Giải Đáp Chuyện Yêu

Giới thiệu sách Giải Đáp Chuyện Yêu – Tác giả Barbara

Giải Đáp Chuyện Yêu

Làm thế nào thuyết phục ông chồng nghiện việc dành thời gian cho gia đình?

Tại sao dạng đàn ông “xấu xa” thường rất hấp dẫn, trong khi những anh chàng tử tế chẳng khiến bạn hứng thú gì?

Làm cách nào để chồng thể hiện tình cảm với vợ mà không e ngại hay cho rằng thế là quá “sến”?

Tôi có thể làm gì để người yêu thật sự hài lòng khi ái ân?

Tình một đêm có nguy hiểm?

“Bạn tâm giao” là gì, có thật không? Làm sao tôi biết mình đã tìm thấy bạn tâm giao?

Những thắc mắc này sẽ được tháo gỡ trong Giải Đáp Chuyện Yêu

Với kinh nghiệm 20 năm phụ trách các khóa đào tạo về phát triển cá nhân và tinh thần, cộng với thông tin từ các buổi hội thảo, từ thư từ, bản tin radio và các chương trình tivi; Barbara De Angelis đã chọn lọc ra những câu hỏi thường gặp nhất trong quan hệ lứa đôi. Đó là những câu hỏi mà bất kỳ ai từng hẹn hò, yêu đương cũng cần tìm ra câu trả lời. Đó là những điều bạn tự hỏi bản thân trước khi đi ngủ mỗi đêm, những câu hỏi mà bạn bè hay gọi điện hỏi bạn khi họ gặp rắc rối, những câu hỏi mà bạn ao ước biết được câu trả lời trước khi bạn có cuộc hẹn hò tiếp theo.

Giải Đáp Chuyện Yêu được viết theo kiểu một quyển “bách khoa tự điển về tình yêu”, mang đến cho bạn thông tin về những tình huống, cách ứng xử khác nhau để vượt qua các giai đoạn trong cuộc đời. Bạn có thể đọc quyển sách này từ đầu đến cuối, hay chỉ cần chọn đọc phần nào đó có liên quan trực tiếp đến vấn đề bạn đang gặp phải. Và bất cứ khi nào bạn tranh cãi với người yêu, khi bạn tự hỏi làm sao để giải quyết một tình huống nan giải nào đó trong tình yêu của bạn, hay một cô bạn đang bị khủng hoảng tình cảm gọi đến bạn để xin lời khuyên, bạn hãy liếc qua bảng danh sách các câu hỏi trong quyển sách này, lật đến đúng trang viết về vấn đề đó để tìm câu trả lời.

Dù mối quan hệ của bạn vừa bắt đầu, đang tiến triển tốt đẹp, hay đang “lên bờ xuống ruộng”, bạn đều có thể tìm trong quyển sách Giải Đáp Chuyện Yêu sự thật về những chuyện riêng tư, tế nhị trong cuộc sống và tình yêu.

Tiến sĩ Barbara De Angelis đã giúp hàng triệu người khắp thế giới thay đổi cuộc sống bằng những quyển sách hữu ích, gần gũi, những chương trình tivi đoạt giải thưởng và các hội thảo được nhiều người mong đợi. Và trong quyển cẩm nang độc đáo này, bà mang đến những tư vấn thiết thực mà mỗi chúng ta sẽ cần đến trong hiện tại lẫn tương lai. Thông qua những chỉ dẫn thực tế, đầy tính nhân bản về mọi khía cạnh của tình yêu, tình dục và các mối quan hệ thân thiết, bà đã tiếp cận, đưa ra hướng giải quyết cho những câu hỏi đang là nỗi băn khoăn của những ai đang yêu, đồng thời bà cũng tiết lộ những câu trả lời bất ngờ, có thể làm cho cuộc sống bạn thay đổi mãi mãi.

Giải Đáp Chuyện Yêu
Giải Đáp Chuyện Yêu

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Giải Đáp Chuyện Yêu
  • Công ty phát hành First News – Trí Việt
  • Tác giả: Barbara
  • Kích thước: 12 x 21 cm
  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Trẻ
  • Loại bìa: Bìa mềm
  • Số trang: 351

Review sách Giải Đáp Chuyện Yêu

Review sách Giải Đáp Chuyện Yêu
Review sách Giải Đáp Chuyện Yêu

CHUNG SỐNG VÀ YÊU THƯƠNG

90. Liệu các ông/bà góa có nên tiếp tục hẹn hò dù bị con cái (vốn đã trưởng thành) phản đối?

Tôi và vợ tôi chung sống suốt 42 năm. Không may, vợ tôi qua đời cách đây 6 tháng sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Cuộc hôn nhân của chúng tôi rất viên mãn, dù trong vài năm qua tôi rất đau lòng khi bất lực chứng kiến vợ mình sống trong bệnh tật đau đớn và cuối cùng lìa xa tôi mãi mãi.

Tôi mới gần 60 tuổi, vẫn còn làm việc và sống rất năng động. Dạo gần đây, trong những buổi đến giáo đường cầu nguyện, tôi quen biết và bắt đầu hẹn hò với một phụ nữ góa chồng. Tôi rất thích làm bạn với cô ấy. Thành thực mà nói, từ sau sự ra đi đầy thương tiếc của người vợ yêu dấu, giờ đây tôi không còn thấy mình cô đơn nữa. Nhưng vấn đề là ở các con tôi (đều đã kết hôn): một đứa 40 tuổi, một đứa 36 tuổi, chúng đã bị sốc khi biết tôi gặp gỡ và định “chắp nối” với một phụ nữ khác. Chúng quyết liệt từ chối gặp mặt cô ấy. Tôi có nên chấm dứt quan hệ này để giữ hòa khí gia đình?

Anh đúng là người cha tử tế vì đã nghĩ đến nỗi đau của các con, quan tâm cảm xúc của con trước khi quan tâm đến cảm xúc của chính mình. Câu trả lời của tôi cho anh là: THẾ CÒN NỖI ĐAU KHỔ CỦA ANH THÌ SAO? Các con của anh có thể dễ dàng lý tưởng hóa vấn đề đạo đức và phán xét khao khát được hẹn hò với một phụ nữ khác của cha mình trong khi mỗi sáng, chúng được thức dậy bên cạnh chồng/ vợ; rồi trải qua một ngày làm việc và biết rằng sẽ không phải trở về ngôi nhà trống vắng. Còn anh thì sao? Suốt nhiều năm, anh đã tận tình chăm sóc người vợ bệnh nặng. Anh phải chống chọi với nỗi cô đơn, phải cố gắng hàn gắn trái tim tan vỡ khi một nửa yêu dấu ra đi mãi mãi…

Anh có quyền được sống hạnh phúc trong phần đời còn lại. Rõ ràng là anh đã rất yêu thương vợ và cuộc hôn nhân ấy đã bồi đắp trái tim anh bằng mạch nguồn yêu thương bất tận. Tình yêu ấy luôn ấm nồng trong anh và chưa bao giờ ngừng thôi thúc anh san sẻ. Vợ anh hẳn sẽ cho anh điểm cộng khi anh có cả “một gia tài yêu thương” để chia sẻ và luôn tích cực đón nhận những quan hệ tình cảm mới. Dù điều này nghe hơi kỳ quặc nhưng tôi vẫn tin rằng bất kỳ mối quan hệ mới nào mà anh có được cũng sẽ tôn vinh những kỷ niệm về chị ấy. Chị ấy sẽ luôn là một phần của anh, cũng như chồng của người phụ nữ mà anh vừa kết thân luôn là một phần của cô ấy. Yêu thương một người phụ nữ khác sẽ không những không làm tan biến tình yêu anh dành cho vợ mà còn là minh chứng cho thấy người vợ quá cố của anh thật đáng yêu, đáng quý, là hình mẫu trong tim anh.

Nếu các con chịu lắng nghe, anh hãy chia sẻ với chúng những cảm xúc của anh, nói cho chúng biết những khổ đau anh phải chịu đựng suốt những năm qua. Có lẽ họ chỉ thấy việc anh đã kiên cường, nhẫn nại ra sao khi chăm sóc mẹ của họ mà không nhận ra những nỗi đau bủa vây anh. Hãy cho các con biết rằng anh đã cô đơn thế nào, hãy giải thích cho họ hiểu bản thân anh cũng đang dần quen với sự hiện diện của ai đó trong đời. Và dù phản ứng của các con thế nào chăng nữa, anh cũng đừng chấm dứt quan hệ này nhé! Biết đâu Chúa đã gửi người phụ nữ này đến làm bạn cùng anh trong phần đời còn lại?

Tôi cũng có điều muốn nói với các con anh: Hãy ngưng ngay hành động ích kỷ của quý vị lại! Các anh chị đang lo lắng cho cảm xúc của ai khi kết tội sự chọn lựa của bố? Cảm xúc của ông ấy hay của các anh chị? Tôi biết là các anh chị rất yêu thương mẹ, nhưng việc muốn bố tiếp tục chịu đựng đau khổ cũng không thể làm người mẹ quá cố sống lại. Các anh chị chỉ còn một người bố trên đời. Vì vậy hãy yêu thương ông ấy thật nhiều và cầu mong ông ấy hạnh phúc. Hãy tạ ơn Chúa đã giúp ông ấy tìm được một người phụ nữ khác có thể làm ông ấy bình an và có lại được những cảm xúc tuyệt vời.

91. Có phải phụ nữ không nên “cọc đi tìm trâu” vì sẽ khiến đàn ông mất hứng, không còn cảm giác chinh phục?

Một người bạn của tôi kể rằng, cô ấy đã đọc một quyển sách viết rằng, khi mới bắt đầu mối quan hệ, phụ nữ không nên mời đàn ông đi chơi, đừng bao giờ gọi điện cho họ, đừng chủ động tấn công họ… vì những hành động ấy sẽ khiến đàn ông không còn cảm thấy bị thử thách trong việc chinh phục phụ nữ. Chị nghĩ gì về lời khuyên này?

Tôi nghĩ đó là một lời khuyên cổ hủ và làm cho phụ nữ không được sống thật với lòng mình. Nó có thể khiến bạn bỏ qua cơ hội đến với tình yêu đích thực của mình. Bạn thử nghĩ xem, nếu bạn gặp một chàng trai tuyệt vời nhưng lại là người có cá tính rụt rè trong tình yêu thì sao? Ngoài ra, tôi có thể chắc chắn với bạn rằng bất kỳ chàng trai nào cũng cảm thấy hạnh phúc và được khuyến khích khi phụ nữ “bật đèn xanh” với họ.

Ngược lại, tôi nghĩ rằng thật giả dối khi cố tình làm cho một người đàn ông cảm thấy bị khước từ, thấy thấp kém để rồi phải bở hơi tai theo đuổi trong khi bạn cũng có cảm tình với họ. Nó giống như bạn đang “giăng bẫy” đàn ông vậy. Nếu đổi lại ở vị trí của họ, bạn có thích bị đối xử như thế không? Tôi nghĩ là không. Tuy nhiên, vẫn có một số đàn ông thấy thú vị với cách thức đó vì nó tạo cho họ cảm giác nguyên thủy của kẻ “đi săn”. Với những người như thế, họ vốn đói khát quyền lực và sẽ luôn muốn có tình huống “săn đuổi” để thỏa mãn cơn khát ấy. Và dĩ nhiên, những người đàn ông ấy hiếm khi thực sự yêu một người phụ nữ, mà họ chỉ dùng phụ nữ như mục tiêu để họ chinh phục, chiếm đoạt, nhằm khẳng định cái tôi của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ việc bạn nói với một người đàn ông mới gặp trong bữa tiệc rằng: “Ôi, anh thật quyến rũ! Chúng mình hãy về nhà em và làm tình với nhau nhé”. Cũng sẽ không ổn khi bạn gọi điện thoại 5 lần trong một ngày cho người đàn ông bạn thích, dù rằng anh ấy chẳng buồn gọi lại cho bạn. Điều đó không thể hiện sự mạnh mẽ của bạn hay chứng tỏ bạn là người phụ nữ độc lập. Đó thực ra là hành động thiếu tế nhị và thiếu lòng tự trọng.

Nhưng cũng sẽ thật nực cười nếu chị giả vờ như một bóng hồng tĩnh lặng không chút cảm xúc nào của thời nữ hoàng Victoria, hay giả vờ như nàng Scarlett O’Hara trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” luôn hy vọng rằng một người đàn ông nào đó sẽ bị cuốn hút bởi kiểu cách huyền bí của mình. Hãy là chính mình chị nhé! Điều đó sẽ giúp chị bớt mệt mỏi và cuối cùng sẽ biết được người đàn ông nào yêu thương chị vì bản chất thật sự của chị chứ không phải yêu hình mẫu do anh ấy “mặc định”.

92. Khi nào có thể nói với chàng rằng mình đã có con riêng?

Tôi có hai con nhỏ và là bà mẹ đơn thân. Tôi đã sẵn sàng bắt đầu hẹn hò với bạn trai mới nhưng tôi không biết khi nào mình có thể nói với anh ấy về các con của tôi. Tôi không muốn tỏ ra quá mạnh mẽ và cũng không muốn anh ấy rời xa tôi vì điều đó.

Chị hãy cho anh ấy sớm biết rằng chị đã có con, thậm chí trước cả khi hai người hò hẹn lần đầu. Tại sao chị lại trì hoãn việc đó? Chắc chị đang định làm cho anh chàng thích chị, thậm chí yêu chị điên dại, để khi chị thông báo rằng chị đã có con thì anh ta không thể nào bỏ chị dù chẳng yêu thương bọn trẻ chút nào? Việc”chờ đợi giờ vàng” để nói cho người yêu biết rằng chị là bà mẹ đơn thân cho thấy chị xem đây là thông tin chẳng hay ho gì và cần tiết lộ hết sức khéo léo. Đó có đúng là suy nghĩ của chị? Tôi thì không nghĩ vậy, các con của chị không phải là một bí mật đen tối mà chị cần che giấu. Các cháu là một phần tuyệt vời trong cuộc đời chị, làm cho chị trở thành người phụ nữ ấm áp yêu thương và biết chia sẻ, và việc nhận ra vẻ đẹp của những “hạt ngọc tâm hồn” ấy ở chị là niềm vinh hạnh vô giá cho bất kỳ ai.

Có phải có những người đàn ông không muốn tạo lập mối quan hệ tình cảm với phụ nữ đã có con? Đúng thế chị ạ! Liệu có những người đàn ông nhỏ nhen đến mức có thể lập tức “đá” chị khi chị đem những tấm ảnh ở trường của các con ra khoe? Cũng đúng luôn chị ạ! Nhưng chị cứ nghĩ xem – nếu điều này xảy ra, chị sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian quý báu và không phải quá đau khổ khi đã loại ra từ đầu những người tình chắc chắn không phù hợp với chị. Một người đàn ông không muốn ở cùng chị vì chị có con chắc chắn sẽ không thể là người chồng tốt của chị hay là người cha tốt cho con chị. Vì vậy, tốt hơn hết chị hãy tìm hiểu điều này trước khi bắt đầu một mối quan hệ để không phải phơi bày bản thân hay con cái với một kẻ không thực sự trân trọng chị. (Nếu thực tế chị còn độc thân và không có con, chị có thể thử nói đã có con để kiểm tra bản chất thật sự của người đàn ông chị đang nhắm đến! Ồ, tôi đùa thôi, nhưng “phép thử” này cũng thú vị phải không?).

Tôi biết chị đang lo lắng việc đã có con có thể khiến mối quan hệ mới phức tạp hơn. Đó là mối quan tâm rất đúng đắn. Trong những hoàn cảnh bình thường thì làm cha mẹ đã là một thách thức lớn. Và những khó khăn sẽ càng chồng chất nếu chị và người yêu phải chăm sóc con riêng của nhau. Song, không có cặp đôi nào trên đời này không có những vấn đề riêng của mình, từ chuyện con riêng của chàng hay nàng, áp lực nghề nghiệp, vấn đề về sức khỏe đến những căng thẳng trong gia đình, những hành trang tình cảm thông thường mang theo trên hành trình xây đắp mối quan hệ…

Tuy nhiên, người đàn ông phù hợp với chị sẽ yêu thương chị như chính con người thật của chị và cũng yêu thương các con của chị vì thấu hiểu chúng là một phần quý báu của đời chị. Vì vậy nếu một anh chàng nào đó tán tỉnh chị, chị hãy mỉm cười thật tươi, tự hào lấy ra những tấm ảnh của con chị, rồi nói với anh ta rằng: “Đây là hai trong những tài sản quý báu nhất của đời em, anh à!”.

93. Chị nghĩ gì về những buổi tiệc của người độc thân? Chúng có ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ tình cảm không?

Tôi và bạn trai tranh cãi dữ dội về các buổi tiệc dành cho người độc thân và nhờ chị tư vấn giúp. Anh ấy đã tham gia nhiều buổi tiệc như thế từ khi chúng tôi quen nhau và thường nói rằng đó chỉ là những buổi tiệc vui vô hại. Song, khi tôi ép anh ấy kể cho tôi nghe những gì đang diễn ra ở đấy thì tôi không thể tin vào tai mình: những gã trai mơn trớn cơ thể trần trụi của những phụ nữ thoát y, những phụ nữ cùng tham gia các sô diễn tình dục… Buổi tiệc gần đây nhất mà bạn trai tôi tham gia cũng có trò làm tình tập thể. Mỗi lần chúng tôi nói về điều này, tôi lại giận điên người, cảm thấy ghê tởm và không còn chút cảm hứng yêu đương nào với anh ta trong suốt nhiều tuần. Liệu những bữa tiệc độc thân đó có đáng để tôi bực bội, khó chịu không?

Vì chị hỏi ý kiến tôi nên tôi sẽ chia sẻ với chị điều này nhé: Tôi nghĩ rằng các buổi tiệc của đàn ông độc thân hết sức thiếu chín chắn, buông thả, là những lễ hội cực đoan về giới, là sự xúc phạm cô dâu tương lai, là hành vi thiếu tôn trọng tất cả những người vợ, người chị của những người đàn ông tham gia buổi tiệc, là hành vi lăng nhục những “diễn viên” nữ biểu diễn các trò này, và nói chung, việc tham gia bữa tiệc này hoàn toàn không đúng tinh thần thực chất của hôn nhân. Hãy thử tưởng tượng chị là một người đàn ông chuẩn bị kết hôn với người phụ nữ yêu thương và đáng quý của mình. Và để chuẩn bị cho hôn sự, anh chàng… ra sức đi chơi, lãng phí thời gian vào rượu chè với bạn bè, lại còn ve vãn những phụ nữ không một mảnh vải che thân (thay vì âu yếm chăm sóc người yêu của mình), rồi bị người khác ve vuốt, đụng chạm, liếm láp hay thậm chí tệ hại hơn nữa… Vậy hành động này có ý nghĩa gì với vợ sắp cưới của anh ta? Chắc chắn chị sẽ lập tức thốt lên: “Tôi mà làm thế à?”. Và phần lớn phụ nữ đều sẽ phản ứng như thế.

Cô dâu và chú rể nên chuẩn bị cho hôn lễ bằng cách tham gia những chuyến đi chơi để tìm hiểu quan điểm sống của nhau, tham gia các buổi thiền định, những nghi lễ đặc biệt. Tôi không nghĩ rằng những màn nam nữ trần trụi, trét đầy bùn lên người rồi vật nhau tại các câu lạc bộ thoát y vũ được đánh đồng với những nghi lễ tinh thần nói trên. Tôi cho rằng, nếu đàn ông thực sự muốn giúp đỡ một người bạn sắp kết hôn thì họ nên ngồi lại với nhau để ngợi khen phẩm chất đạo đức của cô dâu tương lai, chia sẻ những kinh nghiệm hôn nhân của mình và cam kết sẽ hỗ trợ hết mình cho đôi vợ chồng sắp cưới này.

Chị biết rõ chị cảm thấy thế nào về vấn đề trên. Vì vậy đừng hối tiếc về những suy nghĩ của mình đối với hành động của bạn trai, cũng đừng để anh ta cưa cẩm, “đánh lạc” hướng những cảm xúc ấy của chị. Nếu sau khi cùng nhau bàn bạc những ý tưởng này, bạn trai chị vẫn tiếp tục không chịu tôn trọng cảm xúc của chị liên quan đến việc anh ta tham gia các buổi tiệc thiếu vải đầy nhục dục, các buổi thoát y vũ trụy lạc… thì tôi đề nghị chị hãy nghiêm túc xem xét lại mối quan hệ này. Hãy nhớ: thái độ của người đàn ông về những loại trải nghiệm này thường phản ánh đúng bản chất của anh ta. Đây là người chị đang cân nhắc liệu có thể trở thành người cha xứng đáng của các con chị, làm hình mẫu cho các con trai và tấm gương cho các cô con gái của chị về việc đàn ông nên hành xử thế nào đối với phụ nữ. Chị cứ suy nghĩ thêm nhé…

Xem thêm câu hỏi 54 và 64.

94. Làm sao tìm được một nhà trị liệu tâm lý giỏi? Tôi nên mong đợi điều gì ở nhà tư vấn?

Tôi và bạn trai cần được tư vấn tâm lý nhưng một số chuyên viên trị liệu mà chúng tôi từng gặp thật đáng thất vọng. Có người chỉ ngồi nghe chúng tôi nói mà chẳng đưa ra lời khuyên nào cụ thể. Còn người gần đây nhất thì cho chúng tôi một danh sách dài ngoằng những quy tắc ứng xử, giao tiếp với nhau, nhưng có vẻ như người này chẳng hiểu gì về những trục trặc của chúng tôi. Chúng tôi phải làm sao để không phí thời gian, công sức và cả tiền bạc vì những nhà trị liệu tâm lý kém năng lực?

Anh chị cần hết sức cẩn thận khi chọn một nhà trị liệu tâm lý. Vì một nhà trị liệu tuyệt vời có thể giúp chị hồi phục nhanh đến bất ngờ, hướng dẫn chị tạo ra một mối quan hệ lành mạnh, vững bền, trong khi một nhà trị liệu dở tệ hay tầm thường có thể khiến mối quan hệ của chị tồi tệ hơn vì không xử lý được những vấn đề tiềm ẩn bên trong. Họ cho chị những tư vấn không giá trị hoặc không chịu cứng rắn với những hành vi có hại mà nếu bản thân chị không nhận ra điều này thì tình cảm của anh chị có thể bị đổ vỡ.

Chắc chắn tôi sẽ làm một số người khó chịu khi nói rằng: một tấm bằng, một giấy phép hành nghề chưa đủ để một người trở thành chuyên gia trị liệu “đạt chuẩn”. Có thể họ được mang danh nghĩa đó theo luật pháp nhưng bản thân không có năng lực, thiếu nhạy cảm, không áp dụng được những điều thường rao giảng vào cuộc đời của những con người thật, tình huống thật.

Một phần vấn đề nằm ở chỗ nhiều người không biết rõ có thể mong chờ điều gì từ những buổi tư vấn của các nhà trị liệu tâm lý. Giống như chị và bạn trai của chị, những người khách này bước vào văn phòng của người mà họ cho là biết nhiều hơn họ, và chấp nhận những gì diễn ra trên “bề nổi”. Vì vậy nếu chị nói như thể đang “độc diễn” còn chuyên gia trị liệu ngồi đó lắng nghe, gật gù, lâu lâu lại hỏi: “Chuyện đó khiến chị cảm thấy thế nào?” hay “Chuyện đó gây khó khăn gì cho chị?”, và ca tư vấn kết thúc, chị móc ví trả 75 hay 100 đô-la, rồi bước ra khỏi phòng với suy nghĩ: “Hóa ra trị liệu tâm lý là vậy. Chắc mình phải mất một khoảng thời gian để cải thiện tình hình”. Cái trò đùa quái quỷ gì thế này! Sao mình không lấy một cuộn băng ra để lưu lại mấy câu hỏi của mình rồi ngồi nghe suốt 1 tiếng thì đã tiết kiệm được một mớ tiền, vì thật ra người tư vấn cho mình có nói được câu nào ra hồn đâu!

Tôi không bao giờ quên được chuyện một người đàn ông từng gọi đến chương trình phát thanh tôi phụ trách tại Los Angeles và hỏi rằng việc trị liệu của anh ta có hiệu quả không. Khi tôi hỏi điều gì diễn ra trong những lần trị liệu thì anh ta lịch sự trả lời rằng anh ấy đã nói về cuộc sống, cảm xúc, những nỗi bận tâm của mình… và rồi chuyên gia trị liệu hỏi: “Anh nghĩ chuyện gì đang xảy ra với mình?”. Anh ta tiếp tục nói thêm chút nữa và rồi chuyên gia trị liệu lặp lại câu hỏi trên.

Tôi bèn bảo người đàn ông này: “Anh hãy nghe lời khuyên của tôi, lần sau nếu nhà trị liệu này hỏi anh chuyện gì đang xảy ra, anh hãy trả lời như thế này: Nếu tôi biết chuyện gì đang xảy ra thì tôi đã chẳng ngồi đây. Anh là chuyên gia tư vấn và tôi trả tiền để anh cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra”.

Hãy hình dung chị đang đau bụng kinh khủng và liền đến gặp bác sĩ. Thế nhưng, vị bác sĩ này bảo chị mô tả các triệu chứng rồi nói “Chị nghĩ đây là chứng bệnh gì?” và sau đó yêu cầu chị trả 150 đô la. Chị sẽ ra khỏi phòng mạch ngay phải không? Chị đi gặp bác sĩ vì ông ta là người lẽ ra phải biết điều gì không ổn với chị và giúp chị xử lý ngay vấn đề đó. Tương tự, một nhà trị liệu phải hiểu chị hơn cả chính chị, hiểu các mối quan hệ và những trạng thái cảm xúc của chị. Chính họ phải có nhiệm vụ giúp chị tìm ra giải pháp cho các vấn đề, cho dù người thực hiện đương nhiên là chính bản thân chị.

Dưới đây là một số hướng dẫn giúp chị tìm được một chuyên gia trị liệu tâm lý phù hợp:

1. Hãy đảm bảo rằng mối quan hệ của chị với chuyên gia trị liệu đủ thân thiện, nồng ấm, tinh thần trách nhiệm… để chị cảm thấy an tâm bắt đầu chữa lành vết thương lòng của mình. Phần lớn những gánh nặng tình cảm chị đang đeo mang bắt nguồn từ việc chị không cảm thấy được yêu thương, được quan tâm hay được thấu hiểu bởi gia đình, bởi chồng hay người yêu… Hãy cẩn trọng để không chọn phải một chuyên gia tâm lý rơi vào “mô típ” ấy, tức là người sẵn sàng đối xử với chị lạnh lùng, thiếu tôn trọng, dửng dưng… Tôi tin rằng tình yêu là thần dược có thể chữa lành mọi vết thương. Và trong không gian của tình yêu, chị sẽ dễ dàng sống cởi mở và khám phá những tầng lớp sâu thẳm nhất trong trái tim mình.

2. Hãy chắc chắn rằng chuyên gia tâm lý có nhiều kinh nghiệm chữa lành vết thương lòng như trường hợp của chị. Những chuyên gia tâm lý giỏi nhất thường dành trọn cuộc đời nghiên cứu quá trình biến chuyển tâm lý bên trong mỗi cá nhân. Họ cũng không ngừng trau dồi bản thân và tự chữa lành những vết thương tình cảm của chính mình. Việc đọc được bao nhiêu quyển sách, viết bao nhiêu bài nghiên cứu đăng báo, tham dự bao nhiêu hội thảo không quan trọng bằng việc chuyên gia ấy đã trải qua bao nhiêu lần tự chữa trị cho bản thân. Nếu làm được điều đó, họ sẽ tự khắc biết nên làm thế nào để giúp chị cảm thấy yêu đời hơn, khơi gợi nguồn cảm hứng, đồng cảm cùng chị, giúp chị khai sáng tâm trí và mở cửa trái tim đang khép kín của chị. Chắc chắn chị sẽ ngạc nhiên khi biết con số các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đã tránh né xử lý cảm xúc của mình hay không muốn làm bất kỳ thử nghiệm thực tế nào.

Người trị liệu giỏi không chỉ vững lý thuyết mà quan trọng là áp dụng những hiểu biết thực tế vào việc chữa lành những vết thương tình cảm. Làm sao một người có thể đưa chị đến một nơi mà bản thân anh ta không muốn đến đó?

3. Hãy đảm bảo rằng chuyên gia trị liệu tâm lý sẽ chú trọng khám phá và khắc phục nguyên nhân của những hành vi chưa tốt hay những vấn đề tình cảm của chị. Đồng thời, người đó cũng sẽ hướng dẫn chị những bước cụ thể cần thực hiện mỗi ngày để phá vỡ những thói quen thiếu lành mạnh trong tình yêu, tìm ra những giải pháp mới và tối ưu hơn để tháo gỡ những vấn đề cũ. Việc phân tích quá khứ của chị thôi vẫn chưa đủ – chị cần học cách từ bỏ những hành vi không tốt cho chị và học cách tiếp thu những hành vi tốt đẹp. Một chuyên gia trị liệu tốt sẽ cho chị “bài tập về nhà” để giúp chị phối hợp những đột phá nội tâm với cuộc sống ngoài đời của chị.

4. Hãy chắc rằng ngay từ lần đầu tiên gặp chuyên gia tâm lý, chị đã cảm thấy cuộc gặp ấy rất có giá trị. Thật vô lý khi phải tin rằng cần trải qua từ 10 đến 20 cuộc tư vấn với một chuyên gia thì mới cảm nhận được những chuyển biến tích cực trong cuộc sống mình. Khi mọi người hỏi tôi rằng họ phải mất bao lâu để cảm thấy mình hiểu biết hơn, cảm nhận những kết quả đặc biệt mà liệu pháp điều trị mang lại, tôi đã trả lời rằng: “Ngay trong lần gặp đầu tiên!”. Nếu trong quá trình được tư vấn, chị chưa nghe được điều gì có giá trị, chưa cảm nhận mình được khai sáng, không học hỏi được những điều hữu ích… thì tại sao chị phải phí thời gian, tiền bạc?

Song, tôi không ngụ ý rằng chị cần cảm nhận được những thay đổi diệu kỳ trong cuộc đời mình, trong các mối quan hệ… chỉ sau vài đợt tư vấn trị liệu, nhưng nếu chị không cảm thấy mọi việc đang tốt dần hơn sau mỗi lần gặp gỡ chuyên gia tư vấn thì có lẽ chuyên gia ấy đang triển khai việc trị liệu quá chậm chạp. Một số chuyên gia trị liệu tâm lý có khuynh hướng hành động như những người chăm trẻ chuyên nghiệp: lắng nghe từng lời phàn nàn của chị nhưng không bao giờ thực sự giúp chị vươn đến mức độ nhận thức mới. Một số khách hàng cũng thích nói rằng “Tôi đang tham gia trị liệu” bởi có vẻ như họ đang tự điều trị cho mình, nhưng trong thực tế, họ đã chọn một chuyên gia trị liệu đóng vai trò như một người bạn tâm giao hơn là một người “bác sĩ tâm hồn” thật sự. Vì vậy, nếu thực sự muốn bản thân đổi thay, ngay bây giờ, chị hãy tìm một chuyên gia thật sự nghiêm túc để giúp chị!

Vậy làm sao để tìm được một chuyên gia trị liệu có những phẩm chất trên? Chị có thể hỏi qua bạn bè hay đồng nghiệp đã từng tư vấn thành công với một chuyên gia trị liệu và nhờ họ giới thiệu. Chị cũng có thể hỏi thăm qua các chuyên gia khác mà chị tin tưởng, bác sĩ riêng của chị chẳng hạn, để biết phong cách, cách hành xử của một chuyên gia trị liệu nào đó liệu có phù hợp với mong muốn của chị không. Khi liên hệ với chuyên gia trị liệu, chị hãy cho ông ta biết chị muốn nói chuyện qua điện thoại hay gặp trực tiếp để chị biết chị có cảm thấy thoải mái hay không trước khi đăng ký đợt tư vấn đầu tiên. Hãy nói với chuyên gia trị liệu về phương pháp chữa trị mà chị quan tâm, tức là chị cần ai đó thúc đẩy chị, cho chị làm “bài tập về nhà”, chị cần một người không chỉ ngồi một chỗ lắng nghe và còn phải hành động… Chị đừng ngại đặt câu hỏi và hãy lắng nghe thật cẩn thận những câu trả lời của chuyên gia để biết được nhà tư vấn này có “chất lượng” hay không. Trong lần tư vấn đầu tiên, hãy nhắc lại những nhu cầu của chị và hãy nhớ chị phải trả tiền cho chương trình tư vấn ấy. HÃY HỎI ĐỂ BIẾT ĐƯỢC NHỮNG GÌ CẦN BIẾT.

Sau cùng, hãy nhớ rằng một chuyên gia trị liệu không thể giải quyết được vấn đề của chị, chữa lành vết thương lòng hay xoa dịu hoàn toàn nỗi đau của chị. Chính chị mới là người có thể làm việc đó. Nhà trị liệu chỉ có thể như một hướng dẫn viên du lịch giúp chị đi xuyên qua những khu rừng cảm xúc một cách an toàn và mở mang tầm nhận thức của chị về con đường giải phóng bản thân.

95. Nếu bạn thân lấy phải người chồng vũ phu, bạn có nên cố gắng giúp đỡ hay chỉ lo yên phận mình?

Tôi đang gặp tình huống đau xé lòng. Cô bạn thân nhất của tôi thời trung học lấy phải người chồng vũ phu. Cô ấy kể rằng bị chồng chửi bới, đánh đập triền miên. Nhưng cô ấy lại không muốn ly hôn, cũng chẳng muốn ai giúp đỡ mình thoát khỏi “địa ngục trần gian” ấy. Mỗi lần gọi điện thoại cho tôi là cô ấy lại khóc nức nở. Và mỗi lần tôi gặp cô ấy thì lại thấy thân thể cô ấy bầm tím nhiều chỗ. Tôi thật sự muốn thét lên vì quá bức xúc nhưng lại không chắc rằng mình đủ sức thuyết phục cô ấy thay đổi suy nghĩ. Tôi rất yêu quý cô ấy và rất sợ rằng nếu tôi tỏ ra cứng rắn, quyết liệt thì cô ấy sẽ rút lui và đơn độc một mình trong bi kịch. Tôi nên làm gì hả chị?

Chị hãy làm điều gì đó ngay lập tức! Ngay lúc này, bạn chị đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần và đang rất cần sự trợ giúp của chị. Những phụ nữ bị bạo hành thể xác thường chỉ nhờ đến sự trợ giúp bên ngoài khi mọi việc quá muộn màng. Chị đừng đợi đến lúc cô ấy cầu cứu chị – vì cô ấy thậm chí không biết phải cầu cứu chị như thế nào. Hãy là một người bạn thật sự của cô ấy và làm mọi thứ có thể giúp cô ấy thoát khỏi tình trạng bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Chị có thể nhờ những người bạn khác và các thành viên trong gia đình cô ấy can thiệp, đưa cô ấy đến các trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành gia đình, hoặc dùng chính bạn bè của chồng cô ấy để đối đầu với anh ta. Hãy làm bất cứ cách nào khả thi (xem câu hỏi 43).

Chị hãy thử tưởng tượng người mà chị rất yêu thương đang chết đuối. Phản xạ tự nhiên của chị là nhảy ngay xuống nước, nắm tay cô ấy, kéo cô ấy vào bờ. Chị có bao giờ phải đắn đo suy nghĩ: “Lỡ cô ấy nổi giận với mình vì đã kéo tay cô ấy quá mạnh thì sao ta? Phải chăng mình không nên can thiệp chuyện này?” hay “Có khi nào vì mình cứu cô ấy mà cô ấy sẽ không thèm nói chuyện với mình nữa không?”. Dĩ nhiên là không – suy nghĩ duy nhất của chị sẽ là làm sao để cứu bạn mình. Vâng, khi bạn chị sắp chết đuối, dù cô ấy có nhận thức được điều đó hay không, chị hãy cứ nắm tay cô ấy, kéo cô ấy lên bằng tất cả sức lực. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ấy từ chối tất cả sự trợ giúp của chị trong lúc “ngàn cân treo sợi tóc” đó? Điều quan trọng là chị cần làm mọi việc có thể để đưa cô ấy lên khỏi mặt nước trước khi quá muộn.

Một tình huống khác có thể xảy ra: một ngày nào đó, chị nhận được cú điện thoại từ bệnh viện thông báo rằng chồng của bạn chị lại đánh cô ấy đến mức cô ấy phải đi cấp cứu; hay một đêm nào đó chị đang xem tivi và thấy tin tức bạn chị bị chồng giết chết. Liệu chị sẽ cảm thấy thế nào? Khi đó, liệu việc khiến bạn cả đời không phật lòng vì mình có còn quan trọng? Liệu việc “hỗ trợ” bạn bằng cách không bao giờ làm trái ý bạn có còn ý nghĩa?

Tôi rất quan tâm vấn đề chị nêu. Nếu tất cả chúng ta không chấp nhận những hành vi sai trái làm tổn thương bạn bè của ta, con cái của bạn bè ta hay bất kỳ ai mà ta biết rằng đang gặp nguy hiểm; nếu chúng ta chịu đứng lên đấu tranh với những bất công thay vì giả vờ rằng những sai trái đó không tồn tại, ảo tưởng rằng nó sẽ biến mất một cách thần kỳ, thì khi đó những kẻ thích bạo lực sẽ không thể nào gieo rắc khổ đau và thế giới sẽ an toàn, tử tế hơn nhiều để chúng ta có thể bình yên vui sống.

Xem thêm câu hỏi 43.

96. Tôi phải làm sao để vợ cũ của chồng tôi thôi phá rối cuộc hôn nhân của chúng tôi?

Tại sao không ai nói cho tôi biết rằng khi tôi lấy chồng tức là tôi cũng kết hôn với… vợ cũ của anh ta? Người phụ nữ ấy thực sự là một cơn ác mộng. Cô ta đang làm điên đảo cuộc sống của vợ chồng tôi. Cô ta gọi điện thoại cho chồng tôi nhiều lần trong tuần; nói xấu chồng tôi với các con của anh ấy, khiến chúng cảm thấy tội lỗi nếu tận hưởng những ngày cuối tuần vui vẻ với vợ chồng tôi. Thậm chí cô ta còn không thừa nhận tôi là vợ của anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kéo dài 4 năm! Tôi không muốn cô ấy chiến thắng. Tôi cảm thấy cô ta đang tìm mọi cách hủy hoại mối quan hệ của chúng tôi. Chồng tôi thì thừa nhận mình bất lực. Tôi phải làm gì để ngăn cô ta lại?

Tôi hoàn toàn đồng tình với chị. Chị đang mô tả hiện tượng vợ cũ/chồng cũ quấy rối (toxic Ex-spouse). Những người quấy rối đã không tôn trọng ranh giới của mối quan hệ giữa họ với vợ trước/ chồng trước. Vì vậy, vợ cũ của chồng chị có thể biến cuộc hôn nhân của chị thành địa ngục. Một số cách mà cô ấy có thể làm như:

Không tôn trọng sự riêng tư của chị.

Dùng cảm giác tội lỗi làm công cụ để chia lìa chị và chồng chị. Trở thành “những con ma cà rồng” hút hết thời gian và năng lượng của chị.

Không thừa nhận mối quan hệ của chị.

Tống tiền chồng chị bằng cách vòi vĩnh, dọa dẫm, đòi hỏi thêm tiền như một cách để trừng trị anh ấy vì đã chia sẻ cuộc đời với chị.

Dùng đòn tâm lý với chồng chị bằng cách đe dọa giành quyền chăm sóc con.

Dùng con cái để chống lại vợ chồng chị.

Dùng chuyện làm tình với chồng chị để gây sóng gió trong gia đình chị.

Những người vợ cũ/chồng cũ quấy rối là những người chưa bao giờ chịu buông tha chồng cũ/vợ cũ của mình. Vợ cũ của chồng chị sẽ tiếp tục bám chặt chồng chị, hủy hoại cuộc hôn nhân của chị. Nếu đúng là chồng chị có một người vợ cũ như thế thì chị đang rơi vào một tam giác tình cảm, một chuyện tình tay ba. Chị đừng vội đổ hết tội lỗi lên người vợ cũ của chồng. Chỉ trừ trường hợp cô ta bị bệnh tâm thần, còn trong mọi trường hợp còn lại thì chồng chị cũng có phần lỗi khi đã không vạch ra những ranh giới rõ ràng. Nếu chồng chị thể hiện quan điểm rõ ràng với vợ cũ, truyền đạt cảm xúc của anh ấy và đặt ra những giới hạn rõ ràng, ví dụ hành vi nào có thể chấp nhận được, thì chị đã gặp ít rắc rối hơn dù vợ cũ anh ấy có cố tình “quấy rối” thế nào chăng nữa.

Những người bị vợ cũ/chồng cũ quấy rối thường không bao giờ hoàn toàn cắt đứt các mối quan hệ này. Rất có thể họ vẫn còn lưu luyến tình cảm với người xưa và thấy khó có thể làm bất cứ điều gì khiến người xưa đau lòng. Hoặc cũng có thể chồng chị đã hoàn toàn dứt tình với vợ cũ nhưng cô ta không cam tâm chấp nhận sự thật ấy. Nếu đây đúng là trường hợp của chồng chị thì chị hãy chắc chắn rằng anh ấy không phủ nhận trạng thái tình cảm của vợ cũ. Chị đừng chấp nhận những lý do anh ấy đưa ra, ví dụ:

Hãy cho cô ấy thêm thời gian. Dần dần cô ấy sẽ quen và chấp nhận thực tế.

Ồ, anh biết có thể cô ta đang làm mình làm mẩy nhưng em đừng lo, cô ta sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì khiến em đau lòng đâu.

Anh nghĩ nếu chúng ta lơ cô ấy đi, chắc chắn là cô ấy sẽ ngừng gây phiền phức cho chúng ta.

Tôi cảm thấy dường như trước khi kết hôn, chị chưa bao giờ thực sự nghĩ rằng vợ cũ của chồng là một “quả bom nổ chậm”. Chuyện đó cũng thường thôi – những người vợ cũ thường chỉ bắt đầu gây rối khi thấy chồng cũ thật sự nghiêm túc trong mối quan hệ với người mới. Chị cũng có thể không nhận ra vấn đề nghiêm trọng như thế nào cho đến khi chị chuyển đến sống cùng với chồng mình. Có lẽ anh ấy chưa bao giờ cho chị biết về những cú điện thoại và những chuyến viếng thăm phiền phức của cô ta vì anh ấy không muốn chị bực mình. Nhưng khi hai người đã chung sống với nhau, vợ cũ của anh ấy sẽ hiển hiện rõ ràng hơn rất nhiều so với những gì mà chị có thể tưởng tượng.

Nếu chị đang yêu một người đang bị vợ cũ quấy rối, chị sẽ tự nhiên có những cảm giác sau đây:

• Giận dữ vì cảm thấy dường như anh ấy quan tâm đến những cảm xúc của vợ cũ hơn là của chị.

• Tức giận khi bị chồng kết tội ghen tuông thay vì lẽ ra anh ta phải thấu hiểu những gì chị đang cảm nhận.

• Lo lắng rằng mọi chuyện sẽ không khả quan hơn theo thời gian.

• Mất kiên nhẫn với những lý do anh ấy đưa ra để cảm thông với vợ cũ.

• Nghi ngờ chồng sẽ dùng vợ cũ như bức bình phong để tránh gần gũi mình, thậm chí còn hâm nóng lại mối quan hệ với người xưa (chuyện này có khá nhiều khả năng xảy ra đấy!).

• Bực mình vì chồng chưa bao giờ đưa mình đi cùng mỗi khi anh ta gặp vợ cũ hay đến thăm các con và nựng nịu chúng… Lý do anh ấy đưa ra là “không muốn làm vợ cũ buồn”.

Những người từng qua một đời vợ như chồng chị thường rất khó dứt tình cũ (xem câu hỏi 21, 29 và 84). Nếu cha của anh ấy từng ly dị mẹ anh ấy thì thế nào anh ấy cũng cảm thấy tội lỗi khi bỏ rơi vợ cũ. Trong thâm tâm, ở một mức độ nào đó, anh ấy xem vợ cũ như một đứa trẻ và khi bỏ rơi “đứa trẻ” ấy thì chẳng khác nào anh ấy dẫm lên vết xe đổ của cha mình khi ông ta chối bỏ con trai và chia tay vợ. Cũng có thể vì quá cắn rứt lương tâm nên anh ấy đang vô thức tự trừng phạt mình bằng cách hủy hoại cuộc hôn nhân hiện tại,

Nếu vợ cũ của chồng chị cứ liên tục quấy rối, chị phải nhấn mạnh với chồng rằng anh ấy cần trân trọng sự cam kết gắn bó sắt son với chị bằng cách thật sự buông tay vợ cũ, kết thúc mọi trách nhiệm với cô ta, đặt ra những ranh giới rõ ràng trong quan hệ với cô ấy và tuân thủ nghiêm ngặt những ranh giới đó.

Nếu vấn đề quá nan giải thì anh ấy và vợ cũ nên tuyệt đối không liên hệ trực tiếp với nhau trong một khoảng thời gian. Điều đó có nghĩa là khi anh ấy đến đón các con đi chơi, lũ trẻ sẽ chạy ra xe của bố chứ không phải anh ấy bước vào nhà vợ cũ, nán lại 10 phút để cô ấy có cơ hội thực hiện “ý đồ phá hoại đen tối”. Điều đó cũng có nghĩa là việc trao đổi của chồng chị và vợ cũ sẽ chỉ diễn ra qua điện thoại, thư, fax… chứ không phải “mặt đối mặt”. Tùy chồng chị sẽ chọn hình thức nào để thay đổi cách giao tiếp quen thuộc bấy lâu với vợ cũ. Anh chị cũng đừng trông mong cô ta sẽ chủ động làm những điều này vì cô ta sẽ chẳng bao giờ làm đâu.

Nếu chồng chị thường “đánh trống lảng” mỗi khi chị nói đến chuyện vợ cũ của anh ta đang quấy rối thì chị hãy thử đề nghị anh ấy đi gặp chuyên viên tư vấn. Nếu anh ấy từ chối thì chị hãy tự hỏi tại sao mình lại chấp nhận bị anh ta đối xử như thế? Khi nào anh ta còn chưa toàn tâm toàn ý gắn bó với chị thì chị sẽ còn khổ sở vô cùng. Trái tim anh ấy vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng hòa cùng nhịp đập trái tim chị vì đôi lúc vẫn còn “lạc nhịp” vì vợ cũ. Nếu vậy, chị hãy mạnh dạn nói với anh ấy rằng chị sẽ ra đi. Khi nào anh ấy thật sự kết thúc mối quan hệ với vợ cũ thì hãy liên lạc với chị.

97. Bố mẹ nên làm gì khi không ủng hộ quyết định chọn người yêu của con cái?

Con trai tôi năm nay 24 tuổi. Tôi luôn nghĩ mình là bà mẹ hết mực khoan dung, yêu thương con. Tôi một mình nuôi con từ khi cháu lên hai. Tôi rất tôn trọng cuộc sống cá nhân của con và hầu như không áp đặt con bất cứ điều gì. Nhưng bây giờ, tôi đang muốn phát điên vì quyết định chọn bạn gái của con. Tôi thường sởn da gà khi nói đến cô gái ấy! Cô ta không có nghề ngỗng gì, khiếm khuyết về nhân cách, ăn mặc như kẻ ăn xin, bấm lỗ ở bất cứ vị trí nào có thể trên cơ thể – kể cả những chỗ hết sức nhạy cảm, sẵn sàng văng tục mọi lúc mọi nơi. Bữa ăn của cô ta gồm vài chai bia, một điếu thuốc lá và một gói bánh nhỏ. Chị hãy tin tôi, tôi đã cố gắng chấp nhận cô ta đúng như cô ta vốn dĩ song tôi vẫn không thể nào ngủ được khi nghĩ đến cảnh cô ta cứ dính chặt với con trai mình. Trời ơi, xin chị giúp tôi với!

Tôi có thể đưa ra vài lời khuyên để giúp chị nhanh chóng vơi nhẹ nỗi lòng. Ví dụ như: “Chị hãy nhìn xa hơn những nơi nhạy cảm bị bấm lỗ của cô ấy để có thể thấy bên trong cô ấy là một trái tim bị tổn thương và đang không ngừng kêu gào cầu xin sự giúp đỡ” hoặc “Chị đừng vội đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Nếu cô ấy yêu con trai chị thì tình cảm ấy chân thành đến đâu mới thật sự là tất cả những gì chị cần quan tâm”… Nhưng tôi sẽ không nói thế! Dù những tình cảm yêu thương thuộc về phạm trù tinh thần, nhưng trong thực tế cuộc sống, tôi đồng ý rằng không ai có thể nghĩ cô ấy là một người con dâu lý tưởng bởi cô ấy thật sự như một… cơn ác mộng! Vâng, cô ta có thể nghèo khó, đang khao khát cháy bỏng tình yêu, đang cố gắng gây chú ý với mọi người… nhưng tôi biết chắc rằng chị thà để cô ta đi khuất mắt còn hơn. Và tôi không hề trách chị khi làm thế!

Tôi sẽ không cố gắng phân tích tâm lý con trai chị rằng vì sao lại chọn bạn tình như thế, và chị cũng không nên cố gắng làm điều này. Thật ra, vì một lý do nào đó trong cuộc sống hiện tại mà con trai chị cảm thấy cô gái này rất hấp dẫn. Chị và tôi đều ít nhiều nghi ngờ (hoặc chị tha thiết cầu mong) rằng mối quan hệ này sẽ “đứt gánh nửa đường” nhưng chị sẽ không có cách nào thuyết phục con trai chị từ bỏ cô ta đâu. Chị càng nói xấu cô ấy thì con trai chị sẽ càng phản kháng dữ dội hơn.

Vấn đề then chốt là chị phải tin tưởng tính cách và giá trị của con trai, biết rằng không sớm thì muộn, con chị sẽ cảm thấy mệt mỏi khi cố gắng cứu vớt bạn gái, khi làm mẹ bị sốc. Cậu ta rồi sẽ nhận ra rằng cô gái này không phù hợp với mình (hoặc cũng có thể một ngày nọ, con trai chị nhận ra rằng nếu tiếp tục thân thiết với cô gái này thì sức khỏe của cậu ấy cũng sẽ gặp vấn đề).

Trong thời gian này, chị hãy hỗ trợ con trai hết mình (chứ không phải hỗ trợ bạn gái của con trai). Chị hãy nói với con (như thể con chưa bao giờ biết điều chị đang nghĩ) rằng: “Mẹ thật sự thấy rất khó chấp nhận bạn gái của con nhưng… (chị hãy hít thật sâu trước khi đọc câu tiếp theo nhé!) mẹ cảm thấy vui vì con đã tìm được người con nghĩ là phù hợp!”. Hãy để con biết rằng chị luôn muốn con hạnh phúc, luôn bên con dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Cách tiếp cận này có thể làm con chị ngạc nhiên và cho cậu ấy không gian phù hợp để xem xét lại những điều mà chị muốn nói.

Chị hãy thật bình tĩnh và tiến hành mọi việc từ từ thôi nhé. Tôi biết chị đang hình dung về một tương lai đáng sợ khi có những đứa cháu xỏ lỗ đầy người. Song, tôi linh cảm rồi mọi chuyện đâu sẽ lại vào đấy như thường thế.

98. Nên làm gì khi người chồng/người vợ cứ đổ vấy mọi trục trặc trong tình cảm là do bạn đời của mình?

Người đàn ông mà tôi chung sống hơn một năm nay luôn tin rằng mình rất ổn, không có tí rắc rối cảm xúc nào, không gặp trục trặc gì trong chuyện tình cảm quá khứ. Anh ấy luôn làm lơ mỗi khi tôi hay bất kỳ ai phàn nàn về cách ứng xử thiếu tế nhị của anh ấy, về tính cố chấp đến mức không ai đủ kiên nhẫn để trò chuyện cùng, về những cách có thể giúp anh ấy cải thiện bản thân…

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng cãi nhau. Anh ấy luôn nói chuyện với tôi một cách rất kẻ cả (anh ấy vốn là luật sư), nhấn mạnh rằng chính tôi mới có vấn đề, mới mắc sai lầm. Vì vậy, chính tôi mới cần phải xem lại bản thân để có thể đạt đến đẳng cấp tinh anh, sáng suốt như anh ấy. Chị có gợi ý gì giúp tôi hiểu và chung sống ổn thỏa với anh ấy không?

Thật đơn giản… chị chỉ cần thực hiện cẩn thận những hướng dẫn sau. Chị sẵn sàng chưa? Trước tiên, chị hãy đi vào tất cả các phòng trong nhà, mở tất cả ngăn kéo, tủ ly, hộc tủ…, lấy những gì cần thiết rồi đóng gói hết, cho vào vali, thùng… Sau đó, chị lấy một tờ giấy, một cây bút và viết:

“Gửi Người Tình Hoàn Hảo của em! Em viết thư này để báo với anh rằng cuối cùng em đã thấy được ánh sáng chân lý và đã vươn đến một tầm cỡ mới về sự khai sáng và tinh anh… Em đã hiểu rõ rằng anh cực kỳ tôn thờ cái tôi, yêu bản thân mình hơn bất cứ điều gì… và em cũng đã được khai sáng để biết rằng em cần chia tay anh. Cảm ơn anh đã giúp em đạt đến sự giải thoát này!”.

Chị hãy để lá thư ở chỗ nào dễ nhìn thấy nhất. Với tính cách của anh ấy thì có lẽ chị nên để lá thư gần một chiếc gương. Sau đó, chị hãy chất đồ đạc lên xe, bỏ lại sau lưng những rắc rối và đừng bao giờ quay đầu lại.

99. Tôi có bất thường không khi lại đi ghen với… con chó mà vợ tôi rất cưng?

Câu hỏi của tôi có lẽ hơi kỳ quặc nhưng đó thật sự là vấn đề nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Tôi nghĩ vợ tôi yêu con chó trong nhà hơn cả yêu… tôi. Chú chó có tên Sparky, lông vàng, là chó săn, đã được 6 tuổi. Vợ tôi thường ôm ấp, hôn nó, tỏ vẻ hào hứng khi thấy nó bước vào phòng còn hơn khi thấy tôi đi làm về. Tính đến giờ phút này, vợ tôi cho rằng Sparky chưa bao giờ làm bất kỳ điều gì sai trái, còn với tôi thì cô ấy vẫn thường than phiền rằng tôi ít quan tâm cô ấy. Tôi đã cố gắng, nhưng luôn là Sparky ghi điểm trước trong lòng cô ấy. Sparky thường ngủ với chúng tôi, hay theo cách nói của tôi, là con chó ấy ngủ cạnh vợ tôi, vì vậy mà tôi thậm chí không có cơ hội làm tình. Có giải pháp nào cải thiện tình trạng này không chị?

Tôi đoán câu nói “Chó là người bạn tốt nhất của con người” không áp dụng được vào trường hợp này của anh. Trong trường hợp này, tôi có một giải pháp: Anh cần cho vợ thấy rằng anh yêu cô ấy chẳng khác gì con Sparky yêu cô ấy. Muốn vậy, trước tiên anh hãy quan sát con Sparky vài ngày và đặc biệt chú ý hành động của nó khi ở cạnh vợ anh:

• Khi vợ anh bước vào phòng, nó chú ý ngay, vẫy đuôi rối rít như thể đây là sự kiện lớn lao trọng đại.

• Khi nó muốn được cô ấy âu yếm (nó luôn muốn như thế) thì nó không đợi xem liệu cô ấy có tâm trạng sẵn sàng hay không mà cứ chạy thẳng đến chỗ cô ấy, cọ người vào cô ấy, báo hiệu với cô ấy rằng nó đã rất sẵn sàng được yêu thương.

• Khi vợ anh về nhà, nó nhảy nhót vui mừng ra cửa đón như thể nó cực kỳ sung sướng khi được gặp lại cô ấy, thậm chí dù cô ấy mới chỉ ra ngoài 2 phút để nhận thư.

• Khi vợ anh cảm thấy xuống tinh thần dù chỉ một chút thôi, nó không bao giờ bỏ cô ấy lại một mình vì nghĩ rằng “rồi cô ấy sẽ vượt qua được thôi”, mà ngược lại, nó sẽ ngồi sát hơn vào cô ấy để cô ấy biết rằng nó yêu thương cô ấy dường nào.

• Khi vợ anh dành điều gì đó đặc biệt cho nó, dù là bữa ăn tối, một cái bánh quy, chà tay lên bụng nó hay cho nó một món đồ chơi…, nó đều tiếp nhận như thể đó là món quà tặng to lớn nhất trên thế giới này. Nó vô cùng biết ơn cô ấy ngay cả khi cô ấy cho nó những món quà tặng nhỏ nhất.

• Sparky không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để dành cho vợ anh một cái hôn, nằm cuộn mình âu yếm hay một cái liếm bày tỏ tình cảm. Nó không bao giờ nghĩ “Mình vừa liếm cô ấy cách đây một giờ” hay “Mình sẽ đợi đến sau bữa ăn để bày tỏ tình cảm với cô ấy”. Đối với Sparky, bất cứ thời gian nào cũng là thời điểm phù hợp để yêu thương và yêu thương càng nhiều càng tốt.

Khi quan sát Sparky, anh sẽ nhận thấy nó yêu thương vợ anh theo cách cực kỳ cởi mở, nhất quán. Nó không bao giờ chỉ biết đón nhận tình cảm mà còn biết cho đi, không bao giờ che giấu cảm xúc của mình, chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn về tình yêu của nó dành cho cô ấy, chẳng bao giờ xem sự hiện diện của cô ấy là bình thường và tất yếu. Và đáp lại tình cảm của Sparky, vợ anh đã cưng chú chó này như cách anh mô tả. Vì vậy, tôi cho rằng nếu anh muốn cô ấy yêu anh như thế, anh phải yêu cô ấy như cách con Sparky đang làm. Yêu thương toàn tâm toàn ý. Yêu suốt 24 giờ một ngày. Hãy yêu thương theo cách đó và không cần phải lo lắng rằng mình sẽ trở thành một chàng ngốc…

100. Bạn có tin rằng trên đời này có bạn tâm giao? Liệu có thể có nhiều hơn một người bạn tâm giao không?

Với kinh nghiệm bản thân, tôi tin rằng mỗi tâm hồn (cả nam lẫn nữ) đều đã trải nghiệm nhiều đời sống ở nhiều thực thể khác nhau, bởi mục tiêu tiến hóa của mỗi tâm hồn là vươn đến sự hiểu biết và có được tình yêu. Quá trình đạt đến những điều này liên quan đến những lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống của mình. Một số thông qua các sự kiện, một số thông qua các tình huống và một số qua những người bạn tâm giao chúng ta gặp được trong đời.

Theo sự sắp đặt của tạo hóa, vạn vật đều có mục đích xa hơn vẻ bề ngoài của nó, vậy nên chẳng có gì là tình cờ. Hoàn toàn không có việc hai người nào đó tình cờ tìm đến nhau và cùng khám phá mối quan hệ tình cảm. Mỗi con người trên thế giới này tìm thấy một nửa của mình từ những tình huống có vẻ khó tin. Dù chúng ta dành ra một tuần, một năm hay 50 năm bên nhau, mục tiêu gắn kết rốt cuộc vẫn là: chúng ta đến với nhau để làm thầy của nhau, để học hỏi lẫn nhau mọi điều, để biết yêu thương nhau nhiều hơn.

Tuy nhiên, giữa dòng đời mênh mông, có nhiều người gắn bó với bạn đời và cuối cùng thì giải thoát hoàn toàn cho nhau. Đôi khi hai người bị thu hút lẫn nhau để cùng giải quyết những căn nghiệp quá nặng, những vấn đề tình cảm và tâm linh. Dạng quan hệ “duyên nghiệp” này đôi khi rất kịch tính và đau khổ. Nó có thể kéo dài suốt cuộc đời hoặc ít hơn nếu người trong cuộc nhanh chóng rút ra những bài học trong mối quan hệ của mình. Dĩ nhiên, nếu bạn không thông suốt những bài học này, bạn sẽ phải học lại, hoặc học trong chính cuộc đời này với một “người thầy” tương tự, hoặc ở một cuộc đời khác với tình huống tương tự.

Đôi khi, hai người nào đó gắn bó với nhau bằng “ký ức” hoặc những mối quan hệ chuyển tiếp. Những người này cảm thấy dường như họ từng là những người bạn thân thiết (và đúng là thế). Anh ấy/cô ấy dừng chân trong cuộc đời bạn đúng lúc bạn rất cần được ai đó nhắc nhở rằng bạn thật đáng yêu, bạn xứng đáng được đối xử tử tế… hay khi bạn thực sự muốn bắt đầu một mối quan hệ mới, khi bạn muốn chăm sóc bản thân tốt hơn. Những mối quan hệ này giống như những chiếc đồng hồ báo thức của vũ trụ, đánh thức bạn, giúp bạn nhận ra bản thân mình, nhận ra sự sáng suốt trong nội tâm mà bạn đã lãng quên. Những người bạn “như đến từ kiếp trước” này thường chỉ ở lại trong một thời gian ngắn rồi sau đó lại tiếp tục tìm kiếm ai đó phù hợp với mình để cùng tháo gỡ những vấn đề phức tạp hơn, và bạn cũng sẽ làm như vậy. Những mối quan hệ này thường kết thúc dễ dàng trong yêu thương. Mục tiêu của bạn và người ấy đã hoàn thành và bạn luôn cảm thấy biết ơn vì đã từng gắn kết với anh ấy/cô ấy.

Những mối quan hệ mang tính chất “học hỏi lẫn nhau” có thể kéo dài cả đời người. Hai tâm hồn đến với nhau với những vai trò rất giống nhau. Họ quyết định dành nhiều thời gian để học hỏi những bài học trong mối quan hệ chung và giúp nhau cùng phát triển. Những cuộc hôn nhân bền lâu thường rơi vào dạng này, đặc biệt là những mối quan hệ khiến họ cảm thấy hài lòng, bình an vào cuối đời. Những mối quan hệ đó có thể không tràn đầy đam mê, không say mê cuồng nhiệt, không là những chuyện tình thắm thiết nhất… nhưng chúng nâng mỗi tâm hồn lên tầm cao mới bằng cách gắn kết tâm hồn này với tâm hồn khác có khả năng đảm bảo an toàn, giúp đỡ nhau khi cần thiết… để hoàn thành sứ mệnh tinh thần cho mỗi cuộc đời.

Và tôi tin rằng, luôn có bạn tâm giao trong đời! Đó là hai tâm hồn được số mệnh gắn kết chặt chẽ suốt cuộc đời. Một số sách vở nói rằng hai người tâm giao là hai mảnh của một tổng thể bị chia tách trong quá trình vạn vật hình thành. Những sách vở khác thì cho rằng hai tâm hồn “song sinh” này là cách diễn tả về đàn ông và đàn bà trong cùng một cá thể chứa đựng năng lượng tinh thần. Kinh nghiệm của tôi là: bạn tâm giao thật sự là một tâm hồn được gắn kết với tâm hồn bạn bằng tình yêu sâu sắc, phi thời gian, bằng sự tin tưởng, dâng hiến – vì mục tiêu cuối cùng là giúp bạn hoàn thành cuộc Hành trình trở về “Ngôi nhà hạnh phúc”, và ngược lại, bạn cũng giúp tâm hồn kia hoàn tất cuộc hành trình của nó. Khi có một người bạn tâm giao đúng nghĩa, bạn cảm thấy được yêu thương vô cùng, an toàn vô cùng, luôn được biết đến, và nhờ đó bạn dễ nhớ được bản chất thật sự của bạn là Tình Yêu, từ đó có những bước tiến rất nhanh trên Hành trình kia. Nói một cách ngắn gọn, bạn tâm giao chính là sự phản ánh hoàn hảo tâm hồn bạn, và khi nhận thức rõ bản thân, bạn sẽ tiến gần hơn đến sự khai sáng.

Khi tìm được bạn tâm giao, bạn sẽ cảm thấy như thể bạn và người ấy từng luôn ở bên nhau từ kiếp trước. Trong mọi khái niệm về thời gian, việc hội ngộ hai tâm hồn sẽ lấp đầy sự nhung nhớ mãnh liệt, vĩnh cửu từng ở trong tim bạn, mãi đến khi bạn tìm thấy người kia. Đó là sự mong chờ mà không một mối quan hệ bình thường nào có thể có. Mối quan hệ của bạn tất nhiên vẫn sẽ có những thách thức, có nhiều bài học cần học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm, nhưng mỗi giây phút đồng hành cùng bạn tâm giao, bạn đều có thể chắc chắn rằng bạn đang tiến về Ngôi nhà hạnh phúc của mình!

Tôi nghĩ rằng mỗi bạn tình/người yêu đều được xem là một dạng bạn tâm giao vì tất cả chúng ta là một phần của vũ trụ bao la. Song, những trải nghiệm tình cảm và tâm linh cũng như những nghiên cứu của tôi cho thấy, có sự khác biệt to lớn giữa tình yêu mà bạn cảm nhận trong những mối quan hệ tình cảm khác nhau và tình yêu của những bạn tâm giao vốn dĩ vượt qua tất cả mọi thứ theo cách đặc biệt nào đó mà tôi vẫn đang học hỏi để hiểu rõ hơn. Một số tài liệu cho rằng mỗi chúng ta có nhiều dạng bạn tâm giao, trong khi các sách vở khác nói rằng chỉ có một bạn tâm giao gắn kết với ta trong đời. Dù sự thật thế nào chăng nữa thì một khi đã ở cùng bạn tâm giao của mình, bạn sẽ không quan tâm liệu có còn người bạn tâm giao nào khác đang “phiêu lãng” ở nơi nào đó trong vũ trụ bao la này.

Và đây là điều rất quan trọng: Bạn càng cam kết phát triển tâm hồn mình trong tình yêu, càng nỗ lực học hỏi những bài học mà bạn đã tiếp nhận, bạn sẽ càng chắc chắn rằng ngay giây phút này, mình sẽ thu hút được một người bạn đời tuyệt vời, phù hợp với mình. Và có lẽ, nếu bạn thật sự được ban phúc lành, bạn sẽ phát hiện ra rằng người bạn tâm giao của bạn đã đến đây vào thời điểm này để cùng bạn Chu du trở về Ngôi nhà hạnh phúc.

Mua sách Giải Đáp Chuyện Yêu ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Giải Đáp Chuyện Yêu” khoảng 61.000đ đến 66.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Giải Đáp Chuyện Yêu Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Giải Đáp Chuyện Yêu Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Giải Đáp Chuyện Yêu Fahasa” tại đây

Đọc sách Giải Đáp Chuyện Yêu ebook pdf

Để download “sách Giải Đáp Chuyện Yêu pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 28/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *