Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

Giới thiệu sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất – Tác giả Ash Dykes

Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

Hôm nay là ngày bất khả thi của tôi, cái ngày tôi cảm giác thấy hành trình không thể hoàn thành. Nếu không thể ngồi dậy được, chắc chắn tôi sẽ chết trên sa mạc Gobi. Quá muộn để nghĩ ra một kế hoạch dự phòng hay gọi cứu hộ, tôi phải đứng dậy và đi tiếp, phải tự thân nỗ lực để đi được tới chặng nghỉ tiếp theo. Tôi không muốn chết mà sao mọi thứ khó khăn quá…

Để vượt qua giờ phút sinh tử này, tôi cần chia nhỏ vấn đề ra, giải quyết từng chút một. Nếu tôi có thể đi tới Delgerkhangai, cách đây khoảng bốn ngày đi bộ, tôi sẽ an toàn. Tôi cần một động lực lớn lao để vượt qua được những điều không thể. Lúc ấy, tôi nhớ lại lời của Ripley: “Phi thường chính là khi bạn tiếp tục cuộc hành trình dù điều gì xảy ra đi chăng nữa”.

Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất
Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất
  • Mã hàng 8935278603092
  • Tên Nhà Cung Cấp Saigon Books
  • Tác giả: Ash Dykes
  • NXB: NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
  • Trọng lượng: (gr) 280
  • Kích thước: 14 x 20.5
  • Số trang: 252
  • Hình thức: Bìa Mềm

2. Đánh giá Sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

Đánh giá Sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất
Đánh giá Sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

1 Sách hay đáng đọc

2 Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận

3 Mới nhận hàng, cám ơn Tiki và tác giả

Review sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

Review sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất
Review sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất

Trích đoạn

LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY VÀ TIẾT KIỆM TIỀN LÊN ĐƯỜNG

Trời vẫn còn tối khi chuông đồng hồ lên tiếng. Bốn giờ sáng. Tôi nhanh chóng tắt báo thức, không khỏi ước ao rằng mình có thể lờ đi tiếng tít tít khó chịu kia. Nhưng giữa căn phòng tranh tối tranh sáng, tôi thấy tấm bản đồ thế giới và hiểu tại sao mình lại dậy sớm như thế. Lật vội tấm chăn sang bên, tôi rùng mình trước cái lạnh, nhặt lấy balo và bước thật khẽ qua hành lang. Tôi không muốn tiếng răng rắc trên sàn nhà khiến cậu em Brodey tỉnh giấc. 5 phút sau, tôi mở cánh cửa sau nhà và nhảy lên xe đạp. Những cơn gió từ biển Ireland thổi qua và làn mưa như táp vào mặt tôi. Niềm hạnh phúc của mùa đông miền biển Bắc xứ Wales là đây! Cơ mà ta không nên tận hưởng nó bằng cách đạp xe tà tà được, cóng chết mất! Chẳng còn cách nào khác, tôi phóng đi thật nhanh để làm ấm cơ thể. Mỗi buổi sáng như vậy đều khiến tôi nhớ đến toàn bộ số tiền dành dụm được nhờ không mua ô tô.

Sau quãng đường 8 dặm, tôi rẽ vào một bãi đậu xe tại khu bể bơi Llandudno. Tôi khóa xe cẩn thận, đi vào khu nhà tắm, bật đèn lên và lôi ra mọi thứ tôi cần từ trong balo. Nước nóng khiến tôi thấy thoải mái, đâu đó có tiếng người đến bơi buổi sớm. Lựa một chiếc áo polo đơn giản và quần đùi, tôi đập tay chào Mat khi lướt qua cậu ta trong hành lang, sau đó tới bên thành bể bơi, bắt đầu công việc của mình. Mùi clo và mùi cơ thể người quen thuộc khiến tôi khụt khịt mũi. Sẽ lại là một buổi sáng tẻ nhạt, nhìn những thành viên quen thuộc bơi qua bơi lại.

Những thứ lặp đi lặp lại làm tôi phát điên và dĩ nhiên tôi phải đấu tranh rất nhiều với nó. Nhưng tôi là một chàng trai trẻ có mục tiêu. 18 tuổi tôi đã có cho mình một giấc mơ và luôn dành thời gian lên kế hoạch thực hiện sau mỗi buổi đi làm về. Đó là động lực khiến tôi chọn làm việc ở hồ bơi từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Công việc này giúp tôi tiết kiệm tiền và có thời gian lên kế hoạch trong thời gian rảnh rỗi. Tôi muốn trở thành một kẻ phiêu lưu thực thụ, nhưng ở cái thị trấn nhỏ như Old Colywyn này, người ta không coi đó là lựa chọn nghề nghiệp dành cho một học sinh trung học. Chính vì vậy, tôi phải tự tìm con đường cho bản thân mình.

Cuộc sống trung học với tôi “hơi bị” vui, đến mức đôi khi thầy cô cũng lấy làm phiền lòng. Tôi không thích học, nhưng lại trân quý đời học sinh và những mối quan hệ bạn bè khi đó. Trong lớp, tôi thuộc dạng nhỏ con nhất nhưng bị liệt vào nhóm những kẻ ồn ào, khoác lác nhất. Tôi thường nghịch ngợm, lơ là và chẳng mấy khi để tâm đến mấy môn học mình không hứng thú. Nói chung là một thiếu niên điển hình với một cuộc sống vui vẻ, chẳng bận tâm đến tương lai.

Thú thật thì tôi không nghĩ mình là một đứa trẻ nghịch ngợm, nhưng mà tôi thích mạo hiểm. Một lần khi đang đua xe đạp xuống phố, một chiếc ô tô đâm sầm khiến tôi ngã nhào. Lần khác, tôi bị ngã gãy xương cổ, chấn thương có lẽ đã nhẹ hơn nếu tôi đội mũ bảo hiểm nhưng hồi đó tôi ghét đeo mũ bảo hiểm vì trông nó cứ ngớ ngẩn thế nào. Có lần tôi cố thực hiện một pha nhào lộn nhưng kết quả là ngã dập mặt. Tôi cảm thấy răng của mình mẻ một miếng và ngồi dậy như không có gì rồi nói với thằng bạn: “Đừng kể với mẹ tao, bà ấy sẽ không biết đâu”.

Nó cười: “Mày không có lựa chọn đâu, mẹ mày sẽ nhận ra ngay, tự soi gương đi”.

Soi mình vào gương xe ô tô, tôi thấy mặt mình đầy vết thương, máu chảy be bét.

Cuối tuần và những kỳ nghỉ lễ, tôi thường dành cả ngày để chơi bóng đá, tennis, đạp xe leo núi hay đi cắm trại gần nhà: Những ngọn núi thuộc vườn quốc gia Snowdonia chỉ cách nhà tôi một quãng. Ở đó có những vạt rừng phủ kín sườn đồi và cả một bãi biển trải dài. Tôi thích chơi thể thao, môn gì cũng được, và có khi thích đến phát cuồng. Tôi từng thi đấu cho đội tuyển Wales trong đội hình chạy băng đồng. Bố từng mua một chiếc máy tập gym đa năng và máy tập chạy khi tôi mới 14 tuổi để tôi có thể nâng khối lượng tập luyện của mình. Sau một hồi mày mò nghiên cứu và đọc trên Internet, tôi nhận ra việc tập luyện sử dụng chính trọng lượng cơ thể tốt hơn là dùng dụng cụ, máy móc.

Một lần khi tham gia chương trình Giải thưởng công tước xứ Edinburgh tại trường, chúng tôi phải đi tình nguyện tại trạm cứu hỏa. Nhóm chúng tôi có khoảng 25 người và những nhân viên cứu hỏa đã đưa ra cho mọi người thử thách chống đẩy, kéo xà đơn, gập bụng ngồi, để xem ai là người có thể làm nhiều nhất trong thời gian quy định. Thú thật thì tôi không phải đứa to con nhất trong nhóm nhưng tính hiếu thắng trong người tôi bị đánh thức, adrenaline dâng trào và tôi như con bò mộng quyết tâm nỗ lực hết mình vào cuộc chơi này. Khi tiếng còi báo hiệu kết thúc vang lên, tôi thở dốc với gương mặt đỏ gắt, cúi gập người để gắng lấy từng hơi thở. Tim tôi đập thình thịch. Chúng tôi xếp thành hàng, đợi chờ kết quả được thông báo.

“Và giải nhất thuộc về… Ash Dykes!”. Haha, không ngờ một cuộc thi có thể thúc đẩy con người ta thể hiện tuyệt vời đến thế.

Niềm đam mê đối với thể thao và các hoạt động ngoài trời được khơi dậy sớm như vậy có lẽ là nhờ bố mẹ tôi cũng thích các hoạt động này. Hồi mới 11 tuổi, tôi và bố thường đi chạy bộ. Sau quãng đường chạy 5 dặm lên rồi xuống sườn đồi, trong khi bố đã quá mệt thì tôi vẫn tràn trề năng lượng, đấm đá vào đám lá và tự nói luyên thuyên một hồi. Cùng với chị gái Tash, gia đình tôi từng có vài kỳ nghỉ ở nước ngoài, những chuyến đi tới Lanzarote, tới Mỹ, Canada. Không phải kiểu khách du lịch cứ quanh quẩn mãi ở bể bơi suốt cả ngày, bố mẹ thường thuê một chiếc ô tô và đưa chúng tôi đi thăm thú, tham gia hết hoạt động này tới hoạt động khác. Cả nhà từng có kỳ nghỉ đông vui vẻ tại Lapland – trượt tuyết, lái xe trên tuyết, trượt ván, ngồi xe kéo bởi chó husky hay tuần lộc. Vì thích những thứ đầy mạo hiểm nên mấy trò ở Mỹ như tàu lượn trên cao luôn là thứ khiến tôi mê nhất.

Sau khi hoàn thành kỳ thi GCSE1, tôi không biết mình muốn làm gì tiếp theo. Bố mẹ tôi không phải mẫu người áp đặt “con phải làm thế này hay con phải làm thế kia”. Thực ra họ rất tuyệt. Tôi có được sự tự do trong khuôn khổ và những định hướng từ bố mẹ để không chọn sai con đường. Họ muốn tôi học tiếp nhưng cũng cho tôi lựa chọn: Chỉ dừng ở chứng chỉ A2 hoặc học lên đại học. Tất nhiên, tôi chọn học lên đại học và trước đó sẽ đăng ký chương trình 2 năm về giáo dục hoạt động ngoài trời tại Viện BTEC3 quốc gia – chương trình đảm bảo cho tôi có những trải nghiệm thực tế nhiều hơn thay vì chỉ cắm đầu vào sách vở.

  1. Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông tại Anh (tương đương với hết cấp 2 ở Việt Nam).
  2. Tương đương với tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam.
  3. Chương trình đào tạo tương tự như các khóa dự bị vào các bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học,… Khóa học tập trung vào các môn học rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thực tế.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bài kiểm tra đầu vào, tôi phát hiện ra rằng mình không đủ điểm để theo học. Trưởng khoa nói rằng ông ấy thấy tôi có khá nhiều thành tích hoạt động ngoài trời dù còn trẻ như vậy nên đã phá lệ một lần. Tôi sướng rơn người và quyết không để ông phải thất vọng. Dù có khá nhiều bài giảng lý thuyết, chương trình học cũng có đầy những buổi tập huấn ngoài trời mà tôi cực kỳ thích thú – leo núi đá, leo núi mùa đông, nhận biết dấu hiệu lở tuyết, chèo thuyền kayak và cano.

Nhiều đứa cùng khoa với tôi có những món đồ thể thao chống thấm nước cực xịn. Khi đám đó nhìn thấy tôi trong chiếc áo khoác Adidas chỉ “chống được mưa phùn”, chúng đều bảo: “Mặc cái này thì mày sẽ “thấm” dữ lắm đấy. Áo này chỉ nên mặc trên sân bóng thôi, chẳng phải thứ để leo núi và càng không phải cho mùa đông”. “Quan trọng là cái đầu cơ”, tôi nói rồi cười lớn, trong bụng thầm coi đó là một thử thách để chứng minh rằng chúng nó đã sai. Một lúc sau đó, khi cơ thể đã ngấm nước và run lên vì lạnh, tôi bấm bụng tỏ vẻ can đảm như thế mọi thứ đều ổn, ấm và khô ráo… Đám đó chắc tin thế thật. Và điều ấy đã khiến tinh thần phiêu lưu của tôi còn tăng cao hơn bao giờ hết.

Bẵng một cái đã hết hai năm, mọi người bắt đầu suy tính sẽ làm gì tiếp theo. Lại là một khoảng thời gian để đưa ra quyết định. Một số muốn tham gia lực lượng không quân hoặc quân đội, số khác thì muốn tiếp tục học đại học rồi mai sau làm công tác giảng dạy. Tôi thì chẳng biết mình muốn gì nữa, nhưng chắc chắn là tôi đã chán ngấy các lớp học và cũng chẳng có ý định nhồi cuộc đời mình vào cái khuôn của cuộc sống bình thường. Tôi không muốn một tuần năm ngày xoay vần với công việc từ sáng tới tối, chỉ thực sự sống vào cuối tuần và nhìn đời trôi cho đến khi chết. Dù chỉ mới 17 tuổi, tôi đã cảm nhận được cuộc sống này quá thể ngắn ngủi và thực sự muốn dùng quãng thời gian quý giá đó của bản thân để trải nghiệm nhiều nhất có thể. Tôi ước mình có thể làm được một điều gì đó khác hơn. Sống không chỉ nên dừng ở tồn tại. Gia nhập quân đội thì nghe cũng thú vị nhưng tôi tin mình có thể thử thách bản thân hơn nữa – một điều gì đó hứng khởi khiến cuộc sống của tôi luôn kịch tính và đầy thách thức.

Tôi nghĩ mình là một gã mơ mộng. Mỗi tối, tôi thường miên man suy nghĩ trong những bộ phim tài liệu về thế giới hoang dã và những bộ lạc ở nơi xa xôi khuất nẻo. Có cả một thế giới rộng lớn ngoài kia đang chờ tôi khám phá mà những gì tôi biết thì quá ít ỏi. Tôi luôn mơ về một ngày có những chuyến chu du mạo hiểm nước ngoài, đơn giản là khám phá một quốc gia xa lạ nào đó, học cách sống của người bản địa, thử thách bản thân với những hành trình mới cùng vô số khó khăn và nguy hiểm. Chỉ như vậy tôi mới có thể cảm thấy bản thân phát triển. Phải quăng mình ra ngoài thế giới mới khiến con người tôi trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn được.

Tôi cũng có niềm tin lớn vào những trải nghiệm. Tôi có thể dành hàng giờ để nghe một ai đó nói về những nơi họ đã đi qua hay việc họ đã làm. Những con người đạt được vô vàn điều to lớn bất chấp mọi nghịch cảnh luôn là nguồn cảm hứng cho tôi – những người luôn giữ niềm tin và thành công trên muôn nẻo đường đời, những vận động viên hay bất cứ ai chạm tới đỉnh cao trong mọi lĩnh vực họ tham gia.

Thể thao thực sự có thể đem đến sức mạnh tinh thần lớn lao. Những giờ tập luyện vất vả luôn khiến đầu óc tôi thực sự thư thái, giúp tôi có niềm tin vào mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng, đi du lịch còn tuyệt vời hơn cả vậy. Không có giới hạn, không có huấn luyện viên bên cạnh nhắc nhở tôi phải làm gì: Tôi phải tự lo cho cuộc đời mình. Chỉ cần nghĩ đến sự tự do, sự giải phóng khỏi những giới hạn hay những điều lặp đi lặp lại nhàm chán là tôi lại thấy hưng phấn. Khi bạn đi du lịch, mỗi con đường đều khác biệt. Sẽ có những giây phút hiểm nguy, thậm chí ngàn cân treo sợi tóc nhưng tôi đã sẵn sàng đối mặt với chúng. Mà dù cho tôi có sẵn sàng hay không đi chăng nữa, trải nghiệm và sai lầm chính là bài học tốt nhất để tôi có thể trưởng thành. Sự cố gắng để không lặp lại một sai lầm đến lần thứ hai cũng là một cách học rất tốt. Là một vận động viên, đôi khi bạn vẫn nằm trong vòng an toàn của bản thân – không phải lo nghĩ về chế độ ăn uống, có người khác đốc thúc thời gian tập luyện. Còn tôi thì luôn muốn có thể tự mình chuẩn bị mọi thứ, chịu trách nhiệm với chính mình và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.

Nghe thì có vẻ đầy hứng khởi và tự tin, nhưng nó cũng không thực sự khả thi lắm. Chặng đường đại học của tôi mới được một nửa, tôi mới mua một chiếc ô tô và “tút tát” chút chút, thế thôi mà cũng ngốn cả bộn tiền. Trong khi đó tôi vẫn còn đang làm bồi bàn để cố kiếm 3-4 bảng mỗi giờ. Với cái mức lương như thế thì chắc còn lâu tôi mới tích góp đủ tiền để bắt đầu biến giấc mơ thành sự thật. Có quá nhiều thứ cần thay đổi nếu tôi thực sự muốn làm. Nghe thì hay mà thực sự lại ngớ ngẩn và chẳng khả thi chút nào. Nhưng càng nghĩ về nó, tôi lại càng muốn thực hiện. Một ngày vào năm cuối đại học, trước khi đi làm, tôi nán lại nói chuyện một chút với bố về kế hoạch của mình.

Bố tôi là một người tuyệt vời. Ông giống như anh trai của tôi hơn khi chúng tôi thường xuyên nói chuyện và cười đùa vui vẻ. Sau khi nghe tôi trình bày, ông thực sự thích ý tưởng ấy. Chúng tôi ra ngoài sân, trên tay là bút và giấy. Đó là một ngày hè oi bức. Cậu em Brodey 3 tuổi đang ngồi trong bóng râm chơi với đám cỏ khi mẹ tôi đang làm vườn. Tôi và bố ngồi trên ghế, vẽ ra hàng loạt những ý tưởng, cùng ấp ủ một kế hoạch.

Tôi hiểu bố mẹ mình không phải kiểu phụ huynh nuông chiều con, thoải mái vứt cho tôi một đống tiền rồi tôi muốn làm gì thì làm. Thực ra, họ cũng không có nhiều tiền để cho tôi. Bố tôi từng làm nhiều công việc, từ chuyên viên tư vấn tài chính, tư vấn vay thế chấp nhà cho tới quản lý cửa hàng. Còn mẹ thì làm dược tá bán thời gian tại một phòng khám (nhờ vậy nên trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn đồ cứu thương). Ngoài ra, bà còn làm tình nguyện viên cho đường dây nóng hỗ trợ trẻ em cho tổ chức chống bạo hành trẻ em quốc gia. Tôi biết họ luôn làm việc chăm chỉ, dành thời gian chăm sóc cho Brodey, trước đó là tôi và chị Tash.

Bố mẹ luôn ở đó mỗi khi tôi cần họ, nhưng cả hai người không muốn tôi quá phụ thuộc khi không thể tự mình giải quyết việc; họ đã cố nuôi dạy tôi trở thành người có thể tự giải quyết vấn đề của bản thân. Tôi biết bố mẹ luôn luôn ủng hộ, sẵn sàng lắng nghe, giúp tôi có định hướng nhưng dần dần, họ khiến tôi hiểu ra rằng nếu tôi muốn có thứ gì, tôi phải nỗ lực để có nó. Không ai bày thức ăn lên đĩa sẵn cho bạn thưởng thức cả.

Những dòng ý tưởng cứ tuôn tràn trong đầu tôi và bố, đủ để chúng tôi vẽ ra cả một bản đồ tư duy. Nó đơn giản như một cái mạng nhện bày ra trên trang giấy: Cụm từ “Du lịch thế giới” được vẽ ở giữa rồi tỏa đi các hướng những dòng chữ khác với đủ kế hoạch, như thể là những con đường giúp tôi đạt được mục tiêu. Mỗi con đường nhỏ có những ô tròn nhỏ, nơi tôi viết ra tất cả những điều tôi muốn, từ điểm đến cho đến thời gian. Và mọi thứ tôi phải lên kế hoạch, từ xin visa cho đến tiêm phòng vaccine.

Tôi chia nhỏ kinh phí ra thành các phần, từ đó tính ra tôi sẽ tiết kiệm bao tiền một tháng rồi nhẩm tính ngày mà tôi có thể bắt đầu cuộc hành trình. Tôi sẽ bắt tay viết một chuyên mục “kỹ năng cần thiết để đi nước ngoài”, có lẽ nó sẽ giúp tôi kiếm chút tiền trong khi đi du lịch.

Sau đó, tôi dán kế hoạch trên tường trong phòng ngủ, đính bên cạnh là tấm bản đồ thế giới, ở giữa là chiếc huy hiệu mà bạn tôi tặng với khẩu hiệu: “Ai dám làm là kẻ chiến thắng”.

Tôi quyết định rằng mình cần khoảng 10-12.000 bảng để đủ tiền đi du lịch trong một thời gian dài. Thay vì cứ nhìn vào khoản tiền lớn ấy, nếu tôi có thể chia nhỏ mục tiêu của mình ra và từng bước giải quyết, tôi sẽ tới được gần mục tiêu cuối cùng hơn. Trước đó, tôi đã lỡ chi tiêu quá nhiều vào ô tô, thuế, kiểm định xe, xăng, nên tôi quyết định bán nó đi, mua lấy một chiếc xe đạp và bắt đầu đạp xe nhiều hơn. Bước một: hoàn thành!

Công việc phục vụ với vài bảng một giờ xem chừng không đem tôi đi được bao xa. Chính vì thế, tôi quyết kiếm một chứng chỉ cứu hộ trong kỳ nghỉ hè trước khi năm hai bắt đầu để có thể nghĩ cách kiếm nhiều tiền hơn. Mọi người nói rằng lương lậu cho công việc này khá hậu hĩnh. Sau khi đã vượt qua bài kiểm tra, tôi có ngay một chỗ làm tại trung tâm bơi lội Llanduno chỉ trước sinh nhật 18 tuổi của tôi vài ngày. Với tôi, ca làm nào cũng được, miễn là có việc.

Tôi làm miệt mài ngày đêm, khoảng 200-250 giờ/tháng. Tôi đạp xe đến chỗ làm từ tờ mờ sáng sau khi khẽ khàng rời khỏi nhà để không đánh thức em trai dậy, mà nếu nó không bị thức giấc thì bố mẹ tôi có thể tiếp tục ngủ ngon. Ở chỗ làm, việc chỉ ngồi nhìn người ta bơi ngược bơi xuôi cả ngày khiến tôi thấy chán ớn nhưng vẫn phải dán mắt vào họ. Tôi từ chối mọi cuộc đi chơi buổi tối vì không muốn lãng phí tiền dành dụm để đi du lịch. Thực ra tôi cũng khá quy củ và nghiêm khắc với bản thân; thay vì đi đến mấy quán rượu với đám bạn, tôi thà ở nhà lên kế hoạch du lịch và tập luyện còn hơn.

Mùa hè dần qua đi, bức tường trong phòng tôi không chỉ có một tấm bản đồ tư duy mà còn tràn ngập những tấm hình về nơi mà tôi muốn đặt chân đến hay những câu trích dẫn đầy cảm hứng. Tôi thực sự tâm đắc với những thứ như Quy luật Hấp dẫn: Nếu chúng ta tập trung vào một thứ gì, nó sẽ tìm đến cuộc đời ta; thay vì ngập trong những suy nghĩ tiêu cực, hãy hình dung ra viễn cảnh về những điều bạn thực sự muốn nó xảy đến trong cuộc đời mình và suy nghĩ tích cực lên. Tôi muốn đẩy bản thân đi xa hơn để biết rằng mọi điều đều là có thể.

Đám bạn của tôi không hiểu được những điều này. Một trong mấy đứa bạn thân nhất có treo vài tấm poster phim Gia đình Simpson hay giải đấu vật trên tường phòng ngủ của nó. Nghĩ lại thấy chúng tôi khác nhau quá thể, nhưng chắc vì thế mà chơi với nhau lâu được. Khi tôi nói với nó rằng tôi muốn bước trên Vạn Lý Trường Thành một ngày nào đó, nó làm bộ gãi đầu rồi nói: “Rồi sao nữa, rồi mày làm gì sau đó, khi mày trở về?”. Đấy không phải một mục tiêu cuộc đời trong mắt nó, vì nó muốn một cuộc đời thoải mái, sung túc. Cũng tốt thôi, chỉ là không phải thứ tôi muốn. Cảm hứng đến với cuộc đời tôi từ những thứ khác cơ.

Có lẽ tôi dành quá nhiều thời gian trong ngày ở bể bơi nên dần dà tôi cũng thấy mấy người cùng làm cứu hộ tại bể bơi khá vui vẻ, thế là tôi bắt đầu chơi với họ nhiều hơn. Họ biết tôi đang cần càng nhiều tiền càng tốt và sẵn sàng làm thêm, nên thỉnh thoảng sau ca làm buổi sáng, tôi đạp xe về nhà, họ sẽ gọi lại. Về cơ bản là tôi sẽ lại è cổ đạp xe quay lại, làm thêm một ca nữa. Kể ra cũng vui, cả đám lại cười đùa, đẩy nhau xuống bể bơi, kiếm xem có gì làm cho qua ngày.

Ngày đầu tiên tôi nói chuyện với Mat cũng kiểu như vậy. Cậu ấy làm cùng ca trực với tôi. Đó là một buổi chiều yên ả, nhiệm vụ của cả hai chỉ là để ý đến người bơi duy nhất đang lặn ngụp cùng chiếc mũ bơi của cô ấy. Tôi bắt đầu càm ràm về những quy tắc an toàn và sức khỏe mới được ban bố. Quản lý vừa mới dán một thông báo trên bảng trong phòng nhân viên, bảo rằng chúng tôi không được phát những chiếc phao bơi cho trẻ em nữa.

“Cậu tin được không? Sao lại có thể lý luận cái kiểu: nếu đứa nhóc nào đó đặt cái phao dưới nước, nó có thể trồi lên bất ngờ và đập vào mặt tụi nhỏ. Lũ trẻ có thể bị thương chỉ vì một cái phao nhựa! Buồn cười! Nghe thì an toàn đấy nhưng nó cũng chẳng tốt…”

Mat nhìn tôi chằm chằm khi tôi phàn nàn. Chẳng nói năng gì, cậu ta lấy một cái phao thử ném nhẹ vào mũi mình rồi đảo đảo mắt, giả vờ bị ngất, cố cường điệu mọi thứ có thể. Chúng tôi cùng phá lên cười.

“Ý tớ là chẳng cần thiết phải có một tấm biển “Cẩn thận kẻo ngã” nào trên bậc cả. Ai chẳng đọc được mấy cái chữ đấy. Phải vấp ngã vài lần thì may ra mới có được bài học cho bản thân.”

Nghiêm túc mà nói, tôi chúa ghét đủ thứ nguyên tắc, đặc biệt là mấy cái quy định an toàn và sức khỏe yêu cầu chúng tôi không được phép làm quá nhiều ca, cấm cả việc cười đùa hay nghịch ngợm đẩy đám đồng nghiệp xuống bể bơi. Nhờ thời gian rảnh rỗi đó, tôi mới nói chuyện được với Mat. Cậu ấy hơn tôi một tuổi, chúng tôi từng làm hàng xóm của nhau trong năm cuối trung học. Thú thật, tôi chưa bao giờ thực sự bắt chuyện với cậu ấy vì dù sao cũng học khác khóa. Mat có vẻ rụt rè và trầm tính với cuộc sống kín đáo nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Những gì tôi biết về cậu ta chắc chỉ có vậy.

Cái tên Mat chỉ khiến mọi người chú ý nhiều hơn sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà cậu trải qua năm 18 tuổi. Sau vụ tai nạn giữa hai xe ô tô, cậu là người sống sót duy nhất khi hai người bạn cùng trên xe cùng người tài xế ở chiếc xe còn lại đều tử nạn. Người ta tìm thấy Mat trên ghế sau và phải mất một lúc lâu, đội cứu hộ mới có thể phá cửa để đưa cậu ra ngoài. Ngoài chiếc chân bị gãy, sức khỏe của Mat hoàn toàn ổn. Cậu ấy đã phải nghỉ mất vài tuần mới hồi phục được sức khỏe. Nghe tin về vụ tai nạn, ai cũng bàng hoàng.

Lại nói về cuộc trò chuyện của chúng tôi, Mat có đề cập tới chuyên ngành hoạt động ngoài trời mà tôi đang theo học. Tôi kể cho Mat tường tận và cậu ấy hỏi:

“Vậy sao cậu không chọn con đường làm một huấn luyện viên hoạt động ngoài trời?”

Chỉ chờ câu hỏi kiểu vậy, tôi tuôn ra một tràng như con đập mở van xả nước về những ý tưởng điên rồ nhất ấp ủ bấy lâu cho chuyến du lịch. Sự nhiệt thành của tôi có lẽ đã khiến cậu ấy lung lay. Mat nói rằng mình cũng từng nghĩ tới việc nghỉ việc để đi du lịch. Cậu ấy cũng không ngại nếu được theo cùng. Thú thật thì tôi chưa nghĩ tới việc sẽ đi cùng một người bạn, lại còn là Mat, người mà tôi mới quen biết gần đây. Tôi không chắc liệu chúng tôi có hợp nhau không nữa. Thực ra thì cũng chẳng mất nhiều thời gian để chúng tôi chơi với nhau thân thiết và cái ý tưởng về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm điên rồ ấy khiến cậu ta vô cùng hứng khởi.

Vụ tai nạn cách đây không lâu đã khiến Mat thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống khi cậu ta nhận ra rằng mọi thứ có thể biến mất chỉ trong tích tắc. Điều ấy đã thôi thúc Mat quyết tâm lên đường và sống cuộc đời thực sự ý nghĩa sau khi đã được trao cơ hội sống thứ hai. Cậu nhận ra rằng cuộc sống này đáng quý biết nhường nào và điều quan trọng là ta được làm những điều khiến bản thân cảm thấy thực sự được sống, những điều ta vô cùng trân trọng.

Chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn để trao đổi ý tưởng và lên kế hoạch. Chỉ cần lật qua những trang tạp chí, nghĩ về những điểm đến trong cuộc hành trình hay vô số điều mà chúng tôi sẽ thực hiện đã khiến cả hai vô cùng hào hứng: Nhảy bungee cao nhất thế giới, học lướt sóng, tập thử môn võ nào đó hay học những kỹ năng sinh tồn từ một bộ lạc,… Ý tưởng cứ thế tuôn ra và chúng tôi chẳng bao giờ phản bác nhau theo kiểu: “Không, tớ không thích nó lắm…”. Chúng tôi thích thú với mọi ý tưởng và tôi biết chắc rằng, Mat sẽ là một người bạn đồng hành tuyệt vời.

Dần dần, những kế hoạch cho chuyến du lịch trở thành một phần cuộc sống, đến mức chúng tôi như bị ám ảnh bởi nó, bằng tất cả sự quyết tâm và nỗ lực. Đi kèm với đó là những khoảnh khắc chúng tôi thực sự thấy vui vẻ sau mỗi cuộc trò chuyện và bày ra đủ trò chơi khăm nhau. Một ngày sau khi tan ca làm, chúng tôi ngược chiều gió đạp xe về nhà. Đến một đoạn đường rẽ 2 lối, tôi nói với Mat: “Cậu đi bên trái, tớ rẽ bên phải”. Tôi nghĩ rằng cậu ấy biết thừa bị tôi lừa nhưng hóa ra không phải. Mat đồng ý và lao xuống con dốc. Đạp xe trên con đường kế bên mà tôi cười chảy cả nước mắt vì biết rằng, cuối con dốc ấy là điểm đầu của bậc cầu thang dài vô cùng. Rốt cuộc, cậu ấy phải vác cả chiếc xe đạp lên bậc thang đầy khó nhọc, vừa đi vừa gào vào mặt tôi. Cũng từ mấy vụ chơi khăm ra trò ấy mà chúng tôi ngày càng thân thiết hơn.

Mat cũng vô cùng quyết tâm với hành trình này và khi chứng kiến cường độ tập luyện của tôi – chạy, đạp xe đạp, đấm bốc, chạy leo đồi cũng như các bài tập thể hình như chống đẩy, hít xà, gập bụng, cậu ấy cũng muốn thử thách sức chịu đựng của bản thân hơn. Ban đầu, Mat có phần dè dặt với việc tập thể lực nhưng nhờ sự huấn luyện của tôi, kỹ năng của cậu ấy ngày càng được cải thiện, cả về thể chất và tinh thần. Sự thôi thúc trong chúng tôi ngày càng mãnh liệt và cả hai tin rằng một khi đã nỗ lực hết mình thì không gì là không thể.

Ban đầu, bố mẹ Mat có phần e dè về kế hoạch du lịch tới tít bên kia bán cầu của cậu con trai – có lẽ cũng một phần nguyên nhân vì vụ tai nạn kinh hoàng mà cậu may mắn sống sót. Họ thuộc về một thế hệ khác và những điều chúng tôi vẽ ra khiến bố mẹ Mat hơi hoang mang. Mat phải thuyết phục bố mẹ, ban đầu chỉ nói đi ngắn ngày rồi dần dần mới tiết lộ kế hoạch dài hơi của hai đứa. Khi họ nhìn thấy ngọn lửa quyết tâm cháy lớn trong lòng cậu con trai, cả hai cũng đồng ý và ủng hộ kế hoạch của Mat.

Về phần bố mẹ tôi, cả hai đều đã biết về kế hoạch này cũng như cùng tôi phác họa nên những bước đầu tiên, vì thế họ hiểu rằng, tôi sẽ làm mọi thứ một cách cẩn thận. Mẹ tôi thoạt đầu cũng lo nhưng tôi và mẹ có sợi dây liên kết tinh thần vô cùng mạnh mẽ. Mẹ luôn sẵn sàng giải thích cho tôi mọi điều, giữ cho tôi có cái đầu tỉnh táo và bình tĩnh. Là một phần của cả hành trình tôi đã đi qua, mẹ cũng quá quen thuộc với mọi ý tưởng, háo hức và hào hứng lên đường như thể đó là cuộc hành trình của bà vậy. Mat và tôi đã lên kế hoạch cho bốn năm tới, du lịch và làm việc, và nếu muốn, thỉnh thoảng chúng tôi có thể trở về nhà.

Suốt một năm dài đằng đẵng, chúng tôi cố gắng làm nhiều ca nhất có thể cũng như sắp xếp để có thời gian làm cùng nhau. Trong những ca làm việc chung, cả hai lại say sưa với vô vàn ý tưởng, khuyến khích, động viên nhau. Có lẽ vì thế, chúng tôi ngày càng khăng khít hơn bao giờ hết. Tôi cũng nhận ra rằng, thay vì phải về nước khi hết tiền du lịch, tôi có thể tìm một công việc ở nước ngoài để kiếm tiền trang trải tiếp. Ngoài kia là đầy rẫy những cơ hội và mọi thứ không chỉ gói gọn trên hòn đảo nhỏ chúng tôi đã sống gần 20 năm cuộc đời. Ban đầu, Mat và tôi tính làm người hướng dẫn trượt tuyết. Tuy nhiên, chi phí đào tạo cũng không rẻ nên cả hai đã đổi sang hướng làm người hướng dẫn lặn. Suy đi tính lại, với 75% diện tích thế giới là nước, các thành phố lớn lại tập trung nhiều ở ven biển, không khó để chúng tôi có thể kiếm được công việc ngon nghẻ tại châu Á, châu Úc hay bất cứ đâu nếu thông thạo môn lặn.

Chúng tôi tìm thấy một trung tâm dạy lặn ở Chester, nước Anh, cũng không xa nhà là bao. Hoàn thành khóa học, chúng tôi sẽ có chứng chỉ lặn cơ bản, nâng cao và thợ lặn cứu hộ. Sau đó, bạn cũng cần đến chứng chỉ lặn chuyên nghiệp để có thể trở thành một huấn luyện viên dạy lặn. Chúng tôi cần thực hiện 60 lần lặn trước khi có thể bắt đầu làm việc. May mắn thay là việc ấy có thể làm trong thời gian đi du lịch. Một khi bạn đã có đủ trình độ và bằng cấp, việc kiếm tiền khi đi du lịch cả năm trời cũng không quá khó khăn.

Dù chưa bắt đầu hành trình, chúng tôi đã phải ngốn một mớ tiền tiết kiệm cho mấy buổi học lặn tại cái hồ nước lạnh lẽo, xám xịt này. Những thợ lặn người Anh từ lâu đã có tiếng thuộc hàng giỏi nhất thế giới, một phần là vì điều kiện tập luyện khắc nghiệt mà họ phải trải qua. Nhưng kể ra, nó cũng sẽ giúp chúng tôi sẵn sàng với bất kể tình huống nào.

Môt ngày mùa đông lạnh lẽo và ảm đạm, chúng tôi có bài tập lặn sâu đầu tiên trong khóa học nâng cao tại khu hồ Dorothea, Llanllyfni. Đây từng là một mỏ đá lớn nằm trong thung lũng Nantlle, được khai thác hết công suất từ những năm 1820 đến 1970 trước khi mưa và nước lũ nhấn chìm nó. Nếu có ai nói đó là một cái hồ tự nhiên cũng được; bao quanh hồ là những vách đá xám ngắt, những bụi cây ken dày đặc và cả một khoảng rừng kéo tít tắp theo những rặng đồi. Quả thật sự lạnh lẽo, tăm tối của một ngày đông khiến không khí nơi này trở nên não nề hơn. Cái ớn rợn còn phảng phất khi tôi biết được rằng đã có vài thợ lặn bỏ mạng tại vùng nước đen ngòm này cách đây hai tuần. Thực tế thì, suốt hơn hai thập kỷ qua, vùng hồ này đã chứng kiến hàng chục người tử nạn. Cái tên hồ Dorothea từ lâu đã gắn liền với sự tối tăm và lạnh giá nên việc đi lặn tại đây mà không có người giám sát bị phản đối dữ dội. Nhưng suy cho cùng, đây là một nơi hoàn hảo để tập luyện cho các huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Chúng tôi mặc bộ đồ lặn, khoác lên mình bình dưỡng hỗn hợp khí ô-xi và ni-tơ. Huấn luyện viên cho chúng tôi một bài kiểm tra toán viết trên tấm bảng trắng và được buộc vào thiết bị kiểm soát nổi nên chúng tôi vẫn có thể làm bài dưới đáy sâu. Rùng mình vì cái lạnh, chúng tôi lặn sâu xuống tới hơn 30 m. Không mất quá lâu để tôi hiểu “say ni-tơ” thực sự như thế nào. Đó là một cảm giác hơi chóng mặt, nôn nao khi bạn hít vào một loại khí trong điều kiện áp suất lớn, đi kèm với đó là cái lạnh thấu xương của đáy hồ khiến não và khả năng suy nghĩ của bạn bị chậm lại, như khi bạn bị tiêm thuốc gây mê vậy. Chúng tôi làm một bài kiểm tra toán thứ hai, chắc mẩm là sẽ chậm hơn lần đầu. Tôi nhìn xung quanh và phía trên đầu: Từ sâu dưới lòng hồ, mọi thứ trông thật kỳ vĩ đến ngỡ ngàng. Tôi lẩm bẩm trong bình dưỡng khí “Chết tiệt”. Ai cũng nói rằng lặn với bình dưỡng khí sẽ đem đến cho bạn cảm giác giống như ở ngoài không gian nhất và lúc đó, tôi thấy mình lơ lửng như một phi hành gia vậy.

Vậy là cũng xong khóa học nâng cao.

Thời gian rảnh, chúng tôi cũng phải chạy đôn đáo để lo các thủ tục visa cũng như tiêm vaccine, đặt vé máy bay, quản lý tài chính, liên lạc với một vài người. Tự mình lo liệu hết những việc đấy khiến tôi cảm giác mình đã trưởng thành được phần nào, dù chúng cũng cỏn con thôi. Mọi thứ xảy đến bất ngờ thật. Hơn hai năm trôi qua kể từ ngày ý tưởng đó nhen nhóm trong đầu tôi, ròng rã chuẩn bị và tiết kiệm suốt 18 tháng, Mat và tôi đã mua khá đầy đủ những thiết bị cần thiết và sắp xếp mọi thứ. Cuối cùng cả hai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Một ngày hè oi ả, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc chia tay nhỏ, đám bạn thân và mọi người gia đình đều đến chúc mừng. Chưa gì tôi đã thấy nhớ nhà rồi nhưng chắc chắn tôi sẽ liên lạc cho bố mẹ thường xuyên. Đã đến lúc, tôi và Mat bước ra ngoài thế giới bao la và bắt đầu hành trình lớn của đời mình.

Mua sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất” khoảng 62.000đ đến 65.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất Fahasa” tại đây

Đọc sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất ebook pdf

Để download “sách Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 28/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *