2666 – Roberto Bolaño
Giới thiệu sách 2666 – Tác giả Roberto Bolaño
2666
2666 là tiểu thuyết cuối cùng của Roberto Bolaño. Cuốn sách được xuất bản năm 2004, một năm sau khi Bolaño qua đời. Chủ đề của nó vô cùng phong phú, xoay quanh một nhà văn người Đức bí ẩn và những vụ giết người vẫn không ngừng diễn ra ở Santa Teresa, một thành phố bạo lực mà nguyên mẫu đời thực là Ciudad Juárez và những vụ giết hại phụ nữ xảy ra ở đó.
Bên cạnh Santa Teresa, bối cảnh và chủ đề của tiểu thuyết còn có cả Mặt trận phía Đông trong Thế Chiến thứ Hai, thế giới học thuật, bệnh lý tâm thần, báo chí, tình bạn tan vỡ, sự nghiệp tiêu tán. 2666 khám phá sự suy thoái của thế kỷ 20 qua một loạt các nhân vật, địa điểm, giai đoạn và những câu chuyện nằm trong câu chuyện.
Giới phê bình nhìn chung đánh giá cuốn sách hết sức tích cực. Ở Chile, nó thắng giải Altazor Award vào năm 2005. The New York Times Book Review đưa cuốn sách vào danh sách Mười cuốn sách hay nhất năm 2008; Tạp chí Time xem 2666 là Sách Hư Cấu Hay nhất Năm 2008; tiểu thuyết cũng thắng giải National Book Critics Circle Award for Fiction năm 2008. Các nhà phê bình so sánh 2666 với các tác phẩm của W. G. Sebald và ca ngợi tầm vóc và những tuyến truyện đan cài trong cuốn sách.
Hiếm có cuốn tiểu thuyết nào mà từ khi đang còn trên bàn biên tập đã được một bộ phận độc giả văn chương “sành sỏi” háo hức mong đợi như vậy. Nếu Roberto Bolaño không mất sớm vào năm 2003 khi mới năm mươi tuổi, chắc hẳn ông sẽ là một trong những ứng viên nặng ký cho giải Nobel Văn chương.
Tóm tắt:
Bốn người châu Âu nghiên cứu văn chương. Một giáo sư đại học ở Mexico. Một nhà báo Mỹ đưa tin về một trận quyền Anh. Một nhà văn Đức kiệt xuất, ẩn dật, từng là lính quốc xã. Cảnh sát, nhiều cảnh sát. Gái điếm. Và nhiều, rất nhiều câu chuyện riêng tư thoạt nhìn chẳng liên quan đến nhau. Nhưng rồi, đọc kỹ, ta sẽ thấy rằng tất cả các chuyện đó, giống như những thế giới rất khác nhau, chồng lớp lên nhau, thảy đều xoay quanh một lỗ đen khổng lồ, hắc ám: Santa Teresa. Thành phố bên rìa sa mạc phía bắc Mexico, giáp giới nước Mỹ. Một thành phố lớn, đầy sức sống. Một thành phố lớn, nơi hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào. Nhất là nếu bạn là phụ nữ. Phức tạp như bản thân thế giới, cuốn sách là cả một vũ trụ đủ màu hỉ nộ ái ố, đủ mùi triết lý, nực cười, lãng mạn, tục tằn, ngây thơ đến độ đui mù, ngoan ngoãn xoay quanh địa ngục lỗ đen và răm rắp tuân theo lệnh của lỗ đen.
1. Thông tin chi tiết
- Tên sách: 2666
- Mã hàng 8935235224766
- Tên Nhà Cung Cấp Nhã Nam
- Tác giả: Roberto Bolaño
- Người Dịch: Trần Tiễn Cao Đăng, Quân Khuê
- NXB: NXB Hội Nhà Văn
- Trọng lượng: (gr) 900
- Kích Thước Bao Bì: 17 x 25 cm
- Số trang: 882
- Hình thức: Bìa Mềm
- Xem thêm: Top sách nên đọc
Tác giả:
Roberto Bolaño (1953-2003) nhà văn kiệt xuất người Chile, tác giả nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận văn chương. Năm 1999 ông đoạt giải thưởng Rómulo Gallegos cho tiểu thuyết Los detectives salvajes (tạm dịch: Trinh thám hoang dại), và năm 2008 ông được truy tặng Giải thưởng Hội Phê bình sách Toàn quốc (National Book Critics Circle Award) của Hoa Kỳ cho tiểu thuyết 2666. Marcela Valdes, một thành viên của ban chấm giải, mô tả 2666 là “một cuốn sách phong phú và chói sáng đến độ chắc chắn sẽ thu hút người đọc và giới học giả suốt nhiều đời sau.” Thời báo New York gọi Bolaño là “tiếng nói văn chương Mỹ la-tinh quan trọng nhất trong thế hệ của ông”.
2. Đánh giá Sách 2666
1 Cuốn sách được viết vào những năm cuối đời của tác giả, một siêu phẩm dày cộp được hợp thành từ 5 tiểu thuyết riêng biệt. Ở đó có bốn người châu Âu nghiên cứu văn chương. Một giáo sư đại học ở Mexico. Một nhà báo Mỹ đưa tin về một trận quyền Anh. Một nhà văn Đức kiệt xuất, ẩn dật, từng là lính Quốc xã. Cảnh sát. Gái điếm. Và nhiều, rất nhiều câu chuyện riêng tư thoạt nhìn chẳng liên quan đến nhau. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, ta sẽ thấy tất cả các câu chuyện đó, xếp chồng lên nhau hướng tới một thành phố bên rìa sa mạc phía Bắc Mexico, giáp giới nước Mỹ: Santa Teresa. Một thành phố lớn, nơi hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào.
2 Mình thấy bạn nào thích đọc truyện theo kiểu trinh thám như mình thì nên đọc cuốn này, lúc đầu mình cũng nghĩ tiêu đề gì mà lạ dữ vậy, còn dầy ơi là dầy, đọc bao giờ cho hết nhưng vẫn mua để đọc. Khi đọc rồi bị cuốn hút theo từng trang, từng trang, hết chương này đọc đến tiếp chương sau mà vẫn cảm thấy rất háo hức. Truyện có bố cục gồm 5 phần và trọn vẹn như năm tiểu thuyết riêng biệt, nhiều câu chuyện riêng tư thoạt nhìn chẳng liên quan đến nhau nhưng rồi khi đọc kỹ, mình lại thấy tất cả các câu chuyện đó giống như những thế giới rất khác nhau, chồng lớp lên nhau, và xoay quanh Santa Teresa, thành phố bên rìa sa mạc phía Bắc Mexico, giáp giới nước Mỹ. Một thành phố lớn, đầy sức sống. Một thành phố lớn, nơi hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào.Đọc truyện này mình hiểu thêm nhiều về nền văn hóa châu âu, châu mỹ. Nói chung hay, đáng để đọc mặc dù hơi dầy. Chấm 5*
3 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.
4 Nhà sách giao nhanh Bọc cẩn thận Nội dung cụ thể, đọc cũng được. Mua sale thì đc chứ mua đúng giá thì ko đáng ngần đấy tiền.
5 Hiện tại thì mình mới đọc đc một nửa nhưng đã thấy đây là một cuốn sách rất đang đọc, thu được nhiều điều có giá trị!
Review sách 2666
Roberto Bolaño, người được giới phê bình tụng xưng là tiểu thuyết gia Mỹ Latinh quan trọng nhất kể từ Gabriel García Márquez, trong cuộc phỏng vấn cuối đời, đã tâm sự rằng, “tôi mà làm thanh tra điều tra các vụ giết người thì còn giỏi hơn nhà văn rất nhiều.” Cũng chính Bolaño, trong buổi ra mắt tiểu thuyết thứ hai Estrella distante (Distant Star) khi bình luận về chủ đề bạo lực trong tác phẩm của mình, đã phát biểu rằng, “bạo lực là một thứ thuốc gây nghiện nặng.” Cái ác và những hệ lụy của nó trở đi trở lại trong các tác phẩm của tác gia từng có thời gian bị cầm tù trong vụ Đảo chính Chile năm 1973 này, được tập trung khai thác trong tập đại thành 2666.
Được ấp ủ trong suốt nhiều năm, 2666 luôn được Bolaño khoe khoang là cuốn “tiểu thuyết dày dặn nhất trên thế giới.” Quả có thế, dày gần 900 trang, cuốn sách viết về những sự kiện trải dài cả thế kỷ, về những nơi chốn khắp toàn cầu, về những miên man xác chết của hàng loạt địa ngục xổng chuồng. 2666 là nơi thanh tra Bolaño trong lốt nhà văn dựng lên một cuốn tiểu thuyết điều tra phản thông thường trong một thế giới tận thế không biết bao giờ kết thúc.
Từng bước tiến về trung tâm tội ác
“Mỗi lần bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, tôi có sẵn trong đầu một cấu trúc cực kỳ tỉ mỉ,” Bolaño tâm sự như vậy trong cuộc phỏng vấn với Héctor Soto và Matías Bravo. Người luôn cho rằng nếu không có cấu trúc hay hình thức thì không có tác phẩm như Bolaño lại có sản phẩm là 2666 đầy lỏng lẻo trong kết cấu với năm chương kể những chuyện hoàn toàn khác biệt. Không chỉ các chương bị đứt kết nối, toàn bộ hệ thống nhân vật của 2666 xuất hiện rồi một đi không trở lại trong hàng loạt các câu chuyện phụ đan cài trong câu chuyện chính. Sự biến ảo của nhân vật còn được hỗ trợ thêm bởi sự đa dạng của lối viết: mỗi phần của 2666 dường như được viết bằng một phong cách khác nhau. Sự độc đáo của 2666, chính vì thế, nằm ở chỗ: ta có thể đọc nó như một tiểu thuyết mà các chương cấu thành là những vòng tròn giao nhau ở những điểm nhất định mà mỗi phần như bóc tách được một chút các thông tin cốt yếu. Rồi đột ngột, nó đẩy ta vào câu chuyện chính.
2666 bắt đầu bằng bốn nhà phê bình (ba nam một nữ) người Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh tình cờ đọc rồi nghiên cứu các tác phẩm của nhà văn Đức Benno von Archimboldi. Họ hội ngộ lần đầu năm 1994 ở một hội nghị văn học nơi niềm đam mê văn chương chắp cánh cho tình bạn mà hẳn rồi sẽ là cả tình yêu và rất nhiều tình dục. Phần đầu của 2666 được viết như một tác phẩm giễu nhại đầy trào phúng về bộ tứ phê bình gia truy đuổi tác giả huyền thoại biệt tích đã đưa cho độc giả những từ khóa quan trọng: một ông già người Đức, độ tuổi tám mươi, cao lênh khênh, Santa Teresa.
Phần 2 đem đến cho độc giả nhiều thông tin hơn, và độ căng thẳng cũng bắt đầu được gia tăng, kể về Amalfitano, một giáo sư triết học, vừa chuyển đến Santa Teresa vào năm 2001, với cô con gái xinh đẹp. Trong khi tưởng mình dần điên loạn do nghe thấy các giọng nói trong đầu, trên thực tế Amalfitano đang lo phát ốm vì cái không khí tội ác dày đặc vây hãm cô con gái 17 tuổi của mình. Phần 2, hiện lên như một chiêm nghiệm hiện sinh đầy kỳ quặc, cung cấp cho độc giả thêm vài manh mối nữa: thành phố bị nguyền rủa, những tội ác với phụ nữ, chiếc xe hơi màu đen lấp ló.
Phần 3 của 2666 tung ra thêm lượng thông tin lớn để chuẩn bị cho độc giả một cú knockout: năm 2001, phóng viên Oscar Fate người Mỹ ở New York được giao nhiệm vụ tới Santa Teresa viết bài tường thuật cho một buổi đấu quyền anh. Ở đấy anh đã được nghe kể về các vụ phụ nữ bị giết, gặp một nữ nhà báo, và đi cùng cô tới nhà tù giam giữ kẻ bị cho là thủ phạm. Phần 3 được viết như một tiểu thuyết giật gân nơi nhân vật chính tình cờ dấn thân vào vũng lầy tội ác mà vào phút cuối thủ phạm vừa ló dạng đã hết chương.
Ba chương đầu của 2666 đóng vai trò phần rìa của địa ngục nơi độc giả như lật từng trang của một tiểu thuyết trinh thám cổ điển mà nhích dần theo từng chỉ dấu được cung cấp. Santa Teresa dần hiện rõ không phải là một nơi dễ chịu. Và đó là năm 2001.
Gớm guốc, Địa ngục, Chết chóc bằng giọng thản nhiên
Trong bài tiểu luận về nhiếp ảnh gia Sergio Larraín, Bolaño cho rằng cái nhìn của Larraín là một tấm gương đâm cành rẽ nhánh có khả năng khơi gợi những ẩn ý qua một bức ảnh. Qua ống kính Larraín cảnh một hàng người đợi xe bus ở London bị phủ bóng bởi những dự cảm gớm guốc như địa ngục. Ấy vậy mà tất cả những chết chóc ấy hiện lên trong ảnh như được nói bằng một thứ giọng đầy tông thản nhiên.
Cách Bolaño bình luận về nhiếp ảnh của Larraín cũng chính là cách mà ông dùng lăng kính của mình để nhìn thế giới của hiện tại và quá khứ, như thể sự đồng hiện diện của cái ác và cái thường nhật trong mỗi khung hình, trong mỗi lát cắt lịch sử, chính là thứ mà Bolaño hướng tới. Phần 4 của 2666 xộc thẳng vào địa ngục, nơi những cảnh sinh hoạt thường ngày hòa trộn với các vụ giết người hàng loạt. Những từ khóa mà độc giả được phím trước cho và năm 2001 giờ đây được đắp da đắp thịt để trở thành một loạt câu chuyện đầy những cảnh tượng kinh hoàng, và mốc thời gian thì bị đẩy về 8 năm trước.
Xác chết của bé gái đầu tiên xuất hiện vào năm 1993 đứng đầu danh sách những vụ phụ nữ và bé gái bị giết trong những năm 1990 ở Santa Teresa. Đến lúc phần 4 kết thúc, vào năm 1997, có tổng cộng 108 xác chết. Nếu ba chương trước Bolaño sử dụng thể loại văn tự sự kể chuyện đổi từ giễu nhại sang tâm lý trần thuật sang hình sự trinh thám, thì ở phần 4 bật lên phong cách phi hư cấu sáng tạo. Bằng giọng văn lạnh lùng mang tính tài liệu, Bolaño đã viết một biên bản tường thuật dài 270 trang (chương dài nhất) về các vụ án mạng mà nạn nhân là các phụ nữ và bé gái. Bản liệt kê, như của giám định pháp y và tòa án, lần lượt đi vào chi tiết các nạn nhân: nơi chốn và ngày tháng tìm thấy xác chết, tuổi, miêu tả quần áo nạn nhân mặc, tóc tai, nguyên nhân cái chết. Hầu hết các cô gái trẻ, để tóc dài, ngoại hình ưa nhìn, là công nhân các nhà máy lắp ráp. Hầu hết chết vì bị gãy xương móng. Hầu hết bị hãm hiếp qua đường âm đạo và hậu môn. Xác họ bị vứt ở bãi rác, ở sa mạc, hoặc bất cứ chỗ nào thuận tiện.
Hàng loạt chi tiết rùng rợn tràn ra trên mặt giấy trong suốt hơn hai trăm liền của thứ văn chương viết theo lối siêu-hiện thực mà tác dụng của nó hẳn nhiên sẽ là gây tê liệt. Độc giả chết lặng vì giờ đây không còn những từ khóa nhỏ giọt mà là ngồn ngộn những thông tin, những chỉ dấu, lẫn lộn với nhau, chỉ về mọi hướng mà không chỉ tới một thủ phạm nào. Chúng phơi bày ra trên trang giấy sự bất lực và sợ sệt đến khốn quẫn của những gia đình nghèo có con gái trẻ. Chúng tố cáo sự bàng quan và thúc thủ của giới quan chức thành phố. Chúng làm các gương mặt nạn nhân lẫn vào nhau trong một nghĩa địa dày đặc bạo lực kinh hồn táng đởm. Cảm giác tê liệt kéo dài cho đến tận phút chót, dù kẻ được cho là thủ phạm là Klaus Haas, bị bắt từ năm 1995. Độc giả sẽ lại được ấn vào tay thêm một vài từ khóa mới như nông trại ma túy, xe Peregrino màu đen, và những ông lớn của Santa Teresa, chỉ để sau rốt nhận một cú hết chương đầy đột ngột.
Tận thế tiếp diễn
Phần 4 của 2666 kết thúc mà không đưa ra một hung thủ cụ thể nào. Độc giả giờ đây có lẽ đã ngộ ra mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết phản trinh thám nơi mọi tìm kiếm có khả năng đều rơi vào vô vọng. Phần 5 về chính cuộc đời của nhà văn Benno von Archimboldi càng không giúp độc giả thoát khỏi cảm giác bị phủ định. Viết theo thể loại Bildungsroman, Bolaño lần theo sự phát triển từ thuở ấu thơ tới trưởng thành của Hans Reiter, cậu bé người Phổ sinh năm 1920 thích bơi lội lớn lên đăng lính đi chiến đấu cho Phát xít rồi giải ngũ trở thành nhà văn. Bolaño chết khi chưa kịp kết tác phẩm của mình. Ông chỉ kịp kết nối để ông già người Đức lênh khênh như một người khổng lồ đi đến Santa Teresa và để lại chỉ dấu cho các nhà phê bình lao theo ông trong một cuộc tìm kiếm vô vọng. Chúng ta đã đi hết một vòng.
Bolaño, một nhà văn được coi là thiết tha với “sự bệnh hoạn đạo ức của thời đại”, một người hâm mộ Charles Baudelaire nhiệt thành, đã chọn câu thơ “Một ốc đảo kinh hoàng giữa một sa mạc buồn chán” trong bài thơ “La Voyage” của tập Những bông hoa ác của Baudelaire làm đề từ. Trong bài giảng “Văn chương + Bệnh tật = Bệnh tật”, Bolaño có viết rằng câu thơ ấy còn hơn cả đủ bởi, “Không có một lời chẩn đoán nào sáng sủa hơn cho căn bệnh của con người hiện đại. Để thoát khỏi buồn chán, để thoát khỏi bế tắc, tất cả những gì chúng ta có ngay trong tay mình, mặc dù cũng không hẳn là có ngay trong tay bởi vì ngay cả ở đây thì vẫn cần phải nỗ lực, là kinh hoảng, hay nói cách khác, cái ác.” Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự giống nhau giữa bài thơ “La Voyage” và 2666: cùng kể lại hành trình khát khao khám phá để rồi chứng kiến hàng loạt tội ác. Ốc đảo kinh hoàng không chỉ tồn tại ở một nơi chốn như Santa Teresa, mà nó còn tồn tại khắp nơi hồi Thế chiến thứ hai, mà cụ thể là nơi mà người bạn tù của Hans Reiter đã dửng dưng giải quyết gọn những người Do Thái bị gửi nhầm, là lâu đài Romania mà dưới đất toàn xương. Ốc đảo kinh hoàng còn là thời hiện đại với những chiếc xe hơi đen lấp ló ngoài cửa nhà, là những cú đạp khiến anh lái taxi người Pakistan ộc máu ra mũi miệng tai.
Vậy điểm neo đậu trong cái kết cấu tưởng lỏng lẻo mà lại bao trùm của 2666 chính là cái không khí mà 2666 tạo nên: đời sống ngày thường với cái ác hiển hiện hay ẩn giấu đều nằm cạnh nhau nơi tất cả rồi sẽ chóng vánh biến mất. Ngược với cái niềm tin rằng tận thế ập tới và ta biết cuộc đời sắp kết thúc, 2666 gợi ra rằng ta không thể nào biết tận thế chấm dứt vào lúc nào. Bởi cái kinh khủng hơn sẽ là: (những) tận thế tiếp diễn, ngay trong đời sống thường nhật, và ta không có cách nào thoát khỏi nó. Bolaño muốn độc giả thấy gì qua 2666, phải chăng là,
“Từ đầu đến cuối chiếc thang chết chóc
Cảnh tượng tội lỗi bất diệt chán ngắt”
Mua sách 2666 ở đâu?
Giá trên thị trường cuốn “2666” khoảng 276.000đ đến 295.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…
1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “2666 Tiki” tại đây
2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “2666 Shopee” tại đây
3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “2666 Fahasa” tại đây
Đọc sách 2666 ebook pdf
Để download “sách 2666 pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.
(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).
THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 20/11/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI
Xem thêm
- Top 20+ cuốn sách hay 2022
- Ông Thối, Bà Thiu
- Bà Chủ – Fyodor Dostoevsky
- Không Nơi Nương Tựa
- Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải
Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free