nói đến. Vua Henry VII không hề có bất kỳ một cô nhân tình nào trong suốt thời gian ông kết hôn với Hoàng hậu Elizabeth of York và cả sau khi bà đã qua đời (rất sớm, khi bà chỉ mới 37 tuổi vì biến chứng sinh nở…). Henry VII biết trách nhiệm đối với vương vị của mình là phải kết hôn lần nữa để kiếm thêm con, đảm bảo huyết tộc được vững mạnh, thế nhưng cuối cùng, tình yêu ông dành cho người vợ quá cố của mình đã khiến ông không thể nào tái hôn và dành cả phần đời còn lại của mình để sầu thương cho cái chết của người vợ yêu dấu. Vậy thì hà cớ gì ông lại tòm tèm người phụ nữ khác, đặc biệt khi đó là cô con dâu tương lai của ông???? Hilary Mantel, bà lấy đâu ra cái ý tưởng bôi nhọ hình ảnh của Vua Henry VII vậy hả hả hả???? Bà nói gì về Vua Henry VIII cũng được nhé, nhưng cấm đụng đến cha ngài ấy!!! Và đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu được, tại sao một cặp vợ chồng chung thủy với nhau đến như thế, yêu nhau đến nhường đó lại có thể là bậc song thân của một vị vua như Henry VIII, người lấy tới 6 bà vợ????

Hilary Mantel tiếp tục phạm thêm một lỗi nữa trong cách xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử ở việc bà đã nhầm lẫn giữa Jane Seymour và em gái của cô là Elizabeth (Liz) Seymour. Trong tiểu thuyết, Hilary Mantel miêu tả một cô bé chừng mười mấy tuổi, là con gái của John Seymour, làm thị nữ trong cung của Anne Boleyn. Sau này tác giả tiết lộ tên của cô bé là Jane Seymour, có người chị là Elizabeth Seymour. Nhưng trong thực tế, Jane Seymour mới là chị, sinh năm 1508, còn Elizabeth Seymour là em, sinh năm 1518, nhỏ hơn Jane tới 10 tuổi. Thời điểm mà nhân vật cô bé thị nữ đó xuất hiện là năm 1533, lúc đó đúng ra Jane Seymour đã 24, 25 tuổi rồi, đâu còn mười mấy tuổi đâu để mà được gọi và miêu tả là một cô bé. Miêu tả đó phù hợp với nhân vật Elizabeth Seymour hơn, và tuy là em nhưng nhân vật này đã có chồng từ năm 13 tuổi, trước cô chị mình. Jane Seymour sau này là người vợ thứ 3 của Vua Henry VIII, còn Elizabeth Seymour, sau khi góa chồng ở tuổi 19 thì kết hôn với Gregory Cromwell – đứa con trai duy nhất của Thomas Cromwell. Chả biết tác giả cuốn sách có nghiên cứu kỹ khi viết tác phẩm của mình hay không, chả biết người biên tập sách có đọc lại bản thảo và rà soát các thông tin được trình bày, và cũng chả biết hội đồng trao giải Man Booker có kiểm chứng lại những nhân vật và sự kiện lịch sử trong cuốn sách này không nữa, mà sao lại có thể để lọt một lỗi lớn như vậy chứ…

Bản dịch của Nhã Nam dịch mượt và dễ hiểu đối với một cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như “Lâu Đài Sói” (bản gốc và bản dịch cũng xêm xêm nhau đấy, cả hai đều trên 600 trang). Tuy nhiên, một số chỗ dịch mình không hài lòng lắm. Trong đó, lỗi lớn nhất mà bản dịch mắc phải, đó là dám dịch những người họ hàng của tiên hậu Elizabeth of York là bên nội của Vua Henry VII, ví dụ như tiên vương Edward IV bị gọi là ông nội của nhà vua… Trong khi rõ ràng, cha của mẹ mình thì phải gọi là ông ngoại chớ!!!! Họ nội của nhà vua là những người thuộc dòng dõi Tudor, còn tất cả những ai thuộc dòng dõi nhà York thì đều là bên ngoại của nhà vua hết. Trời ơi, vẽ được cái cây phả hệ nhà York ra mà sao dịch thuật kỳ vậy???

Nói chung “Lâu Đài Sói” là một tác phẩm hư cấu trên nền lịch sử vô cùng đáng đọc, và nếu không có những lỗi xuyên tạc và nhầm lẫn lịch sử rành rành như vậy, thì đây đã là một cuốn sách hoàn hảo. Tác phẩm lôi cuốn khôn cưỡng, phù hợp cho những ai yêu thích lịch sử nói chung và lịch sử Anh nói riêng, đặc biệt là thời Tudor. Nếu bạn là người đã có những kiến thức nhất định về triều đại Tudor, nhất là về Vua Henry VIII nổi tiếng với 6 bà vợ của ông, thì cuốn sách này sẽ là một bữa đại tiệc hấp dẫn của những chiêu thức chính trị và uy quyền của một cặp tình nhân đã khuôn hình cho bộ mặt của nước Anh như nó có ngày nay.

Mua sách Lâu Đài Sói ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Lâu Đài Sói” khoảng 111.000đ đến 117.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Lâu Đài Sói Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Lâu Đài Sói Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Lâu Đài Sói Fahasa” tại đây

Đọc sách Lâu Đài Sói ebook pdf

Để download “sách Lâu Đài Sói pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 28/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *