Yêu Trong Hoàng Hôn

Giới thiệu sách Yêu Trong Hoàng Hôn – Tác giả Ngọc Linh

Yêu Trong Hoàng Hôn

Nhà văn Ngọc Linh (1935 – 2002)

Tên thật là Dương Đại Tâm

Quê quán ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Ông là người nổi tiếng được biết đến ở nhiều lĩnh vực, vừa là nhà văn, vừa là nhà báo và đặc biệt là nhà viết kịch, viết cải lương.

Các tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành: Như hạt mưa sa, Đôi mắt người xưa, Mưa trong bình minh, Yêu trong hoàng hôn.

Yêu Trong Hoàng Hôn
Yêu Trong Hoàng Hôn

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Yêu Trong Hoàng Hôn
  • Mã hàng 9786046857747
  • Tên Nhà Cung Cấp NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM
  • Tác giả: Ngọc Linh
  • NXB: NXB Văn hóa Văn nghệ
  • Trọng lượng: (gr) 400
  • Kích thước: 14 x 20 cm
  • Số trang: 359
  • Hình thức: Bìa Mềm

Review sách Yêu Trong Hoàng Hôn

Trích đoạn sách

CHƯƠNG 1

Thanh vỗ vào đít đứa trẻ mới sanh, cho nó khóc ré lên, rồi quay sang mẹ nó:

– Cậu nầy lớn lên kháu khỉnh lắm! Tóc nó thật là đen.

Sản phụ rã rời tay chân, nhưng cũng gượng mở mắt nhìn con, mỉm cười. Thanh lấy khăn quấn đứa bé lại, hỏi tiếp:

– Bà đã khỏe chưa?

Thiếu phụ cố gắng đáp:

– Dạ đỡ nhiều rồi.

Thanh ái ngại nói:

– Lần sau, nhớ đến cho tôi săn sóc. Máu bà loãng, không chích thuốc trước, dễ băng huyết lắm.

Thiếu phụ lắc đầu:

– Dạ sanh lần nầy, chắc tôi nghỉ luôn.

Thanh cười nói:

– Cha! Cái vụ đó khó biết trước lắm. Tôi có một chị bạn, lần nào vào đây cũng nói như bà. Hôm qua, tôi mới đỡ cho đứa con thứ chín. Hai người cùng cười. Một cô y tá vừa vào, Thanh nói:

– Em ở đây với bà, chị bồng em bé về phòng trước.

Không đợi trả lời, Thanh xô cánh cửa phòng sanh bước ra. Có tiếng gọi nàng ở đầu cầu thang:

– Chị, có người đợi dưới phòng khách.

Thanh quay lại thấy Liên, vội hỏi:

– Ai đợi hả em?

Liên bước tới gần nàng:

– Một thiếu nữ, tóc còn kẹp! Chắc là nữ sinh.

Thanh cau mày, nhớ xem mình có hẹn với ai chăng? Nàng vụt bảo Liên:

– Em cho chị gởi “cậu nầy” về phòng số 15.

Liên ôm choàng cậu bé, bước đi vội vàng. Thanh xuống thang lầu, thẳng ra phòng khách. Nàng vừa đi, vừa liếc nhìn hai dãy phòng hai bên. Bảo sanh viện nầy của riêng Thanh lập ra, rất đông thân chủ, nhờ được tiếng sạch sẽ và sanh khéo tay. Tuy không có bác sĩ thường trực tại đây, nhưng gặp trường hợp khó khăn, Thanh gọi điện thoại, bác sĩ Quỳnh sẽ đến ngay. Phòng mạch cũng là nhà riêng của bác sĩ, chỉ cách bảo sanh viện Thanh Vân mỗi một con đường. Tuy nhiên, từ hồi vào nghề tới giờ, chưa lần nào Thanh phải nhờ bác sĩ tiếp tay. Nàng rất giỏi về khoa sản phụ và giàu kinh nghiệm thực hành. Bao trường hợp khó khó khăn, nàng đều vượt qua khỏi và giúp rất nhiều sản phụ “mẹ tròn con vuông”. Lời đồn đãi đó không khác nào một tấm “huy chương” mà các sản phụ đã tặng cho nàng. Những người ở gần bảo sanh viện tới sanh đã đành, chừng dọn nhà đi xa, họ vẫn tìm tới! Riêng Thanh, cũng vì cái tiếng đó mà nàng cẩn thận từng ly, từng tý, luôn luôn dặn dò các cô phụ tá phải tận tâm với nghề nghiệp. Thanh ra tới phòng khách, vụt đứng dừng lại nhìn vào. Một thiếu nữ đang ngồi xem báo. Nàng cúi thấp nên Thanh không nhìn rõ mặt. Thiếu nữ vừa ngẩng đầu, chợt thấy Thanh, luống cuống đứng dậy chào. Thanh tươi cười đáp lễ, nhưng vẫn chưa nhận ra được thiếu nữ là ai? Lạ hay quen? Nàng khẽ hỏi:

– Cô tìm tôi?

Thiếu nữ ngập ngừng:

– Cô Sáu… Cô quên cháu rồi sao?

Thanh bàng hoàng, ngó thiếu nữ. Từ lâu lắm, không ai gọi nàng tên đó cả! Ở bảo sanh viện nầy, mọi người đều lầm tưởng nàng thứ Hai…

“Cô Sáu”! Hai tiếng đó đã quá xa xôi đối với nàng nghe như từ trong dĩ vãng. Chỉ có những người cùng một làng mới biết nàng thứ Sáu! Qua phút đột ngột, Thanh cất tiếng:

– Cô là ai? Sao mà biết tôi thứ Sáu?

Thiếu nữ ngập ngừng bảo nàng:

– Dạ, cháu là Yến Ngọc!

Thanh vẫn ngơ ngác:

– Yến Ngọc! Cô là người ở đâu?

Thiếu nữ cúi mặt, lộ vẻ buồn rõ rệt. Thanh ái ngại nói:

– Cô đừng phiền… có lẽ tại lâu lắm mình không có dịp gặp nhau.

Yến Ngọc cất giọng xa xôi:

– Dạ! Hồi cô rời khỏi làng, cháu còn nhỏ lắm. Cô không nhìn ra là phải.

Thanh mừng rỡ nói:

– Vậy là cô ở Cái Muối?

– Dạ…

– Yến Ngọc? Ở Cái Muối? Cháu là con của…

Yến Ngọc tiếp lời:

– Dạ Tư Hạnh!

Thanh bước tới nắm lấy tay thiếu nữ, kêu lên:

– Cháu Ngọc! Bây giờ lớn như thế nầy sao? Ai mà dè!

Ngồi xuống đây cháu…

Yến Ngọc nhìn nàng, rơm rớm nước mắt, có lẽ vì quá mừng là Thanh vẫn còn nhớ mình. Thanh cũng xúc động bồi hồi, trước sự gặp gỡ bất ngờ đó. Nàng hỏi liên miên:

– Cháu lên hồi nào? Lên với ai? Anh Tư mạnh giỏi hả?

Yến Ngọc vẫn để tay mình trong tay Thanh đáp nhỏ:

– Dạ… Cháu ở học trên nầy… đã mấy năm nay…

Thanh cau mày hỏi:

– Sao không tới thăm cô? Tệ thì thôi. Cháu ở nhà ai trên này?

Thiếu nữ lặng thinh cúi mặt. Hình như có sự gì khó nói lắm. Thanh đoán chừng như vậy, nên hỏi tiếp:

– Sao cháu? Đã học đến đâu rồi?

Yến Ngọc đáp mà không nhìn nàng:

– Dạ, cháu học đệ nhứt!

– Giỏi vậy sao? Cháu đã có tú tài phần một?

– Dạ…

Thanh bỗng quay vào trong gọi lớn:

– Chị Ba ơi!

Yến Ngọc lấm lét nhìn Thanh, đôi mắt chớp lia. Hình như nàng không muốn cho nhiều người biết mình đang ở đây. Một thiếu phụ vừa chạy ra, Thanh liền nói:

– Lấy nước ngọt uống chị Ba. Nước cam, hay xá xị cũng được.

Yến Ngọc sợ làm phiền lòng Thanh, nói ngay:

– Thưa cô! Cháu không khát. Cháu muốn thưa với cô một việc! Thanh khoát tay cho chị Ba đi lấy nước, rồi hỏi Yến Ngọc:

– Chuyện gì hả cháu?

Yến Ngọc liếc mắt ngó nàng rồi cúi xuống. Đôi mắt đen và dài của thiếu nữ gợi nàng nhớ đôi mắt của Tư Hạnh, chàng thanh niên mà nàng hết dạ yêu thương trong những ngày xa xưa ở quê hương. Những ngày đó đã chìm sâu vào dĩ vãng, nhưng trong lòng nàng vẫn còn lưu dấu những kỷ niệm khó phai mờ.

… Thuở ấy, Thanh còn là nữ sinh trường áo tím, còn Hạnh vừa đỗ bằng Thành chung và mới rời trường Trung học Lê Bá Cang. Họ quen nhau vào những ngày đầu kháng chiến, dân mình còn chống thực dân bằng tầm vông vạt nhọn. Nhiệt thành yêu nước, ý thức được trách nhiệm của mình trước họa xâm lăng, cả hai đều gia nhập tổ chức Thanh niên Tiền phong. Từ đó, họ có dịp sống gần nhau, nên đã cảm thông tánh tình, đức độ. Tình yêu đến với họ lúc nào không biết, nhưng cả làng đều đồn đãi chuyện hai người. Có lẽ tại hai người rất xứng đôi và ai nấy đều muốn có sự tác hợp đó! Rồi quân Pháp chiếm Vĩnh Long, súng nổ vang trời dậy đất. Trong làng, các gia đình khá giả đều rục rịch tản cư. Hạnh theo đoàn quân kháng chiến, trong lúc Thanh lại cùng gia đình tản cư ngược ra thành phố để tránh tai họa bất kỳ. Hai người bặt tin nhau một thời gian khá lâu: gần năm sau mới liên lạc thơ từ được. Hạnh vẫn yêu nàng, còn Thanh tiếp tục học thêm và quyết lòng chờ đợi ngày người yêu trở lại! Chàng càng đi xa, tin tức càng vắng và sau cùng bặt luôn. Năm năm sau, Thanh được tin Hạnh đã lấy vợ và có con. “Tiểu gia đình” của chàng đã trở về Cái Muối! Thật như sét đánh ngang tai! Nàng khóc mấy đêm dài, trong lòng oán hận kẻ bội bạc đã làm dang dở tình nàng. Thanh thi vào nhà thương Từ Dũ để học khoa sản phụ, tâm hồn luôn luôn nuôi dưỡng mối hận đối với đàn ông! Nàng quyết không lấy chồng, nên gặp những sinh viên y khoa sắp ra trường tỏ tình thân thiết, nàng “lạng” ra hết, không chút ân hận. Thanh thường phổ biến quan niệm của mình với các bạn: “Đàn ông, họ yêu không cần suy nghĩ trước nên dễ quên, còn đàn bà, con gái chúng mình quá thận trọng nghĩ suy, nên suốt đời vẫn nhớ!”. Trên “lý thuyết” các cô bạn đều hoan nghinh quan niệm của Thanh, nhưng trong thực tế họ đều “phản bội” nàng!…

Cuối niên học, kiểm điểm lại, chỉ có mình Thanh là “đơn chiếc”… Hầu hết đều hứa hẹn hay là có người yêu. Thanh càng thua buồn và chán nản sự đời hơn. Nghỉ hè năm đó, nàng có nhận được thư của Hạnh. Bức thư viết thật dài. Thì ra, Hạnh vì bịnh lao mà phải bỏ dở cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài… Chàng giãi bày hoàn cảnh nào phải lấy vợ và bội ước với nàng. Hạnh chỉ xin Thanh xem mình như một bạn cũ… Thanh còn nhớ rõ lý do vì sao Hạnh cưới vợ! Nó giản dị hơn nàng tưởng tượng nhiều lắm. Hạnh đau quá nặng, tưởng đâu đã chết! May nhờ sự săn sóc hết tình của Hương mà chàng thoát qua cơn bịnh ngặt nghèo. Chàng cưới Hương vì nghĩa nhiều hơn vì tình! Bức thư của Hạnh đã an ủi Thanh rất nhiều! Nàng có cớ để mà tha thứ cho người yêu. Dù có oán ghét Hạnh cho đến thế mấy, nàng cũng không thể dối lòng mình là hết yêu chàng. Nàng chỉ còn cố quên thôi, chớ trách cứ người xưa làm gì nữa?

Một chuyến về quê, nàng tìm cách tới thăm Hạnh và gia đình. Thanh xót xa lắm khi thấy Hạnh gầy còm, già cỗi đi, không còn dáng dấp nhanh nhẹn như trước kia… Hương thì đen đúa làm vườn làm tược, nuôi heo cúi, “thắt lưng buộc bụng” nuôi chồng. Bầy con nheo nhóc… Gặp lại Hạnh, lần đó Thanh hoàn toàn quên hẳn mối hận lòng. Lúc ấy Yến Ngọc mới vào khoảng 8, 9 tuổi đầu…. Thế mà bây giờ!… Thanh ngó cô gái trước mặt mình, mỉm cười tiếp tục câu chuyện:

– Cô thật không dè, cháu mau lớn như vậy. Mới năm nào còn bé loắt choắt! Yến Ngọc cũng gượng cười đáp:

– Dạ! Lúc đó con đau rề rề. Ba má nói lại: sợ con lớn không nổi!

Thanh hỏi nhanh:

– Ba má mạnh hả cháu?

Yến Ngọc gật đầu:

– Dạ! Ba con bây giờ khá lắm! Có lẽ nhờ “cấy nhau” đó cô… Còn má, trái lại bịnh hoạn luôn. Thanh thành thật hỏi:

– Má bịnh hoài sao! Kìa, hồi cô xuống thấy má… Coi bộ còn mạnh hơn cô nữa mà…

– Dạ! Có lẽ tại làm việc nhiều rồi lao tổn thân xác.

Thanh nghĩ tới Hương, người đàn bà mà nàng tưởng đâu mình sẽ ganh ghét đến suốt đời, chừng gặp mặt, bao nhiêu oán hờn tan biến hết. Hương đảm đang hiền dịu và khôn ngoan lắm. Lần đó, chính Hương đã nắm tay nàng bảo:

– Anh Hạnh đã nói với em nhiều chuyện về chị. Tuy chưa gặp nhau, nhưng em thấy mến chị nhiều…

Thanh cũng bóp chặt bàn tay Hương, không nói một lời.

Yến Ngọc vụt ôm mặt khóc, Thanh sững sờ ngó đứa con gái của người yêu cũ, chẳng hiểu ra làm sao cả… Nàng hỏi nhanh:

– Kìa! Ngọc… Chuyện gì vậy?

Yến Ngọc nghẹn ngào:

– Má con đã khổ như vậy mà con còn làm khổ thêm! Chắc con phải chết quá cô Sáu ơi!

Thanh hết hồn, đến bên nàng ngồi sát xuống

– Cháu đừng nói vậy? Có chuyện gì hệ trọng lắm sao? Không thể giải quyết được thì nói hết cho cô nghe đi… Yến Ngọc vẫn khóc nức nở như để vơi bớt nỗi sầu. Thanh nhìn nàng, càng lúc càng thương hại. Nàng chợt nghĩ: “Hay cô ta thi rớt phần nhì?”. Ý nghĩ vừa nẩy ra, nàng hỏi ngay:

– Yến Ngọc! Bộ cháu mới thi rớt hả?

Thiếu nữ lắc đầu:

– Dạ không! Con đâu có đi thi… Con xấu hổ quá! Chỉ

còn có nước chết mới hết ô nhục.

Thanh bàng hoàng trước những lời gần như tuyệt

vọng của Yến Ngọc. Tại sao vậy? Nàng đoán chừng cô gái nầy đang có tâm sự gì chưa tiện nói ra. Kéo Yến Ngọc vào mình, Thanh hỏi nhỏ:

– Cháu Ngọc? Có chuyện gì buồn khổ nói hết cho cô nghe đi…

Yến Ngọc gục đầu vào ngực nàng khóc nức nở. Thanh bồi hồi trong dạ, nhưng cũng lặng thinh chờ cho thiếu nữ bớt xúc cảm, mới hỏi:

– Cháu đừng khóc nữa! Đang gặp chuyện khó khăn gì ư? Nói hết cho cô nghe đi, họa chăng cô giúp được phần nào. Thiếu nữ vẫn lặng thinh. Thanh đột ngột hỏi:

– Cháu bị người ta hại ư?

Yến Ngọc lắc đầu đáp:

– Chẳng ai làm gì cả! Cháu tự hại mình… Cô thương cháu với cô Sáu!

Thanh càng lúc càng nghi ngờ hơn. Nàng đã có kinh nghiệm trong những chuyện dại dột của các cô gái đến tuổi dậy thì nên mở đường cho Yến Ngọc nói:

– Ngọc. Bộ cháu thương ai hả?

Yến Ngọc gật đầu rồi úp mặt vào ngực Thanh, không

dám ngẩng lên. Thanh vuốt tóc nàng thở dài:

– Cô biết lắm mà! Bộ muốn nhờ cô nói giùm với ba phải không?

Yến Ngọc ngồi thẳng dậy, nhìn Thanh với đôi mắt hoảng hốt rồi lắc đầu lia lịa:

– Không! Trời ơi! Ba biết được, ổng giết con chết ngay.

Thanh mỉm cười bảo thiếu nữ:

– Biết sợ ba như vậy, sao không lo học? Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

– Dạ mười chín.

– Mười chín mà định có chồng sao? Còn sớm lắm đó cháu.

Yến Ngọc cúi mặt, lắc đầu không trả lời. Thanh muốn tìm hiểu thêm câu chuyện Yến Ngọc định nhờ mình, nên hỏi:

– Cậu đó có thương cháu không? Con nhà ai vậy?

Yến Ngọc đáp nhỏ:

– Dạ. Anh ấy ở gần nhà con trọ học, em của ông Dược sư Bình.

Thanh kêu lên:

– Bình nào? Có phải Giám đốc viện bào chế dược phẩm Bình Lâm, ở đường Hai Bà Trưng không? Yến Ngọc chớp lia đôi mắt:

– Dạ đúng rồi. Cô Sáu cũng biết ông ta?

– Biết nhiều. Chị Lâm, vợ Bình là bạn của cô.

– Cháu đâu có dè. Anh Liêm là em trai ông Bình đó.

Yến Ngọc muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng cổ nàng như nghẹn lại. Thanh vụt nói:

– Vậy là cô biết cậu ấy rồi. Phải cậu thanh niên hơi ốm, mang kiếng cận thị, thường lái xe Peugeot mui sập không?

Yến Ngọc gật đầu, đáp nhỏ:

– Dạ!

– Cậu ấy có thương cháu không?

– Dạ thương lắm. Bây giờ cũng vậy nhưng…

– Sao?

Yến Ngọc lại khóc và nói qua tiếng nấc:

– Dạ… ảnh đi Tây rồi.

Thanh chợt hiểu. Liêm còn ham đường công danh, bỏ người yêu ở lại bơ vơ! Yến Ngọc đau khổ, nên tìm tới nàng. Thanh thở dài. Nàng càng thấy “quan niệm” về tình yêu của mình là đúng. Đàn ông yêu không cần suy nghĩ trước nên dễ quên, còn đàn bà, con gái vì quá thận trọng nghĩ suy, nên suốt đời vẫn nhớ!

Nàng khẽ hỏi Yến Ngọc:

– Liêm có hỏi ý cháu trước khi đi chăng?

– Dạ không! Ông Bình lo giấy tờ xong xuôi hồi đời nào rồi đột ngột biểu anh ấy đi… Cháu với ảnh khóc hết nước mắt. Thanh hỏi:

– Cậu ấy đi học ngành gì?

– Dạ học thuốc! Cháu vừa được thơ anh ấy hôm qua. Đã vào trường rồi. Ảnh khuyên cháu đừng buồn, thế nào ảnh cũng về và sẽ cưới cháu. Thanh cười nói:

– Vậy thì có gì phải khóc! Cô nầy thiệt. Liệu cậu Liêm đó có thành thật yêu cháu không? Yến Ngọc gật đầu:

– Dạ thương yêu cháu thật tình lắm, nhưng cháu…

Thanh gượng cười nói:

– Cháu… sợ thời gian làm thay đổi lòng người? Điều đó cũng có vậy! Thời gian và hoàn cảnh đã tiêu diệt biết bao mối tình êm đẹp nhứt trên đời và làm dang dở bao mảnh đời con gái… Nhưng đã yêu nhau thì phải đặt hết lòng tin ở người yêu, vì đó là sức mạnh vạn năng giúp mình đủ can đảm đợi chờ. Yến Ngọc thấy trong đôi mắt Thanh như có ngấn lệ. Nàng hiểu rõ mối tình của “cô Sáu” và cha nàng thuở trước, nên càng thương mến Thanh hơn. Ngọc biết cha mình, cho đến giờ phút nầy vẫn mang trong lòng một nỗi ân hận dài. Nhưng trường hợp của nàng khác xa Thanh. Nàng khẽ cất tiếng:

– Cô Sáu! Cháu sợ không còn đợi chờ anh ấy được nữa…

Thanh sững sờ ngó Yến Ngọc:

– Cháu bảo sao? Không đợi chờ được! Xa nhau bao lâu rồi?

– Dạ gần hai tháng!

– Hai tháng mà đã quên nhau rồi? Cháu yêu người khác ư?

Yến Ngọc lắc đầu nước mắt tuôn tràn xuống má:

– Dạ không! Cháu chẳng yêu thương ai hết. Chỉ mỗi mình Liêm thôi… Lòng cháu đã quyết như vậy rồi, mới không “giữ gìn” với anh ấy. Thanh chưa kịp hiểu ý nghĩa của câu nói đó, nên cau mày hỏi:

– Nghĩa là sao? Cháu chỉ yêu Liêm mà không đợi chờ được! Có lý nào? Cháu không nói thật với cô! Yến Ngọc nắm chặt lấy tay Thanh:

– Cô Sáu! Không nói thật với cô, đời nào cháu dám tới đây. Bây giờ, cháu chỉ còn trông cậy vào sự giúp đỡ của cô thôi! Cô đừng nghĩ vậy.

– Nhưng tại sao vẫn yêu Liêm mà cháu không chờ đợi. Cháu còn tính gì khác nữa ư?

Ngọc lắc đầu:

– Không đâu cô Sáu! Cháu yêu Liêm đến suốt đời, nhưng làm sao bây giờ? Cháu đã… có thai.

Thanh đã quen với những lời thốt ra như thế, nhưng lần nầy nàng không che giấu được nỗi bàng hoàng:

– Con đã có thai! Với Liêm?

Yến Ngọc cúi mặt đáp:

– Dạ.

Thanh thì thào:

– Bao lâu rồi?

– Dạ, ba tháng nay, con thấy có nhiều triệu chứng.

– Có chắc không! Vào đây cô xem.

Yến Ngọc đau đớn nói:

– Dạ con đã đi khám bác sĩ! Không còn lầm được

nữa… Gần tuần lễ nay, con như kẻ mất hồn, muốn về quê chịu tội với ba má mà con không dám. Má con khổ nhiều quá rồi cô Sáu ơi!

Thanh bối rối vô cùng trước cảnh tình của Yến Ngọc. Cô ta còn đi học và sắp sửa thi tú tài toàn phần, tại sao lại dại dột như thế? Nàng nghĩ chắc cậu Liêm gì đó không thật tình yêu Yến Ngọc, nên làm hại người yêu. Rồi nàng lại nghĩ tới sự bồng bột của tuổi trẻ. Nàng hỏi Yến Ngọc:

– Liêm đã biết chuyện nầy chưa?

Yến Ngọc lắc đầu:

– Dạ chưa! Cho Liêm hay cũng chẳng giải quyết được gì!

Thanh cau mày:

– Sao lại không? Cậu ấy yêu cháu thì phải tính trước chớ! Ai đâu bỏ cháu bơ vơ thế nầy rồi sang Pháp học! Hay là Liêm không thật tình yêu cháu? Hành động của Liêm khiến cô ngờ vực lắm. Yến Ngọc tin tưởng nói:

– Không! Con vẫn tin ở tình yêu của Liêm. Anh ấy đâu có tính sang Pháp. Hai đứa dự định sẽ làm lễ cưới khi con đỗ tú tài phần hai. Nhưng ông Bình lại âm thầm buộc Liêm ra đi. Con ngờ ông ấy biết chuyện của con và Liêm. Thanh lắc đầu:

– Cháu đừng quá tin lời người con trai! Đi Pháp học, làm sao Liêm không biết trước được. Đàn ông họ khôn quỷ lắm cháu à. Họ bỏ rơi mình trong sự khổ đau mà vẫn cho mình cái cớ để đổ thừa cho hoàn cảnh. Họ tàn nhẫn bỏ mình giữa biển, nhưng còn “ân nghĩa” liệng cho mình cái phao để trôi nổi giữa dòng. Theo ý cô, cậu Liêm đó đã phụ bạc cháu… Yến Ngọc lặng thinh và bắt đầu nhận thấy lời Thanh hữu lý. Vô tình thật! Liêm chỉ cho nàng hay sẽ lên phi cơ sang Pháp trước ba hôm thôi, nhưng quần áo, đồ đạc đã sắm sẵn cả rồi. Chàng bảo “anh Bình” âm thầm lo lắng tất cả mà mình không hay. Bây giờ việc dĩ lỡ, không thể cãi lời anh! Rồi Liêm cũng không nhắc nhở gì tới lời ước hẹn cưới xin, cách đó không lâu. Cũng vì lời hứa đó mà Yến Ngọc đã trao cả tâm hồn thể xác cho chàng. Yến Ngọc không hiểu sao mình lại ngu xuẩn đến như vậy. Liêm nói thế nào nàng nghe thế nấy, chẳng chút nghi ngờ. Nghe tin Liêm sang Pháp, nàng chỉ biết khóc thôi, chớ chẳng nói được lời nào. Buổi chiều Liêm ra sân bay để lên đường, nàng đứng chen lấn với những người đi đưa, cầm khăn tay vẫy theo Liêm. Nàng cũng không rõ Liêm có ngó thấy mình chăng? Bây giờ, nghe lời Thanh giải thích, nàng càng thêm uất ức. Yến Ngọc ôm lấy mặt khóc rấm rứt:

– Trời ơi! Con không còn thiết sống nữa đâu. Khốn nạn quá! Lòng người ta không thể nào đo lường được. Thanh đã trải qua những ngày đau khổ như thế rồi nên hiểu rõ tâm trạng của Yến Ngọc hơn ai hết. Ngày xưa, nàng khổ sở vì bị cha Yến Ngọc phụ tình nhưng qua thời gian suy nghĩ, nàng lập lại cuộc đời ngay. Nàng cố quên vết thương lòng để làm việc xã hội.

Trường hợp Yến Ngọc bây giờ có khác. Cô bé còn đi học mà lại thụ thai! Bao nhiêu chuyện đau buồn sẽ xảy tới. Đi học cũng không được mà trở về quê thì còn chi danh giá. Gia đình Hạnh rõ tin con, chắc là khổ sở lắm.

Thanh nắm lấy vai Yến Ngọc, cố an ủi nàng:

– Thôi cháu đừng khóc nữa… Chuyện đã dĩ lỡ, phải can đảm mà nhận lấy số phận mình. Cô chỉ trách ba cháu thôi. Yến Ngọc ngó Thanh, không hiểu được ý nàng:

– Thưa cô… Ba con.

– Ờ! Anh Hạnh tệ lắm! Tại sao cho cháu lên trên nầy học mà chẳng gởi thơ cho cô biết? Cháu cũng vậy nữa. Tự bao lâu nay, ở Sài Gòn nầy mà không một lần đến thăm cô… Thanh lắc đầu nói nhanh:

– Thiệt cô không hiểu ba cháu tính sao nữa! Con gái mới lớn mà dám cho ở chung đụng như vậy để đi học. Không hại sao được?

Yến Ngọc cúi mặt lặng thinh. Một lúc, nàng mới nói:

– Thưa cô! Lỗi đó hoàn toàn ở cháu! Ba có hay biết gì đâu. Ba gởi cháu ở nhà ông Phán Vinh đi học. Cô biết ông ấy mà. Thanh lắc đầu:

– Không!

– Ba nói hồi đó ổng tản cư xuống Cái Muối ở nhà bà nội con.

– À… Lâu quá, cô không nhớ nữa. Mà tại sao con không ở đó?

Yến Ngọc buồn bã đáp:

– Bà Phán khó lắm! Học khuya vặn đèn cũng bị rầy. Con ở hai tháng, dọn đi.

– Ba con không hay sao? Bộ chẳng khi nào ảnh lên Sài Gòn hả?

– Dạ không! Mà con ở đằng kia, học hành tiện lắm, chẳng ai quấy rầy cả.

Thanh thở dài nói:

– Không phải bênh vực tánh tình khó khăn của bà Phán Vinh, nhưng nếu con còn ở đằng đó, chắc không đến nỗi như bây giờ! Nhứt là con gái mới lớn lên, đường đời chưa hiểu biết, đừng ham chọn “quá nhiều tự do”! Lúc không ai kềm hãm nổi mình thì dễ lăn xuống hố sâu. Yến Ngọc cúi gằm mặt xuống, nỗi ân hận như đang giày vò tâm hồn nàng! Những lời của Thanh thật là thấm thía, nhưng trước đây năm, bảy tháng, nếu có ai khuyên nhủ nàng như vậy, Yến Ngọc sẽ cho người đó là lạc hậu. Bây giờ thì đã trễ quá rồi! Yến Ngọc nghẹn ngào nói:

– Cô Sáu, con khổ sở quá! Biết ăn năn, chuyện đã rồi. Con chỉ còn mong ở sự giúp đỡ của cô thôi! Làm sao giấu giếm cha mẹ con? Làm sao trở lại học đường?

Thanh bảo Yến Ngọc:

– Làm gì thì con cũng phải bỏ học một năm.

– Trời ơi! Rồi làm sao con đi thi? Ba con thế nào cũng biết… Chắc con chết quá, cô Sáu.

– Cô giúp con đã đành nhưng chính con cũng phải tự cứu. Đã hành động sai lầm thì phải đủ can đảm nhận chịu hậu quả. Còn cay đắng nhiều nữa trong cuộc đời chớ không phải dễ dàng giải quyết như đoạn kết một cuốn phim chớp bóng, hay một quyển tiểu thuyết tình cảm…

Thanh ngừng lại vài phút và không để cho Yến Ngọc kịp nói gì, nàng tiếp:

– Giúp con, nhưng cô phải nói trước! Con đừng mong tìm lại thuở thơ ngây hồi năm trước. Con đã lầm lỡ bước quá xa trên đường đời. Đừng gào khóc, than van nữa! Phải có sức chịu đựng.

Yến Ngọc vẫn lặng thinh. Những lời khuyên cứng rắn của Thanh như in sâu vào tâm hồn nàng. Phải rồi! Cô Sáu hết lòng giúp đỡ nhưng riêng nàng cũng phải có đủ can đảm để tự cứu nữa… Nàng đã làm hỏng đời mình! Có than van, kêu khóc cũng chẳng ai thương.

Yến Ngọc ngó Thanh nói:

– Con hiểu rồi cô Sáu! Cô biểu con phải làm gì bây giờ?

Thanh nhìn ra ngoài sân bảo sanh viện. Buổi chiều đã xuống tự bao giờ. Ánh nắng dịu hẳn, nhưng vẫn còn loang loáng trên táng cây điệp đỏ. Nàng khẽ bảo Yến Ngọc:

– Việc đầu tiên con phải làm là rời khỏi nhà trọ, dọn về đây ở với cô.

– Cô Sáu! Biết nói thế nào với ba con?

– Việc đó để cô liệu! Bao giờ tới kỳ thi?

Yến Ngọc đáp nhỏ:

– Dạ một tháng nữa! Nhưng chắc là con không thi, vì…

Thanh lắc đầu:

– Cô hiểu! Có học hành gì đâu phải không?

Yến Ngọc cúi mặt lặng thinh. Thanh tiếp:

– Cô hỏi là vì sau kỳ thi thế nào con cũng phải về làng! Bây giờ lấy cớ gì đó để con ở lại trên nầy luôn, chờ ngày sanh sản.

– Cô Sáu! Rồi làm sao con nuôi con được?

Thanh nghiêm sắc mặt ngó nàng:

– Chớ con định lẽ nào? Con đến đây nhờ cô làm việc gì đây? Phá thai ư?

Yến Ngọc ôm mặt khóc nức nở:

– Không… đâu cô Sáu! Con đâu có ý định làm chuyện đó. Con bối rối quá, chẳng biết tính sao bây giờ? Sanh con rồi làm sao nuôi dưỡng? Con…

Yến Ngọc lại khóc nhiều hơn. Thanh càng thêm tội nghiệp đứa cháu lỡ lầm! Mười chín tuổi đầu, Yến Ngọc còn ngây dại quá, nào biết đâu được hậu quả của việc mình làm. Thanh lại thấy giận tên sở khanh khốn nạn đã gạt gẫm Yến Ngọc rồi bỏ sang Pháp mặc cho cô gái yếu đuối kia lãnh lấy trách nhiệm một mình.

Nàng cố an ủi Yến Ngọc:

– Chuyện kia còn xa, để rồi sẽ tính! Con hãy dọn về đây ở với cô trước đã. Để cô viết thơ cho ba con.

Yến Ngọc sợ hãi:

– Cô Sáu! Cô định nói gì với ổng. Đừng kể sự thật nghen cô, ổng giết con ngay.

Thanh lắc đầu:

– Không! Đừng lo sợ vô ích. Cô hiểu tánh ba con mà. Để rồi cô liệu! Thôi con về nhà trọ dọn đồ tới đây ngay đi.

Yến Ngọc đứng lên, ngập ngừng nói:

– Mai sáng, con dọn tới được không? Bây giờ trời sắp tối! Dọn đi ngay, họ sẽ nghi ngờ có chuyện gì đó.

Thanh gật đầu:

– Cũng được! Nhưng con có tin cô sẽ hết lòng giúp con không?

Yến Ngọc xúc động nói:

– Dạ! Không tin cô thì con còn biết tin ai nữa?

– Đã vậy, con không được nghĩ quẩn hay suy tính càn bậy. Hãy hứa với cô đi…

Yến Ngọc nắm chặt bàn tay Thanh, nói:

– Cô tin ở con! Gặp cô rồi không bao giờ con làm bậy đâu. Con ân hận nhiều lắm cô Sáu à. Cha mẹ chỉ hy vọng mình con học thành tài để dìu dắt các em, mà nay thân con lại thế nầy. Thiệt con xấu hổ quá! Làm sao giúp cha mẹ, giúp các em? Con phụ lòng tin quá nhiều người…

Thanh thở dài vỗ vai Yến Ngọc:

– Con hãy can đảm lên. Biết ân hận như thế là điều đáng mừng. Để rồi cô liệu!

Yến Ngọc cúi chào rồi Thanh xách cặp ra cửa nhà bảo sanh. Thanh uể oải trở ra nhà sau. Trong đầu nàng vẫn vang lên bốn tiếng: “Để rồi cô liệu!”. Thật tình nàng cũng chưa biết định liệu thế nào về trường hợp của Yến Ngọc. Giúp Yến Ngọc sanh sản thì chuyện đó dễ dàng lắm nhưng làm sao che giấu được miệng đời. Càng khó khăn hơn là phải giấu giếm Hạnh và Hương, cha mẹ của Yến Ngọc. Giấu làm sao được khi bụng của cô bé càng ngày càng lớn… Yến Ngọc đi học, thi xong là phải về nhà chớ làm sao vắng mặt được sáu, bảy tháng trời. Hạnh nóng lòng thế nào cũng lên Sài Gòn tìm con! Chừng đó thì lỡ dở hết… Có tiếng chuông reo, rồi Liên chạy vào gọi Thanh:

– Thưa chị, có người sanh.

Thanh thấy tinh thần mình không được tỉnh táo, nên bảo Liên:

– Em thay chị được không? Hôm nay chị hơi mệt.

Liên vâng dạ đi ngay, nhưng trong lòng không khỏi ngạc nhiên. Nàng làm chung với Thanh có trên năm năm rồi, chưa bao giờ Thanh có mặt ở nhà mà để người khác thay mình. Dù Liên khéo tay không kém nàng, song Thanh cũng ít khi nhờ tới! Chỉ những lúc nàng bận đi đâu, thì trách nhiệm ở Liên. Đây là lần đầu tiên, Thanh phá lệ cũ. Liên biết bạn có điều âu lo, nên sau khi xong phận sự, liền trở vào phòng Thanh ngay. Nàng ít tuổi hơn Thanh, ra trường sau một vài năm, nhưng cũng giàu kinh nghiệm lắm. Trong bảo sanh viện nầy, những lúc không có Thanh, mỗi việc gì đều do Liên giải quyết! Liên còn mẹ già, không tiện ở nơi đây với Thanh, nhưng lúc nào cũng kính Thanh như chị ruột mình. Bởi vậy có chuyện chi khó giải quyết, họ đều thổ lộ cho nhau nghe.

Liên vào phòng thấy Thanh đang nằm trên giường quay mặt vào vách, khẽ hỏi:

– Chị ngủ à?

Thanh trở mình lắc đầu:

– Không! Nằm nghỉ một chút!

Liên im lặng, đến bên bàn rót nước uống, chờ xem Thanh có nói gì chăng. Thanh thở dài nhè nhẹ.

Liên bỗng hỏi:

– Hình như chị có điều gì lo nghĩ!

Thanh ngồi thẳng lên không đáp. Nàng cũng dư biết Liên bận tâm vì mình, nhưng e ngại chưa dám thổ lộ chuyện riêng tư của Yến Ngọc.

Liên không thấy Thanh trả lời, liếc nhìn bạn, rồi ngó xuống. Một lúc, nàng đi ra cửa. Thanh gọi giật lại:

– Liên! Đi đâu đó?

Liên cười với nàng:

– Em lên lầu! Thấy chị có vẻ lo nghĩ em hỏi vậy thôi! Đừng quan tâm.

Thanh nói ngay:

– Chị có chuyện đang lo thật đó.

Liên trở vào hỏi:

– Cô nữ sinh lúc nãy là ai vậy?

Thanh đáp nhỏ:

– Con gái của anh Hạnh!

– Hạnh!

Rồi Liên lặng thinh, ngồi xuống bên Thanh. Nàng còn lạ gì anh chàng Hạnh đó. Bao nhiêu lần Thanh kể chuyện cho nàng nghe! Bây giờ, anh ta còn muốn làm khổ Thanh gì nữa mà cho con gái tới đây? Liên vụt hỏi:

– Hạnh muốn gì?

Thanh biết bạn hiểu lầm, lắc đầu:

– Không!

Nàng lại im lặng. Thật khó mở lời. Mà giấu Liên cũng không thể được vì rồi đây Yến Ngọc sẽ đến ở với nàng! Câu chuyện kia lần lần cũng phải đổ bể! Thanh nghĩ vậy, nên tiếp lời:

– Liên à… Câu chuyện này chẳng liên quan gì đến Hạnh đâu. Con anh ấy tới đây nhờ mình. Mình không thể bỏ rơi nó… Liên thấy Thanh có vẻ lúng túng, liền nói:

– Có tiện chị nói cho em nghe, bằng không thì thôi… Em với chị kể như một mà! Nếu giúp được gì em sẵn lòng.

Thanh thở dài:

– Hiện giờ chị bối rối quá! Không biết kiếp trước chị mang nợ gì của Hạnh mà trả mãi không hết. Tức thật. Liên nói đùa:

– Thì đừng nghĩ đến anh ta nữa. Cứ lấy chồng là yên chuyện.

Thanh cười đáp:

– “Chồng”! Tiếng đó kể như vô nghĩa đối với mình… Mà cũng đã lâu, không nghe ai nói tới…

Liên biết mình lỡ lời, làm khổ Thanh, nên ngồi sát xuống bên bạn nói:

– Tại chị khinh khi hết đàn ông thì còn ai dám mở lời…

Thanh lắc đầu buồn bã:

– Không! Em nói oan cho chị! Quan niệm đó lâu rồi! Lúc còn trẻ bị tình phụ, chị oán đàn ông thật nhưng bây giờ… Một đôi khi nói ra điều đó là để che giấu sự thua thiệt của mình! Có lẽ tại chị xem “cuộc đời quá trọng” nên phải khổ thôi…

Liên cười đáp:

– Mà “xem thường cuộc đời” cũng chưa chắc đã sung sướng…

Thanh cũng cười với bạn. Liên nói đúng. Bao thiếu nữ sống giữa buổi giao thời chạy theo cái mốt “hiện sinh”, đã xem thường cuộc đời, rốt cuộc cũng chẳng tìm thấy hạnh phúc! Họ càng “xem thường cuộc đời”, coi rẻ đạo đức, cá nhân mình, lại càng cô độc!

Liên vụt hỏi Thanh:

– Chị… Cô bé ấy tới đây làm gì?

Thanh ngó bạn ngập ngừng:

– Liên à…

– Chi chị?

– Chị vẫn xem Liên như em ruột của mình, nên không giấu giếm chuyện gì cả, dù là chuyện của người khác.

Liên gật đầu:

– Em biết! Chị kể em nghe thì “sống để vậy, chết đem theo”!

Thanh thở dài:

– Chị đang bối rối quá không biết phải giúp Yến Ngọc thế nào nữa. Cảnh của cháu nó còn khổ hơn chị ngày xưa.

Liên như đoán ra phần nào câu chuyện:

– Ồ… Nếu vậy Yến Ngọc cũng bị tình phụ!?

Thanh gật đầu. Liên vụt cười:

– Đúng là con “trả quả” cho cha.

Thanh nghiêm giọng chận lời bạn:

– Liên. Đừng nói vậy tội nghiệp Yến Ngọc! Chị thương nó như ruột thịt của mình.

Liên có vẻ ân hận vì những lời vô tình vừa thốt ra, nhưng không biết làm sao lấy lại. Thanh tiếp:

– Yến Ngọc đang khổ lắm. Nếu chị không giúp được chắc nó sẽ tự tử!

Liên trố mắt nhìn Thanh, không dè câu chuyện uan trọng đến thế. Thôi chết rồi! Chắc cô bé…

Nàng hỏi nhanh:

– Chị Thanh, bộ Yến Ngọc đã…

– Có thai! Gần ba tháng rồi.

– Trời đất! Còn đi học mà đã vậy sao? Ai là cha đứa bé?

Thanh từ từ thuật rõ chuyện tình của Yến Ngọc cho Liên nghe rồi bảo tiếp:

– Chị biểu Yến Ngọc dọn về đây ở, sau sẽ liệu. Hạnh hay tin con thế nầy chắc chết đi được…

Liên nhìn quanh gian phòng hỏi:

– Chị tính Yến Ngọc đến ở đây ư?

– Chớ để ở nhà trọ sao được? Họ nhạo báng, nó tự tử mất. Điều chị đang lo là đến tháng hè, sau mùa thi, Yến Ngọc phải về làng. Không biết phải viết thơ nói thế nào với Hạnh để giữ Ngọc ở luôn trên nầy.

Liên lộ vẻ suy nghĩ rồi nói:

– Cứ bảo Ngọc phải học thi kỳ nhì!

– Xong kỳ thi đó mới làm sao?

– Kia thì đã nhập học trở lại rồi. Chị viết thơ bảo anh Hạnh: Yến Ngọc ở lại với chị, chắc anh ta sẽ yên tâm lắm!

– Rủi Hạnh nóng lòng lên thăm?

Liên cười nói:

– Mình sẽ có cách khác để đối phó! Chị lo gì! Đã quyết lòng giúp Yến Ngọc thì chị em mình liệu được mà…

Thanh đã yên tâm hơn, sau những lời cứng rắn của Liên. Bao giờ cũng vậy, Liên tỏ ra bình tĩnh và sáng suốt trước mọi khó khăn. Trong bảo sanh viện nầy, nàng luôn luôn thủ vai trò “cố vấn” đắc lực cho tất cả chị em.

Liên bỗng nói:

– Điều em lo ngại hơn hết là chỗ ăn ở của Yến Ngọc!

– Sao Liên?

– Em thấy Yến Ngọc ở đây bất tiện lắm. Lỡ người trong làng lên thăm chị hay Hạnh đi tìm con thì nguy! Làm sao giấu được “bụng dạ” Yến Ngọc.

– Ờ há!

Liên lặng thinh một lúc mới nói:

– Em nghĩ thế nầy, chị xem có tiện không! Ta đưa Yến Ngọc về ở với má, đằng nhà! Em làm việc ở đây luôn, má ở một mình cũng buồn.

Thanh ngồi nhổm dậy trước ý kiến bất ngờ của bạn. Cho Yến Ngọc ở với má Liên thì tiện hơn hết, nhưng liệu có làm phiền lòng bà không? Nàng nhớ kỹ người ta thường kiêng cữ việc “đàn bà chửa” đến nhà! Lỡ ra có chuyện gì, má Liên sẽ phiền trách.

Thanh ngó bạn lắc đầu:

– Không được đâu Liên!

Liên ngơ ngác nhìn bạn, trong lúc Thanh tiếp lời:

– Ông già bà cả thường hay kiêng cữ chuyện “chửa đẻ” ở trong nhà! Người ta bảo mang sự xui xẻo tới.

Liên lắc đầu nói:

– Chị đừng ngại! Má em không cữ kiêng nhảm nhí như vậy đâu. Bà bỏ gia đình bên nội em ra đi, cũng vì chuyện đó.

Thanh ngó bạn với đôi mắt ngạc nhiên. Từ lâu biết nhau, Liên chưa hề nói rõ gia cảnh của mình. Thanh chỉ hiểu sơ là Liên mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Bà Năm ở một mình và nuôi con khôn lớn đến bây giờ.

Liên bỗng nói:

– Chị biết em mất cha lúc chưa mở mắt chào đời. Cha em sang Pháp học và bị chìm tàu giữa đại dương. Mẹ em chưa được cưới hỏi chính thức, nhưng bà nội em thương tình cho về nhà ở. Chẳng hiểu vì rầu con hay thế nào mà ba tháng sau nội em lại lâm bịnh từ trần… Cả dòng họ bên nội đều đổ tội cho má em bụng mang dạ chửa đem sự xui xẻo đến gia đình! Lúc đó, tuy đã gần ngày sanh, nhưng má khổ sở quá đánh liều ra đi và sanh em trong một nhà thương thí! Bị các “cô mụ” dằn vặt đủ điều nên má chỉ có mỗi ước vọng: cho em học làm cô đỡ. Bây giờ, bà đã toại nguyện!

Liên ngừng nói. Thanh nắm lấy tay bạn nói:

– Ai dè Liên cũng đã trải qua nhiều cảnh khổ quá!

Từ lâu có nghe Liên nói chuyện đó đâu?

Liên cười bảo bạn:

– Đâu có dịp gì để em “khai” chuyện khổ của má cho chị nghe. Bây giờ, chắc chị đã hiểu tại sao má không khắt khe về điểm đó. Bản thân má đã chịu khổ vì chuyện cữ kiêng vô lối kia…

Thanh mừng rỡ nói:

– Nếu em thỏa thuận với bác được thì còn gì bằng. Cứ cho Yến Ngọc ở nhà em, chờ ngày sinh nở.

Liên nói nhanh:

– Chị cứ tin ở em. Nhà cô quạnh quá, má cũng muốn có người hủ hỉ cho vui…

Hai người cùng im lặng. Một lúc Liên lại hỏi:

– Chị Thanh à! Rồi Yến Ngọc làm sao nuôi con?

Thanh thở dài:

– Chị chưa dám nghĩ đến điều đó! Yến Ngọc đâu có thiết gì đến con. Nó chỉ mong trở lại đời sống bình thường như xưa. Đứa bé rồi cũng liệu cho viện mồ côi chớ biết sao?

Liên tự dưng cảm thấy chua xót trong lòng. Nàng đâm ra oán hận gã thanh niên đốn mạt kia, gạt gẫm người ta rồi cuốn gói sang Pháp để mặc cô gái gánh chịu tội lỗi một mình! Nàng nghĩ đến cái dư luận bất công đối với những người con gái lỡ dại, chửa hoang! Tại sao thiên hạ không nguyền rủa, mạt sát bọn đàn ông vô trách nhiệm, “xong cuộc” rồi lại nhởn nhơ đi tìm “bông hoa” mới? Đôi khi “kẻ khốn nạn” đó lại được bọn đàn ông bảo vệ hết lòng, khen tặng là kẻ khôn ngoan biết “bỏ chạy” đúng lúc, trước khi bị “nắm lưng”! Người con gái yếu đuối kia không tự tử hay gây tội ác bằng cách phá thai thì phải chịu tủi nhục một đời vì “búa rìu dư luận”.

Liên chợt bảo Thanh:

– Chị à… Nếu làm chức gì lớn, chắc em ra lịnh giết hết “bọn đàn ông vô trách nhiệm”!

Thanh cười:

– Em sẽ bị phản đối ngay!

– Ai phản đối? Đàn ông hả?

– Dĩ nhiên là vậy rồi. Nhưng em cũng chẳng được sự ủng hộ của phụ nữ! Dù là các cô đã bị lường gạt.

Liên ngơ ngác:

– Sao vậy chị?

Thanh cười đau đớn:

– Vì đàn bà ở trên đời nầy, chẳng mấy ai thích sống như chị đâu. Dù đàn ông có thế nào đi nữa vẫn phải cần có họ. Nếu không… đáng buồn lắm em.

Liên nhìn Thanh thương hại! Nàng nghĩ một ngày kia, nếu mình ở vào lứa tuổi bốn mươi như Thanh, chắc mình cũng sẽ nhìn đời đáng buồn như thế. Sự cô đơn dễ làm cho người ta phát điên lắm.

Nàng bảo Thanh:

– Nói như chị thì mình không nên oán trách cậu thanh niên đã hại cả một đời Yến Ngọc!

– Đáng trách lắm chớ, sao lại không em? Nhưng tội anh ta đâu đến nỗi bị xử tử hình, như em đã có ý định lúc nãy…

Liên cười:

– Thì em giận mà ao ước thế thôi.

– Nếu có quyển sách ước, chị lại cầu mong, kiếp sau cậu thanh niên hóa thân làm con gái!

Liên hỏi nhanh:

– Chi vậy? Để thanh niên khác trả thù ư?

Thanh lắc đầu:

– Không! Sao lại có diễm phúc như thế! Chị ước cậu ấy sẽ trở thành con gái và sống cô đơn đến lúc răng long đầu bạc.

Rồi nàng cười vang lên giữa sự ngơ ngác của Liên.

NGỌC LINH

Mua sách Yêu Trong Hoàng Hôn ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Yêu Trong Hoàng Hôn” khoảng 94.000đ đến 95.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Yêu Trong Hoàng Hôn Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Yêu Trong Hoàng Hôn Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Yêu Trong Hoàng Hôn Fahasa” tại đây

Đọc sách Yêu Trong Hoàng Hôn ebook pdf

Để download “sách Yêu Trong Hoàng Hôn pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

[Cong1]

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *