Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

Giới thiệu sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 – Tác giả Cho Nam Joo

Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

Sinh năm 1982 là cuốn sách kể về cuộc đời của một người phụ nữ bị chứng rối loạn tâm lí sau sinh, tên là Kim Ji Young. Câu chuyện mở đầu bằng những dòng giới thiệu về cô – ở thời điểm hiện tại. Nếu tinh ý, độc giả sẽ có thể nhận thấy ở nhiều phân đoạn, tác giả thường gọi cả họ tên của nhân vật chính, lặp đi lặp lại chứ ít dùng đại từ thay thế. Đó là vì trong tiểu thuyết này tác giả đóng vai trò là một nam bác sĩ tâm lí trị liệu cho Kim Ji Young, và phần đầu được viết dưới dạng hồ sơ bệnh án của bác sĩ, mô tả chi tiết về bệnh chứng của bệnh nhân. Những trang viết dần hé lộ về cuộc đời tưởng như rất đỗi bình thường của thiếu phụ trẻ, từ khi cô sinh ra đến khi lấy chồng rồi sinh con như bao người phụ nữ Hàn Quốc rất bình thường khác.

Các triệu chứng kì lạ của Kim Ji Young xuất hiện sau khi cô sinh con, có những lúc dường như cô không phải là một Kim Ji Young thực sự, mà đã hóa thân thành những người phụ nữ khác, lúc thành mẹ cô, lúc lại thành người bạn gái cũ của chồng… Dường như cái vỏ thân xác Kim Ji Young cùng lúc có rất nhiều người khác nhau cùng tồn tại, có người còn sống và có người đã khuất, nhưng điểm chung nhất là họ đều là phụ nữ. Kim Ji Young như người phát ngôn hộ những người phụ nữ ấy những lời tự đáy lòng, nhưng bản thân họ thì có lẽ sẽ không bao giờ tự dám nói: “Ông thông gia, tôi xin mạn phép được nói điều này. Chỉ có nhà ông là có gia đình thôi sao? Chúng tôi cũng có gia đình chứ. Ba đứa nhà tôi cũng chỉ có ngày lễ tết mới có thể gặp mặt nhau. Bây giờ cuộc sống của đám trẻ đứa nào chẳng như vậy. Nhưng nếu con gái ông đã về thăm nhà rồi, thì cũng phải cho con gái chúng tôi về thăm nhà chứ”. Nghe những lời ấy, những người sống quanh cô sững sờ, thậm chí là bị sốc, bởi cô đã nói ra một cách khá thẳng thắn, đòi lại công bằng cho phụ nữ trước đặc quyền mà từ trước đến nay gần như cả xã hội vẫn mặc nhiên dành cho nam giới.

Kí ức sâu đậm nhất về tuổi thơ của Kim Ji Young là vị sữa bột ngọt ngào: “…mỗi khi mẹ pha sữa cho em, cô lại ở bên cạnh dùng nước bọt thấm ướt ngón tay rồi chấm những hạt sữa bột rơi trên sàn để ăn. Đôi khi mẹ cô sẽ bảo cô ngửa đầu lên và mở miệng rộng, rồi đổ một thìa sữa bột ngọt ngào đậm đà lên lưỡi cô…” Vị sữa ấy sẽ không thể khiến cô nhớ đến vậy, nếu nó không đi kèm với chuyện hễ cô bị bà nội bắt gặp cảnh cô ăn sữa thì sẽ lập tức bị bà cho ăn đòn, khiến sữa phun ra cả miệng lẫn mũi. “Có thể hiểu rằng biểu hiện đó của bà có nghĩa là tại sao chúng mày ‘dám’ đụng vào đồ của cháu trai quý giá của tao. Em trai và những gì thuộc về em là quý giá nhất, không một ai có thể tùy tiện đụng tới bất cứ thứ gì, Kim Ji Young cũng chỉ là ‘không một ai’ trong con mắt của bà. Và cả chị gái cô cũng vậy…”

Còn mẹ cô, một người phụ nữ lớn lên trong gia đình làm nông, học xong tiểu học thì ở nhà làm lụng để các anh em trai được đi học tiếp, lớn hơn chút nữa, bà vào làm việc cực nhọc trong xưởng dệt, cùng chị gái bán sức lao động lấy đồng lương còm cõi để tiếp tục nuôi các anh em trai đi học đại học, xây dựng sự nghiệp riêng, để rồi cuối cùng nhận ra rằng trong gia đình và sự nghiệp của những người kia, họ không có chỗ đứng, họ trắng tay. Sau tất cả, những người đàn ông được cả xã hội công nhận là đã “một tay nuôi sống gia đình”, đã gánh vác giang sơn, đã làm nên công to việc lớn, và dĩ nhiên là không hề nhắc đến đồng tiền mồ hôi nước mắt của hai người phụ nữ đổi lấy bằng cả thanh xuân. Những người phụ nữ nhận thấy điều ấy, nên họ phải tự tìm đường sống cho mình, tự đi học, tự xây dựng cuộc sống, sau khi lấy chồng lại tiếp tục guồng quay, sinh con đẻ cái, làm lụng nuôi mình, nuôi chồng, nuôi con.

Guồng quay cuộc sống ấy chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, quá quen thuộc đến nỗi cả xã hội coi đó là điều mặc nhiên phải thế, nam giới mặc nhiên được ưu tiên, còn phụ nữ mặc nhiên xếp hàng thứ yếu. Ngay từ khi còn là những đứa trẻ, họ đã được dạy như vậy, từ những việc nhỏ nhất: Xếp số ăn cơm thì con trai xếp trước, lớp trưởng cũng là con trai; bị quấy rối, sàm sỡ thì nạn nhân là người có lỗi… Một điều khá thú vị là những người phụ nữ được khắc họa trong tiểu thuyết này hiện lên rất đời thường, gần gũi, có thể bắt gặp hình ảnh họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống, và họ không đối xử độc ác với nhau. Đây là một điều ít thấy, không có sự hãm hại, dèm pha, chơi xấu giữa những phận đàn bà như thường gặp trong các câu chuyện khác, mà chỉ thấy họ cố gắng để thấu hiểu và nâng đỡ nhau vượt qua đau khổ, tiếp tục duy trì cuộc sống: Cô giáo sau khi nghe học sinh khiếu nại đã đối xử công bằng và tạo điều kiện cho học sinh nữ hơn; người phụ nữ trên xe bus nhận ra mối nguy mà cô bé xa lạ trên xe bus muốn cầu cứu bà; người đồng nghiệp của Ji Young dám chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở…

Câu chuyện tưởng như bình thường mà hóa ra lại chẳng bình thường, bởi nó khiến chúng ta giật mình nhìn lại cuộc sống của chính mình, có phải chúng ta cũng là một Kim Ji Young? Có phải mẹ chúng ta cũng chẳng khác nào bà Oh Mi Sook? Có phải ta cũng đã từng gặp được người bênh vực chúng ta như người phụ nữ xa lạ trên xe bus? Và có khi nào ta tưởng như có thể phát điên, nếu không được bàn tay ai đó nắm lấy đồng cảm, như bà Oh Mi Sook khi nằm trên bàn phá thai?…

Quả thực không phải ngẫu nhiên mà cuốn tiểu thuyết khá mỏng này lại có thể khiến cả xã hội Hàn Quốc xôn xao dậy sóng, thậm chí các sao lớn của làng giải trí Hàn Quốc cũng không đứng ngoài cuộc. Không chỉ dừng lại ở phong trào Metoo – phong trào ủng hộ những người phụ nữ từng bị quấy rối tình dục dũng cảm nói lên câu chuyện của mình, Hàn Quốc gọi nữ nhà báo Kang Kyung Hoon là “hung thần” của nhiều công ty cũng như nghệ sĩ của showbiz. Chính cô là người nắm giữ trong tay hàng loạt bằng chứng môi giới mại dâm, quay lén và rao bán phụ nữ, trẻ vị thành niên của ca sĩ bậc nhất xứ Hàn.

Một lần nữa truyền thông Hàn Quốc lại đặt câu hỏi cho vị trí cũng như vấn đề an toàn trong môi trường sống dành cho phụ nữ. Hàng loạt các ngôi sao ngầm ủng hộ phong trào nữ quyền bằng việc chia sẻ các trích dẫn về cuốn sách Sinh năm 1982 – cuốn sách nữ quyền gây tiếng vang lớn tại Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhà xuất bản Phụ nữ xin được giới thiệu tới độc giả cuốn tiểu thuyết nữ quyền dũng cảm và giàu tính nhân văn này, để nhận thức rõ hơn về vị trí của người phụ nữ cùng những bất công mà họ phải chịu đựng do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội, cũng như khích lệ những người phụ nữ hãy sống dũng cảm hơn để đấu tranh cho cuộc sống của chính mình.

Một số phản hồi, nhận xét của truyền thông Hàn Quốc

“Trên thực tế, trong số những phụ nữ sinh năm 1982 ở Hàn Quốc thì Kim Ji Young là cái tên được đặt nhiều nhất. Sinh năm 1982, bây giờ đang ở độ tuổi giữa 30. Tựa đề Kim Ji Young born 1982 đã phản ánh được mục đích của tác giả khi viết cuốn tiểu thuyết này, đó là vẽ nên cuộc sống phổ biến của đại đa số phụ nữ đương đại”. (–Kim Go Yeon Ju, học giả về nữ giới–)

“Tôi biết rất nhiều người phụ nữ cảm thấy mình trong đó. Thật sự rất đáng buồn khi họ thấy đồng điệu với nhân vật Kim Ji Young. Ước gì không ai thấy mình giống nhân vật đó!” (–Noh Hong Chul, diễn viên–)

“Mặc dù đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, nhưng câu chuyện bên trong rất chân thật. Tôi không thể ngừng đọc nó cho đến hết. Tôi biết chính xác những gì Kim Ji Young đã cảm nhận… biết đến từng giây mà cô ấy phải trải qua, từ bất hạnh, buồn đau và sợ hãi… Cho dù đó không phải là câu chuyện của tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy Kim Ji Young như là một người bạn thân của mình. Và tôi chắc chắn rằng có rất nhiều Kim Ji Young đang sống xung quanh tôi.” (–Park Shin Hye, diễn viên–)

“Dành cho những người có hứng thú muốn hiểu hơn về tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, cuốn tiểu thuyết nữ quyền mang tên ‘Kim Ji Young sinh năm 1982’ được viết bởi nhà văn Cho Nam Joo sẽ cho bạn thấy một cái nhìn tổng quan thực tế về vấn đề này.

Cuốn sách này không giống như những cuốn sách thông thường, thiên về một chuỗi giai thoại ghép lại hơn là tiểu thuyết. Cốt truyện không mấy thú vị. Nhân vật chính Ji Young đến trường, có việc làm, lập gia đình, nghỉ việc và sinh con. Ngoài những điều thường nhật ra thì không còn gì xảy ra nữa. Nhưng đó mới chính là cốt yếu của toàn bộ câu chuyện.

Tất cả những người phụ nữ đều là Ji Young. (Kim Ji Young là cái tên được đặt khá phổ biến cho con gái sinh năm 1982, vì thế đây cũng chính là tên của cuốn tiểu thuyết này)

Ji Young không chiến đấu chống lại chế độ như một người vận động nữ quyền. Khi có một lão khách già nua phóng đãng bắt cô phải ra ngoài để đi uống rượu với lão thì cô sẽ không chọn cách đứng dậy, đổ ly nước lên đầu lão và rời đi. Mà cô sẽ vẫn ngồi yên và đưa ra những bình luận chính kiến của mình về phân biệt đối xử giới tính như những nữ công nhân trẻ khác cũng làm. Cơ bản thì cô cũng chỉ là phụ nữ trẻ tuổi bị cuốn vào một xã hội sống theo lối gia trưởng.”

(–Trích review từ dramasrok và được dịch lại từ IRAINvn–)

Tôi luôn có cảm giác rằng Kim Ji Young đang thực sự sống ở đâu đó. Bởi cô ấy có quá nhiều điểm giống với những người bạn, những người chị và cả tôi. Lúc viết tôi luôn cảm thấy ngột ngạt và thương cảm cho Kim Ji Young. Nhưng tôi biết rõ cô ấy đã lớn lên như vậy, đã sống như vậy, không có cách thay đổi nào khác nên tôi cũng phải viết như vậy.

Kim Ji Young luôn luôn thận trọng và nghiêm túc khi đưa ra quyết định và làm hết khả năng của mình vì sự lựa chọn đó, tôi nghĩ rằng cô ấy cần sự ủng hộ và đền đáp thỏa đáng. Chúng ta cần cho cô ấy nhiều hơn nữa những cơ hội và sự lựa chọn.

Tôi có một cô con gái lớn hơn Ji Won năm tuổi. Con gái tôi nói lớn lên muốn làm nhà du hành vũ trụ, nhà khoa học và nhà văn. Thế giới của con tôi sẽ sống phải tốt đẹp hơn thế giới tôi đã sống, tôi tin vào điều đó và đang nỗ lực để hiện thực hóa điều đó. Tôi hi vọng tất cả những bé gái trên thế gian này sẽ có thể mơ ước nhiều hơn, mơ những giấc mơ lớn lao hơn.

(–Cho Nam Joo–)

Kim Ji Young, Born 1982 - Sinh Năm 1982
Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982
  • Mã hàng 9786045672303
  • Tên Nhà Cung Cấp Phụ Nữ
  • Tác giả: Cho Nam Joo
  • Người Dịch: Dương Thanh Hoài
  • NXB: NXB Phụ Nữ
  • Ngôn Ngữ: Tiếng Việt
  • Trọng lượng: (gr) 250
  • Kích Thước Bao Bì: 13.5 x 20.5
  • Số trang: 212
  • Hình thức: Bìa Mềm

Tác giả: Cho Nam Joo

Sinh năm 1978 tại Seoul. Tốt nghiệp khoa Xã hội học trường Nữ Ehwa và là biên kịch cho những chương trình truyền hình nổi tiếng như Sổ tay PD, Bất mãn zero, Truyền hình trực tiếp buổi sáng… trong suốt 10 năm.

Các tác phẩm đạt giải thưởng:

Tiểu thuyết Lắng tai nghe (giải thưởng văn học Munhakdongne, năm 2011)

Vì Komaneji (giải thưởng văn học Hwangsanbyeon lần thứ 2, năm 2016).

Dịch giả: Dương Thanh Hoài

Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc – Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế, Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung Ương, Hàn Quốc.

Các tác phẩm đã dịch, in và phát hành tại Nxb Phụ nữ:

Tiểu thuyết: Lời nói dối hoa mỹ, Mây họa ánh trăng (tập 1), Cảm ơn tất cả

Truyện thiếu nhi: Con chính là điều kỳ diệu, Mẹ nổi giận, Nàng công chúa giả vờ không biết mọi chuyện, Những chú ngựa của mẹ, Con là hạt giống nào vậy nhỉ, series Pretty girl – Là con gái…

2. Đánh giá Sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

Đánh giá Sách Kim Ji Young, Born 1982 - Sinh Năm 1982
Đánh giá Sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

1 Trong truyện, một xã hội trọng nam khinh nữ được thể hiện rất rõ ràng, nơi mà lỗi lầm luôn đến từ người phụ nữ, phụ nữ thường là người chấp nhận những thiệt thòi và đáng giận nhất là người ta thường đổ lỗi cho những nữ nạn nhân. Và rằng Kim Ji Young, chắc hẳn trong từng ấy năm lớn lên và trưởng thành, không ít lần mong người khác quay lại và lắng nghe cô. Lúc gấp sách lại, tớ chợt nhận ra những nỗi buồn của Kim Ji Young đến từ chính những bất công chúng ta đã quá quen thuộc, tới mức không bận tâm đặt câu hỏi vì sao nữa. Thật đáng buồn. Mọi thứ đơn giản, chân thực và đáng suy ngẫm vô cùng. Tớ thích cái không khí trầm lặng và nhẹ nhàng của câu chuyện lắm, bởi chính bầu không khí ấy đã tạo nên một dòng chảy nhẹ nhàng mà ở đó, những nỗi buồn dồn nén không nói ra được của Kim Ji Young hiện lên rõ ràng nhất. Với tớ thì đây thực sự là một cuốn sách đáng đọc.

2 Có lẽ vì tính hiện thực sâu sắc này mà quyển sách đã được đón nhận ở nhiều quốc gia có hoàn cảnh tương tự và được dịch ra nhiều thứ tiếng để có thể đến gần với bạn đọc các nước hơn. Khi đọc xong quyển sách này, nhận định đầu tiên của bản thân là mình cảm thấy cực kỳ thích cốt truyện ấy. Cuộc đời của người phụ nữ tên là Kim Ji Young ấy thực sự đã chạm trái tim của mình dù chỉ qua lời giới thiệu. Việc một người mất đi tiếng nói và phải nhập vai vào đủ thể loại người khác nhau khiến mình cảm thấy rợn người. Những rắc rối mà cô phải gặp dường như đại diện cho những bất hạnh của người phụ nữ Hàn mà nguyên nhân xâu xa chính là những sự kỳ thị và tàn ác của xã hội. Cuốn sách này có cảm giác như đã tố cáo sự trọng nam khinh nữ nghiễm nhiên ở Hàn Quốc, những bất công mà nữ giới phải chịu đựng và chẳng hề dám phản kháng với những gì đã xảy ra. Một chút gì đó thật bức bối khi nghĩ về những điều này, một chút gì đó đồng cảm cho nhân vật ấy. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử đọc quyển sách này để có thể cùng thương cảm với tác giả, với nhân vật vì đôi khi cuộc sống này đáng sợ và phũ phàng lắm, biết để hiểu thấu và cũng như để tránh đi những góc khuất ấy cho chính mình.

3 Cuốn sách không có cao trào, thoái trào, cứ nhịp nhàng như vậy cho đến trang cuối cùng. Bên dưới những câu chữ bình lặng là những bất công mà người phụ nữ Hàn Quốc đang sống cùng. Họ, những người phụ nữ, và cả xã hội dường như luôn coi đó là điều hiển nhiên, và dần trở thành tất nhiên, người ta sống cùng với bất công và cho rằng đó là một phần cuộc sống của họ. Mình cũng đôi lần nhìn thấy bản thân trong câu chuyện của Kim Ji Young. Mình luôn nghĩ "đừng nghĩ đến những giới hạn về giới và chỉ cần cố gắng hết sức là được". Nhưng ngay cả khi mình không đặt ra giới hạn cho bản thân, thì xã hội cũng luôn có sẵn những giới hạn cho phụ nữ: "…trên một trang web thông tin tuyển dụng đã đưa ra kết quả điều tra tỉ lệ tuyển dụng lao động nữ của khoảng 100 doanh nghiệp, vì tỉ lệ này chỉ ở mức 29.6% […] người ta vẫn nói rằng tỉ lệ nữ như vậy là khá cao!" "…50 tập đoàn lớn thì có đến 44% trả lời rằng"nếu ứng viên có điều kiện tương tự nhau thì sẽ chọn ứng viên nam" và không một ai trả lời rằng "sẽ chọn ứng viên nữ" Những số liệu được dẫn rất rõ ràng, như để tránh bị quy chụp rằng "lại là một tác giả nữ đang tưởng tượng ra những vấn đề để đòi quyền lợi cho nữ giới". Mình rất ít khi đọc văn học Hàn Quốc, nhưng quyển sách này có sức hấp dẫn rất lớn, vì mình thấy bản thân mình trong đó, thấy những trăn trở, lo lắng và đôi khi sợ hãi của chính mình. Cuốn sách kết thúc, mở ra cho người đọc rất nhiều câu hỏi, về Kim Ji Young, và về thực tại mà rất nhiều phụ nữ đang phải đối mặt mỗi ngày.

4 Hóng chờ sách mới về. Đến khi nhận thì sách như sách cũ vậy gáy sách bị sờn hết cả 4 mép thì bị cong như ảnh chưa nói bị cạnh sách bị bẩn. Với 1 đứa thích trưng sách như t thì quá chán.

5 Tôi thích quyển này. Nó rất hợp với tôi. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay. Giao hàng nhanh, đóng gói cẩn thận, nội dung hay.

Review sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

Review sách Kim Ji Young, Born 1982 - Sinh Năm 1982
Review sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982

ĐỪNG ĐỌC BÀI NÀY NẾU BẠN TRỌNG NAM KHINH NỮ

Kim Ji Young 1982

Mình đã đọc liền một mạch hết cuốn sách vì quá hay trong khi bình thường sẽ chia thành nhiều lần.

Ở Hàn Quốc những cô bé sinh năm 1982 được đặt tên là Ji Young, nó phổ biến đến nỗi nhắc đến năm đó mọi người đều nghĩ đến tên Ji Young. Mở đầu cho chuỗi câu chuyện nhẹ nhàng mà truyền tải thông điệp mạnh mẽ.

Toàn bộ cuốn sách là những câu chuyện nhẹ nhàng về cuộc đời của nữ chính, cho đến khi mọi người phát hiện ra cô bị chứng trầm cảm sau sinh. Dẫn đến nhiều thay đổi của các tuyến nhân vật xung quanh Kim Ji Young. Nội dung chính mà tác giả muốn hướng đến trong cuốn sách là về nữ quyền, quyền của những người phụ nữ đang sống trong xã hội Hàn Quốc nói riêng và rộng ra là cả châu Á nơi bị chịu những ảnh hưởng của Nho giáo đè nặng lên tư tưởng. Rằng phụ nữ là phải lo chuyện bếp núc, nhà cửa, quyền quyết định mọi việc cũng do người đàn ông quyết định. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong mỗi gia đình. Dẫn đến những bất hạnh nỗi đau mà Ji Young phải gặp phải. Bệnh của cô không phải chỉ ngày một ngày hai, mà toàn bộ quá trình lớn lên trưởng thành, bị ảnh hưởng, nhìn những người phụ nữ xung quanh mình phải chịu đựng.

Thi thoảng Ji Young sẽ biến thành một người khác, nói chuyện cư xử như người khác, lúc là mẹ mình, lúc là người bạn đã mất, lúc lại là bà ngoại. Như những góc khuất chứa đựng nỗi đau của bản thân và những người giống cô đã chịu đựng suốt bao nhiêu năm cố gắng tìm cách để thoát ra. Vì bản thân quá mệt mỏi. Ngày Tết cô phải dọn dẹp, dậy từ sớm lo bếp núc, chịu những sự chỉ trích của nhà chồng. Đọc đến đây mình lại bất giác nhớ đến mẹ mình, người phụ nữ truyền thống Á Đông cả đời chỉ biết ở nhà nội trợ, lo chuyện gia đình. Mình làm sao quên được hình ảnh mẹ ngồi giữa trưa nắng ở sân nhà ông bà nội rửa bát, còn chú thím đều quây quần trong nhà ăn hoa quả sau khi ăn cơm. Những người đàn bà kia vốn dĩ đã biết đấu tranh cho cuộc đời mình rồi, những người đàn ông trong gia đình này sẽ chẳng bao giờ đụng tay, vì đấy là việc của phụ nữ. Vậy thì chỉ còn một người nói gì nghe nấy, sống một cuộc đời câm lặng trước những gì chồng nói, nhà chồng bảo. Tư duy ấy đã ăn sâu vào nếp nhà, đặc biệt là ở quê, nơi điều kiện sống, độ tiếp cận với thông tin chưa cao. Mình sống trong môi trường đấy nhưng mình không bị ảnh hưởng vì mình thương mẹ, mình làm hết việc nhà để giúp mẹ mình. Nhưng đấy có lẽ là số ít, bởi rất nhiều gia đình khi thấy con trai mình vào bếp đều bảo đấy là việc của đàn bà, làm làm gì.

Vấn đề trọng nam khinh nữ là điều muôn thủa mà cả xã hội đang muốn thay đổi, nhưng một bộ phận những người đi trước, những người đàn ông, những người mang nặng những giáo điều xưa kia, vẫn cho đó là điều hiển nhiên. Như hình ảnh bố của Ji Young khi mua thuốc bổ về chỉ mua cho con trai út, trong khi có ba đứa con. Là bà nội bảo học nhiều cũng chẳng để làm gì. Là hình ảnh người mẹ phải đi làm kiếm tiền để nuôi các bác các cậu đi học, dù mẹ là người học giỏi nhất nhà. Là những bất công nơi công sở vì mang giới tính nữ. Đoạn cao trào tăng cao khi mọi người phát hiện ra camera ẩn đặt trong nhà vệ sinh nữ. Mặc cho những đồng nghiệp nam đều biết nhưng họ mặc kệ, chỉ đến khi một đồng nghiệp nữ biết chuyện, mọi việc mới được đưa ra ánh sáng. Nhưng hướng xử lí của cấp trên luôn là đóng cửa bảo nhau, chỉ nội bộ trong công ty biết. Để người ngoài biết cũng chẳng để làm gì. Những video bị đưa lên mạng của những đồng nghiệp nữ, họ đều không đáng quan tâm. Vì họ là đàn bà. Nhân quyền chưa bao giờ dành cho phụ nữ ở xã hội Hàn Quốc. Nó như một cái tát thẳng vào cả xã hội Hàn. Không lạ gì khi phụ nữ đánh giá cuốn sách này đều hơn 9/10, trong khi trung bình đàn ông lại đánh giá chỉ 1/10. Vì đàn ông đang bị đụng đến những lợi ích cùng những tư tưởng tiên tiến khiến họ lo sợ, vị thế của mình sẽ bị ảnh hưởng. Họ sợ rằng đàn bà sẽ có tiếng nói trong cuộc sống này.

Hay khi cô bị quấy rối tình dục trên xe bus khi học trung học. Người cha nói rằng cô cần xem lại cách ăn mặc và đừng cười với người khác trong khi cô không hề cười và không biết họ là ai. Chỉ trích nạn nhân chỉ vì họ là phụ nữ là cách người cha nói với con gái mình. Mọi người luôn dạy chúng ta rằng phải biết tự bảo vệ bản thân, biết tránh những quấy rối trong cuộc sống này. Nhưng không ai dạy mọi người rằng trước hết đừng quấy rối người khác. Tại sao lại luôn bắt nạn nhân phải biết tự bảo vệ mình?

“Mọi người bảo em là sâu ăn bám” Đấy là câu nói cô nói với chồng mình Dae Hyun sau khi gặp một đám người không quen biết chỉ trích chỉ vì cô lỡ làm đổ cà phê xuống sàn. Những người phụ nữ nội trợ ở nhà hoàn toàn không ăn bám. Họ phải làm những công việc không tên mà người ta gọi đấy là việc nhà. Ngay trong gia đình mình bố luôn trách sao mẹ lại tiêu hết nhanh thế tiền sinh hoạt của gia đình, mình không để ý lắm cho đến khi học đại học xa nhà và mình nhận ra, có hàng trăm thứ tiền không tên mà ta phải tiêu hàng ngày, và đó là điều bắt buộc. Chăm trẻ con chưa bao giờ là dễ dàng đối với những người phụ nữ phải lo toan từ con cái, nhà cửa, tiêu pha. Cuộc sống của họ không hề dễ dàng. Xin đừng gọi những người phụ nữ ấy là ăn bám. Ji Young đã phải hi sinh công việc đang phát triển, thời gian chăm lo cho bản thân để chăm chồng chăm con. Đấy là sự hi sinh, không phải nghĩa vụ của riêng mình cô.

Chồng cô khi biết vợ mình bị bệnh đã mang cô đi gặp bác sĩ tâm lý, đã không muốn cô đi làm lại vì sợ áp lưc, đã tình nguyện nghỉ việc ở nhà một năm để giúp đỡ vợ mình lúc khó khăn nhất. Dae Hyun có bị ảnh hưởng bởi những tư duy phong kiến đấy nhưng anh không phải người xấu. Chẳng qua những con người đã tiếp xúc được dạy từ bé bằng những suy nghĩ đấy, sẽ phát triển theo hướng đấy. Và cũng không thể nào thay đổi ngay được, việc thay đổi anh, bố Ji Young hay những người phụ nữ cam chịu mặc cho xã hội đè nát cả tương lai ước mơ, cuộc đời kia. Chúng ta cần thời gian và dạy cách tư duy khác đi cả một thế hệ hàng chục, hàng trăm triệu người đang còn tư tưởng han-nam (đàn ông là trung tâm của cuộc sống, hiểu đơn giản là gia trưởng) này.

Hàn Quốc là đất nước phát triển thế những trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới . Hàn Quốc xếp gần cuối bảng trên toàn thế giới. Những hành vi bạo lực đối với phụ nữ trong xã hội Hàn không phải là đột nhiên bùng phát. Đó là vấn đề tồn tại dai dẳng suốt hàng trăm năm lịch sử Hàn Quốc, đấy là những tội ác mà nó bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử và ghét bỏ người phụ nữ vì giới tính của họ.

Họ là phụ nữ, họ là con người, xin đừng tước đoạt quyền con người của họ.

Mua sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982” khoảng 47.000đ đến 50.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 Fahasa” tại đây

Đọc sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 ebook pdf

Để download “sách Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982 pdf” bạn cần có tài khoản tại Siêu thị sách 86 hoặc đồng thời (Like Page Sach86 và comment Email) phía dưới để nhận link tải sách.

(Trong nhiều trường hợp vướng mắc về bản quyền hoặc mới xuất bản nên một số link sách sẽ không được cung cấp. Hoặc số lượng fan xin sách quá nhiều Sach86 không thể gửi kịp trong thời gian 15 ngày nên rất mong mọi người thông cảm).

[Cong1]

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

One Reply to “Kim Ji Young, Born 1982 – Sinh Năm 1982”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *