Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc

Giới thiệu sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc – Tác giả Hoàng Quốc Hải

Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc

Hoàng Quốc Hải không chỉ nổi tiếng với hai bộ tiểu thuyết “ Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý” mà ông còn là cây bút tản văn có hạng đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như lịch sử, văn hóa, chân dung văn học và bình giải văn chương. Hoàng Quốc Hải là nhà văn có tầm văn hóa dày dặn, nên bất cứ bài nào của ông cũng được viết một cách cẩn trọng, đầy chất trí tuệ, nội hàm phong phú, thông tin chính xác, quan điểm cấp tiến, toát lên tinh thần học thuật nghiêm túc.

“Kẻ sĩ trước thời cuộc”, nói một cách hình ảnh, nó giống như giai phẩm văn chương được hình thành từ một phương pháp luận đặc thù, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách cảm và cách tư duy phản biện của một cây bút từng trải. Chẳng những thế, Hoàng Quốc Hải còn là nhà văn am hiểu thời cuộc sâu sắc. Ông nắm được nhiều vấn đề phức tạp của xã hội, nhận diện và lý giải nó bằng đầu óc phân tích khách quan rồi quy chiếu vào những trường hợp cụ thể mà ông cho rằng, đó chính là nguyên nhân gây ra những hệ lụy.

“Kẻ sĩ trước thời cuộc” gồm 65 bài, trong đó nhiều nhất là chân dung văn học (26 bài), tiếp đến văn hóa, lịch sử (24 bài), cảm nhận, bình giá tác phẩm (7 bài), cuối cùng là vấn đề thời sự, tham luận và phản biện (10 bài).

Phong cách văn chương trong “Kẻ sĩ trước thời cuộc” luôn tương thích với từng thể tài. Với chân dung văn học, Hoàng Quốc Hải bao giờ cũng nhìn nhận tác giả ở phần bản chất nhất là sự đóng góp của họ vào quá trình phát triển của nền văn học nước nhà mà không câu nệ các tiểu tiết bởi các học thuyết và hệ ý thức chi phối. Đọc chân dung văn học của Hoàng Quốc Hải, ta có cảm giác như là ông viết để trả nợ đời, món nợ không phải do ông còn thiếu mà không hiểu sao cứ như là mình có lỗi. Cho nên, chân dung văn nhân hiện ra qua ngòi bút của ông có cái gì đó như nỗi buồn xa vắng, như lời cảm thán về nhân tình thế thái, về một “đấng cao xanh” không đủ độ khoan dung, nên bỏ phí một tài năng.

Ke Si Truoc Thoi Cuoc
Ke Si Truoc Thoi Cuoc

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc
  • Hình thức: Bìa mềm
  • Tác giả: Hoàng Quốc Hải
  • Kích thước: 15,5×23,5 cm
  • Số trang: 1195 trang tổng cộng
  • Khối lượng: 1000gr
  • Năm phát hành: 2023
  • Xem thêm: Top sách nên đọc

2. Đánh giá Sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc

Đánh giá Sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc
Đánh giá Sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc

1 Sách hay nên đọc.

2 Hàng giao đến rất nhanh, mình đặt trưa hôm qua mà trưa hôm nay đã có rồi. Sách được bọc một lớp seal, không móp gáy và góc bìa, mình rất thích. Về nội dung sách thì mình chưa đọc nên không thể đưa ra đánh giá, ai muốn mua thì hãy xem review trên mạng trước nhé!

3 Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận.

Review sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc

Hoàng Quốc Hải không chỉ nổi tiếng với hai bộ tiểu thuyết “Vương triều sụp đổ” và “Tám triều vua Lý” mà ông còn là cây bút tản văn có hạng đề cập đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như lịch sử, văn hóa, chân dung văn học và bình giải văn chương.

Trên cơ sở hàng trăm bài viết của một đời cầm bút, năm 2014, Hoàng Quốc Hải cho xuất bản cuốn “Kẻ sĩ trước thời cuộc” do NXB Phụ nữ ấn hành, dày 596 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, bìa gập, do họa sĩ Văn Sáng trình bày với ý tưởng khá độc đáo.

Hoàng Quốc Hải là nhà văn có tầm văn hóa dày dặn, nên bất cứ bài nào của ông cũng được viết một cách cẩn trọng, đầy chất trí tuệ, nội hàm phong phú, thông tin chính xác, quan điểm cấp tiến, toát lên tinh thần học thuật nghiêm túc.

“Kẻ sĩ trước thời cuộc”, nói một cách hình ảnh, nó giống như giai phẩm văn chương được hình thành từ một phương pháp luận đặc thù, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách cảm và cách tư duy phản biện của một cây bút từng trải. Chẳng những thế, Hoàng Quốc Hải còn là nhà văn am hiểu thời cuộc sâu sắc. Ông nắm được nhiều vấn đề phức tạp của xã hội, nhận diện và lý giải nó bằng đầu óc phân tích khách quan rồi quy chiếu vào những trường hợp cụ thể mà ông cho rằng, đó chính là nguyên nhân gây ra những hệ lụy.

“Kẻ sĩ trước thời cuộc” gồm 65 bài, trong đó nhiều nhất là chân dung văn học (26 bài), tiếp đến văn hóa, lịch sử (24 bài), cảm nhận, bình giá tác phẩm (7 bài), cuối cùng là vấn đề thời sự, tham luận và phản biện (10 bài).

Ở mảng chân dung văn học, loạt bài viết về nữ sĩ Ngân Giang (“Ngân Giang với bài Trưng nữ vương”; “Thơ Ngân Giang”; “Ngân Giang là thế”), “Gặp bà Thục Oanh nhớ Vũ Hoàng Chương”, “Những dấu hiệu khả ái trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly”, và “Còn luân hồi thì ta còn gặp gỡ”…, là những bài viết có hàm lượng trí tuệ cao bằng bút pháp tài hoa, làm người đọc xúc động.

Trong phần văn hóa, lịch sử, những bài “Đi tìm một Ngọa Vân am”, “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” hay “Việc đạo việc đời và phương lược xuất xử tùy duyên” đều có giá trị về mặt học thuật, chẳng khác gì những công trình khảo cứu đem đến cho bạn đọc những nhận thức mới về lịch sử, tôn giáo trong các triều đại phong kiến Việt Nam cách nay nhiều thế kỷ.

Bên cạnh đó, những bài phản biện xã hội cùng với tham luận từ các hội thảo khoa học hay Đại hội Nhà văn lại có một vị trí đáng kể trong việc làm nên diện mạo cuốn sách. Các phản biện xã hội của Hoàng Quốc Hải đều mang nội dung tích cực, có ý nghĩa khai mở lối tư duy độc lập hình thành từ những luận chứng có sức thuyết phục, khách quan và tiếp cận chân lý được chuyển tải bằng lối hành văn trong sáng của tiếng Việt hiện đại.

Phong cách văn chương trong “Kẻ sĩ trước thời cuộc” luôn tương thích với từng thể tài. Với chân dung văn học, Hoàng Quốc Hải bao giờ cũng nhìn nhận tác giả ở phần bản chất nhất là sự đóng góp của họ vào quá trình phát triển của nền văn học nước nhà mà không câu nệ các tiểu tiết bởi các học thuyết và hệ ý thức chi phối. Ông thường tìm về những phần khuất lấp từng bị thời cuộc bỏ quên với sự đánh giá khách quan, công bằng như là một nghĩa cử chiêu tuyết cho người bị hàm oan, đồng thời cũng ngầm chỉ ra những thế lực nào đã cố tình vu oan, hãm hại văn nghệ sĩ vốn được coi là thành phần tinh hoa của dân tộc.

clip_image003Tuy nhiên, cách viết chân dung văn học của Hoàng Quốc Hải không cố định ở bất cứ hình thức nào, mà luôn xuất phát từ nguồn cảm hứng sau khi đọc tác phẩm cũng như nhân cách nghệ sĩ của tác giả. Chân dung văn học của ông bao giờ cũng có sự kén chọn nghiêm ngặt. Ông chỉ viết về những văn nghệ sĩ có thực tài và nhân cách lớn. Sách của Hoàng Quốc Hải không có chỗ cho bọn bất tài, cơ hội và tư cách nhếch nhác.

Đọc chân dung văn học của Hoàng Quốc Hải, ta có cảm giác như là ông viết để trả nợ đời, món nợ không phải do ông còn thiếu mà không hiểu sao cứ như là mình có lỗi. Cho nên, chân dung văn nhân hiện ra qua ngòi bút của ông có cái gì đó như nỗi buồn xa vắng, như lời cảm thán về nhân tình thế thái, về một “đấng cao xanh” không đủ độ khoan dung, nên bỏ phí một tài năng. Mỗi chân dung văn học là một mảnh đời nghệ sĩ ba chìm bảy nổi, được Hoàng Quốc Hải đào bới từ quá khứ, làm thức dậy trong khoảnh khắc lịch sử, vụt lóe sáng như mảnh sao băng. Nữ sĩ Ngân Giang là một điển hình. Về nhà thơ Ngân Giang, Hoàng Quốc Hải có đến ba bài, chứng tỏ ông vô cùng mến mộ và cảm phục tài năng, nhân cách nữ sĩ.

Qua những dòng tản văn mang phong cách cổ điển viết về một người phụ nữ đa đoan gần như bị cuộc đời lãng quên, Hoàng Quốc Hải đã phần nào khắc họa được chân dung nghệ sĩ của bà sau mấy chục năm lặng lẽ ẩn cư xứ “Giang biên”. Ngân Giang có một quá khứ hào hùng, một tài năng thơ bẩm sinh, một bậc “quốc sắc thiên hương”. Bà đã từng sắm vai nữ sĩ vào thẳng Bộ tư lệnh gặp tướng Lư Hán ở Hà Nội giải cứu nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhiều cán bộ cách mạng khác bị quân Tàu Tưởng giam giữ. Và cũng vẫn Ngân Giang còn được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ, vậy mà, cuối cùng bị chính những người lẽ ra phải chịu ơn, lại biến giai nhân – nữ sĩ một thời thành cái bóng vật vờ bên lề cuộc nhân sinh. Thế nên, Hoàng Quốc Hải hạ bút cảm thán về thân phận bà: “Có lẽ rất ít trong số các nhà thơ nữ của Việt Nam cùng thời với Ngân Giang, lại sớm nổi tiếng như bà. Và cũng sớm đạt tới vinh quang trần thế như bà. Nhưng cũng ít ai vận hạn triền miên cay đắng đủ đường như bà. Đất nước vừa được giải phóng, bà liền bị rơi vào quên lãng. Nghe nói bà chỉ được Hội Nhà văn mời tới họp có một đôi lần, rồi bỏ bẵng” (“Thơ Ngân Giang”, tr. 82). Nỗi cô đơn ấy lặn vào thơ tạo nên những hình ảnh ngậm ngùi thương cảm, được tác giả trích dẫn trong bài viết của mình: “Đâu thuở đề thơ nơi tướng phủ/ Đây ngày quét lá chốn giang biên”, và đây nữa: “Mười năm quét lá bên sông/ Hình hài để lại cái còng trên lưng” (“Thơ Ngân Giang”, tr. 83).

Đọc Hoàng Quốc Hải, người ta còn nhận ra sự phong lưu, đài các của một nữ sĩ Hà thành mỗi khi tiếp bạn văn chương: “Đài các đến tới mức, hễ cứ tiếp khách là bà đốt trầm. Nghe nói salon (phòng văn) của bà, vào những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ này, mở tiếp khách vào các ngày thứ sáu hàng tuần […]. Nhà văn Nguyễn Tuân, một tay hào hoa và cầu kỳ có hạng, mỗi lần bước vào PHÒNG VĂN NGÂN GIANG, thay vì chào hỏi các bạn, ông bước thẳng tới chỗ lư trầm, rắc thêm trầm vào lư, miệng ngâm khổ thơ đầu trong bài Vương Tường của Ngân Giang: “Khơi đỉnh trầm lên! Kìa thái giám!/ Cho hương tỏa quyện điệu tỳ bà” (“Ngân Giang là thế”, tr. 89).

Thế nhưng, cái “thời oanh liệt ấy, nay còn đâu”. Ngân Giang giờ chỉ còn là cái bóng liêu xiêu của ngày xưa. “Bởi vậy bà cứ nằm ở nhà rên rẩm, mặt quay vào tường, đôi lúc tủi thân, nước mắt chảy giàn giụa. Chán rồi bà lại làm thơ. Thơ vứt vương vãi khắp nhà, kể có ngàn bài, mà bài nào cũng có thể in báo, in sách được. Chắc cái đám thơ ấy, sớm muộn sẽ mai một thôi” (“Ngân Giang là thế”, tr. 95).

Phong cách viết chân dung của Hoàng Quốc Hải khác người ở chỗ, không bao giờ ông “ăn theo” những tác giả đã được nhà nước ta “chăm sóc” chu đáo, nhất là vào những ngày lễ lạt, kỷ niệm, được vinh danh bởi hàng loạt bài giống nhau như cùng một khuôn đúc trên các báo chí chính thống. Ông có cách đi riêng của mình, đến với những văn nghệ sĩ bị “bỏ quên” bắt nguồn từ những “tai nạn nghề nghiệp” hay văn nghệ sĩ ở “phía bên kia” cho dù vẫn là đồng bào Việt tộc máu đỏ da vàng. Cặp vợ chồng Thục Oanh – Vũ Hoàng Chương là minh chứng cho nhận định trên.

Viết về Vũ Hoàng Chương, Hoàng Quốc Hải sử dụng thủ pháp “bắc cầu”, dùng hình ảnh phu nhân Thục Oanh, như một tri kỷ tri âm để khắc họa chân dung một trong những “người thơ” nổi tiếng của nhóm “Dạ Đài”. Và cũng lại từ nhà thi sĩ lắm tài nhiều tật này, tác giả tìm ra được mối quan hệ đặc biệt thân thiết với nữ sĩ Ngân Giang, từ đó khẳng định, Ngân Giang, Vũ Hoàng Chương là hai cây bút chân tài, tuy mỗi người một vẻ, nhưng đều có những đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển ngôn ngữ thi ca hiện đại Việt Nam: “Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Trần Huyền Trân, Ngân Giang, Lê Văn Trương…, là một trong những nhóm các bậc tài danh được người đương thời mến mộ. Trong đó, Lê Văn Trương là người lớn tuổi hơn cả. Và nơi ông có phong thái của một người hùng…” (“Gặp bà Thục Oanh nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương”, tr. 23). Và đây là cái tình cố cựu của người bạn thơ ở mãi phía trời Nam gửi đến nữ sĩ Ngân Giang nghèo túng trên bãi sông Hồng: “Trước năm 1975, Vũ Hoàng Chương sống tàm tạm, là nhờ ở sự tần tảo và cần kiệm của bà Thục Oanh. Nhà nghèo, thế mà khi ông Vũ Hoàng Địch (em trai nhà thơ) vào thăm sau 30.4.1975, Vũ Hoàng Chương còn cố gom góp đủ tiền mua được mười mét gấm gửi tặng nữ sĩ Ngân Giang ngoài Hà Nội” (“Gặp bà Thục Oanh nhớ thi tài Vũ Hoàng Chương”, tr. 24). Nhưng buồn thay, cho đến lúc qua đời, Ngân Giang không bao giờ được mặc áo gấm. Quà tặng của Vũ quân, bà phải bán đi đong gạo cho con khỏi đứt bữa.

Trong loạt chân dung văn học của Hoàng Quốc Hải còn có một trường hợp ngoại lệ, được ông đặt cho một tựa đề khá đặc biệt “Còn luân hồi thì ta còn gặp gỡ”. Đó là vị tu sĩ mang cốt cách của một kẻ ẩn cư: nhà thơ Minh Đức – Triều Tâm Ảnh. Điều kỳ lạ khiến bạn đọc quan tâm trong thiên tạp bút này là tác giả và thi sĩ trụ trì “Huyền Không sơn thượng” chưa từng gặp nhau một lần mà lại rất có duyên với nhau. Tập thơ “Chèo vỡ sông trăng” vị ẩn sĩ Cố Đô gửi Hoàng Quốc Hải cùng lời đề tặng vô cùng trân trọng đã phần nào đã tỏ rõ mối lương duyên “thiên tải nhất thì”: “Về Hà Nội ít lâu sau, tôi thấy vợ tôi đem về nhà bản thảo tập truyện ngắn: Người trồng hoa và chàng tu sĩ của Triều Tâm Ảnh. Tôi bèn đọc, và sững sờ về bút pháp nghệ thuật cũng như ý tưởng thâm trầm được thể hiện qua các trang văn.

Không lâu sau đó, tôi nhận được tập thơ Chèo vỡ sông trăng của thiền sư gửi tặng với lời đề: Kính tặng nhà văn Hoàng Quốc Hải, một người ‘chưa biết mặt’ mà ‘quen văn’ thì khá nhiều.

Huyền Không sơn thượng 9.4.1995

Ký tên: Minh Đức – Triều Tâm Ảnh” (“Còn luân hồi thì ta còn gặp gỡ”, tr. 207).

Chỉ với vài nét phác thảo về chân dung một ẩn sĩ, không có thêm bất cứ lời bình luận rườm rà nào mà làm tâm hồn ta rung động. Có lẽ nguyên nhân sâu xa là những trang văn ấy mang phong vị “Thiền” chăng? Mà với “Thiền” thì Hoàng Quốc Hải đã có thâm niên nghiên cứu mấy chục năm, còn Minh Đức – Triều Tâm Ảnh vốn là đệ tử chân truyền: “Điều thú vị là thơ, văn của tu sĩ Minh Đức – Triều Tâm Ảnh có phong vị thơ Thiền của các đời Lý – Trần. Qua thơ văn ông, ta thấy ông là người hiếu Đạo nhưng không lìa bỏ thế gian. Trái lại, nhân sinh quan của thi sĩ là tích cực. Và việc ông xuất gia là để nhập thế…” (“Còn luân hồi thì ta còn gặp gỡ”, tr. 208).

Tạp văn Hoàng Quốc Hải có nhiều thành tựu về đề tài văn hóa, lịch sử. Cả cuộc đời cầm bút của ông gắn với tiểu thuyết lịch sử, nên quan niệm của ông về lịch sử, nhất là chính sử, phải rõ ràng minh bạch và công bằng. Có nghĩa là, lịch sử dân tộc phải được ghi chép đúng như những gì đã xảy ra trong quá khứ. Thật không may, lịch sử Việt tộc cho đến ngày nay vẫn còn những khoảng trống. Tham vọng của Hoàng Quốc Hải là góp phần của mình làm đầy những khoảng trống ấy mà không bẻ cong ngòi bút “sáng tác” những chiến công “hoành tráng” bất chấp hiện thực khách quan, biến lịch sử dân tộc thành bản thống kê thành tích của một vương triều. Vì vậy, thái độ của nhà cầm quyền cũng như những người làm giáo dục đối với lịch sử dân tộc như thế nào luôn là nỗi trăn trở của người cầm bút như ông. Không ít bài tham luận trình bày trong nhiều hội thảo khoa học, Hoàng Quốc Hải đã từng cảnh báo, nếu không có phương pháp đúng đắn, giáo dục chỉ chạy theo thành tích ảo, sợ rằng, các thế hệ học sinh Việt Nam sẽ mù sử Việt, ngược lại, rất thông thạo sử Tàu qua hàng loạt bộ phim dã sử dài tập được công chiếu trên hàng trăm kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương.

Những bài viết góp phần giải mã một số bí mật lịch sử, hay tháo gỡ những bế tắc do quan điểm giáo điều chi phối của Hoàng Quốc Hải gần đây được dư luận chú ý phải kể đến “Đi tìm một Ngọa Vân am”, “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” và “Việc đạo việc đời và phương lược xuất xử tùy duyên”. Theo chúng tôi, bộ ba tản văn này được xem là phần nổi bật nhất của cuốn sách với tư liệu điền dã phong phú, đa dạng, lập luận thuyết phục, chứng cứ xác đáng và nghệ thuật phản biện hấp dẫn, khiến không những độc giả bình thường mà ngay các nhà chuyên môn cũng phải tâm phục khẩu phục bởi tính khoa học hiển nhiên của nó.

“Đi tìm một Ngọa Vân am” là thiên tạp bút lịch sử giàu chất thơ nhưng cũng hàm chứa năng lực “bút chiến” của người cầm bút chân chính, bất bình trước sự vô trách nhiệm của những người làm sử. Từ đó, tác giả tỏ ra nghi ngờ độ chính xác và sự trung thực của các công trình nghiên cứu, biên khảo, thậm chí cả sách giáo khoa, tiêu tốn nhiều tỷ tiền thuế của dân, nhưng chất lượng yếu kém, mà hậu quả của nó là tác hại khôn lường.

“Đi tìm một Ngọa Vân am” được lấy cảm hứng từ việc tìm nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch và nơi an táng ngài. Trước khi chuyến điền dã vất vả diễn ra, các nhà sử học quan phương đã xác định Ngọa Vân am ở nhiều địa điểm khác nhau, rất tùy tiện, theo một thói quen cũng rất vô trách nhiệm. Các nhà sử học Việt Nam mấy chục năm qua, có một phương pháp làm giới học giả thế giới nghi ngờ là chỉ quan tâm đến định tính mà không chú ý đến phần định lượng của các dữ kiện lịch sử. Chính vì thế mới có chuyện, mấy vị giáo sư sử học hay một quan chức quản lý ngành văn hóa, chỉ tay phán lung tung mỗi người một phách về vị trí Ngọa Vân am. Và đây là lời ông Thanh Sĩ, Giám Đốc Sở Văn hóa tỉnh Quảng Ninh, sau cuộc hội thảo khoa học về Yên Tử, tháng 11 năm 1981, chỉ định nơi Phật hoàng về cõi niết bàn vô cùng liều lĩnh, được Hoàng Quốc Hải dẫn ra trong bài viết : “Rất may, nơi trang 33 lại có đoạn hướng dẫn tìm Ngọa Vân như sau: “Men theo con đường phía trái chùa Hoa Yên, một bên là sườn núi, một bên là vực thẳm, dưới đáy vực là rừng giáo tre vút lên thẳng tắp, ta sẽ đến am Ngọa Vân (am trong mây). Thác Tử từ trên lèn đá cao 10 mét, đổ nước xuống sôi réo vọt qua con đường này, rồi lao xuống vực ào ạt…”.

Tôi tìm đến nơi mà hai vị chỉ dẫn. Nhưng chẳng thấy một chút dấu tích gì. Dù là một viên gạch vỡ, một tấm bia sứt” (“Đi tìm một Ngọa Vân am”, tr. 268). Còn ông Trần Trương, trưởng Ban quản lý di tích Yên Tử thì phán đoán: “Theo em, có khi Ngọa Vân chính là chùa Hoa Yên, chỗ anh em mình đang đứng đây” (“Đi tìm một Ngọa Vân am”, tr. 268). Tức cười hơn nữa, giáo sư Lê Văn Lan, người thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, giải đáp những thắc mắc về lịch sử cho công chúng, thì khẳng định một cách rất chi là vô tư: “Ngọa Vân chính là khu vực Tháp Tổ” (“Đi tìm một Ngọa Vân am”, tr. 268). Còn vị giáo sư đáng kính khác, ngài Hà Văn Tấn, lại có quan điểm “thoáng hơn” các đồng nghiệp bằng cách “xếp” “Ngọa Vân” ở gần Am Dược.

Một di tích thuộc hệ thống Phật giáo Thiền tông có giá trị lịch sử như vậy mà mỗi nhà khoa học định vị một chỗ theo ý kiến chủ quan của mình, khiến một nhà văn như Hoàng Quốc Hải thất vọng. Từ đó, trong ông nảy sinh ý tưởng, phải tìm bằng được Ngọa Vân am theo cách của riêng mình. Phương pháp ấy chinh là tra cứu chính sử, tìm hiểu lịch sử Phật giáo Thiền tông và đi khảo sát thực tế, nghĩa là trên cơ sở định tính, chuyển sang nghiên cứu định lượng để tìm ra sự thật lịch sử.

Các cuốn sách công cụ như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Trúc Lâm tam tổ”, “Thánh đăng lục” và “Tam tổ hành trạng” đã phần nào chỉ ra phương hướng tổng quát. Còn chuyến đi thực tế do Phòng Văn hóa huyện Đông Triều cử người làm hướng đạo đã đưa đến kết quả bất ngờ. Ngọa Vân am đã được tìm ra, không phải ở khu quần thể di tích phía Đông, mà ở mãi sườn phía Tây, nơi mà vị Bảo Sái phải đi bộ hai ngày đường mới đến. Có thể nói, Hoàng Quốc Hải là người đầu tiên trong giới văn nghệ sĩ tìm đến được Ngọa Vân am đích thực, nên ta không lạ gì tâm trạng phấn chấn của ông khi biết mình đang đứng trước một di tích Phật giáo thiêng liêng sau chuỗi thời gian dài bị quên lãng: “Hết rừng trúc lại leo lên đồi tranh. Đập vào mắt tôi một khung tường lở lói, một căn nhà hoang phế. Cỏ tranh và cây dại trong nền nhà đã mọc cao vượt cả khung tường. Hỏi ra mới biết đây là ngôi chùa của quần thể Ngọa Vân. Chúng tôi hết sức vui mừng. Dường như bao nỗi nhọc mệt, khát, đói, gối mỏi chân chồn đều tan biến đi. Theo lối mòn đi lút vào vạt rừng lưa thưa cây cối độ vài trăm bước, sừng sững trước chúng tôi là đỉnh núi Ngọa Vân” (“Đi tìm một Ngọa Vân am”, tr. 277). Và cảm xúc choáng ngợp ấy được tác giả “Bão táp cung đình” nhớ lại: “Sừng sững trước tôi là Đoan Nghiêm tháp. Không hiểu trong đó chứa xá lị của vị thiền sư nào. Bởi ngoài ba chữ đó, không có một thông tin nào về ngôi tháp này. Nhích sang phía trái, một ngôi tháp gạch nhỏ hơn tháp Đoan Nghiêm, có ghi chữ Phật Hoàng tháp. Đích thị là tháp của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Phía trước tháp có tấm bia ghi năm tháng trùng tu. Chính giữa có hàng chữ to, nét còn rất sắc Trần Nhân Tông hoàng đế lăng sắc kiến. Bên cạnh ghi năm tháng trùng tu: Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng” (“Đi tìm một Ngọa Vân am”, tr. 278).

Như vậy, từ đây, Ngọa Vân am đã được định vị chính xác trên bản đồ quần thể di tích Yên Tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các thiện an tín nữ cũng như khách du lịch thập phương đến viếng thăm. Công lao ấy, có một phần không nhỏ của nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Việc các nhà khoa học lịch sử và quản lý văn hóa chỉ ra một Ngọa Vân mơ hồ như trong sách Cõi thiêng Yên Tử, khiến các địa điểm như Am Hoa, Am Dược, Am Lò Rèn…, cũng trở nên mông lung, khó tin; bởi tất cả đều không có một chứng cớ khảo cổ nào làm bằng.

Mong sao nước ta có một đội ngũ các nhà khoa học lịch sử nghiêm túc và trung thực, để nhân dân có thể tin những gì họ nói và viết. và cũng mong sao các thế hệ nối tiếp thừa kế xứng đáng sự nghiệp của tổ tông” (“Đi tìm một Ngọa Vân am”, tr. 285).

Với “Trắng án Nguyễn Thị Lộ”, Hoàng Quốc Hải có cách nhìn lịch sử từ quan điểm phê phán qua những đoạn văn đầy trách nhiệm công dân. Ông đồng tình với dư luận thời đại, bênh vực nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ, lên án chế độ phong kiến độc tài, tàn bạo nhẫn tâm xuống tay hạ sát công thần vì những xung đột quyền lực. Nhưng, cũng như “Đi tìm một Ngọa Vân am”, ông không chịu dừng lại ở những kết luận chỉ có giá trị định tính, mà phải dày công lục lọi trong chính sử, ngoại sử, dã sử, thậm chí tham khảo cả gia phả các dòng họ lớn từng có người là trọng thần thời kỳ Lê sơ. Từ đó tác giả tìm được nguyên nhân cái chết của gia tộc Nguyễn Trãi, và hệ lụy của hành vi lạm sát đó đối với xã hội đương thời. Thực ra, vụ án Lệ Chi Viên, từ hàng trăm năm nay, đã được nhiều thế hệ các nhà sử học nghiên cứu, phân tích và đánh giá, và kết luận cuối cùng đều có một mẫu số chung là minh oan cho vợ chồng Ức Trai, lên án chế độ phong kiến dã man. Tuy nhiên, đến Hoàng Quốc Hải, ông có cách làm hầu như không giống ai. Đó là mở rộng biên độ vụ án, đặt vụ án trong mối quan hệ phức tạp giữa các thế lực cầm quyền, từ đó tìm ra bản chất của hệ ý thức phong kiến triều Lê dẫn đến cái chết không thể tránh khỏi của các công thần khai quốc như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn…

Cách phân tích, luận giải về các nhân vật lịch sử và thời cuộc trong bài tản văn của Hoàng Quốc Hải đầy sức thuyết phục với những chứng cứ chắc chắn, không thể lật ngược. Đương nhiên, với lịch sử không thể có chuyện “nếu”, bởi các sự kiện đã xảy ra từ cách đây nhiều thế kỷ. Điều cần làm là, phải tìm ra bản chất sự việc, nghĩa là, vào thời điểm thập kỷ bốn mươi của thế kỷ XV, thế lực nào thao túng triều chính nhà Lê, và nhóm quyền thần nào thủ lợi sau cái chết của vợ chồng Nguyễn Trãi.

Xét lại vụ thảm án “Vườn Vải” cách đây gần sáu trăm năm, Hoàng Quốc Hải chỉ ra hai điều phi lý quy tội cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cùng cái chết đột ngột của Lê Thái Tông, đồng thời ông cũng xác định hai nguyên nhân làm cho vợ chồng Ức Trai phải chết. Đây là những phát hiện không mới, nhưng cái mới là, người viết đã tạo được các mối liên kết giữa các sự kiện lịch sử đơn lẻ, chính thống cũng như phi chính thống, thành một hệ thống, tạo ra bước đột phá trong quá trình lật lại vụ án, nhằm chiêu tuyết cho hai nhân vật lịch sử nổi tiếng. Công bằng mà nói, khi Lê Thánh Tông chấp chính, Nguyễn Trãi đã được minh oan, nhưng thật ra, ông vua hay chữ này mới chỉ dám giải oan một nửa cho Ức Trai, còn Nguyễn Thị Lộ thì không. Hoàng Quốc Hải có tham vọng lớn hơn nhiều. Ông muốn “Trắng án Nguyễn Thị Lộ” nên đã viết:

“Hầu hết tướng lĩnh Lam Sơn đều xuất thân từ ruộng đồng, nên họ không ưa gì một kẻ sĩ như Nguyễn Trãi. Hơn nữa, Nguyễn Trãi tuy là người có học thức cao, nhưng về tụ nghĩa sau họ, thế mà suốt thời kháng chiến được Lê Lợi ưu trọng. Mọi công việc bang giao và văn thư giao tế đều do một tay ông chủ trương. Hòa bình, các tướng tâm phúc quê Thanh ấy được Lê Lợi trọng dụng. Bọn họ chỉ lo kéo bè kết cánh đục khoét dân và đua nhau hưởng lạc. Kiến thức họ không phân biệt nổi lục súc trong nhà, thế mả chúng lại xin vua cho được sửa sang nền quốc nhạc. Được vua hỏi đến, Nguyễn Trãi vừa vạch tội bọn này vừa tỏ nỗi bất bình: Nay nhà vua để cho bọn bầy tôi hèn mọn ở trong cung chuyên việc xếp đặt lễ nhạc, như vậy chẳng tủi nhục cho nước nhà lắm sao?” (“Trắng án Nguyễn Thị Lộ”, tr. 307).

Lý do thứ hai Nguyễn Trãi phải chết là ông can thiệp vào việc tranh giành quyền lực nơi hậu cung, nhằm cứu mẹ con Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao và tìm cách ngăn cản Bang Cơ lên ngôi, chỉ vì vị hoàng tử nhí này không phải con đẻ Thái Tông, bởi lẽ hoàng hậu Nguyễn Thị Anh có thai trước khi nhập cung.

Một vấn đề nữa được tác giả nhấn mạnh trong bài viết là, dù vô tình hay hữu ý, các sử gia đương thời, một trong số đó là Ngô Sĩ Liên, đã tiếp tay cho đám quyền thần xóa đi vết máu từng thấm đẫm những trang chính sử thời Lê sơ. Hoàng Quốc Hải phê phán gay gắt Tổng tài Quốc sử quán kém cỏi về nhân cách kẻ sĩ, a dua xu nịnh, bẻ cong ngòi bút phụng sự kẻ tiếm quyền, hãm hại công thần, dẫn đến khủng hoảng chính trị trước khi Lê Tư Thành được đưa lên ngai vàng. Điều đáng chú ý là, phê phán Ngô Sĩ Liên, Hoàng Quốc Hải dùng ngay những lời quở mắng thậm tệ của Lê Thánh Tông đối với vị sử quan này trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Giấy trắng mực đen, tuyệt đối chính xác, không thể chối cãi.

Phần cuối bản tham luận đọc tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Thị Lộ, do Hội khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì này, còn được tác giả đưa ra lời đề nghị hết sức táo bạo, nhưng xem ra lại rất hợp tình hợp lý, ấy là, “Tòa án Nhân dân tối cao nên ra một phán quyết đặc biệt, phủ nhận tính bất hợp pháp của án quyết Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất (1442), để trả lại sự trong sáng cho bà Nguyễn Thị Lộ, đồng thời làm sáng tỏ tính nghiêm minh của lịch sử” (“Trắng án Nguyễn Thị Lộ”, tr. 317).

Cũng trong tập tản văn này, Hoàng Quốc Hải còn có loạt bài mang tính phản biện xã hội, phản biện văn học rất ấn tượng, gợi ra những vấn đề bất cập trong sự vận hành guồng máy xã hội, từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn như một lực cản vô hình kìm hãm tiến trình phát triển đất nước. Loạt tản văn này có lúc được tác giả diễn đạt như một bài chính luận, không đao to búa lớn nhưng lập luận sắc bén, chứng cứ thuyết phục, thái độ ôn hòa, khoan dung, khiến người đọc phải nghiêm túc suy ngẫm, nhất là đối với những nhà hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô. “Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam” là một trong những bài thuộc dạng trên.

Bức thư ngỏ được viết vào tháng 7 năm 2008, như một lời cảnh tỉnh đối với các nhà quản lý đất nước, khi mà hội chứng sân golf đã gây bao thảm cảnh cho người dân mất đất mất nhà sau khi nhận một mớ tiền đền bù rẻ mạt, để rồi tương lai chẳng biết về đâu. Đó là chưa kể đến hậu quả hệ sinh thái bị phá vỡ, môi trường ô nhiễm nặng nề bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại duy trì sự sống cho thứ cỏ nhân tạo, phát tán khắp nơi.

Bài viết ngắn gọn chưa đến 6 trang nhưng đầy ắp số liệu thống kê chuyên môn khiến bất cứ ai đọc qua cũng phải rùng mình bởi một đất nước đang thiếu trầm trọng không gian sinh tồn, diện tích canh tác bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới, mà các vị lãnh đạo thích chơi sang, ký duyệt đến 123 dự án sân golf. Có lẽ Việt Nam ta cũng muốn lập thành tích đưa sân golf vào kỷ lục Guiness cùng với vô số tượng đài nghìn tỷ chăng? Chúng tôi không dám chắc, khi đọc được những thông tin dưới đây, các vị trong ban quản trị Hội Golf liệu có tỉnh ra sau cơn mê sảng triền miên về một “không gian xanh, thân thiện với môi trường, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng” như ông Phó Chủ tịch Hội từng trả lời báo chí: “Thưa ông. Có phải cỏ trồng trên sân golf phải nhập ngoại? Và đây là một loại cỏ được tạo ra hết sức đặc biệt bởi nó phi tự nhiên, vì nó phải sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu, trừ nấm, trừ cỏ dại và phân bón hóa học để chăm sóc nó luôn xanh mướt trên mặt sân. Số hóa chất dùng cho mối ha sân golf nghe đâu cao gấp 5 lần số thuốc trừ sâu và phân bón để chăm sóc ruộng đồng. Trung bình mỗi ha sân golf dùng tới 1,5 tấn hóa chất trong một năm. Như vậy một sân golf có diện tích 300 ha mỗi năm dùng tới 450 tấn hóa chất. Và một sân golf 20 lỗ, mỗi tháng phải dùng tới 150.000 mét khối nước” (“Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam”, tr. 387). Và đây là những tác hại khôn lường từ trò chơi đế vương các đại gia lắm tiền: “Nước trên sân golf một phần ngấm vào lòng đất, một phần chảy trôi xuống các đầm ngòi, ao hồ, sông suối hoặc cánh đồng mà nó tiếp cận. Các hóa chất diệt sâu nấm và cỏ dại được máy móc phun lên phần không nhỏ khuếch tán vào không khí. Do đó việc nuôi dưỡng sân golf đã làm cho môi trường xung quanh từ mặt đất, trong lòng đất, nguồn nước và cả không khí bị ô nhiễm nặng nề. Nó không chỉ hủy hoại môi sinh, làm cạn kiệt nguồn nước và sau khi sân golf không còn khai thác nữa thì đất khó có thể dùng trở lại làm đất nông nghiệp bởi độ xốp, độ phì của nền đất cũ không còn nữa cùng với hệ vi sinh vật bị tiêu diệt hoàn toàn. Khoa học đã chỉ ra rằng, để có tầng đất màu dày khoảng 20 cm, thiên nhiên phải tạo dựng và tích lũy đến cả triệu năm” (“Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam”, tr. 387-388).

Là người cầm bút chuyên nghiệp, Hoàng Quốc Hải luôn trăn trở về “nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao” trong nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên muốn có tác phẩm đỉnh cao lại phải có tự do sáng tác. Tự do sáng tác là chìa khóa mở cửa mọi thành công đối với văn nghệ sĩ, nhưng điều này dường như vẫn là sự cấm kỵ ở Việt Nam mấy chục năm qua. Chuỗi tham luận đọc trước các hội nghị lý luận phê bình qua các thời kỳ của Hoàng Quốc Hải đều nhấn mạnh vào điểm cốt yếu này.

“Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao” là một tham luận đọc tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, năm 2005, Hoàng Quốc Hải nhận định: “Tình hình hiện nay, phải thừa nhận điểm yếu của văn chương Việt Nam là đơn điệu quá. Trên nửa thế kỷ qua tất cả chỉ nói theo một giọng điệu, viết theo một thi pháp. Bản thân nghệ thuật là khám phá, là luôn luôn tìm tòi đổi mới. Vậy mà 60 năm qua chỉ đi mỗi một con đường để cùng đến một mục đích làm gì chẳng cũ kỹ, sáo mòn. Lẽ ra phải tạo điều kiện để có nhiều con đường khác nhau, cùng đến chung một mục đích; đó là dân tộc, là Tổ quốc, là chủ nghĩa yêu nước” (“Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao”, tr. 351). Chưa dừng lại ở đây, bản tham luận còn nhấn mạnh nguyên nhân làm nên hiện tượng “văn học đồng phục” bởi nhà văn không có quyền tự do công bố tác phẩm. Tình trạng kiểm duyệt tùy tiện và “lệnh miệng” một cách ngẫu hứng khiến không ít người cầm bút rơi vào hội chứng “tự kỷ ám thị”, nghĩa là nỗi sợ hãi thường trực khiến tác giả phải tự kiểm duyệt bản thảo của mình trước khi bị cơ quan tuyên giáo kiểm duyệt.

Trên diễn đàn văn chương, Hoàng Quốc Hải công khai đưa ra giải pháp: “Để chấm dứt tình trạng mù mờ đó cần phải xây dựng một xã hội đối thoại, xã hội dân chủ. Vì vậy, mọi thứ phải được minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi đề nghị nhà nước hãy trả lại cho văn chương, báo chí quyền tự do sáng tác, mà nhà nước đã trưng dụng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vừa qua. Đó không chỉ là quyền tự do sáng tác của nhà văn, nhà báo mà còn là quyền được thông tin khách quan của công chúng. Chiến tranh đã chấm dứt 30 năm rồi mà văn chương, báo chí vẫn sống trong cảnh mù mờ. Cả nước có tới gần 1000 tờ báo và tạp chí, nhưng quy về chỉ có mỗi một tổng biên tập, tránh sao khỏi sự đơn điệu và sáo mòn” (“Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao”, tr. 352).

Như phần trên chúng tôi đã nói, Hoàng Quốc Hải là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử nên ông rất quan tâm đến lịch sử dân tộc và cách ứng xử với lịch sử dân tộc của các thế hệ người Việt. Tình trạng học sinh “đói sử” nhưng không thích học sử mà lại chỉ thích sử tàu qua các bộ phim nhại sử nhảm nhí, cho thấy nền giáo dục Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng. Từ việc chối bỏ lịch sử thậm chí làm biến dạng lịch sử, đến việc đánh mất cả một nền văn hóa chỉ còn là vấn đề thời gian. Trả lời phỏng vấn tạp chí Văn hóa Nghệ An, Hoàng Quốc Hải đưa ra những nhận định hết sức quan ngại: “Bảo tàng Lịch sử thì quy mô nhỏ, hoạt động rời rạc như bị chìm khuất, còn Bảo tàng Cách mạng thì từ trung ương xuống các tỉnh ngày một phình to và cứ xem cách họ trưng bày hiện vật, cách hướng dẫn khách tham quan, khiến ta có cảm giác lịch sử dân tộc được đồng hóa với lịch sử cách mạng […]. Việc làm đó không chỉ là việc làm phản khoa học lịch sử, mà nó còn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái về mặt đạo lý, chắc sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài…” (“Nỗi niềm tác phẩm đỉnh cao”, tr. 500).

Tản văn của Hoàng Quốc Hải như một tập đại thành những yếu tố văn hóa xã hội được trình bày với bút pháp đa dạng. Phong cách văn chương “Kẻ sĩ trước thời cuộc” hàm chứa nhiều thông tin nghệ thuật từ sự dấn thân của một ngòi bút tài hoa, đầy bản lĩnh cùng vẻ đẹp cổ điển của tiếng Việt hiện đại. Đó là thứ văn chương “ma mị” nhưng tiềm ẩn năng lượng sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào khiến ta không thể không đọc./.

Mua sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc” khoảng 225.000đ đến 450.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc Fahasa” tại đây

Đọc sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc ebook pdf

Để download “sách Kẻ Sĩ Trước Thời Cuộc pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 27/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *