Những Tinh Cầu Trôi Dạt
Giới thiệu sách Những Tinh Cầu Trôi Dạt – Tác giả Black Cross, Đỗ Bích Ngọc, Nachi, Kasau
Những Tinh Cầu Trôi Dạt
“Những tinh cầu trôi dạt” là tuyển tập những truyện ngắn của các tác giả trẻ trong nước với những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng, lồng ghép những thông điệp cuộc sống thông qua cách nhìn và suy nghĩ của thế hệ trẻ. Góp mặt trong tuyển tập này có cả những tác giả quen thuộc lẫn những tác giả mới trong làng truyện tranh Việt, đó là Black Cross, Đỗ Bích Ngọc (Múc), Nachi và Kasau (Tống Tất Tuệ).
Mở đầu cho tuyển tập là câu chuyện của nhóm tác giả mới Black Cross lấy chủ đề mùa xuân – mùa của sự khởi đầu mới. Câu chuyện dựa trên truyện cổ tích của Đức, xoay quanh một vị thần muốn tạo nên “mùa xuân vĩnh cửu” cho một tinh cầu bé nhỏ.
Câu chuyện thứ hai đến từ tác giả Đỗ Bích Ngọc, cũng chính là tác giả của loạt truyện tranh hài hước “Chuyện vặt của Múc”. Câu chuyện mà Múc mang tới lần này xảy ra vào mùa hạ – mùa của hoài niệm và kí ức. Đây là câu chuyện về mối tình đơn phương ngọt ngào nhưng cũng buồn man mác, gửi tặng cho những con người đang lạc lối trên “tinh cầu friendzone” bất tận.
Câu chuyện tiếp theo được tác giả Nachi lấy bối cảnh là mùa thu – mùa của sự úa tàn. Chuyện kể về hành trình làm quen với Trái Đất của một cô bé “từ trên trời rơi xuống” với những hình ảnh chân thật của cuộc sống con người.
Kết thúc tuyển tập là một truyện ngắn đến từ một cái tên quen thuộc trong làng truyện tranh Việt – Kasau (Tống Tất Tuệ). Câu chuyện cuối cùng này mang không khí của mùa đông – mùa của lạnh lẽo và cô đơn. Chuyện xoay quanh một anh chàng “hiệp sĩ” cô đơn, bị gọi là “lập dị” và hành trình đi tìm những người bạn cho mình.
Bốn câu chuyện với những con người khác nhau, xảy ra ở những “tinh cầu” khác nhau, tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau nhưng lại có một sợi dây kết nối vô hình. Đó là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, không có hoàng tử, công chúa hay những tòa lâu đài tráng lệ mà chỉ có những con người rất “đời” với câu chuyện của riêng họ.
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: Những Tinh Cầu Trôi Dạt
- Mã hàng 8936186542107
- Tên Nhà Cung Cấp Skybooks
- Tác giả: Black Cross, Đỗ Bích Ngọc, Nachi, Kasau
- NXB: NXB Dân Trí
- Ngôn Ngữ: Tiếng Việt
- Trọng lượng: (gr) 220
- Kích Thước Bao Bì: 19 x 13 cm
- Số trang: 200
- Hình thức: Bìa Mềm
- Xem thêm: Top sách nên đọc
2. Đánh giá Sách Những Tinh Cầu Trôi Dạt
1 Một quyển sách khá hay. Đây là một bộ tuyển tập oneshot về những mẩu chuyện ngắn do hoạ sĩ Việt Nam vẽ: Black Cross, Nachi, Kasau và Đỗ Bích Ngọc. Với các câu chuyện như Wieder Geburt, bạch tuyết và chú lùn thứ 8, Vút Bay, Bạn. Về in ấn khá là tốt, có kèm bookmark nhỏ xinh. Đợt mới ra là mình mua ngay để ủng hộ cho truyện tranh Việt. Về nội dung thì mình cảm thấy câu chuyện Vút bay khá hay và cảm động, còn những chuyện còn lại nội dung tầm trung bình, thường. Về nét vẽ thì chưa đầu tư vẽ bối cảnh và nét vẽ còn khá yếu. Nhưng về tổng thể cũng khá ổn định, đây cũng là một bước tiến mới trong nền Truyện tranh Việt. Nếu yêu thích thì hãy đặt mua và ủng hộ các tác giả Việt mới nhé.
2 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.
3 Nhà sách giao nhanh Bọc cẩn thận Nội dung cụ thể, đọc cũng được. Mua sale thì đc chứ mua đúng giá thì ko đáng ngần đấy tiền.
4 Sách đẹp, sạch, shop gói kỹ, giao hàng khá nhanh. Rất thích. Thanks!
5 Đóng gói rất cẩn thận sách rất mới và tem chính hãng rất yên tâm và hài lòng!
Review sách Những Tinh Cầu Trôi Dạt
Sau đây mình sẽ đi vào kĩ từng oneshot của cuốn sách. Vì là phân tích nên có spoil hết cốt truyện và plot twist, bạn nào chưa đọc sách thì cân nhắc trước khi đọc review nha.
—
1. WIEDER GEBURT
A) Nội dung
Câu chuyện kể về một vị thần nọ, sống cả đời với hoài vọng xây dựng nên được một hành tinh xinh đẹp và hoàn hảo. Mỗi ngày ngài lại đều ra đi, tìm kiếm những hạt giống mới để đem về vun trồng, hoàn thiện thêm cho hành tinh của mình.
Nhưng dường như tham vọng của ngài vốn là một điều lớn lao đến không tưởng và không hề có điểm dừng, bởi để xây dựng lên được một hành tinh có sự sống vốn là điều không hề đơn giản, vùng đất này hoàn thiện thì vẫn còn nhiều vùng đất khác còn tan hoang. Vị thần của chúng ta vọng tưởng đến một thế giới hoàn hảo, một hành tinh đẹp không tì vết, do vậy có bao nhiêu với ngài cũng không đủ thỏa mãn được. Ngài có cái này, nhưng ngài lại xem nó là không đủ, ngài lại ra đi tìm kiếm nhiều hơn, ngài đã không hề nhận ra rằng trong khi ở bên cạnh ngài đã có rất nhiều điều tuyệt vời để yêu thương và trân trọng rồi, ngài lại tự mình đoái hoài chúng để tìm đến những cái hoàn hảo hơn.
Để rồi cuối cùng ngài rơi vào ảo ảnh, ngài chìm đắm trong cơn mê về thế giới hoàn hảo không có thực của mình để rồi bỏ quên thế giới thật bên ngoài kia, trong những tháng ngày không có ngài đã dần dần bị nhuốm đen, bị hủy hoại, bị đẩy đến đà sụp đổ. Ở đây ta có thể đặt ra một câu hỏi, rằng liệu phải chăng khi rơi vào ảo ảnh, là bản thân ngài chìm đắm vào nó vì sự ích kỉ của bản thân, chỉ muốn thỏa mãn ham muốn của mình chứ không phải hoàn toàn vì lợi ích của Fruhling nữa?
Chẳng trách mắt thần tức giận ngài, hận ngài như vậy, nhưng khi ngài nói lời xin lỗi thì nó đã ngay lập tức rơi nước mắt, bởi sau tất cả những gì cả hai đã trải qua, những kí ức đẹp khi xưa vẫn là minh chứng cho việc vị thần không phải là một kẻ thù cần bị tiêu diệt. Ngài đã sai, nhưng ngài đã kịp thời tỉnh ngộ và quay trở về nhận lấy trách nhiệm mà mình phải gánh vác, và đó chính là điều đáng quý nhất.
Cái kết của câu chuyện có thể không phải là một cái kết “hạnh phúc” nhưng thực sự là một cái kết đẹp, bởi khi ấy vị thần đã quay trở về, đã hòa vào cùng mắt thần để tạo nên một trụ cột mới cho vùng đất ấy, bảo vệ tất cả sinh linh vạn vật, kéo dài mùa xuân đẹp đẽ ở đó cho tới vĩnh cửu. Vị thần có thể không còn hiện hữu nhưng ngài đã trở thành một phần với Fruhling yêu dấu của ngài, và giờ đây ngài sẽ mãi mãi ở lại bảo vệ cho nó, ôm ấp lấy nó, ban phước lành cho nó và nâng niu xoa dịu nó, kéo nó tránh xa ra khỏi bờ vực bị hủy hoại.
Đây là một câu chuyện đẹp. Hình ảnh vị thần có thể dễ dàng liên tưởng đến chính những người lao động bình thường trong cuộc sống ngày nay, với mong muốn làm giàu, kiếm tiền trang trải. Đôi khi họ sẽ quá mức chạy theo của cải vật chất, lao đầu vào công việc để lo cơm áo gạo tiền cho gia đình, nhưng chính bản thân họ lại vô tình làm ngơ, không dành thời gian vun đắp tình cảm với gia đình của mình. Nếu cứ như vậy, tiền về có thể nhiều, gia đình có thể không lo bị đói, nhưng bản thân họ sẽ bị bòn rút sức sống đến cạn kiệt, cũng như khoảng cách giữa họ và các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng xa cách.
Bài học rút ra được từ câu chuyện này chính là: đừng quá mải mê chạy theo tham vọng mà bỏ quên, không màng tới chăm sóc những điều quý báu mình đã gặt hái được, bởi nếu tham vọng trở thành ảo tưởng hão huyền không thể vươn đến, theo đuổi chúng sẽ chỉ khiến bạn tự hủy hoại chính mình và có thể hủy hoại cả những gì vốn có mà bạn yêu thương.
B) Hình thức
Xét theo sở thích cá nhân thì mình thích phong cách vẽ của nhóm Black Cross nhất, bởi câu chuyện của các bạn lấy bối cảnh fantasy, có nhiều cảnh đẹp thơ mộng như trong truyện cổ tích, nhân vật vị thần cũng mang hơi hướm manga và mình thì rất thích những chàng trai tóc dài xinh đẹp.
Ưu điểm của các bạn là nét vẽ đẹp, trau chuốt tỉ mỉ, nhiều khung cảnh đồng bằng, đồi núi, rừng rậm lẫn các hiệu ứng phép thuật đều được vẽ rất đẹp và kĩ càng, chứng tỏ các bạn đã thực sự đầu tư rất nhiều, rất công phu và rất nghiêm túc vào tác phẩm này. Bên cạnh đó, các bạn còn sử dụng được nhiều góc quay rất đa dạng, linh hoạt, nhiều trang dù có nhiều khung, nhiều chi tiết nhưng lại không hề bị rối, trái lại các khung rất có độ hài hòa và cùng nhau khắc họa lên rất thành công khung cảnh hành tinh Fruhling tuyệt đẹp đúng như cốt truyện đã miêu tả. Cảnh mình ấn tượng nhất chính là cảnh hành tinh đang dần sụp đổ, vị thần trở lại và sự căm hận của mắt thần, các tranh vẽ đều tuyệt đẹp và khung cảnh cũng vô cùng xúc động, để lại cho mình ấn tượng khó phai.
Bên cạnh đó, mình nhận thấy có một số hạn chế nhỏ như sau.
Thứ nhất là có rất nhiều trang vẽ cảnh, thay vì tỉa inking kĩ càng hoặc dán tone cụ thể vào từng yếu tố như rừng cây, đồi núi, nhà cửa,… các bạn lại chỉ dán đúng tone bầu trời hoặc tone lấp lánh bao trùm lên cả bức tranh (tất nhiên vẫn có khung có tone đa dạng). Thật ra cách làm này không phải là không được, nhưng mình thấy các bạn sử dụng hơi nhiều, dẫn đến nhiều khung tranh màu nó bị trắng bóc, không có độ đậm nhạt tương phản, dẫn đến thiếu điểm nhấn, màu tone nhạt kéo chìm cả cảnh vật xuống, chưa bật lên được. Theo mình thì những trang như thế này nên dán tone đa dạng sắc độ đậm nhạt hơn để bức tranh có sự sống hơn. Còn nếu trong trường hợp ý đồ của các bạn là hành tinh màu trắng, nhàn nhạt thiếu sắc màu thì mình nghĩ là nên tập trung đổ bóng các mảng theo hướng ánh sáng, hạn chế dán thẳng tone bầu trời hoặc lấp lánh bao trùm lên cả tranh.
Thứ hai là có một số khung mình thấy rằng nếu sử dụng khung lớn hơn thì sẽ có thể diễn tả cảm xúc của cảnh tượng được tốt hơn và trọn vẹn hơn. Ví dụ như cảnh mắt thần chảy máu và mắt thần xuất hiện sau khi vị thần trở lại, nếu có thể được ưu ái hẳn một trang riêng thì có lẽ sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn. Thật ra đây là hai cảnh mình thích nhất trong tác phẩm, do vậy khi mình thích mình mới lại mong nó có thể được tốt hơn, mong ở những tác phẩm sau các bạn sẽ xem xét lựa chọn thêm những khung lớn hơn để có thể đặc tả kĩ hơn cho những cảnh cao trào như vậy nhé.
—
2. BẠCH TUYẾT VÀ CHÚ LÙN THỨ TÁM
A) Nội dung
Đây là tác phẩm có nội dung đơn giản nhất trong 4 truyện, mà đúng ra là nó không hẳn có một cốt truyện lẫn những tình tiết dập dình nối tiếp nhau mà nó giống như là những dòng nhật kí tâm sự của nhân vật nữ chính hơn.
Một câu chuyện về mối tình đơn phương của tuổi trẻ và friendzone, điều mà gần như bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua trong hành trình trưởng thành. Một cô gái cảm nắng một chàng trai đã có người yêu, tuy nhiên tình cảm của cô lại vô cùng trong sáng như những giọt nắng mùa hè vậy, không hề có sự bi lụy, u sầu vì trót yêu một người mình không thể chạm đến, cũng không có sự bi quan, buồn thảm, ghen tuông khi người ấy đã hướng về một người con gái khác, cũng không hề có những tình huống quái gở, oái oăm như hiểu lầm, đánh ghen, chia tay. Câu chuyện chỉ là những lời tâm sự, thủ thỉ tâm tình nho nhỏ của Mai, một cô gái đáng yêu, và cách cô ngắm nhìn mối tình đơn phương của mình, Vũ, bằng một lăng kính bình lặng, hài lòng với những gì mình đang có, không có tham vọng giật lấy những gì không thuộc về mình.
Tên câu chuyện và cả những tình tiết đều ám chỉ Mai và Vũ là Bạch Tuyết và chú lùn, một cặp đồng đội vô cùng ăn ý, chứ không phải Bạch Tuyết và hoàng tử, một cặp yêu nhau tay trong tay đầy lãng mạn. Có lẽ bởi đúng như cô nói, cái thích của Mai dành cho Vũ không phải là tình cảm lãng mạn, là muốn được yêu đương, được sà vào vòng tay, được chiếm đoạt và được đánh dấu là “đây là người yêu của tôi”. Mai thích Vũ giống như một sự ngưỡng mộ, không phải là như thần tượng mà như là một tạo vật đẹp đẽ để ngắm nhìn, mà càng ngắm nhìn lại càng thấy có gì đó bồi hồi, lắng đọng, nhiều suy tư dâng lên trong lòng. Sự hiện diện của Vũ đối với Mai chính là khiến cô cảm động, và cô thích cảm giác có thể tin cậy và yên lòng khi ở bên cạnh Vũ, như hai người bạn có thể sẵn sàng đưa lưng cho nhau bảo vệ những lúc hiểm nguy. Phải chăng tình cảm của Mai dành cho Vũ chính là “cao hơn tình bạn, thấp hơn tình yêu” mà giới trẻ vẫn thường hay nói?
Câu chuyện là những chuỗi hồi ức nhẹ nhàng, đong đầy tình cảm chân thành nhưng cũng không quá sến súa, sướt mướt, xa rời thực tế như ngôn tình mà lại vô cùng chân thật. Mặc dù có nội dung đơn giản nhưng mình vẫn rất có cảm tình với tác phẩm này bởi lời dẫn chuyện mượt mà đầy ngọt ngào của nó. Nhờ có lời dẫn chuyện như những lời tâm sự, thủ thỉ tâm tình mà mình cảm thấy được hiểu thêm về Mai qua từng khung truyện, và dù là độc giả với nhân vật nhưng mình cũng cảm thấy vô cùng gần gũi và yêu quý cô gái này. Về cảm xúc cá nhân, mình thích những tác phẩm có lời dẫn chuyện, độc thoại nội tâm như vậy nên chi tiết này cũng để lại một điểm cộng lớn trong lòng mình.
B) Hình thức
Tác phẩm có nét vẽ đẹp và dễ thương, tạo hình hai nhân vật gần gũi với thực tế đời sống, mình rất thích nhân vật Mai vì trong mắt mình những cô gái đã đeo kính lại còn tết tóc luôn rất xinh đẹp.
Mình đã biết đến Múc qua những mẩu chuyện ngắn đơn giản và đáng yêu, nét vẽ của Múc rất đẹp, nhưng có thể chính vì đã quen phong cách đó nên khi chuyển sang truyện tranh truyền thống Múc có bị hạn chế hơn so với những tác giả khác của tuyển tập. Cụ thể là Múc bị mắc lỗi đặt camera quá gần, các khung tranh chủ yếu là quay góc cận mặt nhân vật, một số khung kiểu khác như chân dung, quang cảnh xưởng in, xe cộ cũng đặt camera sát gần, nói vui một chút là cảm giác như mình đang dí mặt vào đó vậy á. Lỗi này hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm vì trước giờ truyện ngắn của Múc mỗi trang chỉ có vài khung đơn giản như vậy thôi, vẽ cận mặt nhiều cũng không ảnh hưởng, vậy nên khi chuyển sang dạng này nhất thời Múc chưa thể đùng một phát thay đổi cách vẽ nhanh chóng được. Mong rằng Múc có thể khắc phục được lỗi này và ngày càng thuần thục cách sử dụng camera, biết cách đặt những góc quay xa hơn, bao quát hơn để hình ảnh tổng thể của câu chuyện được đa dạng, khắc họa rõ nét hơn mọi góc nhìn cũng như truyền đạt cảm xúc nhân vật được hiệu quả hơn nữa.
—
3. VÚT BAY
A) Nội dung
Đây là tác phẩm thứ hai của Nachi mà mình đọc, một tác phẩm rất có chất riêng của Nachi mà nếu quen rồi thì có thể nhận ra ngay cái không khí quen thuộc đặc trưng của cách dẫn dắt câu chuyện của bạn.
Tác phẩm có hai nhân vật chính là An và chị Hồng, mỗi nhân vật đều có một vai trò phát triển nội tâm riêng, tuy vậy họ vẫn gắt kết, hòa quyện với nhau tạo nên mạch cảm xúc chung tuyệt vời của toàn bộ tác phẩm.
Nhân vật An thì đơn giản hơn. Cô bé là một vì tinh tú từ trên trời rơi xuống, lần đầu lạ lẫm với vạn vật của trái đất, nói ra thì cũng giống như một đứa trẻ sơ sinh, lần đầu biết nhận thức và tò mò muốn khám phá thế giới vậy. Cô bé An ngây thơ và trong sáng vô cùng, nội tâm hoàn toàn không vương một hạt bụi nhơ nhuốc của thế giới con người phúc tạp, bên trong cô bé chỉ chứa đựng niềm vui khi được khám phá những điều giản dị mà kì diệu của thế giới cũng như sự quý mến, yêu thương và trân trọng đối với những người tốt bụng đối tối với mình mà không hề phán xét. Với thân phận gái bao của chị Hồng, kiểu gì cũng sẽ gánh tiếng xấu, lại hay bị soi mói, dè bỉu vì chọ cho rằng làm công việc “bẩn” như chị thì chẳng có gì tốt đẹp để mà tôn trọng cả. Nhưng cô bé An thì khác, không màng tới quá khứ hay thân phận của chị, cũng bởi cô bé không hiểu bản chất phức tạp của công việc đó, nhưng điều quan trọng là cô bé nhìn nhận chị bằng chính những biểu hiện, những hành động thực tế của chị. Và trong mắt cô bé, người cứu mình, cho mình ở cùng, nấu nướng cho mình, chăm sóc mình từng li từng tí như vậy, nhất định là một người dịu dàng tràn đầy quan tâm, không thể nào là kẻ xấu được. Cô bé yêu quý chị Hồng dễ dàng và đơn giản như vậy đấy, nếu con người chúng ta ai cũng thuần khiết đến vậy thì thế giới này đã ngập tràn thêm biết bao nhiêu tình yêu thay vì sự phán xét, dè bỉu, ghen ghét, ruồng bỏ lẫn nhau rồi.
Trái ngược lại với An, chị Hồng là một nhân vật có nội tâm phức tạp hơn, đúng với thân phận vừa là con người, vừa là một người phụ nữ sống chật vật, phải lo toan đủ điều để kiếm ăn như chị. Chị làm nghề gái bao, một cái nghề chẳng nhận được mấy tiếng tăm tốt trong xã hội này. Tuy vậy, dù thân thể chị không sạch sẽ, chị vẫn có một tâm hồn đẹp, tốt bụng và chân thật. Từ những tình huống truyện, có thể thấy được rằng chị là một người phụ nữ cô đơn, không gia đình hay chồng con, chỉ sống một mình với cái nghề của mình, qua lại với bao nhiêu đàn ông vì miếng ăn nhưng cũng không có được một người thực sự yêu thương mình. Chị có một cô bạn thân là Kim, chị được đám trẻ con hàng xóm quý mến, có những cô cùng nghề làm mẫu đối tốt với chị, tuy nhiên chị vẫn thiếu đi một người gần gũi với mình, một người trân trọng mình và có thể khiến mình yêu thương ngược lại người đó. Quãng thời gian trước kia của chị có thể không quá mức cùng cực, nhưng hẳn là nó đã vô cùng trống rỗng, khô khan và thiếu sức sống do thiếu đi hơi ấm tình người. Sự xuất hiện của An chính là luồng gió mới thổi vào cuộc sống của chị, tình yêu có muôn hình vạn chạng, và An chính là người đem đến thứ tình yêu còn thiếu vào cuộc đời của chị Hồng. Từ ngày có An, chị Hồng có người để mình nấu nướng cho, để mua quà vặt cho, để sắm áo cho, để chăm sóc, để nghĩ đến sau mỗi ngày làm việc. Từ phía người chủ động, chị có được một người để chăm sóc, và ngược lại, ở phía được nhận lại, chị đã có được một người sẽ đợi mình ở nhà, người sẽ mở cửa chào mình, đón mình về với tổ ấm đầy thân thương. Tất cả những điều đó là niềm hạnh phúc giản dị mà vô cùng quý báu của mỗi con người, điều mà họ chỉ có thể cảm nhận được rõ ràng nhất khi đã bước qua cái tuổi trẻ thơ, trở thành người lớn, phải dấn thân vào cuộc sống đầy phức tạp và đơn độc của người trưởng thành. Một ngôi nhà sẽ chỉ là một ngôi nhà khi nó được xây dựng lên, và nó chỉ có thể trở thành tổ ấm khi ở đó có tình yêu và sự trân trọng.
Đây là một câu chuyện đẹp đến như vậy, đầy tình người đến như vậy, ấy thế mà rốt cục cả hai lại đều không thể có được một cái kết hạnh phúc bên nhau. Bi kịch xảy ra ngay trước khoảnh khắc hai người có thể ra đi và tìm đến niềm hạnh phúc mới: cái chết của chị Hồng. Thân phận của chị Hồng quả thực rất nhạy cảm, ăn nằm với bao nhiêu đàn ông, ai biết được trong số đó có bao nhiêu kẻ ngoại tình tìm đến gái bao, để rồi kết cục chị bị tìm đến gây sự rồi chết tức tưởi như vậy. Thân phận có ra sao, chị cũng không đáng phải chịu kết cục như vậy, lại nhất là khi chị đã có cơ hội làm lại cuộc đời mới và đã sắp sửa nắm lấy được nó rồi. Câu chuyện của Hồng kết thúc đầy đột ngột và đau lòng như vậy, đây cũng chính là những câu chuyện thực tế đã xảy ra không ít trong xã hội này, nhất là ở những góc khuất bẩn, tăm tối nhất của nó.
Vậy còn An thì sao? Trong suốt câu chuyện ở thế giới con người, cô bé đã được hưởng thụ phần tươi đẹp và hạnh phúc nhất của nó, nhưng thế giới nào cũng có hai mặt, vậy nên đây chính là lúc sự khổ đau và bất công của nó giáng xuống đầu cô bé. Cô bé bình an vô sự, nhưng chứng kiến người mình yêu thương chết đi mà mình chẳng thể làm gì được như vậy, có lẽ không một từ nào có thể diễn tả được sự đổ vỡ xảy đến trong trái tim cô bé. Thế giới của con người đẹp và đầy màu sắc rực rỡ, nhưng nó cũng có những phần nhơ nhuốc và đen tối như vậy, một vì sao tinh tú thuần khiết, trong sạch, chỉ biết cho đi yêu thương như An không thể tài nào chịu nổi sự khủng khiếp đó. Do vậy cô bé bay lên trời và muốn được trở về, cô bé muốn quay lại phía những vì sao, nơi không hề tồn tại sự ích kỉ, bạo ngược, vùi dập lẫn nhau nữa, và không ai có thể trách cứ cô bé được.
Kết thúc của câu chuyện thật buồn, nhưng có lẽ điều khiến độc giả tiếc nuối nhất chính là khi bay về trời, những kí ức hạnh phúc của An về chị Hồng cũng cứ thế mà dần dần sụp đổ, để rồi cuối cùng tất cả đều tan biến. Chị Hồng chết tức tưởi như vậy, vậy mà người chị yêu thương nhất, và cũng là người yêu thương chị nhất, lại chẳng còn lại lấy một mảnh kí ức có chứa bóng hình của chị. Không có kí ức, An sẽ không còn đau khổ nữa, nhưng việc cô bé không còn nhớ gì về người đã cho mình những điều hạnh phúc nhất trên đời trước khi người đó ra đi vẫn thật nhói lòng biết bao, mà mình chắc chắn rằng nó sẽ để lại một dư âm khó có thể phai mờ trong lòng độc giả
B) Hình thức
Tranh vẽ của Nachi rất đẹp và có sức sống. Từng chi tiết nhân vật tới quang cảnh nhà cửa, cây cối đều được vẽ rất tỉ mỉ và công phu, quả thực là vô cùng đáng ngưỡng mộ. Tranh của Nachi có sự cân bằng và hài hòa giữa các mảng màu có sắc độ khác nhau, có đậm có nhạt, khiến cho các chi tiết giúp nhau thêm nổi bật và có sức sống cũng như tăng tính chân thực cho các hình ảnh bình dị gắn liền với đời sống thường ngày.
Mình chỉ thấy có một khúc mắc nho nhỏ như thế này, đó là dường như cách sắp xếp khung của Nachi chưa được ổn lắm. Thú nhất là trang kể vắn tắt đời sống thường ngày của chị Hồng và An sử dụng nhiều khung quá nên trông khá rối mắt, mà mình nghĩ là đoạn này nếu kéo dài ra khoảng 1 trang rưỡi hoặc 2 trang thì sẽ ổn hơn. Thứ hai là cảnh chị Hồng và An dưới mưa, đây là một cảnh cao trào, khắc họa cảm xúc vỡ òa của chị Hồng khi nhận ra mình yêu thương An thế nào, nhưng nó lại diễn ra khá ngắn, mà mình tin rằng nếu kéo dãn ra thêm chỉ một chút thôi, sử dụng thêm một số khung lớn hơn nữa thì sẽ có thể khắc họa được cảm xúc của tình huống được trọn vẹn hơn. Và thứ ba là cảnh một đám người đến gây sự với chị Hồng, cảnh này nếu đẩy sang một trang riêng thay vì xuất hiện ở lưng chừng trang thì sẽ tạo được bất ngờ kịch tính hơn. Ba cảnh này là ba cảnh duy nhất mình có chút băn khoăn như vậy, bởi có một số tranh được ưu ái hẳn một trang nhưng mức độ quan trọng của tình tiết lại không lớn bằng, do vậy có gây ra một chút chênh lệch nhỏ trong việc điều hòa độ lớn của các khung tranh.
Tuy vậy mình vẫn rất ngưỡng mộ Nachi và vô cùng yêu thích câu chuyện tuyệt đẹp của bạn. Hi vọng trong tương lai có thể được gặp lại bạn trong các tác phẩm tiếp theo.
—
4. BẠN
A) Nội dung
Tác phẩm cuối cùng của tuyển tập, và cũng là một câu chuyện cực kì cảm động.
Tác phẩm có kết cấu hơi khác so với ba tác phẩm trước, không phải là những diễn biến liền mạch theo trình tự thời gian mà đan xen trộn lẫn giữa thực tại và kí ức trong quá khứ, mỗi lần kể lại là một lớp mâu thuẫn được bóc tách ra, giải thích cho những sự việc đang xảy ra ở hiện tại.
Tô là một cậu bé sống trong một gia đình nghèo. Là trẻ con, ai cũng muốn có đồ chơi và bạn để chơi cùng, và chính hai yếu tố đó đã cấu thành một câu chuyện đầy cảm xúc trong cuộc đời cậu. Tâm lí trẻ con rất đơn giản, chúng muốn có đồ chơi thật ngầu và thú vị để lấy le với bạn bè, và chúng có thể dễ trở nên tự ái nếu như món đồ chơi yêu thích của mình lại bị bạn bè xem thường và coi là nhàm chán. Ngược lại, khi bạn chúng có được thứ đồ chơi mới thú vị thì chúng cũng có tâm lí bắt chước, muốn có được thứ giống như thế, nhưng vì thực sự yêu thích món đồ chơi đó có lẽ chỉ có 2-3 phần, còn lại 7-8 phần chính là vì muốn được bằng bạn bằng bè.
Đó chính là diễn biến tâm lí của cậu bé Tô những ngày còn trẻ dại, muốn thông qua những món đồ chơi mà kết bạn. Có lẽ chính vì tự ái khi bị chúng bạn coi thường con lật đật của mình, cậu bé mới thèm muốn một khối rubik đến vậy, với suy nghĩ rằng nếu mình cũng có được thứ đồ chơi ngang hàng với tụi nó, tụi nó sẽ không dám coi thường mình nữa. Cái cậu bé muốn không phải là khối rubik mà là sự trầm trồ, chú ý của chúng bạn khi mình có đồ chơi xịn, điều này được thể hiện rất rõ ở cảnh cậu vui sướng đem đồ chơi chạy đi khoe sau khi được ông tặng. Oái oăm thay, lũ trẻ kia biết ông cậu mua khối rubik là mua chịu, chúng càng có cớ để cười cợt và coi thường cậu hơn, coi cậu là thứ nhà nghèo mà cũng đú đởn, điều này lại tiếp tục đụng chạm đến lòng tự ái của cậu bé Tô. Trẻ con không biết suy nghĩ sâu xa, chúng chỉ thấy điều ở ngay trước mắt chúng thôi, và trong mắt Tô lúc đó, thay vì trách cứ lũ bạn đã coi thường mình do bản tính ích kỉ của chúng, cậu lại cho rằng chính vì ông mua chịu khối rubik cho mình mới dẫn đến tình cảnh này. Đây cũng là một tình huống có thể dễ dàng bắt gặp trong thực tế, nhiều khi phụ huynh cố gắng chiều theo ý con em mình để làm chúng vui, nhưng khi sự tình không như chúng mong đợi, chúng lại quay sang trách cứ ngược lại rằng họ đã làm chúng xấu hổ trước mặt bạn bè. Cái kết khép lại quá khứ thật buồn, ông của Tô bị xe đụng khi đang nhặt khối rubik mà cậu ném ra đường, tuy không mất nhưng ông đã không còn tỉnh táo và có thể đi lại được như trước nữa.
Tiến đến câu chuyện ở thời điểm hiện tại. Tác giả dẫn dắt rất tài tình, do vậy ban đầu khi Tô chơi đánh trận giả, mình hoàn toàn chỉ cho rằng đó là trẻ con đang một mình chơi đồ chơi khi người lớn vắng nhà thôi. Ai ngờ sau khi những mảnh ghép của quá khứ hiện hữu đầy đủ, sự thật sâu xa hơn đằng sau đấy đã phơi bày: là Tô đã cố tình chơi đồ chơi như hồi bé trước mặt ông để mong có thể khơi gợi kí ức, giúp ông hồi tỉnh lại. Kể từ sau khi gặp tai nạn, ông chỉ ngồi một chỗ xoay rubik không ngừng, đúng như lời ông nói ngay trước khi bị xe đụng, trong khi thằng cháu trai ngay trước mặt lại chẳng nhận ra là ai nữa, quả thực điều đó với Tô hẳn là một nỗi ám ảnh lớn lắm, khiến nội tâm cậu hối hận và day dứt từng ngày.
Nói một chút về Mai Anh, cô bé này cảm tưởng không có vai trò gì quan trọng nhưng thực chất lại là chìa khóa giúp Tô gỡ bỏ mâu thuẫn của quá khứ, mở lòng hơn với chính mình cũng như có thể phần nào được vực dậy khỏi cơn dằn vặt. Từ sau những chuyện của quá khứ, dần dần không ai chơi với Tô nữa và coi cậu là kẻ kì dị, chỉ có duy nhất Mai Anh là người tiếp cận cậu và ngỏ ý muốn chơi đồ chơi với cậu, điều mà cậu từng mong ước khi xưa và rất lâu rồi đã không có được. Khi Mai Anh hứng thú phối hợp với cậu tiêu diệt quái vật búp bê, trong một khoảnh khắc cậu đã rất vui vì đây chính là trò chơi trước kia do cậu bày ra nhưng lại không được chúng bạn hưởng ứng. Tuy nhiên, có lẽ lo sợ quá khứ lặp lại, Tô vẫn không mở lòng mà lập tức thay đổi thái độ, xua đuổi Mai Anh đi. Tới phần cuối của truyện, nhờ có lời an ủi động viên của Mai Anh mà Tô mới nhận ra một bài học quan trọng: cậu đã mải mê chạy theo đám bạn tồi, thèm muốn sự chú ý vô nghĩa của chúng mà lại phớt lờ đi ông mình, người đã luôn chú ý đến cậu, ở đằng sau quan sát và chăm sóc, nuôi nấng cậu khôn lớn. Đây cũng là một bài học quan trọng cho tất cả chúng ta: đừng mải quan tâm đến những kẻ không đáng, đừng thèm khát sự chú ý của những kẻ không thực sự coi trọng mình mà ngược lại, hãy biết coi trọng những người thực sự yêu thương mình, đừng cố mù quáng đẩy họ ra, kẻo sẽ có ngày muốn được họ quan tâm thì đã quá muộn. Kết chuyện, Tô đã phấn chấn trở lại, bởi giờ đây cậu đã có thêm một cô bạn mới là Mai Anh, cậu đã có thêm niềm tin trong việc chờ tới ngày ông hồi tỉnh trở lại hoàn toàn, và để được vậy thì cậu phải chơi vui vẻ bên cạnh ông nhiều hơn nữa.
Đây là một câu chuyện rất đời thường, rất bình dị mà rất thực tế, phản ánh đúng những thực trạng trong cuộc sống cũng như đã đúc kết ra được những bài học ý nghĩa. Đây là một câu chuyện đẹp, có những sai lầm, có những bồng bột dẫn đến sự cô đơn và khổ đau, ấy vậy nhưng nó vẫn có hi vọng, nó vẫn hướng đến được một tương lai tươi sáng hơn khi các nhân vật được bước sang một trang mới của cuộc đời mình
B) Hình thức
Tác phẩm có nét vẽ đẹp một cách bình dị, từ tạo hình nhân vật đến bối cảnh đều rất sát với thực tế đời sống quanh ta. Điều mình ấn tượng nhất chính là nhân vật ông của Tô. Cách tác giả khắc họa gương mặt ông thực sự đỉnh, đến mức mà dù ông không một lời than vãn, mình vẫn có thể cảm nhận được biết bao nhiêu khổ nhọc, lo toan, vất vả trong cuộc sống mà ông từng phải trải qua, phải gồng gánh để nuôi nấng Tô khôn lớn. Đặc biệt là hình ảnh ông ngồi xe lăn, gương mặt ông thực sự đã khiến mình rung động, đó là một gương mặt thật buồn, đong đầy nặng nhọc, ẩn chứa biết bao cảm xúc phức tạp của một người trưởng thành đã có tuổi.
Chỉ có một điều nho nhỏ mình cảm thấy khúc mắc như thế này. Có vẻ như vì những trang đầu tác giả vẽ khá kĩ vào từng khung cảnh khi Tô từ ngoài xa đi về, lên nhà và vào phòng cho đến cảnh bà dì căn dặn Tô trước khi đi vắng, nên thời lượng số trang cho những diễn biến về sau lại bị hạn chế mất. Có một số cảnh mình cho rằng hoàn toàn có thể kéo dãn ra một chút để làm rõ thêm tâm trạng phức tạp của Tô. Thứ nhất là khi Mai Anh đề cập đến khối rubik, để hợp lí hơn thì có thể là Tô lập tức đuổi Mai Anh đi do đó là vấn đề nhạy cảm trong quá khứ, cậu chưa thể ngay lập tức mở lòng giãi bày nỗi niềm tâm sự của mình. Và thứ hai là cảnh Tô chợt nhận ra bài học quý báu rằng phải biết trân trọng ông hơn, đây cũng là một cảnh cao trào cảm xúc của truyện nhưng lại chỉ diễn ra trong đúng một khung, mà mình cho rằng nếu kéo đoạn này ra thành một trang, xen lẫn thêm một số hình ảnh quá khứ vui vẻ của hai ông cháu thì mạch cảm xúc sẽ được trọn vẹn hơn.
—
Dó là toàn bộ phần bình luận và cảm nhận của mình dành cho bốn tác phẩm của tuyển tập “Những tinh cầu trôi dạt” này. Tất nhiên, mình cũng biết là do số lượng trang có hạn nên có những cái không thể viết quá kĩ và lan man được, do vậy dù có những chỗ tự mình cảm thấy chưa thật sự được thỏa mãn lắm, mình vẫn hoàn toàn hiểu và thông cảm cho các tác giả. Bởi điều quan trọng là mỗi tác phẩm đều có một cốt truyện rất hay và hoàn thiện, truyền tải được những thông điệp thiết thực và ý nghĩa, khắc họa được rõ nét tâm lí nhân vật mà không có bất kì khúc mắc nào, như vậy là các bạn cũng đều đã hoàn thành vai trò trong tuyển tập lần này rồi.
Cảm ơn các bạn vì đã cùng nhau tạo nên một tuyển tập tuyệt vời đến vậy. Mỗi bạn tác giả ở đây đều là một thần tượng mới của mình rồi đó. Và mình mong rằng trong tương lai sẽ còn được gặp lại các bạn trong các tác phẩm hay hơn và hoàn thiện hơn nữa nhé.
Mua sách Những Tinh Cầu Trôi Dạt ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “Những Tinh Cầu Trôi Dạt” khoảng 46.000đ đến 47.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Những Tinh Cầu Trôi Dạt Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Những Tinh Cầu Trôi Dạt Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Những Tinh Cầu Trôi Dạt Fahasa” tại đây
Đọc sách Những Tinh Cầu Trôi Dạt ebook pdf
Để download “sách Những Tinh Cầu Trôi Dạt pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 23/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- AWM Tuyệt Địa Cầu Sinh
- Tình Yêu Kiên Cường Hơn Cái Chết
- Thuyết Minh Trực Quan Nhất – Các Hành Tinh
- Nhõng Nhẽo Gặp Đa Tình
- Bên Trời Ngân Mãi Khúc Đào Hoa
- Vật Lý Của Những Điều Tưởng Chừng Bất Khả
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free