Lời Nguyện Cầu Chernobyl

Giới thiệu sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl – Tác giả Svetlana Alexievich

Lời Nguyện Cầu Chernobyl

Lời nguyện cầu Chernobyl có thể được coi là một bản dịch mới so với ấn bản Lời nguyện cầu từ Chernobyl cũng do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2016. Chính tác giả Svetlana Alexievich đã chỉnh sửa, bổ sung đáng kể cho tác phẩm phi hư cấu đặc biệt này: Bà bổ sung một chương tác giả tự phỏng vấn bản thân và phần “Thay cho lời kết” cùng một số câu, đoạn trong các cuộc độc thoại; đồng thời cũng thay đổi hầu hết tên những cuộc độc thoại trong tác phẩm. Lời nguyện cầu Chernobyl ra mắt dựa trên tinh thần trung thành hết mức có thể với nguyên tác và phần cập nhật đầy đủ – là tâm huyết của hai dịch giả Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Bích Lan.

Lựa chọn Svetlana Alexievich là tác giả nhận giải Nobel Văn chương năm 2015, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định rằng: “Svetlana Alexievich được trao giải vì những trang viết đa dạng về giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta.”

Trong số những tác phẩm đáng giá của bà, có thể nhắc tới Lời nguyện cầu Chernobyl như một thí dụ tiêu biểu cho thể loại phi-hư cấu song lại giàu sức lay động không thua kém một sáng tác văn chương có giá trị nào.

Tờ Publishers Weekly coi Lời nguyện cầu Chernobyl là “cuộc chiếu X quang tâm hồn Nga”, trong đó, tác giả đã kiên trì và thầm lặng thực hiện những cuộc phỏng vấn với 500 nhân chứng có liên quan tới thảm họa nhân loại tàn khốc này: lính cứu hỏa, đội cứu hộ, chính trị gia, nhà vật lí, nhà tâm lí v.v. và những thường dân. Nhìn từ góc độ chính trị, “có lẽ không phải cuộc cải tổ của Gorbachev, Chernobyl mới chính là nguyên nhân thực sự khiến Liên bang Xô viết sụp đổ” (Political Affairs). Nhìn từ lăng kính xã hội, đây là thành quả gom nhặt hơn 10 năm những nỗi đau “tàn khốc và dữ dội” (New York Times Book Review) khiến cả thế giới một lần nữa phải bàng hoàng.

Có lẽ Alexievich đã quyết tâm truyền đi Lời nguyện cầu Chernobyl không phải ở tư cách một nhà báo hay nhà văn, mà trước hết ở tư cách một người Belarus ghi chép về “sự sống và cái chết của đồng bào mình” (The Nation). Chính vì vậy, không khó hiểu khi bà khơi sâu được “cảm giác lặng đi chẳng nói nên lời, cái ‘khôn tả’, tính anh hùng và niềm đau thương” (The Telegraph).

Lời Nguyện Cầu Chernobyl
Lời Nguyện Cầu Chernobyl

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Lời Nguyện Cầu Chernobyl
  • Mã hàng 9786045685594
  • Tên Nhà Cung Cấp Phụ Nữ
  • Tác giả: Svetlana Alexievich
  • Người Dịch: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Bích Lan
  • NXB: NXB Phụ Nữ Việt Nam
  • Ngôn Ngữ: Tiếng Việt
  • Trọng lượng (gr): 500
  • Kích Thước Bao Bì: 24 x 16 cm
  • Số trang: 364
  • Hình thức: Bìa Mềm

Thông tin thêm về tác giả

Svetlana Alexievich (31/5/1948) – nhà văn, nhà báo người Belarus từng được trao các giải thưởng:

  • Giải thưởng Văn học Nikolay Ostrovskiy, Liên Xô (1984)
  • Giải thưởng Lenin Komsomol (1986)
  • Giải thưởng văn học Literaturnaya Gazeta (1887)
  • Giải thưởng Sách Leipziger vì sự hiểu biết tại châu Âu (1998)
  • Giải thưởng của Hiệp hội các nhà phê bình sách quốc gia, Mĩ (2013)
  • Giải Nobel Văn chương 2015

Các tác phẩm tiêu biểu:

  • The Unwomanly Face of War (Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ)
  • The Chernobyl Prayer (Lời nguyện cầu Chernobyl)
  • Zinky Boys (Những chàng trai kẽm)
  • The Last Witnesses (Những nhân chứng cuối cùng)
  • The Last of Soviets (Những người Xô viết cuối cùng)

2. Đánh giá Sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl

Đánh giá Sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl
Đánh giá Sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl

1 Trước đây khi học vật lý hạt nhân mình chỉ thấy được cái nhìn tổng thể của một kẻ ngoài cuộc. Mình không bao giờ nghĩ đến thảm hoạ chất phóng xạ từ các lò hạt nhân đối với con người, với thiên nhiên kinh khủng như vậy, ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách đã khiến mình phải nghẹn lại bởi lời kể của một người vợ của một người lính cứu hoả đã tham gia cứu hoả ngay sau khi nhà máy hạt nhân đó nổ. Không ai được cảnh báo rằng ở đó có chất phóng xạ, nó có thể giết chết rất rất nhiều người. Họ không có bảo hộ mà chỉ mặc trang phục bình thường để xông vào chữa cháy. Rồi từng người từng người bị chết trong đau đớn. Thực sự lời kể của tác giả rất mộc mạc nhưng cái cảm xúc đem lại ấy chân thật lắm. Mỗi chúng ta nên đọc tác phẩm này một lần để hiểu thêm về những tai hoạ tiềm ẩn quanh mình.

2 Mình mê Svetlana Alexievich ngay từ lần đầu được đọc tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Bà là nhà văn có những tác phẩm có góc nhìn đặc biệt về chiến tranh cũng như thảm họa hạt nhân. Suốt 3 năm ròng, bà đã đi khắp Chernobyl, phỏng vấn mọi người: những công nhân làm việc ở nhà máy điện, các nhà khoa học, các quan chức của đảng cũ, các bác sỹ, những người lính, các phi công lái trực thăng, thợ mỏ, những người tị nạn, những người dân tái định cư. Và trong Lời nguyện cầu từ Chernobyl, một khung cảnh của vùng đất chết chóc với những nỗi bi thương cùng cực của người dân nơi đây được bà truyền tải qua những câu chuyện về số phận con người, về tình yêu về sự cảm thông, của lòng vị tha và đức hi sinh cao cả.

3 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.

Review sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl

Review sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl
Review sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl

“Lời Nguyện Cầu Từ Chernobyl”: Kẻ Giết Người Tàng Hình

– Ai có thể cho ta biết vật lý hạt nhân là ngành học gì, đối tượng nghiên cứu và ứng dụng của nó là gì được không?

Sẽ có những cánh tay – tự tin có, rụt rè có – đưa lên. Họ là những học sinh xuất sắc, họ là tầng lớp trí thức, đa phần là các nhà nghiên cứu vật lý học và hóa học. Thầy không gọi ai lên trả lời mà hỏi tiếp:

– Ai biết về vũ khí hạt nhân nào?

Lần này, nhiều cánh tay mạnh mẽ giơ lên. Họ cũng là những học trò xuất sắc. Nhiều người là nhà nghiên cứu chế tạo vũ khí quốc phòng. Nhiều người là các tướng lĩnh có tên tuổi. Thầy vẫn không gọi ai trả lời, tiếp tục hỏi:

– Các sinh vật sống sẽ thế nào trước những thảm họa hạt nhân?

Và chúng ta nghe đâu đó tiếng rì rào của những bông cúc có phần lá quặt hết xuống dưới do bị nhiễm phóng xạ từ một tai nạn liên quan đến hạt nhân. Những tiếng rú, tiếng gầm, tiếng hí cũng lần lượt vang lên. Chó mèo đột biến, ngựa ba chân, trâu bò một mắt cũng có thể là những học sinh hiểu biết chứ. Rồi những cánh tay cũng được giơ lên. Những cánh tay người với màu sắc và hình thù kì lạ như thể nó không phải của con người mà là của một con quái vật trong các câu chuyện cổ Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc… Trong một lớp học lý tưởng nơi mà tất cả học sinh đều bình đẳng với nhau và đều có quyền phát biểu ý kiến như thế này, nếu để ý, ta sẽ tiếp cận được với vô vàn câu trả lời độc đáo chỉ với một câu hỏi duy nhất. Lần này, thầy giáo vẫn tiếp tục không gọi ai đứng lên phát biểu. Nhưng thầy cũng chẳng đặt thêm câu hỏi nào. Thầy đã khóc. Một giọt nước mắt nặng nề đáp xuống nền đất bẩn thỉu. Và câu chuyện giả tưởng của chúng ta cũng kết thúc tại đây.

Năm 2015, giới văn nghệ sĩ và toàn thể những người quan tâm đến văn chương chứng kiến giải thưởng Nobel Văn học danh giá được trao cho một nhà văn người Belarus: Svetlana Alexievich. Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố:”Giải Nobel Văn học 2015 được trao cho Svetlana Alexievich để tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới – thời đại Liên bang Xô Viết”. Hai tác phẩm đạt giải của bà là “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ” và “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”.

Cùng điểm qua vài nét về “kẻ giết người tàng hình” được Svetlana mô tả trong tác phẩm của bà nào. Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl xảy ra vào 1 giờ 23 phút 58 giây ngày 26/4/1986, khi một loạt vụ nổ diễn ra khiến lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (Liên Xô) bị phá hủy. Đây được coi là thảm họa trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Vụ nổ phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima. Khoảng 190 tấn chất phóng xạ đã bay vào khí quyển. Các đám mây bụi phóng xạ lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên Xô, Đông và Tây Âu, Scandinavie, Anh, và đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người; khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống lãnh thổ Belarus.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phát xít Đức đã phá hủy 619 ngôi làng của Belarus, tàn sát người dân ở đó. Thảm họa nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl đã xóa sổ 485 ngôi làng và khu dân cư của nước này. Trong số đó 70 ngôi làng bị chôn lấp dưới lòng đất vĩnh viễn. (Trích từ mục Chernobyl trong Bách Khoa Thư Belarus)

Nếu cứ buộc tôi phải viết về cuốn sách này theo một trình tự nào đó thật hợp lý, một bố cục chặt chẽ, một kết cấu mạch lạc, thú thật, tôi khó có thể viết cho đàng hoàng được. Những giọng nói cứ ong ong trong đầu. Họ kể câu chuyện của mình, câu chuyện của thời đại. Những người bình thường. Ở đây, ta không có nhân vật chính nên tôi cũng chẳng thể viết một bài review kiểu “lần theo bước chân” của bất kỳ ai cả. Những người nào đã từ đọc cả hai tác phẩm đạt giải Nobel năm 2015 của Svetlana hẳn sẽ hiểu cảm giác này. Tác giả, thay vì chỉ kể một câu chuyện, đã để rất nhiều câu chuyện. Trước khi là một nhà văn, bà là một nhà báo. Để làm nên hai tác phẩm để đời kia, bà đã phỏng vấn rất nhiều người, ghi chép lượm lặt các câu chuyện và tổng hợp chúng, biên tập chúng, đưa chúng vào trang sách. Tác phẩm như một cuốn sổ ghi chép của một ký giả cần mẫn. Có rất nhiều câu chuyện trong đó. Từng người, từng người một hiện ra trong trang sách và kể câu chuyện của mình. Hệt như một vở nhạc kịch có nhiều phân cảnh. Các nhân vật cứ lần lượt bước ra và cất lên tiếng nói. Cái đặc sắc của lối viết tác phẩm này nằm ở chỗ đó. Ta có thể mường tượng rất nhiều về mối liên hệ giữa hiện thực và văn chương, nhưng ở những tác phẩm của Svetlana, mối liên hệ này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Những câu chuyện cảm động, gây ấn tượng sâu sắc với độc giả có thể được kể bởi bất kỳ ai, không cứ phải là một nhà văn nổi tiếng. Chỉ riêng việc Svetlana lắng nghe và ghi chép câu chuyện của hàng ngàn con người đã làm tôi xúc động và nể phục. Nhưng việc bà đưa những câu chuyện riêng lẻ vào một tác phẩm hẳn hoi, biến chúng thành một chỉnh thể văn chương mới là thứ đã làm thế giới xúc động, là lý giải đáng thuyết phục cho giải thưởng Nobel Văn chương danh giá.

Sự hủy hoại của hạt nhân đối với cơ thể con người quả là một điều đáng sợ. Những người lính được cử đi Chernobyl ngay khi thảm họa diễn ra – phần lớn – đã bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng đáng sợ hơn vết thương của đao kiếm súng đạn nhiều. Nó không chỉ gây ra nỗi đau đơn, sự ngứa rát khó chịu mà còn hủy hoại nhân dạng con người. Những bệnh nhân bỏng phải chịu nỗi đau vì bị kì thị, khì phải thấy hình ảnh xấu xí của mình trong gương. Họ phải đấu tranh với cơn đau, với ánh nhìn kỳ thị e dè của mọi người và với mặc cảm của chính mình. Những người lính Chernobyl năm ấy xứng đáng được tôn vinh là những anh hùng vì họ phải chịu “vết bỏng hạt nhân” – thứ kinh khủng hơn bỏng thường gấp trăm ngàn lần – để ngăn chặn một thảm họa cấp quốc gia, cấp nhân loại. Ngăn chặn một con quái vật vô hình. Những người lính trở về từ tai nạn hạt nhân ấy chỉ “bình thường” được mấy ngày ngắn ngủi, sau đó, họ bắt đầu “biến đổi”.

Anh đi ngoài hai mươi đến ba mươi lần một ngày. Anh đi ngoài ra máu và chất nhầy. Da anh bắt đầu có những vết rạn ở hai cánh tay và cẳng chân. Người anh đầy những chỗ nhiễm trùng và mưng mủ… Tôi thay chăn hàng ngày cho anh, và ngày nào cũng vậy, đến tối tấm chăn ấy thấm đầy máu.

Từ đầu đến cuối, vỏn vẹn mười bốn ngày – “mất chừng ấy thời gian để một con người đi đến cái chết”. Cái chết ập đến – đầu tiên – với những con người quả cảm nhất, đáng khâm phục nhất.

Khi gặp tang sự, người ta vẫn thường an ủi nhau cố sống tiếp cho một ngày mai tươi sáng, nhưng mà tương lai nào cho những người ở lại? Những người tiếp xúc với “bệnh nhân” nhiễm độc phóng xạ cũng bị xem như những nguồn bệnh biết đi, bởi tiếp xúc là con đường ngắn nhất để lây nhiễm phóng xạ. Như những cái xúc tu của con quái vật Kraken ẩn mình dưới làn nước sẵn sàng vồ bắt lấy bất kỳ tàu thuyền nào đến gần, lượng chất phóng xạ cũng dễ dàng tấn công bất kỳ ai lại gần nó. Người lính bị nhiễm chất độc phóng xạ từ chính hiện trường vụ tai nạn, rồi họ lại truyền nhiễm chính chất độc hại vô hình đó cho bất kỳ ai tiếp xúc với mình. Chất độc phóng xạ khiến những người tiếp xúc ấy bị nhiều căn bệnh nan y, tàn phá đến cả bộ gen của họ và khiến họ sinh ra những đứa trẻ dị dạng. Thảm họa này làm tôi nhớ đến nỗi đau mang tên “chất độc màu da cam” ở chính đất nước mình. Tôi không hay nhìn thấy những nạn nhân của chất độc ấy (có lẽ vì họ sinh sống ở một khu riêng), nhưng một khi đã nhìn thấy rồi thì không thể nào quên được. Một khi đã bắt gặp, tôi cứ phải nhìn họ, ánh mắt tôi xoáy vào những vết lở loét, những điểm dị dạng. Tôi thương cảm, thật sự, nhưng tôi cũng sợ hãi. Phải rồi, tôi là một con người yếu đuối và vị kỷ. Hẳn là những cái nhìn săm soi độc ác ấy của tôi đã tổn thương họ rất nhiều. Lúc ấy, tôi còn quá non trẻ và dại khờ để không nhìn họ, không nhăn nhó khi thấy những vết lở loét, không lảng đi khi họ vô tình đến gần tôi. Đau đớn lắm chứ, tủi hổ lắm chứ! Những thảm họa hóa học và hạt nhân tạo ra hàng loạt những người đau đớn và tủi hổ với chính sự tồn tại của mình. Những ước mong rất đỗi bình thường bỗng trở nên xa xỉ. Những con người ấy không muốn để người khác thấy hay bàn tán về ngoại hình của mình. Họ như mất đi quyền được đi đó đi đây. Những người “dính líu” đến Chernobyl, họ thậm chí còn sợ cả việc sinh con. Có lẽ chưa bao giờ một con người có thể khiếp sợ việc sinh con đến thế! Họ sợ sinh ra một hình hài thiếu khuyết, họ sợ việc mang đến cho cuộc đời những sinh linh đau khổ, họ sợ việc nhìn thấy một đứa trẻ dị tật khóc lóc vì cơn đau “Chernobyl”. Ai mà muốn con cái mình phải trải qua những chuyện đó. Người ta khóc thương cho những đứa trẻ yểu mệnh chết lưu trong bụng mẹ, những đứa trẻ chỉ sống được có vài giờ sau khi được sinh ra và cả những đứa trẻ lớn lên với bệnh tật. Có những nỗi đau mà y học chưa thể xoa dịu.

Trong chuỗi tự sự đa tác giả mà Svetlana đã viết, có một câu chuyện về một người lính mà tôi đặc biệt nhớ ghi. Ông có một cậu con trai nhỏ. Thằng bé xem cha mình như một người hùng, ông luôn là thần tượng lớn của cuộc đời cậu. Khi trở về từ Chernobyl, ông cho cậu cái mũ mình thường đội. Cậu bé thích cái mũ vô cùng, đi đâu cũng mang ra đội. Một thời gian sau, cậu bị chẩn đoán có khối u trong não. Đây là câu chuyện do chính người lính – người cha ấy – kể lại. Không ai biết ông đã dằn vặt, đau khổ thế nào trước sự ra đi của con trai do khối u trong não. Mọi người bảo đó là do hạt nhân, cho Chernobyl, do mấy người kĩ sư vô trách nhiệm… Nhưng người cha ấy, người anh hùng ấy không thể nào ngừng nghĩ rằng chính ông đã giết chết con trai mình. Trở về từ Chernobyl, ông sống như một mối họa cho chính những thành viên trong gia đình mình. Ông hẳn nghĩ mình nên tự cách ly, tự rời xa những người ông yêu nhất để tránh làm tổn thương họ. Lẽ ra ông nên từ chối khi con trai muốn có chiếc mũ của mình, lẽ ra ông không nên ôm hôn nó quá nhiều như thế, lẽ ra ông nên đi đâu đó thật xa hay ở lại Chernobyl hẳn luôn cũng được… Có giai đoạn nào trong lịch sử nhân loại mà tình yêu cũng là tội lỗi? Có khi nào những cái ôm hôn, những món quà nhỏ lại trở nên đáng sợ đến như vậy? Năm 1986, một năm đau buồn trong một thế kỷ đau buồn.

Chernobyl làm đảo lộn cuộc sống của con người những vùng bị ảnh hưởng bởi vụ nổ nhà máy. Người ta buộc phải di tản. Người ta buộc phải xa rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất mà tổ tiên họ đã gìn giữ và truyền thừa qua biết bao thế hệ. Tất cả chỉ vì một thứ mà họ không thể nhìn thấy được. Thậm chí có những người dân không được “thấy” nó qua các thiết bị đo lường vì họ không được phát cho những thứ ấy. Mà giả sử có được cho xem đi chăng nữa, nhiều người cũng chẳng hiểu. Cái gì là hạt nhân, cái gì là rơn-gen cơ chứ? Họ vẫn sống sờ sờ ra đấy kia mà. Mấy con bò nhà họ vẫn ăn cỏ, vẫn đi đi lại lại, vẫn dùng lưỡi liếm cho đàn con nhỏ của chúng. Thế mà người ta lại bảo rằng họ chẳng thể nào uống sữa từ chúng được nữa. Người dân vùng ảnh hưởng phải di tản, những người không nằm trong diện di tản thì không thể sử dụng nông sản của họ như bình thường được nữa. Họ làm theo trong sự khó hiểu. Làm sao mà những người nông dân có thể nghi ngờ đất đai của họ sẽ làm hại họ? Nỗi nghi hoặc ấy vô lý hệt như câu chuyện người mẹ hiền đột nhiên biến thành phù thủy và ăn tươi nuốt sống con đẻ của mình vậy. Nhưng thảm họa Chernobyl đẩy những người nông dân vào mối nghi hoặc ấy. Họ buộc phải tin rằng đất Mẹ sẽ làm hại họ, vì Mẹ đã nhiễm phóng xạ nặng nề. Cesium và strotium có đầy trong đất đai và nông sản.

Thậm chị vodka cũng là của chúng tôi. Tất nhiên “của chúng tôi” có nghĩa là từ Chernobyl. Rượu vodka có vị cesium và strontium.

Thảm họa hạt nhân Chenobyl đã đến đến nhiều sự khủng hoảng trong xã hội. Đầu tiên, những người lính khi đến “hiện trường” đầu tiên không được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ. Họ ăn mặc hệt như những lính cứu hỏa thông thường để đi đến nơi diễn ra một thảm họa cấp nhân loại. Các thông số về mức độ nhiễm phóng xạ cũng không thực sự được truyền tải rộng rãi đến những người lính, người thân của họ cũng như dân thường thuộc khu vực chịu ảnh hưởng từ vụ nổ. Sự thiếu thốn vật chất này đã dấy lên những hiềm nghi của nhiều người đối với công tác xử lí hậu quả Chernoyl. Họ nghĩ mình bị tách ra khỏi sự thật và họ sợ hãi điều đó. Đôi khi những người lính nốc thật nhiều vodka để giữ thần trí mình đủ mạnh mẽ để tiếp tục nhiệm vụ.

Không chỉ thế, ngay cả công tác di tản người dân của “vùng đất Chết” đi đến nơi khác cũng vấp phải nhiều sự khó khăn. Làm sao người ta có thể thuyết phục những người dân không biết tí gì về thảm hạt nhân phải tự nguyện đi khỏi mảnh đất của ông bà họ được? Chẳng ai nhìn thấy được cái chất phóng xạ bay khắp nơi trong không khí. Chẳng ai thấy điều gì bất thường từ mấy con bò béo mập hay mấy củ khoai tây tròn lẳn. Tất cả mọi người phải trốn chạy một tên sát nhân mà họ không bao giờ nhìn thấy được. Nhiều người chống lại những người lính, trốn vào rừng, gào thét hay van xin đủ kiểu để những người lính cho họ được ở lại. Công tác di tản, như vậy, đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Những người từ Chernobyl sau khi di tản cũng phải đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh của người dân ở nơi ở mới. Họ bị xã hội ghê sợ. Đôi khi, những người dân thường vô tội bị xem là một hiểm họa diện rộng hay một khối độc biết đi. Điều đáng buồn là định kiến trên hoàn toàn có căn cứ khoa học xác thực chứ không phải chỉ là sự phân biệt vô căn cứ. Thật sự đã có những trường hợp người từ Chernobyl “lây bệnh” cho những người xung quanh mình, như câu chuyện về người bố và cậu con trai có khối u trong não đã kể ở trên. Họ khó lòng sống một cuộc sống như “người bình thường”. Họ bị kỳ thị, họ tránh đi đến nơi đông người và hầu như chỉ có thể cưới những người “Cherobyl” giống họ. Tệ hơn, người từ Chernobyl sợ việc sinh con. Các vấn đề xã hội liên quan đến việc thích nghi với nơi ở mới đã diễn ra đa dạng và phức tạp như thế – những vấn đề khó mà giải quyết cho triệt để được. Người ta phải đối mặt với một tên khủng bố vô hình.

Sự kiện Chernobyl đã đẩy chính quyền thời bấy giờ vào thế khó. Nó làm nảy sinh rất nhiều vấn đề xã hội nan giải và thực sự đã gây ra một cuộc khủng hoảng Chernobyl diện rộng trong quần chúng nhân dân. Sự kiện này cũng thu hút báo giới nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia mâu thuẫn với Liên Xô về thể chế chính trị.

Nỗi đau Chernobyl vẫn kéo dài đến ngày nay. Nó ánh lên trong những con người ốm yếu dị tật, trong cỏ cây, đất đai, muông thú. Lớp học giả tưởng ở đầu truyện của chúng ta vẫn chưa kết thúc, nó vẫn ở đó, vẫn hàm chứa vô vàn câu hỏi bỏ ngỏ, và mọi học sinh trong lớp học ấy sẽ phải tìm kiếm câu trả lời của mình. Họ sẽ luôn phải hoài nghi, phải suy tư thật nhiều về nỗi bất hạnh, về sự mất mát, về sự cảm thông và về cả phương cách để chữa lành tất cả mọi đớn đau ấy.

Mua sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Lời Nguyện Cầu Chernobyl” khoảng 111.000đ đến 124.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Lời Nguyện Cầu Chernobyl Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Lời Nguyện Cầu Chernobyl Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Lời Nguyện Cầu Chernobyl Fahasa” tại đây

Đọc sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl ebook pdf

Để download “sách Lời Nguyện Cầu Chernobyl pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

THÔNG BÁO QUAN TRỌNG: Từ ngày 27/12/2024 Sách 86 tạm thời ngừng cung cấp các bản [Ebook, Pdf] với lý do vướng mắc về bản quyền. Tính năng tải sách sẽ được mở lại khi có thông báo mới. MỘT SỐ SÁCH VẪN ĐƯỢC TẢI

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *